Phân tích ý nghĩa câu nói của cụ Mết: … chúng nó cầm súng mình phải cầm giáo.

y-nghia-cau-noi-cua-cu-met-chung-no-cam-sung-minh-phai-cam-giao

Phân tích câu nói của cụ Mết: Nghe rõ chưa, các con, rõ chưa. Nhớ lấy, ghi lấy. Sau này tau chết rồi, bay còn sống phải nói lại cho con cháu, chúng nó đã cầm súng mình phải cầm giáo.

Hướng dẫn làm bài:

  • Mở bài:

Rừng xà nu là truyện ngắn xuất sắc của nhà văn Nguyễn Trung Thành viết năm 1965 khi đế quốc Mĩ đổ quân ồ ạt vào miền Nam nước ta.  Ở Rừng xà nu, chúng ta có thể thấy vẻ đẹp riêng không thể nào trộn lẫn của Tây Nguyên, cũng có thể thấy hình ảnh con người với lí tưởng và hành động anh hùng, thấy sự tàn bạo của kẻ thù… Tất cả được quyện chặt với nhau dưới sự chi phối của một cảm hứng chung về một vấn đề đang đặt ra gay gắt, bức bách, trong hoàn cảnh lịch sử lúc bấy giờ: vấn đề lựa chọn con đường chúng ta cần đi để có thể bảo vệ cho sự sống của quê hương đất nước, của nhân dân được trường tồn. Câu nói của cụ Mết “Chúng nó đã cầm súng, mình phải cầm giáo!” chính là lời khẳng định đanh thép, chắc nịch về quyết tâm hành động của nhân dân trong cuộc chiến sống còn bảo vệ đất nước.

  • Thân bài:

Tnú về thăm làng sau ba năm “đi lực lượng”. Đêm đó, bên bếp lửa nhà ưng, cụ Mết (vị già làng) đã kể lại câu chuyện về cuộc đời anh cho dân làng nghe. Khi kể lại những biến cố đau thương của cuộc đời nhân vật Tnú, cũng là của làng Xô Man, cụ Mết đã nói lời nhắn nhủ tha thiết với các thế hệ sau: “Nhớ lấy, ghi lấy. Sau này tau chết rồi, bay còn sống phải nói lại cho con cháu: Chúng nó đã cầm súng, mình phải cầm giáo!”.

Ý nghĩa của câu nói: “Chúng nó đã cầm sung mình phải cầm giáo”.

– Phải cầm vũ khí của mình khi kẻ thù đã cầm vũ khí.

– Phải sử dụng bạo lực của chính nghĩa để đáp lại bạo lực phi nghĩa của quân thù.

Sự thể hiện của câu nói qua hình tượng.

* Sẽ ra sao nếu kẻ thù đã cầm súng mà ta chưa kịp cầm lấy giáo?

Câu chuyện về Tnú, ở phần đau đớn nhất của nó, cho thấy: Sẽ thế nào, nếu mình chưa kịp cầm giáo, khi kẻ thù đã cầm lấy súng rồi. Đây chính là mặt bên kia của chân lí mà cụ Mết đã muốn ghi tạc vào lòng các thế hệ con cháu: “Chúng nó đã cầm súng, mình phải cầm giáo!”

Nếu không cầm giáo, nhân dân làng Xô-man sẽ không có được một ngày yên ổn, không bảo vệ được cuộc sống của mình. Tnú đã không thể bảo vệ được hạnh phúc, tình yêu, không ba vệ được gia đình mình. mai và đứa con nhỏ của anh đã bị bọn giặc tàn ác đánh cho đến chết. Nhiều người ở làng Xô-man cũng đã bị chúng giết chết. Nhà cửa bị đót cháy, cánh rừng xà nu hoang tàn dưới bom đạn của kẻ thù.

Nếu không cầm giáo, nối tiếp các thế hệ làn Xô-man sẽ bị tàn sát, chìm trong đau thương. Tnú đã không thể bảo vệ được mẹ con Mai, bàn tay anh còn bị kẻ thù dùng nhựa xà nu thiêu cháy.

* Và sẽ ra sao khi ta cầm vũ khí đứng lên:

– Khi có lí tưởng cách mạng, chí trung kiên, lòng căm thù, sức mạnh và tinh thần dũng cảm, như Tnú đã từng có

– Cuộc khởi nghĩa hùng tráng sẽ thắng lợi (làng Xô man đã chiến thắng trong tiếng chiêng vang trời và ánh lửa.)

