Phân tích vẻ đẹp của làng quê Việt Nam qua bài thơ Sang thu của Hữu Thỉnh

phan-tich-ve-dep-cua-lang-que-qua-bai-tho-sang-thu-huu-thinh

Vẻ đẹp của làng quê Việt Nam qua bài thơ Sang thu của Hữu Thỉnh.

  • Mở bài:

Mùa thu vốn là đề tài lớn trong thi ca. Từ xưa đến nay, các thi sĩ vẫn chưa thôi tìm kiếm và chiêm ngưỡng vẻ đẹp tuyệt vời của sắc lá vàng phai và làn sương mờ ảo của đất trời khi bước vào thu. Hòa trong niềm say mê ấy, Hữu Thỉnh cũng góp một tiếng thơ thật mượt mà, đằm thắm với bài thơ Sang thu. Sang thu mang cảm xúc bâng khuân, vấn vương của tác giả trước đất trời trong trẻo, đang biến chuyển nhẹ nhàng từ hạ sang thu. Lời thơ nhẹ nhàng, đằm thắm vẽ nên bức tranh mùa thu mang đậm hồn quê Việt Nam dân dã, mộc mạc, tinh tế và giàu rung cảm.

  • Thân bài:

Trọn vẹn bài thơ Sang thu chỉ có ba khổ thơ ngắn. Mỗi khổ 4 câu mang hình thức của thể thơ 5 chữ, giọng điệu giàu chất chữ tình, thông qua hình ảnh mới lạ, gợi cảm đã gợi tả nét đẹp thật tự nhiên mà cũng rất độc đáo về thời điểm giao mùa từ hạ sang thu ở một vùng nông thôn trên đồng bằng Bắc Bộ.

Vẻ đẹp của làng quê Việt Nam hiện lên qua khoảnh khắc giao mùa tuyệt diệu, được nhà thơ phát hiện qua mùi hương ổi chín nồng nàn không gian:

“Bỗng nhận ra hương ổi
Phả vào trong gió se
Sương chùng chình qua ngõ
Hình như thu đã về”.

Sang thu” ở đây là chớm vào thu, là lúc thiên nhiên giao mùa. Mùa hè vẫn chưa hết mà mùa thu tới với những tín hiệu đầu tiên. Trước những sự thay đổi tinh vi ấy, tâm hồn phải nhạy cảm lắm mới cảm nhận được. Nếu như trong thơ ca cổ điển mùa thu thường hiện ra hình ảnh ước lệ như “ngô đồng”, “rặng liễu”, “lá vàng mơ phai”, “hoa cúc”…thì với Hữu Thỉnh ông lại bắt đầu bằng “hương ổi”. Đó là một hình ảnh, một tứ thơ khá mới mẻ với thơ ca viết về mùa thu nhưng lại vô cùng quen thuộc và gần gũi đối với mỗi người dân Việt Nam, đặc biệt là người dân miền Bắc mỗi độ thu về.

Như đã chờ đợi từ lâu, bất ngờ bắt gặp cái dấu hiệu quen thuộc tuy vô hình nhưng vô cùng mạnh mẽ, nhà thơ thốt lên như một đứa trẻ, sung sướng reo vui. Từ “bỗng” là phó từ chỉ một hiện thực xảy ra thật đột ngột, bất ngờ. Nó kết hợp với từ “nhận ra” như muốn khẳng định vì “nhận ra” ấy như là vô tình, như là đang sửng sốt. Để rồi từ đây, nhà thơ có thể quan sát sự xuất hiện của mùa thu trong đất trời bằng tất cả cảm giác của mình mà trước hết là cảm nhận về “hương ổi” chín phải vào trong làn gió chớm se se lạnh.

