Phân tích truyện An Dương Vương và Mị Châu – Trọng thủy

phan-tich-y-nghia-truyen-an-duong-vuong-va-mi-chau-trong-thuy-10865-2

Truyện An Dương Vương và Mị Châu – Trọng thủy

  • Mở bài:

Truyện An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thủy được trích từ truyện Rùa Vàng trong Lĩnh Nam chích quái – tập truyện dân gian được sưu tập vào cuối thế kỉ XV

  • Thân bài:

– An Dương Vương xây thành, chế nỏ giữ nước: thành xây ở đất Việt Thường nhưng “hễ đắp tới đâu lại lỡ tới đấy”. Nhờ sự giúp đỡ của Rùa Vàng, An Dương Vương xây được thành, chế nỏ thần, chiến thắng Triệu Đà, buộc hắn phải cầu hòa. Thông qua những chi tiếc kì ảo trong truyền thuyết (có sự giúp đỡ của thân linh), dân gian đã ngợi ca nhà vua, tụ hào về chiến công xây thành, chế nỏ, chiến thắng ngoại xâm của dân tộc

– Bi kịch nước mất nhà tan và bi kịch tình yêu tan vỡ:

+ Vì chủ quan, mất cảnh giác, hai cha con An Dương Vương đã mắc mưu Triệu Đà dẫn đến việc nước Âu Lạc thất bại. Cùng với nước mất là nhà tan. Trước lời kết tội của Rùa Vàng, An Dương Vương đã “rút gươm chém Mị Châu”. Câu nói của Rùa Vàng làm An Dương Vương tỉnh ngộ, nhận ra bi kịch. Hành động “rút gươm chém Mị Châu” thể hiện sự dứt khoát, quyết liệt và sự tỉnh ngội muộn màng của nhà vua

+ Mối tình Mị Châu – Trọng Thủy tan vỡ bởi âm mưu xâm lược của Triệu Đà. Cái chết của Mị Châu, Trọng Thủy là kết cục bi thảm của một mối tình éo le luôn bị tác động, chi phối bởi chiến tranh

+ Nhân dân không đồng tình với sự chủ quan, mất cảnh giác của An Dương Vương và nêu bài học lịch sử về thái độ cảnh giác với kẻ thù; vừa phê phán hành động vô tình phản quốc, vừa rất độ lượng với Mị Châu, hiểu nàng là người cả tin, ngây thơ bị lợi dụng. Hình ảnh “ngọc trai- nước giếng” thể hiện thái độ vừa nghiêm khắc, vừa nhân ái của nhân dân ta với các nhân vật trong truyện

Về nghệ thuật:

– Kết hợp nhuần nhuyễn giữa “cốt lõi lịch sử” và hư cấu nghệ thuật
– Kết cấu chặt chẽ, xây dựng những chi tiếc kì ảo có giá trị nghệ thuật cao (ngọc trai – giếng nước)
– Xây dựng được những nhân vật truyền thuyết tiêu biểu

  • Kết bài:

Truyện An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thủy giải thích nguyên nhân việc mất nước Âu Lạc và nêu bài học lịch sử về việc giữ nước, tinh thần cảnh giác với kẻ thù, cùng cách xử lí đúng đắn mối quan hệ giữa riêng với chung, nhà với nước, cá nhân với cộng đồng.


Bài tham khảo:

Phân tích truyền thuyết “An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thủy”

An dương Vương và Mị Châu Trọng Thủy có thể xem là tác phẩm đặc trưng nhất cho thể loại truyền thuyết với kết cấu đa tầng, nhân vật đa diện, kết cục giàu tính nhân văn. Tác phẩm là sự hòa hòa quyện giữa sự kiện lịch sử và khát vọng của nhân dân mong muốn bảo vệ tổ quốc, bênh vực con người, đề cao tình nghĩa vợ chồng. Tác phẩm cũng cho thấy mâu thuẫn gắt gao giữa quyền lợi cá nhân và quyền lợi của tổ quốc. Kết cục, nhân dân đã lấy tổ quốc làm giá trị lớn nhất, nâng cao tư tưởng ái quốc, quyết hi sinh để bảo vệ và gìn giữ lấy.