– Sự sống sẽ bảo tồn và phát triển. Mai và đứa con như sẽ tái sinh trong Dít và bé Heng.

– Kẻ thù sẽ phải đền tội ác, Tnú có thể diệt giặc, tên đồn trưởng bằng chính bàn tay đã bị kẻ thù đốt cháy.

Nguyễn Trung Thành, bằng hình tượng nghệ thuật của mình đã cho thấy: khi chúng ta đã cầm giáo đứng lên chống lại súng đạn của kẻ thù thì mọi thứ sẽ thay đổi hẳn. Khi đó, ngọn lửa xà nu sẽ tắt trên bàn tay Tnú. Lửa xà nu chỉ còn soi xác giặc chết ngổn ngang. Nhựa xà nu sẽ lại cháy lên, để hoà cùng tiếng chiêng làm thành cảnh tượng hùng tráng của núi rừng trong đêm khởi nghĩa. Khi đó, đôi bàn tay với những ngón chỉ còn hai đốt cũng sẽ trở thành bàn tay hồi sinh. Những kẻ ác phải đền tội bởi chính những dấu tích của tội ác do chúng gây ra.

Và Tnú sẽ được sống trong cảm giác tìm lại được những gì mình đã mất. Mai sẽ tiếp tục sống trong hình ảnh Dít, cô em giống chị như hai giọt nước. Nhưng không như Mai dường như chỉ biết nhường nhịn, yêu thương, Dít sẽ có thêm đôi mắt nghiêm nghị và sự cứng cỏi của người chiến sĩ. Đứa con không còn, nhưng sẽ xuất hiện thêm hình ảnh của bé Heng. Nếu cụ già Mết “là cội nguồn” thì Heng như vừa làm nhớ lại hình ảnh của Tnú và Mai hồi nhỏ, vừa gợi nghĩ đến một triển vọng của tương lai: “Nó sẽ còn đi tới đâu, chưa ai lường được”.

Giá trị câu nói của cụ Mết: “Chúng nó đã cầm sung mình phải cầm giáo”.

– Câu chuyện của một người, một làng à câu chuyện của một thời đại, một đất nước.

– Đây là chân lí mang tầm lịch sử, được nói lên bằng giọng nói thiêng liêng, mãi mãi khắc sâu vào kí ức…

Có thể thấy, xuyên suốt toàn thiên truyện, hình tượng rừng xà nu và Tnú không tách rời mà gắn bó khăng khít với nhau, bổ sung cho nhau để cùng trở nên hoàn chỉnh. Rừng xà nu sẽ không thể trải mãi tới chân trời trong màu xanh bất diệt, khi con người còn chưa thấm thía bài học “Chúng nó đã cầm súng, mình phải cầm giáo” rút ra từ cuộc đời của Tnú.

Mặt khác, nếu con người có phải như Tnú, cầm vũ khí đứng lên, thì mục đích sau cùng của việc làm đó cũng không phải là huỷ diệt, mà là để giữ cho sự sống, như cánh rừng kia, mãi mãi sinh sôi. Nói cách khác, sự sống của Tổ quốc, của nhân dân, đó là mục đích; còn cầm vũ khí đứng lên, đó là con đường duy nhất vào lúc bấy giờ có thể giúp chúng ta đạt được mục đích cao đẹp ấy.

  • Kết bài:

Rừng xà nu là một thiên truyện mang ý nghĩa và vẻ đẹp của một khúc sử thi trong văn xuôi hiện đại. Thông qua câu chuyện về những con người ở một bản làng hẻo lánh, bên những cánh rừng xà nu bạt ngàn, xanh bất tận, tác giả đã đặt ra một vấn đề có ý nghĩa lớn lao của dân tộc và thời đại: Để cho sự sống của đất nước và nhân dân mãi trường tồn, không có cách nào khác hơn là phải cùng nhau đứng lên, cầm vũ khí chống lại kẻ thù tàn ác


Tham khảo:

Ý nghĩa cau nói của cụ Mết: Nghe rõ chưa các con, rõ chưa, nhớ lấy, ghi lấy. Sau này tao chết rồi, bay còn sống phải nói lại cho con cháu: Chúng nó đã cầm sung mình phải cầm giáo”.

