Phân tích truyện Chiếc lá cuối cùng

Phân tích truyện Chiếc lá cuối cùng

  • Mở bài:

O. Henri (1862 -1910) là nhà văn nổi tiếng nước Mĩ. Truyện ngắn của ông có lối viết nhẹ nhàng, đầy tình huống hấp dẫn, kết cấu chặt chẽ…  hướng vào cuộc sống nghèo khổ, bất hạnh của người dân Mĩ. Một số truyện mang ý nghĩa phê phán xã hội rõ rệt đã tạo nên giá trị tư tưởng và nghệ thuật trong những tác phẩm của O.Hen ri và rất lôi cuốn sự hứng thú của bạn đọc. Chiếc lá cuối cùng là một trong những truyện tiêu biểu cho bút pháp nghệ thuật của O.Henri. Bằng tài kể chuyện khéo léo, cách xây dựng tình huống truyện đặc sắc cũng như sự chiêm nghiệm riêng về nghệ thuật, tác giả đã thành công để lại dấu ấn trong trái tim độc giả, biến Chiếc lá cuối cùng trở thành kiệt tác chung của nền văn học thế giới

  • Thân bài:

Với “Chiếc lá cuối cùng”, chúng ta bước vào thế giới của những nghệ sĩ nghèo. Họ tìm đến quảng trường Gri-niz gần công viên Oa sinh tơn không phải vì cái vẻ cổ kính, kì quặc, cũng không phải vì cái phong cảnh tuyệt vời của nó mà vì “tiền thuê rẻ”. Trong cái xã hội mà thước đo là đồng tiền thì « tiền thuê rẻ » cũng nói lên khá nhiều điều và tác giả cũng mỉa mai nhận xét: “Phố này có một khả năng rất quý. Hãy tưởng tượng xem một tay thu ngân nào đó mang hoá đơn đòi tiền sơn hay giấy và vải vẽ đi qua con đường này, đột nhiên lại gặp ngay chính mình quay trở ra, tiền nợ không thu được một xu nhỏ”. Và cái không gian đó cho dù nó được gọi là quảng trường thì nó vẫn bị chia nhỏ thành những quảng trường chằng chịt khiến cho phạm vi không gian bị thu hẹp lại. Sự chật hẹp hiện ra như mọc rêu khiến cho khu nhà càng thêm vẻ cô quạnh, hoang tàn. Cái không gian nghèo nàn ngay từ vẻ bên ngoài ấy chỉ tiếp nhận những con người ngụ cư.

Chiếc lá cuối cùng chính là thông điệp màu xanh về tình yêu thương và sự sống con người.  Tác phẩm ngợi ca tình bạn cao đẹp và cảm động. Hai nữ hoạ sĩ trẻ ở hai miền quê khác nhau: một cô từ bang Men tới, cô kia quê ở Ca-li-pho-ni-a và họ cùng thuê chung một phòng trọ nơi phố nghèo. Thế nhưng, điều gì đã gắn kết Xiu và Giôn xi lại với nhau? Trước hết, hai cô có cùng sở thích về món rau diếp xoăn trộn dầu dấm và kiểu ống tay rộng. Hai cô có cùng lựa chọn nghề hội hoạ: “hàng ngày làm việc lát con đường dẫn tới nghệ thuật bằng những bức tranh minh hoạ cho những truyện ngắn của các tạp chí, do các nhà văn trẻ viết để lát con đường của họ dẫn tới văn học”. Họ lại cùng cảnh nghèo. Họ vẽ tranh để kiếm cái lèn chặt dạ dầy thường hay trống rỗng của họ và cao hơn nữa là để duy trì sự sống của chính họ mỗi khi mùa đông băng giá đến.