Trong buổi đầu dựng nước, An Dương Vương đã rất có công với dân tộc. Ông cho xây thành Cổ Loa với hi vọng nhân dân sẽ được ấm no hạnh phúc. Việc xây thành mãi vẫn không thành công, ông bèn cầu trời phật, giữ cho tâm mình trong sạch. Điều đó đủ để thấy tâm huyết của ông dành cho dân tộc là như thế nào. Nhờ sự giúp đỡ của sứ Thanh Giang cùng với tấm lòng yêu nước thương dân của ông, chỉ nửa tháng sau, thành đã được xây xong. Có lẽ ông đã vui mừng khôn xiết khi thấy điều đó. Ông còn lo cho vận mệnh đất nước khi tâm sự mối băn khoăn lại bị Đà xâm chiếm với thần Kim Quy. Thần đã cho An Dương Vương một cái vuốt. Ông đã làm thành nỏ, cái nỏ ấy có thể bắn ra hàng ngàn mũi tên chỉ trong một lần bắn (nhân dân gọi là nỏ thần). Nước Âu Lạc nhờ thế nên đã được sống trong thái bình thịnh trị. Ta thấy rằng An Dương Vương quả là một vị minh quân, một người biết nhìn xa trông rộng, biết lo trước những mối lo của thiên hạ.

Nhưng cũng chính vì thế cũng đã hình thành tính tự mãn nơi ông. Khi Triệu Đà sang cầu hôn, ông đã đồng ý gả con gái mình cho con trai Đà là Trọng Thủy. Cuộc hôn nhân giữa hai nước vốn đã có hiềm khích là sự dự báo cho những mối hiểm họa về sau.

“Một đôi kẻ Việt người Tàu
Nửa phần ân ái, nửa phần oán thương”

“Một đôi kẻ Việt người Tàu” lấy nhau như thế là một sự nguy hiểm khôn lường. Thế nhưng An Dương Vương không hề màng tới điều đó. Có lẽ ông chỉ mong hai nước sớm thuận hòa qua cuộc hôn nhân này và nhân dân sẽ không phải chịu cảnh khổ đau. Nhưng ông không biết được, kẻ thù dù quỳ dưới chân ta thì chúng vẫn vô cùng nguy hiểm. Ông nghĩ cho dân, nghĩ đến cái lợi trước mắt nhưng lại không nghĩ đến những điều nguy hiểm sắp đến. Vì thế, ông đã đưa cả cơ đồ “đắm biển sâu”.

Sự tự mãn là bạn đồng hành của thất bại. Có nỏ thần trong tay, An Dương Vương dường như đã nắm chắc phần thắng trong tay. Đỉnh điểm là lúc được báo Triệu Đà sang đánh chiếm thì ông “vẫn điềm nhiên ngồi đánh cờ, cười mà nói rằng: ‘Đà không sợ nỏ thần sao?’” Ông đã bước vào vết xe đổ của người xưa, để rồi lúc nguy cấp nhất, ông mới lấy nỏ thần ra bắn và biết là nỏ giả, liền dắt con gái bỏ chạy về phương Nam. Trong lúc cấp bách, ông chỉ biết mỗi việc bỏ chạy chứ không còn cách đối kháng nào khác. Khi ra đến biển Đông, ông còn không nhận ra được đâu là giặc, ông chỉ ngửa mặt kêu “trời” mà không biết phải làm gì. Đến khi thần Rùa Vàng hiện lên và nói: “Kẻ ngồi sau lưng chính là giặc đó!” thì ông đã rút gươm chém con gái của mình.

Hành động dứt khoát, không do dự ấy đã chứng minh ông là một vị minh quân. Ông đặt việc nước lên trên việc nhà, không để việc riêng làm lung lay ý chí. Thần Rùa Vàng hay chính thái độ của nhân dân lao động đã bổ sung mọi khiếm khuyết cho ông. Khi ông không xây được thành, thần hiện lên giúp đỡ, khi ông lo cho vận mệnh đất nước, thần cũng hết sức chỉ bào ông và lúc này, khi nguy cấp nhất, thần cũng hiện lên để giúp ông. Phải chăng đó là sự ngưỡng mộ, sự tha thứ cho một vị minh quân của nhân dân? Chi tiết “vua cầm sừng tê bảy tấc, Rùa Vàng rẽ nước dẫn vua đi xuống biển” đã chứng minh điều đó. Biển cả đã mở rộng tấm lòng đón ông về. Những con sóng trôi dạt vào bờ lại bị bật ra năm nào liệu có còn nhớ hình ảnh hai cha con tội nghiệp?