  • Mở bài:

Nguyễn Trung Thành là văn gắn bó sâu sắc với Tây Nguyên, thường viết về những sự tích anh hùng kết tinh cho vẻ đẹp của thời đại. “Rừng xà nu” được viết trong những năm tháng chiến tranh chống Mĩ ác liệt, được xem như một bi “Hịch tướng sĩ” thời chống Mĩ ca ngợi vẻ đẹp kiên cường, bất khuất, bất diệt của đồng bào Tây Nguyên nói riêng, dân tộc Việt Nam nói chung; tác phẩm còn khái quát được chân lí thời đại. Khi kể về cuộc đời Tnú cho dân làng Xô Man nghe, cụ Mết dặn dò: “Nghe rõ chưa các con, rõ chưa, nhớ lấy, ghi lấy. Sau này tao chết rồi, bay còn sống phải nói lại cho con cháu: Chúng nó đã cầm sung mình phải cầm giáo”.

  • Thân bài:

1. Giải thích câu nói của cụ Mết:

Câu nói của cụ Mết khái quát chân lí của thời đại: Phải dùng bạo lực cách mạng để chống trả lại bạo lực phản cách mạng. Đó là con đường duy nhất, tất yếu để giải phóng cá nhân và dân tộc ra khỏi đau thương.

Cụ Mết đã tổng kết ngắn gọn, chính xác về cuộc đời Tnú từ đau thương đến chiến thắng, thiết tha vì qua Tnú để nhắn nhủ với dân làng về con đường đấu tranh một cách tự giác để thoát khỏi bi kịch và giải phóng dân tộc.

2. Ý nghĩa câu nói của cụ Mết:

Lời căn dặn của cụ Mết chỉ được Nguyễn Trung Thành thể hiện trong tác phẩm sau khi ông cụ đã hồi tưởng về cuộc đời Tnú và những mất mát đau thương bất hạnh khi vợ con Tnú bị hành hạ đến chết khi bàn tay cầm giáo mác của anh cũng bị huỷ hoại, nó là lời căn dặn của vị già làng, một người có uy tín và đáng kính nhất trong cộng đồng Xô Man.

Cụ mết lại cất lên lời nhắc nhở ấy trong đêm Tnú về thăm làng khi cụ kể toàn bộ câu chuyện về cuộc đời Tnú cho toàn thể cộng đồng Xô Man nghe ở nơi nhà Ưng bên đống lửa lớn trong một không khí thành kính, thiêng liêng. Trong hoàn cảnh ấy lời cụ Mết trở thành lời di huấn của thế hệ trước đối với thế hệ sau. Lời dạy ấy có lẽ đã được nhắc tới bao nhiêu lần khi cụ Mết kể chuyện về cuộc đời Tnú và chắc chắn còn được truyền lại từ đời này qua đời khác.

Lời căn dặn của cụ Mết được phát biểu một cách ngắn gọn, giản dị qua những hình ảnh có ý nghĩa ẩn dụ và được diễn đạt trong nhiều tương phản ẩn dụ “Chúng nó” là cách gọi mà cụ Mết dùng để chỉ kẻ thù, cả bọn bán nước và cướp nước; còn “mình” là lời tự xưng của cụ Mết có ý nghĩa chỉ chung dân làng Xô-man, cộng đồng Tây Nguyên và mọi người yêu nước; “súng và giáo” đều là những hoán dụ chỉ vũ khí và vật chất nhưng nếu “súng” tượng trưng cho vũ khí hiện đại đủ đầy thì “giáo”tượng trưng cho vũ khí thô sơ, tự tạo.

Trong hình thức tương phản và cách nói giản dị, mộc mạc, cụ Mết đã thể hiện. Một tư tưởng lớn: phải dùng vũ khí đáp lại vũ khí, phải dùng bạo lực cách mạng để chống lại bạo lực hung bạo của kẻ thù. Nó kín đáo khẳng định tầm quan trọng của vũ khí, của vật chất mà Các Mác đã khẳng định:”vũ khí phê phán không thể thay thế được sự phê phán của vũ khí. Chỉ những lực lượng vật chất mới đánh đổ được những lực lượng vật chất”.

Lời khẳng định của cụ Mết cũng thể hiện một quy luật của phong trào đấu tranh cách mạng, quy luật có áp bức có đấu tranh. Có thể nói lời căn dặn của cụ Mết là một chân lí thời đại sâu sắc khẳng định vai trò, tầm quan trọng của vũ khí cũng như quy luật của phong trào đấu tranh cách mạng.

