Cảm nhận tình cảm thiêng liêng của nhà thơ Viễn Phương đối với lãnh tụ qua bài thơ Viếng lăng Bác

tinh-cam-thieng-lieng-cua-nhà-tho-vien-phuong-qua-bai-tho-vieng-lang-bac-cua-vien-phuong

Cảm nhận tình cảm thiêng liêng của nhà thơ Viễn Phương đối với lãnh tụ qua bài thơ “Viếng lăng Bác”

  • Mở bài:

Viễn Phương là nhà thơ miền Nam, trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước. Thơ ông bình dị, gắn bó sâu sắc với đời sống và chiến đấu của nhân dân miền Nam trong suốt cuộc kháng chiến. Khi đất nước lặng yên tiếng súng, từ mảnh đất miền Nam mấy chục năm trời chiến đấu gian khổ, thi sĩ làm một cuộc hành hương về Bắc. Dồn hết tình cảm thương nhớ và thái độ thành kính đối với vị Cha già dân tộc suốt bao nhiêu năm, thi sĩ đã viết nên bài thơ thật xúc động: “Viếng lăng Bác”.  Từ việc khắc họa cảnh quan nơi lăng Bác, tác giả đã kín đáo bộc lộ tâm trạng xúc động, thái độ thành kính, tình cảm yêu thương, thành kính, thiêng liêng của mình đối với vị Cha già kính yêu của dân tộc.

  • Thân bài:

Xuyên xuất suốt bài thơ là cảm xúc tiếc thương, tâm trạng thành kính, cảm phục, thể hiện tình cảm thiêng liêng của nhà thơ Viễn Phương đối với Bác Hồ kính yêu. Bài thơ mở ra hình ảnh một người lăng lội từ chiến trường nam bộ ra thăm nơi yên nghỉ của vị lãnh tụ: “Con ở miền nam ra thăm lăng bác”.

Câu thơ mở đầu có ý nghĩa như một lời thông báo. Qua cách xưng hô đầy thân  mật: “con – Bác”, nhà thơ đã biểu hiện thái độ thành kính, tình cảm thân thương của mình đối với vị cha già kính yêu của dân tộc. Câu thơ khiến ta cảm động vì hoàn cảnh của tác giả: từ miền Nam ra thăm Bác. Hai tiếng “miền Nam” không chỉ gợi sự xa xôi mà còn gợi lên tình cảm của nhân dân miền nam, nhân dân một nửa nước đã “đi trước về sau” trong hai cuộc kháng chiến khao khát mong mỏi được gặp bác.

Với cách nói giảm, nói tránh nhằm làm giảm nhẹ nỗi đau thương, mất mát của dân tộc. Ý thơ khẳng định Bác vẫn còn mãi trong trái tim nhân dân miền Nam,trong lòng dân tộc. Lời thơ chân tình, xúc động ,thiêng liêng, thành kính là nỗi lòng kính yêu của Viễn Phương đối với vị cha già dân tộc đã trọn cuộc đời vì nước vì dân. Đó không chỉ là tình cảm riêng của nhà thơ mà còn là tình cảm chung của dân tộc Việt Nam. Thế hệ này tiếp nối thế hệ khác, tất cả đều có chung một tình cảm như thế với Bác Hồ kính yêu.

Cảm xúc của nhà thơ khi đứng trước lăng Bác trào dâng khi nhìn thấy những hình ảnh đầu tiên. Hình ảnh đầu tiên mà tác giả thấy được và tấn tượng đậm nét về cảnh quang quanh lăng Bác là hàng tre xanh. Đó là hình ảnh hết sức thân thuộc của làng quê Việt Nam, của đất nước Việt Nam:

Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát
Ôi! Hành tre xanh việt nam
Bão táp mưa sa đứng thẳng hàng.

