Phân tích nét đặc sắc trong cảm nhận về thời gian và tuổi trẻ trong thơ của Xuân Diệu

phan-tich-y-nghia-va-gia-tri-bai-tho-voi-vang-cua-xuan-dieu-10533-2

Nét đặc sắc trong cảm nhận về thời gian và tuổi trẻ trong thơ của Xuân Diệu.

1. Thời gian tuyến tính – thời gian trôi một đi không trở lại.

Quan niệm của Xuân Diệu trong bài thơ khác với quan niệm thời gian của người xưa: thời gian lặp lại theo vòng tuần hoàn. Thời gian chỉ có một chiều, trôi là mất, không trở lại:

“Xuân đương tới nghĩa là xuân đương qua, 
Xuân còn non, nghĩa là xuân sẽ già”

Thời gian của đời người cũng thế:

“Mà xuân hết, nghĩa là tôi cũng mất”.

Tuổi xuân trôi qua không trở lại:

“Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn, 
Nếu tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại! 
Còn trời đất nhưng chẳng còn tôi mãi”

Thời gian gắn liền với màu sắc của vạn vật. Thời gian ấy chỉ có hai trạng thái: tươi đẹp và tàn phai. Quan niệm ấy cũng khác quan niệm thời gian ba thì: quá khứ, hiện tại và tương lai).

Bước đi của thời gian nhanh hơn:

“Chim rộn ràng bỗng đứt tiếng reo thi
Phải chăng sợ độ phai tàn sắp sửa?”

Qua sự cảm nhận về thời gian của Xuân Diệu, người đọc thấy được lòng yêu đời, yêu cuộc sống thiết tha của nhà thơ. Xuân Diệu luôn chạy đua với thời gian để tận hưởng niềm hạnh phúc, để sống có ý nghĩa:

“Lòng tôi rộng, nhưng lượng trời cứ chật. 
Không cho dài thời trẻ của nhân gian, 
Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn, 
Nếu tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại! 
Còn trời đất nhưng chẳng còn tôi mãi, 
Nên bâng khuâng tôi tiếc cả đất trời” 

Tăng nhịp điệu sống, nhà thơ gọi là “vội vàng” và hối hả hối thúc mình:

“Mau đi thôi! mùa chưa ngả chiều hôm,”

Tăng nhịp điệu sống để mỗi giây phút trôi qua đều được tận hưởng niềm hạnh phúc và sống có ý nghĩa:

“Ta muốn ôm
Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn;
Ta muốn riết mây đưa và gió lượn
Ta muốn say cánh bướm với tình yêu,
Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều”

Bài thơ Vội vàng thể hiện một quan niệm thẩm mĩ mới của Xuân Diệu:

Con người mới chính là chuẩn mực của cái đẹp, là kiểu mẫu của muôn loài. Quan niệm ấy hoàn toàn khác với quan niệm xưa, lấy thiên nhiên là chuẩn mực của cái đẹp.

Nhà thơ đã lấy vẻ đẹp của con người để miêu tả vẻ đẹp của thiên nhiên:

“Và đây ánh sáng chớp hàng mi”

Hay:

“Tháng giêng ngon như một cặp môi gần”

Trong một bài thơ khác, ông có viết:

“Lá liễu dài như một nét mi”. 

Quan niệm ấy khác với thơ xưa lấy thiên nhiên để miêu tả vẻ đẹp con người, vốn là nghệ thuật cốt lõi  trong thơ cổ điển. Khi miêu tả vẻ đẹp Thúy Vân, Nguyễn Du viết:

“Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang” (khuôn mặt rạng ngời đầy đặn như vầng trang sáng, hàng chân mày nở nang như bướm tằm)

Thiên nhiên mới là cái đẹp chuẩn mực, cái đẹp của con người dựa trên điều chuẩn mực ấy mà so sánh.

Xuân Diệu cũng có quan niệm nhân sinh hết sức mới mẻ.

Ông cho rằng hạnh phúc đích thực ở giữa trần gian, ở ngay trong hiện tại. Khác với quan niệm xưa: đời là bể khổ, hạnh phúc ở kiếp sau, ở tương lai huyễn ảo, sinh kí tử quy.