Sự việc Giôn xi bị ốm cho ta thấy sự gắn bó giữa hai cô hoạ sĩ này không đơn thuần chỉ là mối quan hệ của những người trọ cùng một nhà mà thân thiết như chị em ruột thịt . Mùa đông năm ấy, chứng viêm phổi hoành hành đã “đánh ngã  hàng chục nạn nhân”. Đối với những người nghèo, cho dù họ là hoạ sĩ, thì đói rét và bệnh tật thường xuyên là khách không mời, thường xuyên gõ cửa rình rập và đe dọa họ. Trong mùa đông, điều đó càng trở nên ác liệt hơn. Đây là nghệ thuật tạo dựng tình huống. Tác giả chọn bệnh tật làm đối tượng miêu tả trực tiếp để đặc tả những phương diện khác. Chọn một nhân vật trong trạng thái ốm đau bệnh tật làm tiêu điểm cho hành vi hoạt động của các nhân vật khác là đòn bẩy để từ đó làm nổi lên các tình cảm nhân đạo, tạo ra thước đo phẩm chất nhân vật (chính trong hoàn cảnh bi đát ấy, tình bạn được thử thách). Đây là một cách tạo dựng tình huống có vấn đề để dẫn dắt tới cách giải quyết đột biến bất ngờ khi kết thúc truyện.

Ở phần thứ nhất của truyện, Giôn Xi xuất hiện vô cùng đặc biệt. Cô bị viêm phổi, nằm liệt giường. Bác sĩ nói: “Bệnh tình của cô ấy có thể nói là mười phần chỉ còn hy vọng được một thôi”. Bản thân Giôn xi là một cô gái ốm yếu và thiếu máu. Hoàn cảnh nghèo khó không có tiền. Bản thân chưa từng thành công trong sự nghiệp. Có thể nói, Giôn xi không có một sợi dây ràng buộc nào đáng kể với cuộc sống.

Cảnh ngộ ấy ảnh hưởng sâu sắc đến tâm trạng của Giôn xi. Nằm trên giường bệnh, cô mở to cặp mắt thẫn thờ nhìn tấm mành mành và thều thào ra lệnh cho Xiu “kéo nó lên”. Cô muốn nhìn xem chiếc lá thường xuân cuối cùng bên cửa sổ đã rụng chưa. Một cô gái trong tình trạng sức khoẻ yếu ớt, gần như cạn kiệt sức sống.

Qua câu nói của cô : “Đó là chiếc lá cuối cùng…. Em cứ tưởng là nhất định trong đêm vừa qua nó đã rụng…. Hôm nay nó sẽ rụng thôi và cùng lúc đó thì em sẽ chết” người đọc thấy rõ cô cảm thấy mình bất hạnh, bất lực trước bệnh tật, không tha thiết với cuộc sống, đó là tâm trạng chán nản của kẻ chờ đợi phút chia tay với cuộc đời.

Chi tiết Giôn xi đã không đáp lại những lời lẽ yêu thương của bạn, tâm hồn đang chuẩn bị sẵn sàng cho chuyến đi xa xôi bí ẩn của mình, cô vô cùng yếu đuối và tuyệt vọng. Giôn xi có những dự cảm mình sẽ chết, đáng sợ hơn là Giôn xi không cảm thấy luyến tiếc cuộc sống. Tâm hồn cô đã chuẩn bị sẵn sàng cho một chuyến đi xa, chỉ chờ cho chiếc lá thường xuân bé nhỏ đang quằn quại trong gió lạnh kia rụng xuống. Sự sụp đổ về tinh thần của cô hoạ sĩ trẻ bất hạnh làm cho bệnh tình ngày thêm trầm trọng. Cuộc sống của Giôn xi giờ đây được ví như chiếc lá nhỏ nhoi, yếu ớt, mảnh mai kia. Và cuộc đấu tranh để bảo vệ cái cuộc sống nhỏ nhoi, yêu ớt ấy là một cuộc đấu tranh với sự chiến thắng tuyệt vời của tình người.

