Phân tích Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của Nguyễn Đình Chiểu (dưới góc độ thi pháp)

phan-tich-van-te-nghia-si-can-giuoc-cua-nguyen-dinh-chieu-duoi-goc-do-thi-phap

Phân tích “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” của Nguyễn Đình Chiểu (dưới góc độ thi pháp).

Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của Nguyễn Đình Chiểu được viét bằng chữ Nôm, gồm 30 liên, tức 60 vế đối biền ngẫu, làm theo thể phú luật Đường luật, có vần, có đối. Toàn bài mang tính chất trầm hùng, bi thiết, có sức cổ vũ lớn. Cái đặc sắc, kỳ thú ở bài văn là dùng nhiều ngôn ngữ và chi tiết bình thường, quen thuộc trong đời sống hàng ngày mà dựng lên được hình ảnh rất sống của thế hệ những người chống Pháp tiêu biểu buổi ấy… Nói cách khác, bài văn là một thành tựu xuất sắc về nghệ thuật xây dựng hình tượng nhân vật, kết hợp nhuần nhuyễn chất trữ tình và tính hiện thực. Ngôn ngữ thì bình dị, mộc mạc, giàu lời ăn tiếng nói thân thuộc của nhân dân, đặc biệt là bản sắc địa phương Nam Bộ.

Thi pháp Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của Nguyễn Đình Chiểu với ba phương diện nổi bật là quan niệm nghệ thuật, cái nhìn nghệ thuật về con người và giọng điệu nghệ thuật, có tác dụng lớn trong việc tạo nên hiệu quả thẩm mỹ và tư tưởng cho tác phẩm bất hủ này.

Thứ nhất là quan niệm nghệ thuật về con người. Đến thời Nguyễn Đình Chiểu, không ai còn lạ hay nghi nghờ gì về sức dân nói chung và vai trò của người dân trong chiến tranh chính nghĩa của dân tộc Việt Nam chống kẻ thù ngoại xâm nói riêng. Tuy nhiên, ở một thời điểm và hoàn cảnh lịch sử có tính đặc thù, hình tượng người nông dân chống ngoại xâm trong quan niệm và cái nhìn mới của Nguyễn Đình Chiểu thực sự đã hiển lộ những giá trị, dáng nét cao đẹp mới, làm sáng ngời bản lĩnh và ý chí Việt Nam; thể hiện rõ ý thức về niềm vinh nỗi nhục, về lẽ sinh tử và hành xử văn hóa của con người Việt Nam.

Ngay từ đầu tác phẩm, Nguyễn Đình Chiểu nêu một định đề mới có ý nghĩa đúc kết một chân lý trong lịch sử Việt Nam chống giặc ngoại xâm, thể hiện tầm tổng quan và đúc kết hiện thực, qua đó bộc lộ quan niệm về con người của mình:

Hỡi ôi!
Súng giặc đất rền; lòng dân trời tỏ.

Đặc điểm này của nhân dân vừa là một phẩm chất truyền thống, lại vừa có tính lịch sử cụ thể từ những người nghĩa sỹ Cần Giuộc mà Nguyễn Đình Chiểu khóc thương bằng bài văn tế này. Tính đặc thù của hoàn cảnh chiến đấu của người nghĩa sỹ Cần Giuộc so với những cuộc kháng chiến trước đó trong lịch sử Việt Nam là họ tự nguyện đứng lên giết giặc khi triều đình đã qui hàng thực dân Pháp. Thế nên, chỉ có trời mới có thể tỏ lòng cho họ được. Như thế, trong cách nhìn về những người nông dân thời bình vốn hẩm hiu, buồn phận cui cút làm ăn, toan lo nghèo khó ấy, Nguyễn Đình Chiểu đã vinh danh họ bằng một chân lý.

Quan niệm mới của Nguyễn Đình Chiểu về con người thể hiện trong cái nhìn nghệ thuật rất cụ thể với những điểm nhìn tiêu biểu nhất, xác thực và vô cùng xúc động.

Một là, con người được nhìn trong hai không gian, thời gian khác nhau có tính chất trái ngược là thời bình và thời chiến. Thời bình thì:

Cui cút làm ăn; toan lo nghèo khó
Chưa quen cung ngựa, đâu tới trường nhung; chỉ biết ruộng trâu, ở trong làng bộ
Việc cuốc, việc cày, việc bừa, việc cấy, tay vốn quen làm; tập khiên, tập súng, tập mác, tập cờ, mắt chưa từng ngó.

Trong thời bình, thân phận người nông dân bị chìm khuất giữa những công việc mưu sinh áo cơm thường nhật. Thế nhưng trong thời chiến, khi súng giặc đất rền, thì lòng dân trời tỏ. Đó là, với nhận thức không đội trời chung với giặc và lòng căm thù cao độ ghét thói mọi như nhà nông ghét cỏ, người nông dân tự nguyện đứng lên chiến đấu vì nghĩa lớn:

Bữa thấy bòng bong che trắng lốp, muốn tới ăn gan; ngày xem ống khói chạy đen sì, muốn ra cắn cổ
Một mối xa thư đồ sộ, há để ai chém rắn đuổi hươu; hai vầng nhật nguyệt chói lòa, đâu dung lũ treo dê bán chó
Nào đợi ai đòi ai bắt, phen này xin ra sức đoạn kình; chẳng thèm trốn ngược trốn xuối, chuyến này dốc ra tay bộ hổ.

