Phân tích truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu (dưới góc độ thi pháp)

phan-tich-truyen-ngan-chiec-thuyen-ngoai-xa-cua-nguyen-minh-chau-duoi-goc-do-thi-phap

Phân tích truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu (dưới góc độ thi pháp)

Trong sáng tác của Nguyễn Minh Châu có hai chặng với những đặc điểm khác biệt. Nếu chặng trước 1975, các sáng tác của ông phản ánh cuộc sống của con người từ góc nhìn và cảm hứng sử thi, tiêu biểu như “Cửa sông”, Những vùng trời khác nhau, “Dấu chân người lính“, thì chặng sau 1975, ông chú tâm đến những thân phận con người đời thường, tiêu biểu như “Khách ở quê ra“, “Cỏ lau“, “Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành“, “Phiên chợ Giát“, “Chiếc thuyền ngoài xa. Một trong những điểm khác biệt cơ bản trong sáng tác của chặng sau 1975 so với trước đó chính là quan niệm nghệ thuật về con người. Truyện Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu là một trong những minh chứng cho điều đó.

Với Chiếc thuyền ngoài xa, từ sự đổi mới về quan điểm văn nghệ và sáng tác, Nguyễn Minh Châu đi vào đời sống của những thân phận hẩm hiu, khổ cực và cay đắng, tìm tòi và khai sáng những nét phẩm chất tốt đẹp của họ, khơi tỏa những vấn đề nhân loại cần quan tâm ở những cuộc đời tưởng chừng bị lấp vùi trong mưu sinh khó nhọc, vất vả với áo cơm đời thường.

Trong thiên truyện này, cái nhìn tập trung vào nhân vật người đàn bà hàng chài, vợ của ông chài độc dữ và tàn nhẫn. Các nhân vật khác, từ nghệ sĩ nhiếp ảnh Phùng, quan tòa Đẩu, người chồng vũ phu, tàn ác và cả Phác – đứa con trai của họ – đều được xây dựng trong những mối quan hệ với nhân vật ấy theo góc tham chiếu hướng về nhân vật trung tâm của tình huống truyện, làm rõ quan niệm nghệ thuật của tác giả. có thể coi trong quan niệm nghệ thuật về con người của thiên truyện này, tác giả đã tạo nên một sự va đập giữa hai quan niệm sống, hai cái nhìn cuộc đời và con người: một bên là quan niệm, cái nhìn của phùng, của đẩu – đại diện cho tính cách quan phương, và một bên là triết lý sống của người đàn bà nạn nhân của đói khổ, đòn roi, đại diện cho những thân phận dưới đáy xã hội.

Tuy nhiên, điều thú vị chính là ở chỗ, quan niệm và triết lý sống của người đàn bà ấy đã chiến thắng, đã qui phục cả nghệ sĩ nhiếp ảnh và quan tòa, thậm chí, ở một mức độ nào đó, đã khai tâm khai nhãn họ. Khi đối thoại với Phùng và Đẩu, với triết lý rằng “Lòng các chú tốt, nhưng các chú đâu có phải là người làm ăn… cho nên các chú đâu có hiểu được cái việc của các người làm ăn lam lũ, khó nhọc…”“Là bởi vì các chú không phải là đàn bà, chưa bao giờ các chú biết như thế nào là nỗi vất vả của người đàn bà trên một chiếc thuyền không có đàn ông…”. Đàn bà ở thuyền chúng tôi phải sống cho con chứ không thể sống cho mình như ở trên đất được!… , người đàn bà ấy đã làm cho cả vị quan tòa và nghệ sỹ nhiếp ảnh, những nhân vật biểu trưng cho công lý và nghệ thuật, hiểu ra những điều mới mẻ về con người.