3. Sức mạnh của cộng đồng thể hiện qua hình tượng nhân vật Tnú:

Tnú kết tinh những phẩm chất anh hùng của người Xô Man: Giác ngộ cách mạng từ sớm, gan góc, dũng cảm, tuyệt đối trung thành với cách mạng; kiên cường, bất khuất và bất diệt; trái tim giàu yêu thương.

Số phận Tnú đại diện cho số phận cộng đồng Xô Man: Tnú thừa sức mạnh thể chất, tinh thần nhưng vẫn rơi vào bi kịch đau thương, bởi khi giặc kéo về làng anh chưa kịp cầm giáo mác. Tnú không bảo vệ được những thứ quý giá nhất: Làng bị giặc đốt phá, vợ con bị sát hại, Tnú bị bắt trói và cháy cả mười đầu ngón tay. Dân làng Xô Man trước đau thương của Tnú đã dũng cảm đứng lên cầm giáo, mác tiêu diệt quân thù, cứu sống Tnú.

Sau biến cố đau thương, Tnú cầm súng lên đường chiến đấu. Bằng đôi bàn tay mỗi ngón chỉ còn hai đốt anh đã lập được chiến công.

4. Bình luận về câu nói của cụ Mết:

Câu nói chỉ rõ mối quan hệ giữa chân lí thời đại và cuộc đời Tnú, phù hợp với dụng ý nghệ thuật của nhà văn. Chân lí mà cụ Mết khái quát là từ con đường đời của Tnú – tiêu biểu cho người dân Xô man, và con đường đấu tranh của dân làng Xô Man.

Câu nói thể hiện tính triết lí, cô đúc mà rất giản dị của lời cụ Mết, đồng thời nói lên được niềm ước mong, tự hào, tin tưởng của già làng, trưởng bản với các thế hệ về một con đường đấu tranh của dân làng – đấu tranh tự giác một cách kiên cường và bất khuất, bất diệt.

Nguyễn Trung Thành bằng tài năng của mình đã để cho tư tưởng ấy hoá thân thành những hình tượng nghệ thuật sôi động bão hoà cảm xúc, tư tưởng ấy vì vậy không phải là thứ triết lí trừu tượng khô cứng không mang thứ màu xám của lí thuyết mà là thứ “cây đời mãi mãi xanh tươi”.

Tư tưởng ấy đã khái quát được quy luật đấu tranh cách mạng đồng thời khẳng định vai trò sức mạnh của vũ khí cũng như những phẩm chất tốt đẹp của con người. Đó là quy luật có áp bức có đấu tranh, phải dùng bạo lực cách mạng để chống lại bạo lực hung bạo của kẻ thù. Để đất nước được độc lập, cuộc sống nhân dân được ấm no thì không còn cách nào hơn là phải cùng nhau đứng lên, cầm vũ khí chống lại kẻ thù tàn ác.

Nghệ thuật trần thuật linh hoạt, đậm chất sử thi, chi tiết mang màu sắc huyền thoại, ngôn ngữ, giọng điệu khi thiết tha, trầm trũng, khi hào hùng, ngợi ca.

  • Kết bài:

Triết lý lấy bạo lực chống bạo lực được diễn đạt dưới hình thức giá trị mộc mạc của một già làng miền núi, triết lí ấy càng dễ thấm sâu vào tâm hồn của những người dân Xô-man, của các cộng đồng dân tộc trên các dải đất tự nhiên.

Phân tích hình tượng nhân vật Tnú để làm sáng tỏ câu nói của cụ Mết: Chúng nó đã cầm súng, mình phải cầm giáo (Rừng xà nu – Nguyễn Trung thành)

4 Trackbacks / Pingbacks

  1. Dàn bài: Phân tích những hình tượng nổi bậc trong truyện ngắn Rừng xà nu - Theki.vn
  2. Nhân vật trong Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành đều là những con người kiên cường bất khuất của núi rừng Tây Nguyên trong công cuộc chống Mĩ cứu nước, nhưng mỗi người lại mang những nét riêng, nh
  3. Quan niệm về con người trong truyện ngắn Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành và Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu - Theki.vn
  4. Phương thức trần thuật trong văn bản truyện Ngữ văn 12. - Theki.vn

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.