Vẻ đẹp cảnh đoàn thuyền ra khơi trong Đoàn thuyền đánh cá của Huy Cận
- Mở bài:
Bài thơ Đoàn thuyền đánh cá được Huy Cận viết vào giữa năm 1958, khi cuộc kháng chiến chống Pháp đã kết thúc thắng lợi, miền Bắc được giải phóng và bắt tay vào công cuộc xây dựng cuộc sống mới, nhà thơ có chuyến thực tế về vùng mỏ Quảng Ninh. Bài thơ có hai nguồn cảm hứng lớn, song hành, hài hòa và trộn lẫn vào nhau. Đó là cảm hứng về thiên nhiên vũ trụ và cảm hứng về con người lao động trong cuộc sống mới. Thời gian của bài thơ là nhịp tuần hoàn của vũ trụ (từ lúc hoàng hôn đến lúc bình minh) cũng là thời gian hoạt động của đoàn thuyền đánh cá ( từ lúc ra khơi đến khi trở về). Không gian của bài thơ là một không gian lớn lao, kỳ vĩ với trời, biển, trăng, sao, sóng, gió; cũng là không gian của cảnh lao động.
- Thân bài:
Huy Cận đã khắc họa một khung cảnh không gian và thời gian đầy ấn tượng: không gian rộng lớn bao la với mặt trời, biển, trăng, sao, mây, gió. Thời gian là nhịp tuần hoàn của vũ trụ từ lúc hoàng hồn đến bình minh, cũng là thời gian của mốt chuyến ra biển rồi trở về của đoàn thuyền đánh cá: mặt tròi xuống biển, cả trời đất vào đêm, trăng lên cao, đêm thở, sao lùa… rồi sao mờ, mặt trời đội biển nhô lên trong một ngày mới. Điểm nhịp thòi gian cho công việc của đoàn thuyền đánh cá là nhịp tuần hoàn của thiên nhiên vũ trụ.
Ngay mở đầu bài thơ, ta đã nghe thấy âm hưởng bài ca lao đông ngân vang, khoẻ khoắn trong cảnh đoàn thuyền ra khơi đánh cá. Buổi hoàng hôn thật huy hoàng, tráng lệ, tràn đầy sức sống:
“Mặt trời xuống biển như hòn lửa
Sóng đã cài then, đêm sập cửa”
Huy Cận đã miêu tả rất thực sự chuyển đổi thời khắc giữa ngày và đêm khiến cảnh biển vào đêm thật đẹp, kỳ vĩ, tráng lệ như thần thoại đồng thời gợi sự gần gũi như ngôi nhà thân quen, gợi sự bình yên đối với người dân chài. Mặt trời kì vĩ từ từ xuống biển rực rỡ đến phi thường. Có thể nói, đó là một trong những khung cảnh kì vĩ nhất trong vũ trụ. ta có cảm giác như cả đại dương sẽ sôi lên sùng sục bởi sức nóng của nó. Những cơn sóng lăn tăn tỏa dài như những chiếc then cài vào cánh cổng trời đêm. Màn đêm buông xuống khép lại một hành trình của cỗ máy thời gian. Phép nhân hóa tài tình đã khiến không gian trở nên sống động, hàm chứa cảm xúc lớn lao.
Màn đêm mở ra đã khép lại không gian của một ngày. Giữa lúc vũ trụ, đất trời như chuyển sang trạng thái nghỉ ngơi thì ngược lại, con người bắt đầu hoạt động:
“Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi,
Câu hát căng buồm cùng gió khơi”.
Hai câu thơ khiến ta hình dung được cả một đoàn thuyền, chứ không phải là một con thuyền đơn độc ra khơi. Từ “lại” diễn tả công việc lao động thường ngày, quen thuộc của con người. Nó gợi lên tư thế chủ động, hăng say, tình yêu và niềm tin của con người đối với công việc. “Lại ra khơi” hứa hẹn một chuyến ra khơi an toàn và thành công, mang về thật nhiều tôm cá. Câu thơ chứa đựng tâm thế ra khơi hừng hực của con người, sẵn sàng vượt lên khó khăn, thử thách để thành công.
Ở đây tác giả một ẩn dụ độc đáo: “câu hát căng buồm”, biến cái ảo thành cái thực, thể hiện khí thế phơi phới, mạnh mẽ của đoàn thuyền và niềm vui, sức mạnh người lao động trên biển, làm chủ cuộc đời đang chinh phục biển khơi.
- Kết bài:
Thông qua việc miêu tả cảnh đoàn thuyền ra khơi đánh cá của người ngư dân vùng biển Hạ Long, bài thơ ngợi ca vẻ đẹp thiên nhiên, đất nước, sự giàu có của biển khơi; ngợi ca khí thế lao động hăng say, yêu đời của người lao động mới đã được giải phóng, đang làm chủ bản thân, làm chủ cuộc đời và đất nước:
“Tập làm chủ, tập làm người xây dựng
Dám vươn mình cai quản lại thiên nhiên!”