Phân tích truyện An Dương Vương và Mỵ Châu – Trọng Thủy (dưới góc độ thi pháp)

phan-tich-truyen-an-duong-vuong-va-my-chau-trong-thuy-duoi-goc-do-thi-phap

Phân tích truyện An Dương Vương và Mỵ Châu – Trọng Thủy (dưới góc độ thi pháp)

Trong truyền thuyết An Dương Vương và Mỵ Châu – Trọng Thủy, quan niệm nghệ thuật về con người là phương diện nổi bật của thi pháp truyện. Truyện An Dương Vương và Mỵ Châu – Trọng Thủy thuộc thể loại truyền thuyết. Do vậy, trước hết, quan niệm nghệ thuật về con người trong thiên truyện này phản ánh niềm tin của cộng đồng: Con người có sự gắn kết với thế giới tâm linh cùng các lực lượng siêu nhiên, con người bị tác động và chi phối bởi lực lượng siêu nhiên của cả cái thiện và cái ác. Cái ác hiển lộ trong những thế lực của vua đời trước gây oán với An Dương Vương, cản trở và phá hoại công việc xây thành Cổ Loa của An Dương Vương. Cái thiện được hiển thể qua nhân vật rùa vàng Kim Qui trong hình ảnh ông già từ phương Bắc đến và hình ảnh rùa thần giúp An Dương Vương xây thành thành công và trao tặng nỏ thần cho An Dương Vương chống giặc ngoại xâm.

Trong quan hệ của con người với lực lượng siêu nhiên hàm chứa các bài học có giá trị triết lý của con người: Một là, việc xây dựng quốc gia sẽ luôn gặp những thế lực thù địch. Hai là, muốn dựng nước và bảo vệ nước thành công thì cần phải chú ý không chỉ thành lũy mà cả vũ khí. Ba là, phải có sự rạch ròi giữa việc công và việc tư, trong đó phép công là trọng, và phải luôn được đặt ở vị trí hàng đầu.

Tuy vậy, ngay trong mối quan hệ với lực lượng thần thánh, siêu nhiên, tác giả dân gian không đánh mất vị thế con người bởi những triết lý và ý nghĩa của chúng mang giá trị nhân sinh. Trong thiên truyện, con người là nhân vật trung tâm, điều này khác với thần thoại coi thần hoặc á thần là nhân vật trung tâm. Con người được nhìn và xây dựng từ cốt lõi sự thực lịch sử, trong đó, nhân vật trung tâm và nhân vật chính là những nhân vật lịch sử có ý nghĩa biểu trưng cho cộng đồng. Theo đó, An Dương Vương được quan niệm như con người vừa có công dựng nước vừa có tội để mất nước. Mặt khác, thiên truyện này cũng quan niệm con người với cái chung và cái riêng trong mối quan hệ phức tạp như vốn có trong thực tế. Vì vậy, An Dương Vương được nhìn ở góc độ vừa là vua, cũng vừa là cha; vừa là anh hùng, cũng vừa là tội nhân. Con người cũng được nhìn trong mối quan hệ giữa tình yêu và vận nước, tình riêng và nghĩa chung qua bi kịch Mỵ Châu – Trọng Thủy.

Trong quan niệm nghệ thuật về con người, nếu như ở thần thoại, cốt lõi của vấn đề quyết định tất cả là sức mạnh, quyền năng của thần, thì ở truyền thuyết, yếu tố quyết định là con người. Đặc biệt con người trong truyền thuyết được chú ý và đề cao về phương diện mưu trí. An Dương Vương xây thành và thắng giặc là nhờ trí khôn, mưu lược; và để mất thành cũng vì thua mưu kẻ thù, ỷ lại vào sức mạnh mà quên mất cơ mưu.