Cuộc sống trần gian như thiên đường trên mặt đất, hiện hữu trước mặt, trong tầm tay của mọi người, ai cũng có thể tận hưởng. Tất cả đều gợi lên sự thơm ngon (tuần tháng mật), sự tươi non (đồng nội xanh rì, cành tơ phơ phất), sự ngây ngất (khúc tình si).

Hạnh phúc của con người là sống cao độ mỗi giây phút của tuổi xuân. Giữ vai trò thượng đế của thiên đường trên mặt đất là con người với tuổi trẻ, tình yêu. Cách nhìn mùa xuân như thiếu nữ tràn đấy sức sống:

“Của ong bướm này đây tuần tháng mật, 
Này đây hoa của đồng nội xanh rì, 
Này đây lá của cành tơ phơ phất; 
Của yến anh này đây khúc tình si, 
Và này đây ánh sáng chớp hàng mi. 
Mỗi sáng sớm thần Vui hằng gõ cửa; 
Tháng giêng ngon như một cặp môi gần”.

Hay lối sống cuồng nhiệt, say mê đến tột đỉnh:

“Sống toàn tâm, sống toàn trí, sống toàn hồn
Sống toàn thân và thức nhọn giác quan”

Ý nghĩa nhân sinh trong quan niệm sống của Xuân Diệu cũng hết sức tích cực. Ông có ý thức về cái tôi cá nhân mãnh liệt. Vũ trụ tuần hoàn, còn tuổi xuân đã qua đi thì không trở lại. Ông sống là tận hưởng nhưng đồng thời phải tận hiến. Mỗi giây phút của cuộc đời trôi đi phải sống có ý nghĩa. Điều ấy cũng khác quan niệm sống thực dụng: chỉ biết đến cá nhân, ích kỉ, chỉ chạy theo sự thụ hưởng, nhất là thụ hưởng về vật chất).

2. Nghệ thuật biểu hiện đặc sắc:

Bài thơ Vội vàng thể hiện toàn bộ quan niệm của Xuân Diệu về cuộc đời và cách sống có ý nghĩa. Cấu tứ bài thơ chặt chẽ, kết hợp cảm xúc tự nhiên với luận lí. Ông lí lẽ vì sao phải “vội vàng” (phần đầu bài thơ). Tiếp đến giải thích “vội vàng” phải như thế nào (phần cuối bài thơ). Thủ pháp trùng điệp tạo nên sự mạnh mẽ, sôi nổi, cuốn hút được thể hiện qua cách điệp kiểu câu tài tình. Đoạn mở đầu: Điệp kiểu câu mở đầu “Tôi muốn … Cho…”, “Này đây… của…” Đoạn cuối: Điệp kiểu câu mở đầu “Ta muốn…” Điệp từ, điệp ngữ: “này đây” (đoạn đầu) “ta muốn”, “cho” (đoạn cuối).

Hình ảnh thơ cũng được tạo dựng bởi những liên tưởng mới lạ. Xuân Diệu nhìn thiên nhiên qua cái nhìn tình tứ của tuổi trẻ, tình yêu (Đoạn thơ: “Của ong bướm này đây tuần tháng mật;/ Này đây hoa của đồng nội xanh rì;/ Này đây lá của cành tơ phơ phất/ Của yến anh này đây khúc tình si”), vừa như mảnh vườn tình ái, vừa như bữa tiệc với thực đơn quyến rũ đang chào mời.

Sáng tạo hình ảnh cảm nhận bằng xúc giác (Những câu thơ: “Tháng giêng ngon như một cặp môi gần”, “Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!”).

3. Những đoạn thơ tiêu biểu:

Đoạn mở đầu thể hiện quan niệm nhân sinh, quan niệm thẩm mĩ: từ “Tôi muốn tắt nắng đi” đến “Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân”

Đoạn nói về sự cảm nhận thời gian và tuổi trẻ: từ “Xuân đương tới, nghĩa là xuân đương qua” đến “Khắp sông núi vẫn than thầm tiễn biệt”.

Đoạn cuối thể hiện quan niệm nhân sinh với niềm khát khao tận hưởng niềm hạnh phúc và sống có ý nghĩa: từ “Mau đi thôi! Mùa chưa ngả chiều hôm” đến “Hời xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi”

2 Trackbacks / Pingbacks

  1. Cảm nhận cái "tôi" của Xuân Diệu trong bài thơ "Vội vàng' - Theki.vn
  2. Phân tích cái "tôi" trong thơ Xuân Diệu - Thế Kỉ

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.