Mùi hương ấy không hòa vào quyện vào mà “phả” vào trong gió. “Phả” nghĩa là tỏa ra từng luồng và tràn ngập trong không gian. Hữu Thỉnh đã không tả mà chỉ gợi, đem đến cho người đọc một sự liên tưởng thú vị: tại vườn tược quê nhà, những quả ổi chín vàng trên các cành cây kẽ lá tỏa ra hương thơm nức, thoang thoảng trong gió. Chỉ một chữ “phả” thôi cũng đủ gợi hương thơm như sánh lại. Sánh lại bởi hương đậm một phần, sánh bởi tại gió se.

Thật ra, hương vị của khí trời khi chuyển từ hạ sang thu đã được biết bao thi nhân phát hiện cánh lá vàng rơi vốn mang tính đặc trưng của mùa thu. Nguyễn Đình Thi một đã từng mang đến cho người đọc một cảm nhân mới khi thu sang:

“Gió thổi mùa thu hương cốm mới
Tôi nhớ những ngày hương đã xa”.

(Đất nước – Nguyễn Đình Thi)

Hay như Xuân Diệu trong bài Đây mùa thu tới cũng có những rung cảm hết sức diệu kì:

“Đây mùa thu tới, mùa thu tới
Với áo mơ phai dệt lá vàng”.

(Đây mùa thu tới – Xuân Diệu)

Hữu Thỉnh cũng thế, ông cũng đã tạo thêm những nét mới hơn trong thơ ca thông qua cảm nhận thật tinh tế khi phát hiện đất trời chuyển sang thu. Với chất bình dị trong việc chọn ngôn ngữ, hình ảnh được xây dựng chi tiết, khá  bất ngờ, đột ngột. Bởi “hương ổi” được phát hiện bằng khứu giác nhạy cảm của thi nhân, theo làn gió se se lạnh đầu thu đi vào ý thơ, rồi phả, rồi lan tỏa vào tri giác của độc giả biết bao yêu thương, gợi hương thơm dìu dịu. Không những thế, cái vị giòn ngọt ẩn chứa vị chua chua gợi nơi đầu lưỡi khiến ta không khỏi nghĩ về những chùm ổi căng mộng rung rinh trên cành lá.

Sự hiện hữu của “hương ổi” mở đầu cho làn sương thu tràn vào cảnh vật. Lại một lần nữa Hữu Thỉnh chứng thực tài tả cảnh sắc mùa thu. Từ “gió se” gợi tả không khí  đủ làm cho da, tay ta se lại, thật mát mẻ, làm lòng ta thấy thanh thản, yên bình, một sự cảm nhận bằng xúc giác, rất mới lạ, góp thêm một thi liệu mới trong nghệ thuật biểu hiện và khắc họa tinh tế vẻ đẹp của làng quê Việt Nam hết sức bình dị, dân dã.

Bên cạnh “hương ổi” “gió se”, không gian đầu thu mát dịu, yên bình ấy còn được chọn tả qua hình ảnh:

“Sương chùng chình qua ngõ
Hình như thu đã về”.

Nếu như “hương ổi” là sự cảm nhận bằng khứu giác, “gió se” là hiện tượng cảm nhận khí thu bằng  xúc giác thì hình ảnh màn sương được tác giả phát hiện thong qua thị giác. Sự cảm nhận ấy một lần nữa đã chứng nhận sự tinh tế, độc đáo của thi nhân khi miêu tả cảnh thu đã được quan sát và miêu tả vào buổi sáng sớm. Đó là sự tinh tế, phù hợp trong việc chọn hình ảnh để tả thiên nhiên. gợi ra những làn sương mỏng,mềm mại, giăng  màn khắp đường thôn ngõ xóm làng quê. Nó làm cho khí thu mát mẻ và cảnh thu thơ mộng, huyền ảo, thong thả, bình yên của chốn đồng bằng Bắc Bộ mà ta vẫn thường thấy trong thơ cổ:

“Nước biếc trông chừng như khói phủ,
Song thưa để mặc bóng trăng vào”

(Thu vịnh – Nguyễn Khuyến)

Mang giá trị tả thực, từ láy, “chùng chình” góp phần miêu ta trạng thái chậm chạp, cố ý gõ chậm lại của màn sương. Tuy nhiên, vốn giàu tính hình tượng, thông qua theo làn gió thu thoảng hết trôi sang bên này lại lướt nhẹ sang bên kia, khi lướt trườn về phía trước rồi lùi hẳn về phía sau. Cứ thế, như một đứa trẻ tinh nghịch, cứ đủng đà đủng đỉnh đi qua ngõ vắng.