Nếu như kì tích xây thành Cổ Loa là một chiến thắng vẻ vang mang tính huyền thoại thì sự thất bại lần này của An Dương Vương mang tính hiện thực sâu sắc. Và bi kịch nước mất nhà tan ấy xuất phát từ mối tình duyên của Mị Châu và Trọng Thủy. Mị Châu là con An Dương Vương, là vợ Trọng Thủy và là con dâu của Triệu Đà. Nàng rất ngây thơ, yêu Trọng Thủy với một tình yêu trong sáng của con gái. Nàng đã trao cho Trọng Thủy tất cả trái tim mình.

Mấu chốt chính là lúc nàng chỉ cho Trọng Thủy xem nỏ thần. Nỏ thần là bí mật quốc gia, là việc đại sự, thế mà nàng lại “vô tư” đến mức đưa cho Trọng Thủy xem. Nàng u mê, ngu muội đến mức lầm lẫn giữa “tình nhi nữ” và “việc quân vương”. Còn gì đau xót hơn chăng? Nếu xét về khía cạnh một người vợ thì Mị Châu là một mẫu hình lí tưởng cho chữ “tòng” thời ấy.

Nhưng không chỉ là một người vợ, Mị Châu còn là công chúa của nước Âu Lạc. Khi đã tráo được nỏ thần, Trọng Thủy biện cớ về thăm cha. Trước khi đi, chàng nói với Mị Châu: “Tình vợ chồng không thể lãng quên, nghĩa mẹ cha không thể dứt bỏ. Ta nay trở về thăm cha, nếu như đến lúc hai nước thất hòa, Bắc Nam cách biệt, ta lại tìm nàng, lấy gì làm dấu?”. Câu nói đầy ẩn ý của Trọng Thủy thế mà Mị Châu không nhận ra.

Nàng yêu Trọng Thủy đến mức còn không thèm đặt ra câu hỏi tại sao hai nước phải thất hòa, tại sao Bắc Nam phải cách biệt trong khi ta đã là “người một nhà”. Nàng chỉ hướng về hạnh phúc lứa đôi, mong đến ngày sum họp: “Thiếp phận nữ nhi, nếu gặp cảnh biệt li thì đau đớn khôn xiết. Thiếp có áo gấm lông ngỗng thường mặc trên mình, đi đến đâu sẽ rứt lông mà rắc ở ngã ba đường để làm dấu, như vậy sẽ có thể cứu được nhau”. Câu nói của Mị Châu là lời nói của một người vợ yêu chồng tha thiết. Nhưng nàng không biết rằng hành động của nàng đã cho Triệu Đà chiến thắng vua cha, cho Trọng Thủy đuổi theo giết cha mình.

“Lông ngỗng rơi trắng đường chạy nạn
Những chiếc lông không tự biết giấu mình”

Khi bị giặc truy đuổi, Mị Châu đã mặc chiếc áo lông ngỗng trên mình. Chiếc áo hóa trang lông ngỗng là trang phục của người phụ nữ Việt xưa trong những dịp lễ hội. Thế nhưng Mị Châu lại mặc nó vào lúc nguy cấp như thế này. Điều đó cho thấy nàng đã không còn lí trí sáng suốt nữa. Mọi hành động của nàng đều bị tình cảm vợ chồng chi phối. Trước khi bị vua cha chém đầu, nàng đã nói: “Thiếp là phận gái, nếu có lòng phản nghịch mưu hại cha, chết đi sẽ biến thành cát bụi. Nếu một lòng trung hiếu mà bị người lừa dối thì chết đi sẽ biến thành châu ngọc để rửa sạch mối nhục thù”.

Nàng đã nhận ra được chân tướng sự việc, rằng người nàng đã yêu, đã tin tưởng bấy lâu nay chỉ là kẻ lừa bịp. Cái chết của Mị Châu là sự hóa thân không trọn vẹn, xác biến thành ngọc thạch, máu biến thành châu ngọc. Điều đó cho thấy sự cảm thông của nhân dân ta với Mị Châu, một người đã “vô tình” đưa nước Việt vào một ngàn năm nô lệ.