Cô bệnh nhân ấy “yên trí là mình không thể khỏi được” đã bình thản lạnh lùng làm vái việc nhìn qua cửa sổ trong tư thế nằm trên giường bệnh đếm từng chiếc lá thường xuân đang rụng dần trong gió lạnh. Đối với Giôn Xi : chiếc lá là biểu tượng của thước đo thời gian, thước đo cuộc đời. Cuộc đời của cô, cô đã xây dựng cho mình một niềm tin bất hạnh : cô sẽ ra đi khi chiếc lá thường xuân cuối cùng rụng xuống. Một niềm tin định mệnh đớn đau. “Trong khắp thế gian, cái cô đơn nhất là một tâm hồn đã chuẩn bị sẵn sàng cho chuyến đi xa xôi bí ẩn của mình. Những sợi dây ràng buộc cô với tình bạn, với thế gian này cứ lơi lỏng dần từng cái một thì ý nghĩ kì quặc kia hình như lại càng choán lấy tâm trí cô mạnh mẽ hơn”. Sự so sánh cuộc đời con người với chiếc lá mong manh trước làn gió mạnh trong giá rét phũ phàng của mùa đông là một sự so sánh tuyệt vời sâu sắc. Đồng thời nó cũng nói lên sự đồng cảm xót xa của nhà văn trước đồng loại. Nghèo thường đi đôi với hèn, nhưng ở đây không phải là hèn trong phẩm cách mà là yếu đuối trong niềm tin, trong bản lĩnh. Trong cuộc sống tựa vai vào người khác như vậy, Giôn xi tự cảm thấy mình là gánh nặng cho người khác, cô đau khổ tự giầy vò vì thấy người khác phải chăm sóc mình, phải bận tâm vì mình. Niềm hi vọng ở đây duy nhất cô đặt cả vào chiếc lá thường xuân vàng úa, mỏng manh, nhỏ nhoi đang quằn quại trong gió lạnh. Cuộc đời của cô sẽ chấm dứt khi chiếc lá cuối cùng đó lìa cành. Đây quả là một sự so sánh tuyệt vời rất phù hợp với kiểu tư duy hình tượng Đông phương. Cuộc đời được ví với những cái mảnh mai yếu ớt, để đổ, dễ vỡ, là ngọn đèn cạn dầu leo lét trước gió. Và cuộc đấu tranh để bảo tồn cái nhỏ nhoi ấy, để bảo vệ cái yếu ớt ấy là phẩm chất tuyệt vời của tình người.

Chính trong hoàn cảnh bi đát ấy, tình bạn được thử thách, Xiu thương bạn vô cùng, cô đã khóc “đến ướt đẫm cả một chiếc khăn trải bàn Nhật Bản”. Xiu lo âu và đã làm tất cả để cứu Giôn xi. Cô vẽ nhiều hơn để có tiền mua thuốc và mua thức ăn cho bạn. Cô chăm sóc động viên bạn, nén nỗi xót thương lo lắng để nâng đỡ tinh thần cho bạn. khi đứa em tội nghiệp “nằm yên lặng và trắng nhợt như một pho tượng bị đổ” thì Xiu vẫn kiên nhẫn an ủi em. Cô nói qua làn nước mắt: “Em thân yêu, em yêu dấu !… Em hãy hứa với chị là hãy nhắm mắt lại và không nhìn ra ngoài cửa sổ nữa… Em hãy cố ngủ đi”. Xiu đã tận tình chăm sóc em, lúc thì quấy nước súp gà, lúc thì pha sữa với rượu Boóc đô, lúc thì đặt thêm gối, lúc thì mời bác sĩ, lúc thì cầu cứu bác Bơ men. Xiu đã giành giật với tử thần để chạy chữa cho đứa em nuôi bé bỏng tội nghiệp.

Có thể thấy, Xiu là hiện thân của lòng trắc ẩn, vị tha, là một con người giầu đức hy sinh thầm lặng, có một trái tim nhân hậu mênh mông. Xiu là một nhân vật rất đẹp làm ta xúc động và ngưỡng mộ về một tình bạn, tình chị em thuỷ chung, cao quý. Nhân vật Xiu toả sáng “bức thông điệp màu xanh” của “chiếc lá cuối cùng”.

Xuất hiện thầm lặng nhưng nổi bậc đó là cụ Bơ-men. Cụ Bơ men là một hoạ sĩ nghèo đã 60 tuổi, không thành đạt trong nghệ thuật: “cụ múa cây bút vẽ đã bốn mươi năm mà vẫn không với tới được gấu áo vị nữ thần của mình” nhưng sống rất lương thiện và luôn khát vọng sáng tạo một kiệt tác. Đã ngoài sáu mươi, nhưng bác Bơ men vẫn sống cô độc “trong một gian buồng tối om om ở tầng dưới” . Chỉ có những người nghèo mới phải ở trong một gian buồng như thế. Trong một gian buồng như thế thì vẽ thế nào được tranh, cho nên trên giá vẽ ở góc buồng của bác vẫn là một tấm vải trống trơn chưa có một nét vẽ. Không có tranh để bán, hàng ngày bác “kiếm được chút ít bằng cách ngồi làm mẫu cho các nghệ sĩ trẻ không đủ tiền thuê người làm mẫu chuyên nghiệp”. Cuộc sống của Bác thật khổ và thật bấp bênh.