Thủ pháp nhân hóa đã khiến cho màn sương lạnh chứa đầy tâm trạng. Nó như đang chờ đợi ai hay lưu luyến điều gì đó. Câu thơ lắng đọng tạo cảm giác mơ hồ đan xen nhiều cảm xúc. Hữu Thỉnh đã bắt đúng cái thần của cảnh vật và gói gọn nó lại trong ngôn từ. “Chùng chình” vừa diễn tả sự lay động thật nhẹ nhàng của màn sương vừa gợi cái vẻ tự lự của lòng người, cái man mác của đất trời vào thu.

Tâm trạng bỡ ngỡ ban đầu ấy cũng nhanh chóng vụt tan biến đi nhường chỗ cho sự rung động mãnh liệt của thi nhân trước cảnh mùa thu với hiện thực:

“Sông được lúc dềnh dàng
Chim bắt đầu vội vã
Có đám mây mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu”.

Thiên nhiên sang thu đã được cụ thể bằng những hình ảnh: “sông dềnh dàng”, “chim vội vã”, “đám mây vắt nửa mình”. Từ láy “dềnh dàng” miêu tả đậm nét của dòng sông vào mùa thu. Với nghĩa thực “dềnh dàng” đã góp phần gợi tả hình ảnh chậm chạp, thong thả của dòng sông êm ả trôi. Tuy nhiên, nếu từ “chùng mình” làm hiện lên sự lơ đãng của làn sương thì “dềnh dàng” lại gợi tả sự tinh nghịch của con sông.

Bằng phép nhân hóa đặc sắc, Hữu Thỉnh đã rất tài hoa ghi lại linh hồn của cảnh vật, của dòng sông quê hương nơi vùng đồng bằng Bắc Bộ ăm ắp nước phù sa, vươn mình giữa ruộng đồng vào những ngày giao mùa. Dòng nước như luyến tiếc, như nấn ná không muốn rời đi, như cũng muốn cùng nhà thơ chiêm ngưỡng vẻ đẹp của cánh đồng vào thu, muốn hòa mình hân hoan cùng đất trời. Cái “dềnh dàng” của dòng sông không chỉ gợi ra vẻ êm dịu của bức tranh thiên nhiên mùa thu mà còn mang đầy tâm trạng của con người như chậm lại,như trễ nãi, như ngẫm ngợi nghĩ suy về những trải nghiệm trong cuộc đời.

Trái ngược với vẻ khoan thai của dòng sông là sự vội vàng của những cánh chim trời bắt đầu di trú về phương Nam. Nhà thơ mở rộng tầm nhìn lên bầu trời cao. Không gian trở nên xôn xao, không có âm thanh nhưng câu thơ lại gợi được cái động. Cả đất trời như đang trong cuộc chuyển luân vĩ đại, cái gì cũng bất đầu chuyển mình, bắt đầu vội vã theo khí thu lan tràn. Kể cả đám mây trời cũng cố vươn mình bước sang thu, trong khi sắc hạ như còn níu kéo không muốn cho rời đi:

“Có đám mây mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu”.

Đây là cách diễn đạt thật độc đáo của Hữu Thỉnh. Hình ảnh thơ độc đáo khiến ta liên tưởng đến đám mây như một tấm vải lụa, tấm voan thật mềm mại, thật mịn màng đang vắt hờ ngang vai bầu trời. Cảnh vật có sự xung đột dữ dội và ngày càng hiện rõ sự thắng thế của mùa thu trước mùa hạ. Nhà thơ Xuân Diệu cũng có những câu thơ tài tình miêu tả khoảnh khắc ấy:

“Hơn một loài hoa đã rụng cành
Trong vườn sắc đỏ rũa màu xanh”.