Ba nhân vật, ba số phận, ba vai diễn đều do Triệu Đà đứng phía sau làm đạo diễn. Nhưng có lẽ, vai diễn của Trọng Thủy là khó khăn nhất. Chàng phải hóa thân thành nhiều vai, mỗi vai một tính cách khác nhau, đòi hỏi ở con người ta phải có tài năng diễn xuất kiệt xuất. Trước mặt An Dương Vương và Mị Châu, Trọng Thủy đeo chiếc mặt nạ là một người con rể, một người chồng hết sức yêu thương vợ.

Nhưng chiếc mặt nạ còn lại Trọng Thủy giấu vào trong bóng tối. Chàng diễn hay đến mức không ai có thể nhận ra. Lời chàng nói với Mị Châu khi từ biệt, những hành động âu yếm của chàng đối với Mị Châu cho ta thấy chàng là một người đàn ông mẫu mực. Thế nhưng tất cả đã hoàn toàn sụp đổ khi ta nhận ra được âm mưu của chàng. Cuối truyện, Trọng Thủy cũng không thể nào sống yên cùng với những vinh hoa phú quý mà mình chiếm được. Tâm trạng chàng rất dằn vặt. Có lẽ trước khi thực hiện mưu đồ ấy, chàng cũng đã đấu tranh tư tưởng rất nhiều. Nhưng suy cho cùng chàng cũng là thân phận người Tàu, là con trai Triệu Đà và là nạn nhân của cuộc chiến tranh phi nghĩa.

Trọng Thủy đã hết lòng trung thành với cha. Nhưng chi tiết chàng nhảy xuống giếng vì tưởng nhớ Mị Châu đã cho ta một cách nhìn khác về nhân vật này. Chàng đã gài một cái bẫy giúp cha mình, một cú lừa ngoạn mục để rồi chàng cũng chính là nạn nhân của cái bẫy ấy. Người đời sau mò được ngọc ở biển Đông lấy nước giếng này rửa thì thấy ngọc sáng thêm. Phải chăng Mị Châu đã tha thứ cho Trọng Thủy? Nhưng tin chắc rằng nàng sẽ không ngu muội nữa, vì lời nguyền của nàng là sẽ “rửa sạch mối nhục thù” chứ không cầu mong gì thêm. Ngọc sáng đã minh chứng cho tình yêu, lòng chung thủy và sự trong sáng, vô tội của nàng.

Không như cổ tích, cái kết luôn có hậu cho mọi người. Truyền thuyết buộc ta phải suy ngẫm thật nhiều sau đó. Chúng ta phải biết đặt cái chung lên trên cái riêng, nhất là phải cảnh giác, đừng như An Dương Vương “nuôi ong tay áo, nuôi cáo trong nhà”. Và trong tình yêu phải luôn luôn sáng suốt, đừng nên lầm đường lạc lối để rồi phải trả một cái giá quá đắt như Mị Châu. Truyện vừa mang tính triết lí vừa thấm đậm ý vị nhân sinh như Tố Hữu trong “Tâm sự” đã nói:

“Vẫn còn đây pho tượng đá cụt đầu
Bởi đầu cụt nên tượng càng rất sống
Cái đầu cụt gợi nhớ dòng máu nóng
Hai ngàn năm dưới đá vẫn tuôn trào
Anh cũng như em muốn nhắc Mị Châu
Đời còn giặc xin đừng quên cảnh giác
Nhưng nhắc sao được hai ngàn năm trước
Nên em ơi ta đành tự nhắc mình”.


  • Mở bài:

Truyện An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thủy là câu chuyện được lưu truyền rộng rãi trong lòng dân tộc ta từ xưa đến nay. Qua câu chuyện giữ nước của An Dương Vương, câu chuyện để lại cho hậu thế nhiều bài học sâu sắc giữa tình thân và đất nước, giữa bạn và thù cùng ý thức cảnh giác trước âm mưu xâm lược của kẻ thù. Tuy là một nhân vật lịch sử, nhưng ở trong truyện này, An Dương Vương được xây dựng khá toàn diện, mang đậm dấu ấn văn học.

  • Thân bài:

Lịch sử của dân tộc ta là lịch sử dựng nước và giữ nước. Lịch sử ấy không những được lưu giữ cẩn thận trong nhân gian mà còn trở thành nơi để gửi gắm tâm tư tình cảm, lẽ sống ở đời của nhân dân. Lấy cảm hứng từ sự kiện lịch sử, Truyện An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thủy đã được dân gian hóa rất nhiều. Cốt lõi lịch sử chỉ còn là cái bóng để làm câu chuyện thêm chân thực và hấp dẫn.