Hình ảnh “hàng tre” thân thuộc, mộc mạc, vẫn đứng thẳng hàng, hiên ngang cho dù “bão táp mưa sa” . Đó còn là biểu tượng cho tâm hồn, sức sống bền bỉ, kiên cường bất khuất của dân tộc trong hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước. Cây tre còn gắn bó với người việt nam trong lao động “tre dựng nhà, dựng cửa, vỡ ruộng, khai hoang”(Thép Mới). Tre gắn bó cả cuộc chiến đấu sinh tử của dân tộc. Cậu bé làng Gióng đã nhổ cụm tre làng quất giặc ân xâm lược. Đồng bào miền Nam đã dùng gập tầm vông, gậy tre chống lại xe tăng, đại bác của thực dân đế quốc.

Âm điệu thơ trữ tình, thiết tha như chảy ra từ trái tim đầy rung động. Ngôn ngữ thơ mang đậm màu sắc Nam bộ. Từ hình ảnh hàng tre bát ngát trong sương quanh lăng Bác, nhà thơ đã suy nghĩ, liên tưởng và mở rộng khái quát thành một hình ảnh hàng tre mang ý nghĩa ẩn dụ, biểu tượng cho sức sống bền bỉ, kiên cường, bất khuất của con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam. Cây tre ấy vẫn muôn đời kiên trung, thủy chung với con người, với đất nước. Sâu xa hơn, bên trong hình ảnh hàng tre là lời hứa của nhà thơ sẽ tiếp tục chiến đấu, tiếp tục góp sức xây dựng đất nước, làm cho quê hương, đất nước giàu đẹp, sống xứng đáng với Bác Hồ kính yêu, với lớp lớp con người Việt Nam đã ngã xuống để bảo vệ, gìn giữ mảnh đất thiêng liêng này.

Vượt lên trên cảnh vật, với niềm thành kính thiêng liêng, nhà thơ đi vào suy tưởng. Hình ảnh lăng Bác, hình ảnh Bác Hồ được nhìn dưới góc độ nghệ thuật hết sức kì vĩ, hùng tráng:

Ngày ngày mặt trời qua trên lăng
Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ
Ngày ngày dòng người đi qua trong thương nhớ
Kết tràng hoa dân bảy mươi chín mươi mùa xuân.

Hình ảnh “mặt trời đi qua trên lăng” ở câu thơ thứ nhất là hình ảnh thật. Đó là mặt trời của vũ trụ. Nó gợi ra sự kì vĩ, sự bất tử, vĩnh hằng. Mặt trời là nguồn cội của sự sống, ánh sáng.Hình ảnh “mặt trời trong lăng” ở câu thơ thứ hai là hình ảnh ẩn dụ. Đó là bác Hồ kính yêu. Bác là mặt trời của dân tộc, là nguồn sáng vĩ đại của dân tộc. Dù Bác đã ra đi nhưng người mãi bất tử trong niềm tin yêu, nỗi nhớ thương của muôn vạn con người, muôn thế hệ con người Việt Nam.

Sử dụng hình ảnh ẩn dụ: “mặt trời trong lăng” phải chăng nhà thơ còn muốn ca ngợi Bác là vầng thái dương soi sáng cho con người cách mạng. Người đã đem lạ ấm no hạnh phúc cho dân tộc. Hay hình ảnh cũng là biểu tượng cho sự trường tồn bất tử của người trong tâm hồn con người Việt Nam.

Tiếp tục dòng liên tưởng, khi nhìn những dòng người đến tưởng niệm Bác, nhà thơ liên tưởng đó chính là “tràng hoa” dân lên “bảy mươi chín mùa xuân” tuổi đời của Người. “Bảy mươi chín mùa xuân” đối với đời người thật ngắn ngủi. Nhưng nếu sống tận dâng, tận hiến, sống ý nghĩa như Bác thì đó lại là một quãng đời vĩ đại, đủ sức để trường tồn mãi mãi. Bởi thế, nhà thơ tố hữu cũng đã từng ca ngợi Bác:

