Phân tích truyện cổ tích Tấm Cám (dưới góc độ thi pháp)

Phân tích truyện cổ tích Tấm Cám (dưới góc độ thi pháp)

Tấm Cám là một câu chuyện cổ tích Việt Nam thuộc thể loại truyện cổ tích thần kì. Dù có nhiều dị bản, câu chuyện này phản ánh những mâu thuẫn trong gia đình, đặc biệt là mối quan hệ mẹ kế – con chồng; cuộc đấu tranh giữa và cái thiện thắng cái ác của người Việt Nam.

Trong thi pháp truyện Tấm Cám, kết cấu nghệ thuật là một trong những phương diện có vai trò quan trọng hàng đầu. Tấm Cám thuộc thể loại truyện cổ tích có kết cấu mang tính kịch. Xung đột được xây dựng, triển khai theo các chặng của hình tuyến kịch giữa hai lực lượng là thiện và ác thông qua hình thức mẹ ghẻ con chồng.

Bắt đầu của mâu thuẫn và xung đột là sự bất công giữa Cám và Tấm. Dù Tấm và Cám là hai chị em cùng cha khác mẹ, nhưng do cha mẹ Tấm đều đã chết nên Tấm phải ở với dì ghẻ là mẹ của Cám, một người đàn bà rất cay nghiệt. Vì thế, bất công diễn ra:

Hằng ngày, Tấm phải làm lụng vất vả, hết chăn trâu, gánh nước, đến thái khoai, vớt bèo; đêm lại còn xay lúa, giã gạo mà không hết việc. Trong khi đó thì Cám được mẹ nuông chiều, được ăn trắng mặc trơn, suốt ngày quanh quẩn ở nhà, không phải làm việc nặng.

Tiếp theo, trong phần phát triển của mâu thuẫn, là các tình tiết tăng cấp tính chất mâu thuẫn, mà kẻ gây ra điều đó chính là hai mẹ con Cám. Mở đầu là việc Cám lừa Tấm khi hai chị em trên đường đi bắt tép về, rằng “Chị Tấm ơi chị Tấm. Đầu chị lấm, chị hụp cho sâu kẻo về mẹ mắng” để rắp ranh lấy trộm tép của Tấm, và khi Tấm tin là thật, Tấm bèn xuống ao lội ra chỗ sâu tắm rửa thì Cám đã trút hết giỏ tép của Tấm vào giỏ của mình và chạy về nhà trước.

Liền kế là việc hai mẹ con Cám lừa Tấm chăn trâu phải chăn đồng xa, chớ chăn đồng nhà làng bắt mất trâu, để ở nhà bắt trộm con cá bống của Tấm ăn thịt. Tình tiết này đã bắt đầu tăng nặng vì hai lẽ: Một là, nếu việc tráo giỏ tép thuộc về lỗi của một mình Cám thì việc giết con cá bống là thuộc về tội của cả hai mẹ con Cám; hai là, nếu việc tráo giỏ tép đơn thuần chỉ là sự tước đoạt quyền lợi vật chất thì việc giết con cá bống để ăn thịt là bao gồm cả tước đoạt quyền lợi vật chất và triệt tiêu đời sống tinh thần. Bởi với Tấm, con cá bống là nguồn an ủi rất lớn và duy nhất về tinh thần trong cảnh huống buồn khổ, cô đơn, tủi phận của mình.

Tuy nhiên, phải đến sau khi Tấm trở thành hoàng hậu trở đi thì mâu thuẫn mới phát triển mạnh về chất. Lý do vẫn là do hai mẹ con cám gây ra, còn Tấm thì vẫn thật thà, nhân ái nhưng cả tin. Và đó cũng là những điều kiện để mẹ con Cám thực hiện thành công các mưu mô của mình.

Mở đầu của chặng thứ hai này là hai mẹ con Cám quyết tâm giết Tấm. Khi Tấm vâng lời dì ghẻ trèo cau lấy quả xuống để cúng giỗ bố mình thì mẹ con Cám đã chặt cây cau, làm cho Tấm ngã xuống ao và chết. Từ sự kiện này, một cuộc rượt đuổi không khoan nhượng, không nương tay của cái xấu, cái ác, cái tàn độc và vô lương truy đuổi và tìm diệt cái thiện, cái lành, cái tốt và nhân văn.

Sau khi Tấm chết, hai mẹ con Cám vào cung, nói dối vua rằng Tấm không may ngã xuống ao chết và đưa em vào để thế chị. Còn Tấm thì hóa thành chim vàng anh. Chim bay một mạch về kinh, đến vườn ngự. Tấm bộc trực thể hiện quyền của mình trong lời cảnh báo Cám: Phơi áo chồng tao, phơi lao phơi sào, chớ phơi bờ rào, rách áo chồng tao. Nhưng mẹ con Cám tiếp tục bắt chim vàng anh giết thịt.