Chuyện kể về lịch sử của nước ta thời An Dương Vương. An Dương Vương lên ngôi vua, xây thành Cổ Loa để bảo vệ đất nước, nhưng thành cứ xây xong lại đổ. Rùa vàng hiện lên giúp vua trừ yêu quái. Thành xây xong,Rùa Vàng lại giúp vua làm nỏ thần để chống giặc. Triệu Đà nhiều lần tấn công thành thất bại, bèn nghĩ kế cầu hoà, cho con trai là Trọng Thủy sang cầu hôn Mị Châu. Trọng Thuỷ dụ dỗ Mị Châu cho xem bí mật nỏ thần rồi lén làm chiến nỏ giả đem đánh tráo.

Trọng Thuỷ về nước, chia tay Mị Châu. Mị Châu hẹn lấy lông ngỗng làm dấu để tìm nhau. Triệu Đà lấy được nỏ thần, ra lệnh tấn công. An Dương Vương thua, cùng Mị Châu chạy trốn. Đến cùng đường, biết Mị Châu là thủ phạm bèn chém chết Mị Châu rồi cùng Rùa Vàng rẽ nước xuống biển. Trọng Thủy đuổi theo đến bờ biển, ôm xác Mị Châu về táng tại Loa Thành, rồi vì nhớ thương nàng mà nhảy xuống giếng tự vẫn. Trai biển đông ăn được máu của Mị Châu nên hoá ngọc. Đời sau đem ngọc trai biển đông rửa vào nước giếng Trọng Thuỷ thì ngọc sáng hơn.

Gắn với di tích còn để lại cho đến ngày nay và sự kiện lịch sử xây dựng thành cổ loa, có thể thấy đây chưa hẳn là một câu chuyện cổ do trí tưởng tượng phong phú của con người dệt thành. Giá trị lịch sử của câu chuyện thể hiện ở việc An Dương Vương là người xây thành Cổ Loa.

Việc xây thành Cổ Loa vô cùng gian nan. Do Kê Tinh quấy phá, thành xây đến đâu sập đổ đến đó, tiêu tốn không biết bao nhiêu công sức của nhân dân. Chính An Dương Vương là người hóa giải được tai họa đó. Nhờ có rùa thần mách bảo, Kê Tinh bị tiêu diệt, thành được xây xong. Rùa thần lại còn ban cho móng thần làm nỏ thân bách phá bách trúng. nhờ có nỏ thần, An Dương Vương đã chiến thắng quân Triệu Đà, giữ vững giang sơn. Có thể khẳng định, dưới sự lãnh đạo của An Dương Vương, Âu Lạc vô cùng vững mạnh, khiến cho kẻ thù khiếp sợ.

Việc xây thành Cổ Loa của An Dương Vương có sự giúp đỡ của thần linh là một sáng tạo của trí tưởng tượng phong phú của nhân dân. Do yêu tinh quấy phá mà thành xây mãi vẫn chưa xong. Nhà vua lập đàn khấn vái bách thần, trai giới cầu an. Nhờ cụ già mách bảo lại thêm sứ Thanh Giang giúp sức. Chỉ trong nửa tháng, thành đã xây xong.

Việc xây thành nhanh đến thế chỉ có thần linh mới làm được. Thần linh giúp An Dương Vương bởi vì đã có ý thức đề cao cảnh giác khi giặc chưa đến mà lo phòng bị. Điều đó khẳng định hành động của An Dương Vương là chính nghĩa hợp ý trời và được lòng dân. Đồng thời nở thần là sự kì ảo hóa bí mật vũ khí tinh xảo của người Việt xưa. Hình ảnh thần linh và sức mạnh thần kì chính là ước mơ của nhân dân về một sức mạnh tương trợ để giữ nước trong buổi đầu sơ khai của lịch sử.

Việc An Dương Vương xây dựng thành Cổ Loa thành công phản ánh sự gian nan vất vả của công việc bảo vệ và xây dựng đất nước, ca ngợi công lao to lớn của An Dương Vương, tự hào về chiến công xây thành, chế nỏ, chiến tháng ngoại xâm của dân tộc. Chi tiết ấu cũng khẳng định sức mạnh của chính nghĩa, tinh thần đoàn kết, đề cao tinh thần cảnh giác, phòng chống giặc ngoại xâm.