Bảy mươi chín tuổi xuân trong sáng
Vào cuộc trường sinh nhẹ cánh bay

Biện pháp ẩn dụ được sử dụng trong khổ thơ thật mới lạ đã diễn tả được tình cảm thương yêu, thái độ biết ơn và tự hào về vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc. Điệp từ “ngày ngày” trở đi trở lại trong đoạn thơ khiến ta cảm nhận như đó là tiếng bước đi của thời gian, vòng tuần hoàn của đat trời vô tận, vĩnh viễn như tấm lòng nhân dân không nguôi nhớ bác mặc dù thời gian cứ lẳng lặng trôi qua nhưng tình cảm thương nhớ của người việt nam đối với lãnh tụ vẫn còn mãi mãi. Biên pháp nhân hóa “mặt trời” của thiên nhiên vũ trụ “thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ” chứa đựng biết bao tình cảm mến yêu của nhà thơ. Đặt Bác trong mối quan hệ hài hòa với vũ trụ là niềm mong ước người sẽ làm bạn với thiện nhiên, với đất trời cao rộng như lúc sinh thời Người đã từng mong muốn có được một cuộc sống ung dung, tự tại như thế.

Theo dòng người, nhà thơ đi vào trong lăng, một cảnh tượng thật tỉnh lặng, trang nghiêm hiện ra trước mắt:

Bác nằm trong giấc ngủ bình yên
Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền
Vẫn biết trời xanh là mãi mãi
Mà sao nghe nhói ở trong tim.

Bác đang nằm đấy điềm nhiên và tĩnh lặng. Người đang ngủ dưới ánh trăng xanh trong và diệu hiền. Xuất phát từ trái tim yêu thương và thái độ thành kính đã tạo cho tác giả một cái nhìn thật đẹp. Bác đã đi vào cuộc trường sinh thế nhưng tác giả ngỡ Người đang ngủ, một “giấc ngủ bình yên” thật đẹp của một con người suốt cả một đời đấu tranh giải phóng cho dân tộc, cho nhân loại. Cả một cuộc đời gian nan, giờ đây, giấc ngủ của Bác thật thanh thản, trọn vẹn. Bởi lẽ ước nguyện thống nhất đất nước đã được thành hiện thực “ham muốn tột cùng” của người giờ đã thỏa nguyện.

Hình ảnh ẩn dụ “trời xanh” ở đây biểu tượng cho cuộc đời của Bác. Người đã hóa thân vào thiên nhiên, đất nước, dân tộc. Nhưng tất cả không làm khuây được nỗi nhớ thương, sự mất mát không gì bù đắp được trong lòng mỗi con người Việt Nam.

Dù vẫn biết điều đó là sự thật, nhưng nhà thơ không khỏi quăng đau, xót xa “nghe nhói ở trong tim”. Từ “nhói” diễn tả tâm trạng tiếc thương, xốn xang, xúc động mạnh, không dồn nén dược trong nhân vật trữ tình. Sự đớn đau, quặng thắt nhanh chóng chìm xuống bởi nhà thơ biết đó không phải là điều mà Bác muốn nhìn thấy ở thế hệ này (và cả thế hệ mai sau) yếu đuối trước sự ra đi của Bác.

Cả khổ thơ làm hiện lên một khung cảnh thật yên bình, thiêng liêng và thành kính. Người nằm đó tĩnh lặng và bình tâm. Người nằm đó trong thiên nhiên ấm áp, chân tình. người hòa vào dòng sống vĩ đại, vượt ra khỏi dòng sống bé nhỏ để đi vào dòng sinh diệt vĩnh hằng. Người không hề cô đơn. Xung quanh người có người bạn thiên nhiên luôn bầu bạn, tâm tình. Dường như, đọc đến khổ thơ này, ta không còn có cảm giác mất mát hay đau thương nữa. Bác ở xa mà lại ở rất gần. Bác không mất đi mà là đã hóa thân vào một phần tâm hồn của mỗi con người Việt Nam ta.