(Đây mùa thu tới – Xuân Diệu)

Những cánh mùa hạ đã tàn héo nhưng dường như chiếc lá xanh vẫn cố bám trên cành. Sắc vàng nhuộm thắm không gian biểu thị bước đi khắc nghiệt của thời gian. Tuy có chút tiếc nuối, buồn bã nhưng thi nhân biết đó là quy luật của thiên nhiên vũ trụ. Thế nên, Hữu Thỉnh mới gượng gạo vớt những tia nắng hạ cuối cùng trên bầu trời, nhìn về hướng con mưa đang lùi dần về núi, lắng nghe âm thanh vang động của vũ trụ như lời từ biệt cuối cùng:

“Vẫn còn bao nhiêu nắng
Đã vơi dàn cơn mưa
Sấm cũng bớt bất ngờ
Trên hàng cây đứng tuổi”.

Không đơn thuần là tả cảnh sang thu mà còn chất chứa bao suy nghiệm của con người về cuộc sống, bởi vì, ngoài phép nhân hóa, tiếng sấm còn mang tính ẩn dụ và được hiểu như những vang động bất thường của ngoại cảnh, của cuộc đời. Cụm từ “hàng cây đứng tuổi” đứng vào vị trí kết bài mang tính biểu tượng sâu sắc. Từ đó, ta có thể ngầm hiểu cái “đứng tuổi” của cây như khép lại một bức tranh thiên nhiên để mở ra bức tranh tâm trạng của con người. “Sấm” là những vang động bất thường của ngoại cảnh, cuộc đời. “Hàng cây đứng tuổi” chỉ những con người đứng tuổi từng trải. Câu thơ lắng động, giọng thơ trầm hẳn xuống gợi lên sự suy nghĩ, những chiêm nghiệm sâu sắc về đời người.

Nhìn cảnh vật biến chuyển khi thu mới bắt đầu, Hữu Thỉnh nghĩ đến cuộc đời mình đang đi vào giai đoạn “đứng tuổi”. Phải chăng, mùa thu đời người là sự khép lại của những tháng ngày sôi nổi với những bất thường của tuổi trẻ bồng bột và mở ra một giai đoạn mới, mộ thế giới mới, yên tĩnh, trầm lắng, bình tâm, chính chắn… trước những biến  động trong cuộc đời con người. Bước qua những trở ngại, trải nghiệm trong thời gian, con người ngày càng hiểu biết và bình tĩnh hơn trước những bất thường của kiếp người đầy giông bão.

Với tư cách nhìn thật riêng và lối miêu tả thật độc đáo, thi nhân còn hun đúc cho chúng ta những suy ngẫm thật sâu sắc đối với những con người đã từng trải nghiệm với cuộc sống. Sự hòa nhập ấy giúp con người càng thêm yêu thiên nhiên, biết lấy thiên nhiên làm nguồn vui, bồi đắp cho tâm hồn con người niềm vui sống, luôn lạc quan, bền bỉ trước mọi thăng trầm của cuộc đời.

  • Kết bài:

Bằng hình ảnh thơ tự nhiên, không trau chuốt mà giàu sức gợi cảm, thể thơ năm chữ linh hoạt, Bài thơ Sang thu đã thể hiện một cách đặc sắc những cảm nhận tinh tế để tạo ra một bức tranh chuyển giao từ cuối hạ sang thu nhẹ nhàng, êm dịu, trong sáng nên thơ… ở vùng đồng bằng Bắc Bộ của đất nước, khắc tạc nên vẻ đẹp của làng quê Việt Nam bình dị. Bài thơ đánh thức tình cảm của mỗi người về tình yêu quê hương đất nước và suy ngẫm về cuộc đời.


Bài tham khảo:

Cảm nhận vẻ đẹp mùa thu của làng quê Việt Nam qua bài thơ Sang thu của Hữu Thỉnh.