Chính vì thế, con người trong truyền thuyết này được nhìn từ nhiều chiều kích hướng đến cái lõi của vấn để là lịch sử dựng nước và mất nước của An Dương Vương. Nghĩa là, tác giả dân gian đã đặt nhân vật An Dương Vương trên nền sự kiện lịch sử trọng đại là xây thành, chiến thắng giặc ngoại xâm và để mất nước, nhưng vấn đề không chỉ thuộc về mỗi mình nhân vật này, mà được nhìn trong sự tham chiếu của nhiều mối quan hệ. Trong đó, các quan hệ tiêu biểu bao gồm:

Một là, An Dương Vương, với tư cách là người đứng đầu đất nước, trong quan hệ với quá khứ và tiền nhân. Ý nghĩa của mối quan hệ này là khi xây dựng một triều đại mới, một đất nước mới, cần lưu ý và không được bỏ qua những mối quan hệ với quá khứ, nhất là những vấn đề ân oán: Vua An Dương Vương nước Âu Lạc, họ Thục tên Phán (…) xây thành ở đất Việt Thường hễ đắp tới đâu lại lở tới đấy. Vua bèn lập đàn trai giới, cầu đảo bách thần. Thế nhưng, khi có thần Kim qui thông tỏ việc trời đất, âm dương, quỷ thần bày kế cho, trong đó chủ yếu là việc cúng tế giải quyết ân oán với tiền nhân, thì thành xây nửa tháng thì xong.

Hai là, quan hệ với những đặc điểm văn hóa kết tinh, có giá trị xuyên thời gian không gian, thể hiện trong hình thái lực lượng siêu nhiên tốt đẹp, nhưng thực chất là công lý, lẽ phải. Điều này thể hiện trong các tình tiết: Cụ già từ phương Đông tới, sứ Thanh Giang (rùa vàng) tới giúp xây thành và vũ khí chống giặc, rùa vàng chỉ rõ kẻ nào là giặc, và cứu An Dương Vương thoát chết.

Ba là, mối quan hệ với ngoại bang bao hàm ý nghĩa là: có thể thiết lập, nhưng luôn cẩn trọng, không được lơ là, mất cảnh giác, không vì quan hệ của cá nhân mà quên bổn phận trọng đại của quốc gia.

Bốn là mối quan hệ với người ruột thịt trong gia đình: phải rõ ràng, dứt khoát, không nhập nhằng.

Về kết cấu thẩm mỹ, truyện có kiểu kết cấu kép: Hai phân hệ hình tượng trong một hệ thống nghệ thuật tương sinh, cùng tồn tại, có mối quan hệ mật thiết, tương tác, chi phối và ảnh hưởng lẫn nhau nhưng có tính độc lập, phản ánh hai kiểu hiện thực và văn hóa cơ bản của con người: Vấn đề trọng yếu của dân tộc trong việc dựng nước, giữ nước và vấn đề trọng yếu của con người trong phương diện quyền sống, quyền được yêu thương.

Phân hệ thứ nhất của hệ thống toàn truyện là thuộc địa hạt lịch sử mà nhân vật An Dương Vương là trung tâm với các sự kiện diễn ra theo trục thời gian trong cuộc đời nhân vật này gắn với lịch sử dân tộc như xây thành, đánh thắng giặc, chủ quan, lơ là việc nước, mất nước, giết con và được rùa vàng cứu thoát. Phân hệ thứ hai là mối tình Mỵ Châu – Trọng Thủy, với các tình tiết yêu nhau, hôn nhân, lợi dụng, hối hận, sám hối. Mối quan hệ về ý nghĩa của hai phân hệ hình tượng này là mối quan hệ giữa những vấn đề trong yếu của con người, giữa cái chung với cái riêng, cộng đồng với cá nhân, dân tộc với công dân, nghĩa cha con và tình chồng vợ, tình yêu lứa đôi.

Với kết cấu như thế, Truyện An Dương Vương và Mỵ Châu – Trọng Thủy hàm chứa và truyền tải được nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến không chỉ những phương diện thuộc chính sự quốc gia, mà còn với đời sống tình cảm riêng tư của con người. Nói cách khác, đó cũng là cách nhìn lịch sử từ phương diện các mối quan hệ tiêu biểu của người đứng đầu quốc gia. Điều đó tiềm ẩn giá trị hiện thực, văn hóa và nhân văn; mãi là bài học có ý nghĩa và giá trị to lớn cho không chỉ với những người nắm giữ vận nước, mà còn với mỗi cá nhân con người trong cộng đồng dân tộc.

1 Trackbacks / Pingbacks

  1. Phân tích bài học cảnh giác và bi kịch tình yêu trong truyền thuyết "An Dương Vường và Mị châu - Trọng Thủy. - Theki.vn

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.