Và tiếp theo, khi lông chim vàng anh hóa thành hai cây xoan đào thì sự hiển lộ của Tấm là ở những đặc điểm lạ của cây thể hiện tình yêu thương đối với vua, chồng của mình: Lông chim vàng anh ở vườn hóa ra hai cây xoan đào. Khi vua đi chơi vườn ngự, cành lá của chúng sà xuống che kín thành bóng tròn như hai cái lọng. Vua thấy cây đẹp rợp bóng, sai lính hầu mắc võng vào hai cây rồi nằm chơi hóng mát. Khi vua đi khỏi thì cành cây lại vươn thẳng trở lại. Từ đó, không ngày nào là vua không ra nằm hóng mát ở hai cây xoan đào. Nhưng, mẹ con Cám đã chặt cây xoan đào để tiêu diệt Tấm, và nói dối vua rằng cây bị đổ vì bão nên sai thợ chặt để làm khung cửi dệt áo cho bệ hạ.

Với hình thức tồn tại mới là khung cửi, Tấm cảnh cáo Cám gay gắt và mạnh mẽ hơn trước thông qua tiếng kêu cót két của khung cửi mỗi lần Cám ngồi dệt vải: “Cót ca cót két,/ Lấy tranh chồng chị,/ Chị khoét mắt ra”. Mẹ con Cám thấy vậy lại tiếp tục tiêu diệt Tấm bằng cách đốt khung cửi rồi đem tro đi đổ cho xa để được yên tâm.

Thế nhưng, trong một dạng thái là tro tàn tưởng chừng không còn sự sống, Tấm vẫn sống, hay nói cách khác là sức sống, khát vọng sống của thiên lương và nhân văn vẫn tồn tại, phục sinh bằng cây thị, với duy nhất một quả thơm lừng, để rồi khi quả thị về với bà lão từ lời cầu xin nhân ái của bà thì Tấm hiện nguyên hình của cô Tấm ngày xưa. Và khi cơ duyên đến, Tấm lại trở về làm hoàng hậu sống cùng vua.

Đến đây, có thể thấy tính tư tưởng và thẩm mỹ của truyện được bao hàm, tiềm ẩn trong cách xây dựng cốt truyện, triển khai mâu thuẫn và xung đột trong sự phát triển, biến thái của từng yếu tố ở cặp mâu thuẫn đối lập: Cái ác (mẹ con Cám) luôn truy đuổi và tìm diệt Tấm trong bất cứ trạng huống nào. Cái tốt (Tấm) luôn bám riết lấy cuộc sống dù trong bất cứ bi kịch nào, tăng dần tiếng nói và ý thức phản kháng, linh hoạt trong những hình thức tồn tại và luôn hướng về quyền sống, quyền yêu thương và được yêu thương của mình.

Trong cuộc đấu tranh của Tấm chống lại mẹ con Cám có lực lượng trung thần – hình tượng Bụt – giúp Tấm trong những cảnh ngộ nhất định để Tấm vượt qua khó khăn, trước khi chuyển sang một phân cảnh mới. Mâu thuẫn ngày càng cao, nên Tấm lựa chọn các hình thức ứng phó bằng cách hóa thân người – động vật – thực vật – sự vật, nghĩa là tất cả mọi hình thái tồn tại, nhưng vẫn không thể vượt thoát được cái ác bủa vây nhằm triệt tiêu sự tồn tại của mình. Nghĩa là Tấm đã tìm hết mọi đường ứng xử nhưng vẫn không giải quyết được mâu thuẫn.

Do vậy, mâu thuẫn được đẩy đến điểm đỉnh và mở nút. Cái chung cục Tấm phải kết liễu đời mẹ con Cám diễn ra là tất yếu. Tư tưởng và thẩm mĩ của truyện Tấm Cám phải được hiểu từ tính cấu trúc thẩm mỹ như thế mới tôn trọng tính chỉnh thể nghệ thuật và tính hệ thống của truyện. Nếu giải thích theo kiểu cắt rời cấu trúc thành phân đoạn là siêu hình, thiếu biện chứng và bỏ qua tính đặc thù thẩm mỹ của văn bản văn học (chẳng hạn như một số ý kiến gần đây cắt rời phần kết thúc của tác phẩm khỏi tính hệ thống cấu trúc thẩm mỹ để xem xét và kết luận rằng sự trả thù của Tấm là độc ác, dã man).

Với kết cấu thẩm mỹ và cách xây dựng nhân vật trong thế mâu thuẫn, xung đột như thế, truyện Tấm Cám lấy chất liệu hiện thực xã hội là mối quan hệ của mẹ ghẻ – con chồng để không chỉ chuyển tải cuộc đấu tranh của các lực lượng đối kháng trong xã hội có giai cấp, hay chỉ nhằm minh chứng một cách đơn thuần cho triết lý tích thiện phùng thiện, ác giả ác báo, mà còn, và cơ bản là diễn trình được hành trình khốc liệt, bi tráng, đẫm nước mắt và máu của nhân tính, thiên lương, của những giá trị tốt đẹp kết tinh đạo đức và phẩm giá con người qua hình tượng Tấm giữa cõi mệnh tàn độc, quỉ quyệt, vô lương và tội lỗi. Cái ác luôn tìm cách triệt tiêu cái thiện, cái thiện luôn biến hóa, thích ứng để vượt thoát, tồn tại và phản kháng. Và không có con đường nào khác, một khi muốn tồn tại với những giá trị tốt đẹp và nhân văn của mình, thì cái thiện phải biết đấu tranh không khoan nhượng, tiêu diệt cái ác. Đó là giá trị hiện thực sâu sắc và nhân văn cao đẹp của truyện Tấm Cám, nhìn từ thi pháp kết cấu thẩm mỹ của truyện.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.