  • Mở bài:

Mùa thu không chỉ làm rung động lòng thi nhân mà còn đem đến cho ta những xúc cảm nhẹ nhàng, êm ái gợi nhiều thương nhớ bâng khuâng…. Với Xuân Diệu, mùa thu hiện hình với: “Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang”…, với Lưu Trọng Lư là tiếng lá kêu xào xạc và tiếng chân con nai vàng đạp trên lá vàng khô, với Nguyễn Đình Thi là hương cốm đầu mùa…. Còn Hữu Thỉnh lại lựa chọn “hương ổi”, “làn sương” như những tín hiệu đặc trưng của mùa thu Bắc bộ để khắc họa nên vẻ đẹp của làng quê Việt Nam một cách riêng biệt và độc đáo.

  • Thân bài:

Nét đặc biệt của Hữu Thỉnh trong bài thơ này là nhà thơ đã cảm nhận cái thời khắc sang thu bằng cả một hệ thống hình ảnh thiên nhiên qua nhiều yếu tố và bằng nhiều giác quan với sự rung động thật tinh tế. Mười hai câu thơ ngắn mà có đến mười hình ảnh thiên nhiên được nói đến lúc đất trời chuyển sang thu: hương ổi, gió se, sương, sông, chim, mây, nắng, mưa, sấm và cuối cùng là hàng cây đứng tuổi. Toàn là những hình ảnh gần gũi, quen thuộc đối với mỗi người chúng ta và điều này làm cho bài thơ dễ đến với người đọc. Nhưng điều quan trọng nhất chính là sự cảm nhận tinh tế của ông đối với từng hiện tượng thiên nhiên lúc giao mùa và những rung động ấy đã lan truyền sang ta như một tiếng nói đồng điệu.

Mở đầu bài thơ là những cảm nhận ban đầu của nhà thơ về cảnh sang thu của đất trời. Vẻ đẹp của làng quê Việt Nam được cảm nhận đầu tiên bằng hương vị nồng nàn của hương ổi chín::

Bỗng nhận ra hương ổi
Phả vào trong gió se
Sương chùng chình qua ngõ
Hình như thu đã về

Thiên nhiên được cảm nhận từ những gì vô hình (hương, gió), mờ ảo (sương chùng chình), nhỏ hẹp và gần (ngõ). Đó là những cảm nhận rất riêng của nhà thơ. Đầu tiên là sự cảm nhận về hương vị. Cái hương ổi chín thường khó đọng lại trong những cơn gió nồm nam thổi mạnh của mùa hè, giờ đây bỗng “phả vào trong gió se”, đem đến hương vị dịu ngọt, đằm thắm của mùa thu khiến nhà thơ ngạc nhiên đến ngỡ ngàng trước sự thay đổi của thiên nhiên.

Từ “phả” là động từ mạnh diễn tả mùi hương ổi thơm nồng nàn lan toả. Gió se là gió nhẹ, khô và hơi lạnh – gió của mùa thu, gió báo hiệu mùa thu đã đến. Gió se mang theo hương ổi của đồng quê. Nhận ra trong gió có hương ổi là cảm nhận tinh tế của một người sống giữa đồng quê và nhà thơ đã đem đến cho ta một tín hiệu mùa thu dân dã mà thi vị, ông đã phát hiện ra một nét đẹp thật đáng yêu của mùa thu vùng nông thôn đồng bằng Bắc Bộ.