Tiếp sau công cuộc xây thành là công cuộc giữ nước trước sự xâm lược của kẻ thù. Do mắc phải nhiều sai lầm nên An Dương Vương không mãi đứng trên đỉnh vinh quang của chiến thắng mà đã gặp phải những thất bại cay đắng. Nỏ thần rất linh nghiệm, song bao giờ cũng vậy, thắng lợi mà dựa vào vũ khí, con người sinh ra chủ quan. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến mất cảnh giác, dẫn đến hậu quả khôn lường.

Triệu Đà là kẻ tham lam và đầy mưu mô nhìn thấy đất nước Âu Lạc trù phú, hắn muốn cướp lấy. Lần thứ nhất xuất quân vội vã, Triệu Đà chuốc lấy thất bại nặng nề nhưng vẫn không từ bỏ âm mưu xâm lược. Hắn sai con là Trọng Thủy sang cầu hòa và ngỏ ý muốn kết duyên cùng Mị Châu, con gái An Dương Vương. Không lường hết được âm mưu thâm hiểm của kẻ thù, An Dương Vương đã gả Mị Châu cho Trọng Thủy. Sau cuộc hôn nhân, Trọng Thủy với vị trí là phò mã được đi lại tự do và thực hiện mưu đồ tìm hiểu về vũ khí bí mật quốc gia.

Cậy có nỏ thần, khi Triệu Đà kéo quân sang trước cổng thành, An Dương Vương còn chủ quan khinh địch: “Đà không sợ nỏ thần sao?”. Nói rồi vẫn ung dung ngồi đánh cờ. Hành động điềm nhiên chơi cờ và cười “Đà không sợ nỏ thần sao?” cho thấy An Dương Vương quá tự tin, tự đắc, dựa dẫm hết vào sức mạnh của vũ khí thân kì. Sự chủ quan và mất cảnh giác đó là nguyên nhân dẫn đến nước mất, nhà tan. Cho đến khi quân giặc đã áp cổng thành, An Dương Vương vẫn điềm tĩnh. Có ngờ đâu, nỏ thần đã không còn, thành bị phá trong tích tắt, An Dương Vương phải vội lên ngựa chạy thoát thân.

An Dương Vương chỉ thực sự thức tỉnh khi nghe tiếng thét của Rùa Vàng. Sự thức tỉnh của An Dương Vương tuy muôn màng nhưng rất cần thiết để cứu vãn tình thế.

Chi tiết nhà vua tự tay chém chết con gái yêu quí nhất của mình là hành động vì nghĩa diệt thân, đặt lợi ích quốc gia lên trên tình nhà. Qua đó, nhân dân gửi gắm tấm lòng kính trọng đối với thái độ dũng cảm của vị vua, hành động quyết liệt, dứt khoát đứng về phía công lí và quyền lợi của dân tộc, cũng là sự thức tỉnh muộn màng của nhà vua, sự phê phán thái độ mất cảnh giác của Mị Châu. Hình ảnh Rùa Vàng là lời giải thích lí do mất nước nhằm xoa dịu nỗi đau mất của nhân dân ta. Chi tiết cũng thể hiện tấm lòng vị tha cao cả của nhân dân đối với những lỗi lầm của lịch sử.

Thức tỉnh, An Dương Vương đã tự tay chém đầu con gái. Đó là hành động quyết liệt, dứt khoát đứng về phía công lí và quyền lợi của dân tộc, cũng là sự thức tỉnh muộn màng của nhà vua. Chi tiết mang tính bi kịch sâu sắc. Sau cùng, An Dương Vương cầm sừng tê bảy tấc rồi theo gót Rùa vàng xuống biển. Nhân dân đã huyền thoại hoá, bất tử hoá người anh hùng, mong muốn người anh hùng bất tử để tiếp tục giữ gìn ý chí đấu tranh lấy lại đất nước của nhân dân.

Motip huyền thoại hóa, bất tử nhân vật anh hùng thể hiện chiều sâu triết lí của nhân dân. Nếu Thánh Gióng sau khi chiến thắng giặc Ân, đã một mình phi ngựa lên núi Sóc, cởi áo giáp sắt để lại rồi từ từ bay về trời. Ý nghĩa câu chuyện chỉ khi ngẩng mặt lên cao vời mới nhìn thấy rõ hết được công đức của bạc thánh quân. Đó là một kết thúc rực rỡ, hoành tráng vì nhân vật không mắc phải sai lầm hay thất bại nào. Còn ở An Dương Vương lại khác. Ông cầm sừng tê, cùng Rùa Vàng rẽ nước đi xuống thủy cung. Ông là sai lầm và thất bại, là nỗi nhục nhã của quốc gia nếu chỉ nhìn đơn giản. Phải cúi đầu nhìn xuống thăm thẳm sâu mới có thể thấy hết tấm lòng của nhà vua đối với nhân dân, đối với với đất nước. Nhà vua đã tận tuyệt tình riêng để giương công lí.