Truyện có hai tình huống xung đột. Một là xung đột xã hội đời thường giữa ông chồng tàn bạo với vợ mình, giữa Phác với cha mình, mà nói chung là xung đột trong gia đình. Hai là xung đột về triết lý sống và cái nhìn về con người giữa người đàn bà nạn nhân ấy với quan điểm chung của xã hội thể hiện qua nhân vật quan tòa Đẩu và nghệ sỹ Phùng. Xung đột thứ nhất là nguyên cớ để đẩy tới tình huống xung đột thứ hai. Và chung cục là quan niệm nghệ thuật về con người của tác phẩm rõ ra, tường minh: Với con người, phải đi đến tận cùng những cảnh ngộ và nỗi niềm của họ mới hiểu thấu họ được. Nhất là với những cảnh đời, nhìn bề ngoài tưởng chừng như hết sức vô lý và ngang trái, nhưng đâu đó vẫn hàm chứa những cái lý của cuộc sống, mà tận sâu xa của sự cam chịu mọi nỗi khổ đau chính là đức hi sinh, là sự quên mình vì tình yêu thương, cho tình yêu thương.

Với quan niệm nghệ thuật mới mẻ và sâu sắc đó, ngôn từ của truyện Chiếc thuyền ngoài xa đã tập trung làm rõ chủ đề tư tưởng của tác phẩm. Trong thiên truyện này, ngôn từ nghệ thuật được xây dựng và triển khai theo ba tuyến: Tuyến thứ nhất là ngôn từ của nghệ sĩ nhiếp ảnh Phùng – người kể chuyện, tuyến thứ hai là ngôn từ của chánh án Đẩu, và tuyến thứ ba là của các nhân vật trong gia đình cậu bé Phác, chủ yếu là của nhân vật người mẹ. Ba tuyến ngôn từ này đại diện cho phát ngôn của ba giới lao động khác nhau, với những đặc tính tư tưởng và thẩm mỹ khác nhau. Tuy nhiên, lộ trình của tính tư tưởng và thẩm mỹ của từng tuyến có sự chuyển biến, thay đổi. Ban đầu là với những điểm xuất phát và các đặc thù riêng, dần dần cả ba tuyến tiến đến tiệm cận với nhau, trên cơ sở những thay đổi về triết lý, quan niệm nghệ thuật và nhân sinh. Có thể coi tuyến thứ nhất thuộc ngôn ngữ vừa của người kể chuyện vừa của nhân vật, tuyến thứ hai và thứ ba thuộc ngôn ngữ nhân vật.

Ở tuyến thứ nhất, hệ thống ngôn từ được phát ngôn thể hiện quan niệm sống, tư tưởng và thẩm mỹ của nghệ sĩ Phùng. Đó là ngôn từ của cái nhìn cuộc sống từ những tiêu chí thẩm mỹ nghệ thuật thể hiện trong cách miêu tả, so sánh, nhận xét, đánh giá, chuyển nghĩa. Ví dụ: bức tranh mực tàu của một danh họa thời cổ; bầu sương mù trắng như sữa có pha đôi chút màu hồng hồng do ánh mặt trời chiếu vào; tất cả khung cảnh ấy nhìn qua những cái mắt lưới và tấm lưới nằm giữa hai chiếc gọng vó hiện ra dưới một hình thù y hệt cánh một con dơi, toàn bộ khung cảnh từ đường nét đến ánh sáng đều hài hòa và đẹp, một vẻ đẹp đơn giản và toàn bích; chân lý của sự toàn thiện, khoảnh khắc trong ngần của tâm hồn, hạnh phúc tràn ngập tâm hồn mình, do cái đẹp tuyệt đỉnh của ngoại cảnh mang lại.