Với các điểm nhìn ở các cực tĩnh và động đối lập như thế, hiệu quả thẩm mỹ và tư tưởng đạt được không chỉ là lòng thương cảm người nông dân sống hẩm hiu, cam phận trong xã hội thời bình, mà còn là sự vinh danh những phẩm chất tốt đẹpcủa lòng yêu nước, đức hi sinh của người nông dân vì sự tồn vong của đất nước khi Tổ quốc lâm nguy.

Hai là, con người được nhìn trong mối quan hệ với quá khứ – hành xử trong hiện tại – chiến đấu vì tương lai. Cụ thể là người nông dân nghĩa sỹ sống trong hiện tại nhưng luôn mang trong mình tiềm thức của quá khứ cha ông, tổ tiên. Nổi bật trong đó là lòng thủy chung với tổ tiên, ý thức về bổn phận và đạo lý truyền thống tốt đẹp của dân tộc về lòng yêu nước. Chính từ những triết lý sống đó, người nông dân đã tự chịu trách nhiệm trước lịch sử về hành vi tự nguyện chiến đấu giết giặc ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc. Họ không chỉ chiến đấu cho hiện tại vì sống làm chi theo quân tà đạo, vì tấc đất ngọn rau ân chúa tài bồi cho nước nhà ta; bát cơm manh áo ở đời, còn mắc mớ chi ông cha nó…, mà còn vì tương lai quyết không có bóng quân thù trên đất Việt. Vì thế nên Sống đánh giặc, thác cũng đánh giặc, linh hồn theo giúp cơ binh, muôn kiếp nguyện được trả thù kia…

Ba là, con người được nhìn trong lẽ sống – chết; vinh – nhục; và trong mối quan hệ giữa thực tế và tâm linh. Bên trong con người nông dân lầm lũi nắng mưa, vất vả với ruộng nương để mưu sinh hằng ngày ấy vẫn luôn hằng thường ý thức rõ ràng về lẽ sống – chết: Sống xứng đáng làm con người chân chính, sẵn sàng xả thân vì Tổ quốc; thà chết vinh còn hơn sống nhục, thà chết mà giữ trọn đạo lý làm người, thủy chung với tiên tổ còn hơn sống nô lệ. Mặt khác, trong nhận thức và hành xử, người nông dân luôn hướng tới cái lẽ hằng thường của đời sống tâm linh, sức mạnh tâm linh. Đó là một nét đẹp trong tín ngưỡng và văn hóa tâm linh Việt Nam. Chính bởi có đức tin như thế, nên người nông dân nghĩa sỹ luôn nhớ về tổ tiên, quyết giữ đất thiêng của cha ông, và tin rằng, nếu phải chết vì
nghĩa lớn thì linh hồn vẫn còn để sống đánh giặc, thác cũng đánh giặc; linh hồn theo giúp cơ binh.

Cùng với quan niệm nghệ thuật và cái nhìn nghệ thuật như thế, Giọng điệu Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của Nguyễn Đình Chiểu cũng là một phương diện hết sức đặc biệt. Âm hưởng chung của không khí thời đại đau thương nhưng hào hùng lúc bấy giờ đã phổ vào Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, và góp phần tạo nên giọng điệu của tác phẩm này. Đồng thời, chính giọng điệu của Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc lại góp phần tô đậm tinh thần thời đại đau thương mà anh dũng của dân tộc Việt Nam trong giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp cuối thế kỉ XIX.

Nét cơ bản trong giọng điệu của Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc là chất bi tráng. Tác giả thể hiện khúc ca bi thương đến tột cùng khi nói về những cảnh hi sinh, mất mát của người dân ấp dân lân nghĩa sĩ:

Đoái sông Cần Giuộc cỏ cây mấy dặm sầu giăng, nhìn chợ Trường Bình già trẻ hai hàng lụy nhỏ./ Đau đớn bấy mẹ già ngồi khóc trẻ, ngọn đèn khuya leo lét trong lều
Não nùng thay vợ yếu chạy kiếm chồng, cơn bóng xế giật dờ trước ngõ. Các từ ngữ như sầu giăng, lụy, khóc.

