Phân tích ý nghĩa chi tiết chiếc lược ngà trong truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nguyễn Quang Sáng

phan-tich-y-nghia-chi-tiet-chiec-luoc-nga-trong-truyen-ngan-cung-ten-cua-nha-van-nguyen-quang-sang-678

Phân tích ý nghĩa chi tiết “chiếc lược ngà” trong truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nguyễn Quang Sáng

  • Mở bài:

Truyện ngắn “Chiếc lược ngà” được viết năm 1966 khi tác giả hoạt động ở chiến trường Nam Bộ và được đưa vào tập truyện cùng tên. Tác phẩm thể hiện tình cha con cảm động và sâu nặng trong hoàn cảnh éo le, khắc nghiệt của chiến tranh. Chi tiết “chiếc lược'” món quà ông Sáu làm tặng bé thu – con gái ông, là một ấn tượng, điểm nhấn sâu sắc trong lòng người đọc về một câu chuyện cảm động vê tình phụ tử.

  • Thân bài:

Chiếc lược ngà là vật chứng cho tội ác của chiến tranh.

Nguồn gốc xuất hiện chiếc lược ngà chính là sự chia cách mà chiến tranh gây ra cho bao con người vô tội, bao gia đình hạnh phúc. Cha con ông Sáu hơn 8 năm không được gặp mặt, cả hai đều sống trong nỗi nhớ da diết dành cho nhau (ông Sáu nôn nao ngày trở về, còn bé Thu luôn giữ gìn và khắc sâu chân dung ba trong tấm ảnh, không cho phép ai “mạo nhận” là cha mình). Con không chịu nhận cha vì vết thẹo – tội ác của chiến tranh. Ngày cha con nhận nhau cũng là lúc anh phải trở lại chiến trường. Con dặn dò cha mua một cây lược về cho con. Ông Sáu đã làm “chiếc lược ngà” để đáp lại lời dặn đó.

Dường như nhà văn Nguyễn Quang Sáng cũng muốn kéo dài thêm giây phút chia ly của cha con Thu trong cảm nhận của người đọc bằng cách rẽ mạch truyện sang một hướng khác, để bác Ba nghe bà ngoại Thu kể lại cuộc chuyện trò của hai bà cháu đêm qua. Chi tiết này vừa giải thích cho ta hiểu thái độ bướng bỉnh không nhận ba hôm trước của bé Thu và sự thay đổi trong hành động của em hôm nay.

Như vậy, trong lòng cô bé, tình yêu dành cho ba luôn là một tình cảm thống nhất, mãnh liệt. Dù cách biểu hiện tình yêu ấy thật khác nhau trong hai hoàn cảnh, nhưng nó vẫn xuất phát trừ một cội nguồn trong trái tim đứa trẻ luôn khao khát tình cha. Tuy nhiên, Thu trước sau vẫn chỉ là một cô bé ngây thơ, em đồng ý cho ba đi để ba mua một chiếc lược, món quà nhỏ mà bất cứ em bé gái nào cũng ao ước. Bắt đầu từ chi tiết này, chiếc lược ngà bước vào câu chuyện, trở thành một chứng nhân âm thầm cho tình cha con thiêng liêng, bất tử.

Chiếc lược ngà là hiện thân của tình phụ tử thiêng liêng:

Biểu tượng tình cảm của con đối với cha: bé Thu gửi gắm vào chiếc lược niềm tin và sự mong mỏi sự trở về của ông Sáu. Tác giả diễn tả tình cảm của ông Sáu xung quanh chuyện ông làm chiếc lược.  Kiếm được khúc ngà voi, ông hớn hở như đứa trẻ được quà: “từ con đường mòn chạy lẫn trong rừng sâu, anh hớt hải chạy về, tay cầm khúc ngà đưa lên khoe với tôi. Mặt anh hớn hở như một đứa trẻ được quà”.

Rồi ông dồn hết tâm trí và công sức vào việc làm cho con cây lược: “anh cưa từng chiếc răng lược, thận trọng, tỉ mỉ và cố công như một người thợ bạc”. Trên sống lưng lược, ông đã gò lưng, tẩn mẩn khắc từng nét chữ: “Yêu nhớ tặng Thu con của ba”. Ông gửi vào đó tất cả tình yêu và nỗi nhớ.