Bên cạnh nhân vật An Dương Vương, mối tình Mị Châu và Trọng Thủy cũng chứa đựng nhiều uẩn khúc khó giải bày. Cuộc hôn nhân giữa Mị Châu và Trọng Thủy mang tính chính trị sâu sắc. Nhân vật Mị Châu vừa đáng thương, lại vừa vừa đáng trách. Đáng thương là bởi nàng chỉ là một vật lợi dụng của cha con Triệu Đà. Ở mặt này, nàng hoàn toàn vô tội. Mị Châu lén đưa cho Trọng Thủy xem nỏ thần chỉ thuận theo tình cảm vợ chồng mà bỏ quên nghĩa vụ với đất nước. Vì:Nỏ thần thuộc về tài sản quốc gia, là bí mật quân sự.

Vì thế, Mị Châu lén đưa cho Trọng Thủy xem trộm nỏ thần là việc vi phạm nguyên tắc của bề tôi đối với nhà vua và đất nước, biến nàng thành giặc, đáng bị trừng phạt. Khi cùng cha chạy trốn lại còn rắc lông ngỗng chỉ đường cho Trọng Thủy, chỉ đường cho giặc đuổi theo truy sát. Nàng bị Rùa Vàng kết tội là giặc, là kẻ phản quốc. Sau đó còn bị chính cha của mình giết chết. Trong các nhân vật, Mị Châu là người phải gánh chịu nhiều oan khuất nhất.

Tình yêu, tình cảm vợ chồng (trái tim) không thể đặt lầm chỗ lên trên lí trí, nghĩa vụ với đất nước (đầu). Mất nước dẫn đến nhà tan nên không thể đặt lợi ích cá nhân lên lợi ích cộng đồng. Nàng đa gián tiếp tiếp tay cho kẻ thù nên bị trừng phạt nghiêm khắc.

Kẻ gây ra bi kịch thảm khốc đối với Mị Châu không ai khác chính là Trọng Thủy, chòng của nàng. Trọng Thủy đến với Mị Châu với một âm mưu chính trị thâm hiểm, đê tiện: lợi dụng mối tình để tìm hiểu và chiếm đoạt bí mật quốc gia. Hắn lừa Mị Châu cho xem nỏ thần rồi lén lút đánh tráo nỏ thần mang về nước. Chính trọng Thủy cũng là kẻ cầm quân tấn công nước Âu Lạc và đuổi theo cha con An Dương Vương. trọng Thủy tuy hoàn thành nghĩa vụ với quốc gia nhưng bỏ quên tình cảm vợ chồng.

Qua câu chuyện, ta thấy rõ, Mị Châu là người con gái nhẹ dạ, cả tin, yêu chồng sâu sắc, đặt tình cảm cá nhân lên trên vận mệnh với đất nước. Nàng vừa đáng giận vừa đáng thương. Trọng Thủy vừa là kẻ thù, vừa là nạn nhân của của chiến tranh xâm lược phi nghĩa. Hành động của Trọng Thủy cũng chỉ là sự nghe lời vua cha mà đánh mất đi hạnh phúc của chính mình mà thôi. Chỉ có Trọng thủy mới minh oan được cho Mị Châu.

Nhân dân trong khi “phê phán Mị Châu bằng bản án tử hình” vì những lỗi lầm gây tổn hại cho đất nước một cách đích đáng. Nhân dân lại cũng thấu hiểu rằng Mị Châu mắc tội không do chủ ý mà chỉ do vô tình, ngây thơ, nhẹ dạ. Bởi thế họ đã cho lời khấn của nàng linh ứng.