Các thán ngữ đau đớn bấy, não nùng thay; các hình ảnh gây ấn tượng sầu thảm mẹ già ngồi khóc trẻ, vợ yếu chạy kiếm chồng có giá trị biểu đạt sự bi thương đến cao độ. Nguyễn Đình Chiểu đi đến mức tột cùng trong cái bi, nhưng không tạo nên bi lụy. Bởi vì cái nền của nó chính là chất tráng. Người nghĩa sĩ nông dân trước cảnh nước mất nhà tan, không thể trông đợi triều đình, một khi triều đình đã bất lực và phản dân, nên đã tự nguyện đứng lên đánh giặc với tinh thần yêu nước thấm sâu trong suy nghĩ và hành động của người dân Việt từ hàng ngàn đời nay: Nào đợi ai đòi ai bắt, phen này xin ra sức đoạn kình; chẳng thèm trốn ngược trốn xuôi, chuyến này xin dốc tay bộ hổ. Họ chiến đấu trên nền tảng tinh thần đó, tư tưởng đó nên mạnh mẽ, dũng cảm, chấp nhận hy sinh vì nghĩa lớn:

Hỏa mai đánh bằng rơm con cúi; cũng đốt xong nhà dạy đạo kia; gươm đeo dùng bằng lưỡi dao phay, cũng chém rớt đầu quan hai nọ
Chi nhọc quan quản gióng trống kỳ trống giục, đạp rào lướt tới coi giặc cũng như không; nào sợ thằng Tây bắn đạn nhỏ đạn to, xô cửa xông vào liều mình như chẳng có…

Do vậy, việc hy sinh mất mát không những không làm bi lụy lòng người mà còn tạo nên những giá trị mới cho chất tráng có thêm cơ sở chân chính và trở nên mạnh mẽ hơn: Sống đánh giặc, thác cũng đánh giặc; linh hồn theo giúp cơ binh, muôn kiếp nguyện trả được thù kia.

Trong Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, bên cạnh giọng bi tráng còn có giọng căm phẫn, phê phán. Giọng điệu đó thể hiện ở hai cung bậc.

Một là, đối với triều đình, nhà thơ phê phán thói vô trách nhiệm, nỡ để dân đen mắc nạn này (Chạy giặc): Tiếng phong hạc phập phồng hơn mươi tháng, trông tin quan như trời hạn trông mưa. Hai là, đối với giặc, nhà thơ bộc lộ lòng căm thù, quyết không đội trời chung: Mùi tinh chiên vấy vá đã ba năm, ghét thói mạt như nhà nông ghét cỏ / Bữa thấy bòng bong che trắng lốp, muốn tới ăn gan; ngày xem ống khói chạy đen sì, muốn ra cắn cổ…/ Sống làm chi theo quân tà đạo, quăng vùa hương, xô bàn độc, thấy lại thêm buồn; sống làm chi ở lính mã tà, chia rượu lạt, gặm bánh mì, nghe càng thêm hổ.

Cái mới lạ và độc đáo trong giọng điệu Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc là tạo nên âm hưởng đặc biệt cho bài văn tế trở nên vô tiền khoáng hậu. Đó là, nếu như các bài văn tế thông thường được dùng làm tiếng khóc tiễn đưa, gây nên cái âm hưởng đau xót, tang thương và ngậm ngùi trong lòng người đọc vì những cái mất mát, những sự ra đi của con người là to lớn khôn lường và không gì bù đắp được như vân tán, tuyết tiêu, hoa tàn, nguyệt khuyết…, thì bài văn tế này của Nguyễn Đình Chiểu dù cũng đi đến cái mất mát, đau thương tột cùng, nhưng đó không phải là điểm cuối trong cái nhìn nghệ thuật của tác giả và dư âm của tác phẩm trong lòng người đọc, mà từ bi thương đó, làm bật lên sức mạnh, niềm tin bởi cái giá vĩ đại của sự hi sinh, bởi cái ý nghĩa to lớn và vinh quang của nỗi đau thương ấy đã chuyển sang một bình diện khác của tinh thần là lòng kiêu hãnh, tự hào. Vì đó là sự dâng hiến cho Tổ quốc, nên đau thương đã biến thành sức mạnh, khát vọng sống và chiến đấu vì nghĩa lớn.

Tóm lại, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc là tác phẩm xúc động nhất về người anh hùng nông dân Nam Bộ. Đó là những người quanh năm nghèo khó, chưa từng cầm vũ khí, nhưng khi quân Pháp đến thì xông lên chiến đấu quên mình, biểu thị tinh thần dũng mãnh bất khuất, tiêu biểu cho ý chí độc lập, tự do của dân tộc. Bài văn không chỉ là một thiên anh hùng ca đặc sắc, mà còn là lời bộc bạch gan ruột của những người dân không chịu làm nô lệ, thề đánh quân xâm lược đến cùng, là lời trách móc thâm trầm đối với thái độ đầu hàng…

Phân tích Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của Nguyễn Đình Chiểu

2 Trackbacks / Pingbacks

  1. Vẻ đẹp hình ảnh người lính trong bài thơ Đồng chí (Chính Hữu) và Bài thơ về tiểu đội xe không kính (Phạm Tiến Duật). - Theki.vn
  2. Chủ nghĩa yêu nước trong văn học Việt Nam nửa cuối thế kỷ XIX - Theki.vn

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.