Nhớ con, “anh lấy cây lược ra ngắm nghía rồi mài lên tóc cho cây lược thêm bóng, thêm mượt”. Ông không muốn con ông đau khi chải lược.Yêu con, ông Sáu yêu đến từng sợi tóc của con. Chiếc lược trở thành vật thiêng liêng đối với ông Sáu, nó làm dịu đi nỗi ân hận, nó chứa đựng bao tình cảm yêu mến, nhớ thương, mong ngóng của người cha với đứa con xa cách.

Hình ảnh “chiếc lược ngà” là hiện thân của tình cha bất diệt: cảnh trao lược và khoảng lặng vô ngôn của ông Sáu trước lúc hi sinh; bé Thu khi nhận lại chiếc lược đã vô cùng xúc động, trong cuộc đời giao liên luôn mang chiếc lược bên mình. Chi tiết chiếc lược ngà có ý nghĩa nối kết các nhân vật trong tác phẩm, vừa là biểu hiện cụ thể của tình cảm người cha dành cho con – vừa là biểu tượng tình cha con sâu nặng, thiêng liêng.

Vẻ đẹp tình cảm gia đình trong hoàn cảnh chiến tranh.

Ông Sáu đã hi sinh trong trận càn lớn của quân Mĩ – ngụy khi chưa kịp trao cây lược cho con gái. “Trong giờ phút cuối cùng,không còn đủ sức trăng trối lại điều gì, hình như chỉ có tình cha con là không thể chết được”, tất cả tàn lực cuối cùng chỉ còn cho ông làm một việc “đưa tay vào túi, móc cây lược” đưa cho người bạn chiến đấu. Đó là điều trăng trối không lời nhưng nó thiêng liêng hơn cả những lời di chức. Nó là sự ủy thác, là ước nguyện cuối cùng, ước nguyện của tình phụ tử. Và bắt đầu từ giây phút ấy, cây lược của tình phụ tử đã biến người đồng đội của ông Sáu thành một người cha thứ hai của bé.

Kết thúc truyện với sự hi sinh của ông Sáu, tác phẩm ngợi ca tình cha con bất diệt trong hoàn cảnh chiến tranh, khẳng định vẻ đẹp trong tâm hồn con người Việt Nam, của bản lĩnh Việt Nam. Tình cha con của ông Sáu và bé Thu khiến chúng ta hiểu hơn về chiến tranh, về gia đình, thêm trân trọng và yêu quý gia đình hơn. Bom đạn của kẻ thù chỉ có thể hủy diệt được sự sống của con người, còn tình cảm của con người – tình phụ tử thiêng liêng thì không bom đạn nào có thể giết chết được.

* Nhận xét, đánh giá

Chi tiết “chiếc lược ngà” đã chải vào mái tóc cuộc đời những nếp tóc hằn sâu về một chuyện cảm động, thấm thìa từ chiến tranh, sự mất mát và hi sinh cao cả của con người trong chiến tranh.

Nghệ thuật viết truyện tài hoa của tác giả: khả năng phân tích tâm lí nhân vật, ngôn ngữ bình dị, lựa chọn ngôi kể phù hợp, …

  • Kết bài:

Chi tiết “chiếc lược ngà” khẳng định ý nghĩa nhân văn sâu sắc của tác phẩm.

7 Trackbacks / Pingbacks

  1. Cảm nhận về nhân vật bé Thu trong "Chiếc lược ngà" của Nguyễn Quang Sáng - Theki.vn
  2. Cảm nhận vẻ đẹp con người Việt Nam qua truyện ngắn "Chiếc lược ngà" của Nguyễn Quang Sáng - Theki.vn
  3. Cảm nhận tình yêu thương con tha thiết của nhân vật ông Sáu trong truyện ngắn "Chiếc lược ngà" - Theki.vn
  4. Nghị luận: "Bắt rễ ở cuộc đời hằng ngày của con người, văn nghệ lại tạo được sự sống cho tâm hồn con người..." - Theki.vn
  5. Những đặc sắc nghệ thuật trong truyện ngắn Chiếc lược ngà của Nguyễn Quang Sáng - Theki.vn
  6. Suy nghĩ của em về nhân vật ông Sáu trong Chiếc lược ngà của Nguyễn Quang Sáng - Theki.vn
  7. Cảm nhận về vẻ đẹp tình cảm của nhân vật bé Thu khi khi nhận ra ba buổi sáng trên bến sông - Theki.vn

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.