Khi hiện thực về câu chuyện xung đột trong gia đình Phác diễn ra một cách đột ngột ở những cảnh như người chồng đánh vợ tàn nhẫn, con đánh lại cha để bảo vệ mẹ, người mẹ phân trần trước lãnh đạo tòa án để bộc lộ nỗi niềm và xin cho chồng khỏi bị tù tội, thì sự vỡ òa nhận thức về cuộc sống đã chuyển ngôn từ tuyến thứ nhất với miêu tả, phẩm bình cuộc sống bằng cái nhìn và tiêu chí cái đẹp của nghệ thuật sang trần thuật thực trạng cuộc sống vất vả, cơ cực, đau buồn của người lao động. Khi đến kết truyện thì lồng ghép tâm điểm hiện thực vào hồn của bức tranh phong cảnh thuyền và biển trong sương sớm như là hạt nhân, thần thái đích thực của bức tranh: tuy là ảnh đen trắng nhưng mỗi lần ngắm kỹ, tôi vẫn thấy hiện lên cái màu hồng hồng của ánh sương mai lúc bấy giờ tôi nhìn thấy từ bãi xe tăng hỏng, và nếu nhìn lâu hơn, bao giờ tôi cũng thấy người đàn bà ấy đang bước ra khỏi tấm ảnh.

Trong tuyến thứ hai, ngôn từ được xây dựng theo chức năng phát ngôn của người đại diện pháp luật, công lý: Ngồi sau một chiếc bàn lớn, Đẩu nhổm dậy chỉ chiếc ghế mây trước mặt; thế nào, chị đã nghĩ kỹ chưa? Chủ trương nguyên tắc của chúng tôi là kêu gọi hòa thuận… Cũng như tuyến thứ nhất, ngôn từ nghệ thuật của tuyến thứ hai biến chuyển theo lộ trình đi đến cái chung thống nhất với tuyến thứ nhất: Từ lời lẽ của một vị quan tòa, đến sự bất ngờ trước cảnh trạng và triết lý sống của nạn nhân mà cả nghệ sĩ và quan tòa đều không thể nào hiểu được, không thể nào hiểu được, nhưng chung cuộc là phải, phải, bây giờ tôi đã hiểu.

Tuyến thứ ba, chủ yếu là ngôn từ của người đàn bà, nạn nhân của tội ác vũ phu tàn bạo, bất công; cam chịu và nhẫn nhục tìm hạnh phúc trong đau khổ. Đó là ngôn từ bình dân, chân chất sự thật trần trụi của cuộc sống; ngôn từ của sự bầm dập và nếm trải thực tế phũ phàng của cuộc đời, chấp nhận cuộc đời như nó vốn có; nhưng cũng sáng lên cái triết lý sống và quan niệm về cuộc đời, về hạnh phúc rất thực tế. Có thể coi chính tính tư tưởng và thẩm mỹ của tuyến ngôn từ này đã chinh phục cả nhân vật nghệ sĩ nhiếp ảnh và nhân vật quan tòa, làm mới nhận thức và kéo những quan niệm, nhận thức quan phương xích lại gần chân lý cuộc sống: là bởi vì các chú không phải là đàn bà, chưa bao giờ các chú biết như thế nào là nỗi vất vả của người đàn bà trên một chiếc thuyền không có đàn ông…, vui nhất là lúc ngồi nhìn đàn con tôi chúng nó được ăn no…

Nhìn chung, ngôn từ nghệ thuật của Chiếc thuyền ngoài xa mang tính đa trị: vừa miêu tả, tường thuật một câu chuyện cụ thể, xác thực, chi tiết vừa mang tính triết luận; vừa trực cảm vừa ý niệm. Cái cụ thể, xác thực và trực cảm là nội dung câu chuyện như nó đã xảy ra và được nhà văn thuật lại qua hệ thống ngôn từ cụ thể. Cái ý niệm, triết lý nằm ở chiều sâu của nhận thức và suy ngẫm trên cơ sở sự tương tác trong lộ trình vận hành của các trường từ ngữ. Đó chính là cái nhìn mới, quan niệm mới về mối quan hệ giữa nghệ thuật với hiện thực, mà theo đó thì nghệ thuật phải đi sâu vào hiện thực cuộc sống, phải tìm chân lý từ tận cùng những thân phận con người khốn khó, khổ đau và bất hạnh.

Xem thêm:

Qua Chiếc thuyền ngoài xa, hãy chứng minh: Nét nổi bật ở nhân vật Phùng là một tâm hồn nhạy cảm, say mê cái đẹp và một tấm lòng trăn trở, lo âu về thân phận con người

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.