Nhân vật Trọng Thuỷ là nhân vật có nhiều tính cách phức tạp. Vì nghe lời cha, đặt nhiệm vụ lợi ích quốc gia lên trên nên trở thành kẻ vô tình bạc nghĩa, đã phụ tình yêu chân thành ngây thơ của Mị Châu. Khi biết tội lỗi của mình thì rất hối hận. Hình ảnh của Mị Châu ám ảnh con người bội bạc ấy đã dẫn đến cái chết thảm thương cho nhân vật. Trộng thủy đã nhảy xuống giếng tự tử.

Hắn bạc tình phụ nghĩa, hành vi bất chính, hèn hạ. Thế nên phải nhận lấy một kết cục đau đớn. Trọng Thủy mất vợ, mất tình yêu, phải sống trong day dứt, ăn năn. mất trí, Trọng Thủy lao đầu xuống giếng tự tử để đền tội. Không những thế, hắn còn bị lên án là kẻ gián điệp, phản bội. Thế nhưng, nhân dân cũng đã có một cái nhìn bao dung, độ lượng đối với Trọng Thủy.  Với Trọng Thủy, nước giếng thể hiện nỗi ân hận vô hạn và chứng nhận muốn giải tội của Trọng Thuỷ.

Hình ảnh “ngọc trai – giếng nước” là một sánh tạo đọc đáo của nhân dân. Hình ảnh ngọc trai phù hợp với lời ước nguyện của Mị Châu. Ngọc trai chứng minh cho tấm lòng trong sáng của nàng. Hình ảnh ngọc trai – giếng nước chính là sự hóa giải oan tình của Mị Châu. Chi tiết ngọc trai đem rửa nước giếng lại càng sáng đẹp hơn cho thấy Trọng Thuỷ đã tìm được sự hoá giải của Mị Châu ở thế giới bên kia. Với hình ảnh “ngọc trai – giếng nước” này, nhân dân ta đã có sự phán xét thấu lí đạt tình, vừa nghiêm khắc vừa nhân ái đối với con người lầm lỗi. Nhân dân với tấm lòng bao dung, vị tha luôn rộng lòng tha thứ cho những người vô tình phạm tội như Mị Châu hay những kẻ biết ăn năn hối hận như Trọng Thuỷ.

Câu chuyện An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thủy để lại nhiều bài học lịch sử sâu sắc.  Nó nhắc nhở vè trách nhiệm của người lãnh đạo, người đứng đầu quốc gia phải có ý thức cảnh giác đối với kẻ thù, có tầm nhìn xa rộng, quyết sách đúng đắn đối với vận mệnh của dân tộc. Trong quan hệ tình cảm, phải có cách giải quyết mối quan hệ riêng – chung đúng mực, có sự phân biệt rạch ròi giữa tình nhà và nợ nước.

Nước Âu Lạc có thành cao, hào sâu, vũ khí đủ mạnh để chiến thắng cuộc xâm lược của Triệu Đà nhưng về sau đã bị rơi vào tay kẻ thù. An Dương Vương xây thành, chế nở để bảo vệ đất nước nhưng lại đã để mất nước. Rùa vàng, thần Kim Quy, nỏ thần, ngọc trai – giếng nước, sự hoá thân của Mị Châu là những hư cấu nghệ thuật được dân gian tưởng tượng ra nhằm làm cho câu chuyện li kì, hấp dẫn và tăng thêm mối quan hệ với cốt lõi lịch sử.

Tác phẩm có sự hòa quyện giữa yếu tố lịch sử và yếu tố thần kì. Kết hợp bi và hùng, xây dựng được những hình ảnh giàu chất tư tưởng và thẩm mĩ, có sống lâu bền. Thời gian nghệ thuật xuất phát từ một sự kiện lịch sử có thật. Không những thế, nó còn gắn với các di tích vật chất, di tích lịch sử, lễ hội còn tồn tại cho đến ngày nay. Bởi thế, ý nghĩa lịch sử và sức sống của câu chuyện mãi còn với thời gian dân tộc.

  • Kết bài:

Truyền thuyết An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thủy là một cách giải thích nguyên nhân việc mất nước Âu Lạc. Nó còn đem lại những bài học quý: bài học về tinh thần cảnh giác với kẻ thù; cách xử lí đứng đắn mối quan hệ giữa cái riêng- cái chung, giữa nhà – nước, giữa cá nhân- cộng đồng, giữa tình cảm và lí trí.

1 Trackbacks / Pingbacks

  1. Phân tích truyện An Dương Vương và Mỵ Châu - Trọng Thủy (dưới góc độ thi pháp) - Theki.vn

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.