Trong “Sang thu”, dấu hiệu đầu thu là hương ổi, làn gió và sương thu. Nhưng không phải là “sương thu man mác đầu ghềnh” của Tản Đà mà là: “Sương chùng chình qua ngõ” – một hình ảnh lung linh huyền ảo. Không còn là những hạt sương mà đã là một màn sương mỏng nhẹ trôi, đang chuyển động chầm chậm nơi đường thôn ngõ xóm. “Chùng chình”là từ láy gợi hình diễn tả hành động chậm chạp như là cố ý chậm lại. Nhà thơ đã thổi hồn vào câu thơ khiến cho màn sương thu chứa đầy tâm trạng, như người đi còn vương vấn, ngập ngừng khi qua ngõ nhà ai……

Cảm nhận phút giao mùa sang thu là sự ngỡ ngàng. Do ngỡ ngàng nên cả khứu giác, cả xúc giác và thị giác đều như mách bảo thu về mà vẫn chưa thể tin, chưa dám chắc. Từ “hình như” là sự phỏng đoán nửa tin, nửa ngờ, là cái ngỡ ngàng, ngạc nhiên trong cái cảm xúc bâng khuâng, xao xuyến của thi sĩ. Qua đó, ta hiểu tâm hồn nhà thơ nhạy cảm, yêu thiên nhiên, yêu hương thu với tình yêu tha thiết. Nhưng rồi mùa thu dần dần đến và hiện ra ngày càng rõ hơn trước mắt nhà thơ:

Sông được lúc dềnh dàng
Chim bắt đầu vội vã
Có đám mây mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu

Sự vận động của thiên nhiên trong thời khắc chuyển mùa được cụ thể hoá bằng những đổi thay của vạn vật. Sông lúc sang thu không còn cuộn chảy dữ dội như những ngày hè mưa lũ, mà êm ả dềnh dàng như đang lắng lại, đang trầm xuống. Một chữ “dềnh dàng” mà nói lên được cái dáng vẻ khoan thai, thong thả của con sông mùa thu, ngỡ như nó được nghỉ ngơi thoải mái khi mùa nước lũ cuồn cuộn đã đi qua.

Đối lập với hình ảnh đó là hình ảnh đàn chim bắt đầu vội vã bay về tổ lúc hoàng hôn. Từ bắt đầu” trong ý thơ được dùng rất độc đáo “bắt đầu vội vã” chứ không phải là “đang vội vã”. Phải tinh tế lắm, yêu và gần gũi với thiên nhiên lắm mới nhận ra được sự bắt đầu trong những cánh chim bay.  Cánh chim trời vội vã bay đi, “có đám mây mùa hạ” còn vương lại. Và mây lưu luyến bắc chiếc cầu: “Vắt nửa mình sang thu”.

Một liên tưởng thú vị, một hình ảnh đầy chất thơ. Người ta thường nói: khăn vắt vai, con đường mòn vắt ngang sườn núi…. Hữu Thỉnh điểm vào bức tranh thu của mình một hình ảnh mới mẻ, gợi cảm: hai nửa của một đám mây thuộc về hai mùa. Không phải vẻ đẹp của mùa hạ cũng chưa hẳn là vẻ đẹp của mùa thu mà đó là vẻ đẹp của thời khắc giao mùa được sáng tạo từ một hồn thơ tinh tế và nhạy cảm đang say thời khắc giao mùa này. Trong “Chiều sông thương”, ông cũng có một câu thơ tương tự về cách viết: “Đám mây trên Việt Yên / Rủ bóng về Bố Hạ”.

Khúc giao mùa của không gian và thời gian khi sang thu còn được thể hiện ở chiều sâu suy ngẫm trong khổ cuối. Khổ cuối nói về những biến chuyển của nắng, mưa, sấm trong lúc giao mùa với những nhận xét tinh tế của một người am hiểu tường tận các hiện tượng thời tiết này:

Vẫn còn bao nhiêu nắng
Đã vơi dần cơn mưa
Sấm cũng bớt bất ngờ
Trên hàng cây đứng tuổi.

Lại thêm một sự đối lập: nắng vẫn còn nhưng mưa đã vơi dần. Mùa thu nắng sẽ nhạt dần, nhưng lúc giao mùa, nắng cuối hạ vẫn còn nồng, còn sáng. Những ngày sang thu, đã ít đi những cơn mưa rào ào ạt và cũng bớt đi những tiếng sấm bất ngờ thường chỉ có trong mùa hạ. Các từ ngữ : “vẫn còn”, “đã vơi dần”, “cũng bớt bất ngờ” vừa cho thấy, vẫn còn đó dấu ấn, vẫn còn đó dư âm của mùa hạ. Nhưng tất cả đã đi vào chừng mực, vào thế ổn định mang nét đặc trưng của mưa nắng phút giao mùa sang thu. Những câu thơ vừa tả cảnh, vừa kín đáo bộc lộ cảm xúc giao mùa của lòng người trong mối luyến giao thấm quyện với thiên nhiên.

Bài thơ khép lại bằng hai dòng thơ hàm chứa ý nghĩa:

Sấm cũng bớt bất ngờ
Trên hàng cây đứng tuổi

Hai dòng cuối bài có hai tầng ý nghĩa: tả thực và ẩn dụ – gợi ta liên tưởng đến một tầng ý nghĩa khác – ý nghĩa về con người và cuộc sống. Những tiếng sấm bất ngờ của mùa hạ đã bớt đi lúc sang thu (cũng có thể hiểu: hàng cây không còn bị bất ngờ, bị giật mình vì tiếng sấm nữa), nhưng đó còn là những vang động bất thường của ngoại cảnh, của cuộc đời. Và hàng cây đứng tuổi ở đây vừa gợi lên hình ảnh những hàng cây không phải là còn non, vừa gợi tả những con người từng trải đã từng vượt qua những khó khăn, những thăng trầm của cuộc đời. Qua đó, con người càng trở nên vững vàng.

Hai câu kết đã khép lại bài thơ vừa là hình ảnh thiên nhiên sang thu, vừa là suy nghĩ chiêm nghiệm sâu sắc của nhà thơ về bản thân, về con người, về đất nước. Nó vừa trang nghiêm chững chạc, vừa bâng khuâng khiêm nhường nhưng cũng đầy tự hào kiêu hãnh. Giọng thơ trầm hẳn xuống, câu thơ không đơn thuần chỉ là giọng kể, là sự cảm nhận mà còn là sự suy nghĩ, chiêm nghiệm về đời người. Nhìn cảnh vật biến chuyển khi thu mới bắt đầu, Hữu Thỉnh nghĩ đến cuộc đời khi đã “đứng tuổi”. Phải chăng, mùa thu đời người là sự khép lại của những tháng ngày sôi nổi với những bất thường của tuổi trẻ và mở ra một mùa thu mới, một không gian mới, yên tĩnh, trầm lắng, bình tâm, chín chắn… trước những chấn động của cuộc đời.

  • Kết bài:

Bằng hình ảnh thơ tự nhiên, không trau chuốt mà giàu sức gợi cảm, thể thơ năm chữ, Hữu Thỉnh đã thể hiện một cách đặc sắc những cảm nhận tinh tế để tạo ra một bức tranh chuyển giao từ cuối hạ sang thu nhẹ nhàng, êm dịu,trong sáng nên thơ… khắc họa tinh tế vẻ đẹp của làng quê Việt Nam.Sang thu đâu chỉ là sự chuyển giao của đất trời mà còn là sự chuyển giao cuộc đời mỗi con người. Hữu Thỉnh rất đỗi tinh tế, nhạy bén trong cảm nhận và liên tưởng. Chính vì vậy những vần thơ của ông có sức lay động lòng người mãnh liệt hơn.

Bài thơ Sang thu của Hữu Thỉnh là khúc giao mùa nhẹ nhàng, thơ mộng, bâng khuâng mà cũng thầm thì triết lý

 

3 Trackbacks / Pingbacks

  1. Qua khổ cuối bài "Sang thu" cảm nhận những chiêm nghiệm sâu sắc của nhà thơ Hữu Thỉnh - Theki.vn
  2. Phân tích ý nghĩa bài thơ "Sang thu" của Hữu Thỉnh - Theki.vn
  3. Cảm nhận vẻ đẹp bài thơ "Sang thu" của nhà thơ Hữu Thỉnh - Theki.vn

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.