Như một vòng quay định mệnh, đến rồi lại đi, nhà thơ quyến luyến từ biệt lãnh tụ, từ biệt thủ đô trở về miền Nam. Khổ thơ bịn rịn như người đi không muốn rời bước:

Mai về miền Nam thương trào nước mắt
Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác
Muốn làm đoá hoa toả hương đâu đây
Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này… 

Câu thơ đầu như một lời nói thông thường không cần dùng đến kỹ thuật, giọng thơ không ồn ào thế mà đọc lên thấy xúc động: Mai về miền Nam thương trào nước mắt. Mai có nghĩa là sớm mai, cũng có nghĩa là trong tương lai. Thương trào nước mắt là cách nói thật chân thành của nhà thơ, một kiểu nói của người Nam bộ. Thương là bởi không còn được trong nhìn thấy Người, không được kề cận để vơi niềm mong nhớ. Thương là bởi bác đã trọn đời vì dân tộc mà hy sinh, vì độc lập nước nhà mà chiến đấu nhưng lúc ra đi chưa thể nhìn thấy hiện thực thành quả ấy. Thương là bởi niềm mong ước của Người đã là sự thật, miền Nam đã sạch bóng quân thù, nhân dân miền Nam có thể làm thế nào để kể Bác nghe niềm vui sướng ấy. Thế nên, tại đây, nhà thơ đã nói lên một tâm nguyện:

Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác
Muốn làm đoá hoa toả hương đâu đây
Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này… 

Tuy là muốn nhưng thực ra đó là một lời hứa, một lời thề sắc son, chung thủy với tổ quốc, với lãnh tụ, với thiêng liêng đất nước. là người lính cụ Hồ, nhà thơ cũng muốn sống một cuộc đời vĩ đại để xứng đáng với Người. Làm con chim đang cho đời tiếng hát, làm đóa hoa dâng cho đời hương thơm, làm cây tre giữ làng, giữ nước. Tất cả đều rất trong sáng, rất cao quý, thật đáng trân trọng.

Đặc biệt, hình ảnh “cây tre trung hiếu” là hình ảnh ẩn dụ thể hiện lòng kính yêu, sự trung thành vô hạn với Bác, nguyện mãi mãi đi theo con đường cách mạng mà Người đã mở đường chỉ lối. Đó là lời hứa thủy chung của riêng nhà thơ và cũng là ý nguyện của đồng bào miền Nam và của mỗi chúng ta với Bác Hồ.

Bài thơ tả lại một ngày ra thăm lăng Bác, từ lúc tinh sương đến trưa, đến chiều. Nhưng thời gian trong tưởng niệm là thời gian vĩnh viễn của vũ trụ, của tâm hồn. Cả bài thơ bốn khổ, khổ nào cũng trào dâng một niềm thương nhớ bao la và xót thương vô hạn. Bốn khổ thơ, khổ nào cũng đầy ắp ẩn dụ, những ẩn dụ đẹp và trang nhã, thể hiện sự thăng hoa của tình cảm cao cả, nâng cao tâm hồn con người. Viếng lăng Bác của nhà thơ Viễn Phương là một đóng góp quý báu vào kho tàng thi ca viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ vĩ đại, kính yêu của dân tộc. Chúng ta, con cháu của Bác xin nguyện như nhà thơ Viễn Phương làm tiếng chim hót, làm bông hoa đẹp, làm cây tre trung hiếu và sẵn sàng làm muôn ngàn công việc tốt để kính dâng lên Người.

  • Kết bài:

Với giọng điệu nhẹ nhàng, phù hợp với nội dung tình cảm, cảm xúc vừa trang nghiêm, sâu lắng, vừa tha thiết, đau xót, tự hào; nhịp thơ chậm rãi, thiết tha, hình ảnh sinh động, giàu sức biểu cảm, nhà thơ Viễn Phương đã thể hiện thành công niềm xúc động chân thành cùng tình cảm kính yêu vô hạn đối với vị cha già dân tộc. Đọc bài thơ “Viếng lăng Bác”, ta bắt gặp cảm xúc của mình ở đâu đó. Bởi thế, bài thơ đâu chỉ là cảm xúc của riêng Viễn Phường mà là cảm xúc của toàn thể nhân dân miền Nam, toàn thể dân tộc Việt Nam trân trọng dâng lên Bác.

2 Trackbacks / Pingbacks

  1. Phân tích bài thơ "Viếng lăng Bác" của nhà thơ Viễn Phương - Thế Kỉ
  2. Phân tích phép ẩn dụ trong khổ 2 và 3 trong bài thơ Viếng lăng Bác của Viễn Phương - Theki.vn

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.