Tuy sống trong nghèo khổ, suốt đời chỉ uống loại rượu nặng rẻ tiền, nhưng ước mơ sáng tạo lúc nào cũng cháy bỏng trong lòng bác. Bác luôn có ý định vẽ một bức tranh kiệt tác. Ước mơ, khát vọng của bác thật đẹp, thật chân chính. Để cứu người khỏi tai hoạ, kéo dài sự sống cho một tâm hồn yếu đuối đáng đếm lá rụng chờ chết, có những con người đứng trước cái chết không hề sợ chết. Cụ già Bơ-men, một hoạ sĩ già là một con người giầu đức hi sinh như vậy.

Để hoàn thành bức vẽ, cụ đã âm thầm, bí mật trong đêm mưa gió lạnh buốt, kiên cường vẽ chiếc lá. Chứng cớ là “người ta tìm thấy một chiếc đèn bão vẫn còn thắp sáng và một chiếc thang đã bị lôi ra khỏi chỗ để của nó, và vài chiếc bút lông rơi vung vãi, và một bảng pha màu có màu xanh và màu vàng trộn lẫn”. Và người hoạ sĩ già ấy đã phải trả một cái giá đắt đỏ cho bức vẽ chiếc lá cuối cùng của mình: cụ viêm phổi nặng và đã chết vì sưng phổi.

Cái chết của Bơ men thật là cao cả. Ông không chỉ thương xót, mà đã tìm ra cách để chữa căn bệnh nguy hiểm trong trí não giôn-xi, dù ông có phải xông pha trong bão tuyết. Bơ Men trở về và làm việc thầm lặng dưới ngọn đèn bão tuyết tù mù. Trong đêm mưa rét ấy, một kiệt tác đã hoàn thành, kịp thời thay thế cho chiếc lá vừa rung. Và cũng trong đêm mưa gió bão bùng ấy, sau khi vẽ bức kiệt tác trong tình thương của mình lên bức tường cáo tới sáu thước, bước xuống khỏi cái thang chông chênh, ông già đã bị viêm phổi nặng, rồi hai ngày sau ông đã lặng lẽ đi vào cõi vĩnh hằng. Cái chết lặng lẽ, sự hi sinh thầm lặng của ông ít ai biết đến, nhưng chính nó đã cứu sống được một mạng người- một con người còn rất trẻ và biết đâu, đó lại là một tài năng vĩ đại sau này sẽ tiếp tục con đường nghệ thuật chân chính mà Bơ men đã theo đuổi suốt đời. Cái chết là rất đáng ghét nhưng trong trường hợp của Bơ men, nó vô cùng đang kính trọng, bởi nó càng khẳng định lòng yêu thương con người, sự hi sinh cao cả vì con người của người nghệ sĩ già. Bác Bơ men đã chết nhưng tác phẩm kiệt xuất của bác vẫn sống mãi với hai cô gái nghèo, vẫn sống mãi trong lòng các thế hệ bạn đọc. Bởi vì tác phẩm đó đã biểu hiện tất cả phẩm chất cao đẹp của bác : nghèo nhưng vô cùng nhân hậu, giàu lòng yêu thương và đức hi sinh. Bác là biểu tượng của nghệ thuật vị nhân sinh cao cả.

  • Kết bài:

Với cách dàn dựng cốt truyện chu đáo, tình tiết sắp xếp khéo léo, hấp dẫn kết hợp với nghệ thuật đảo ngược tình huống truyện hai lần đã tạo ra hứng thú với người đọc, truyện ca ngợi tình yêu thương cao cả giữa những con người nghèo khổ. Tôn vinh giá trị, sức mạnh của nghệ thuật chân chính mang đến niềm vui và hạnh phúc cho con người.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang