Dàn bài phân tích”Chiếu cầu hiền” của Ngô Thì Nhậm.

phan-tich-y-nghia-va-gia-tri-chieu-cua-hien-cua-ngo-thi-nham-10456-2

Dàn bài phân tích “Chiếu cầu hiền” của Ngô Thì Nhậm.

  • Mở bài:

– Ngô Thì Nhậm là bậc danh sĩ nối tiếng dưới thời Tây Sơn. Ông học rộng, tài cao, tư chất thông minh, tính tình cương nghị. Ngô thì Nhậm từng làm quan dưới triều vua Lê chúa Trịnh. Khi nhà Lê – Trịnh sụp đổ, Ngô Thì Nhậm đã đi theo phong trào Tây Sơn. Ông là người có đóng góp tích cực cho triều đại Tây Sơn.

– Sau khi quét sạch quân Thanh xâm lược và đám tàn quân bán nước, vua Quang Trung chăm lo phục hưng đất nước. Ông giao cho tiến sĩ Ngô Thì Nhậm thay mình viết “Chiếu cầu hiền kêu gọi những người tài đức ra giúp nước. Chiếu cầu hiền ra đời từ đó.

  • Thân bài:

1. Vai trò, quy luật xử thế của người hiền.

– Mở đầu bài viết, tác giả đã mượn lời của Khổng Tử:

+ Người hiền như sao sáng trên bầu trời, là tinh hoa, tinh tú của non sông, đất nước.

+ Sao sáng phải chầu về nơi Bắc thần.

+ Người hiền phải làm sứ giả cho thiên tử.

Sứ mệnh thiêng liêng, quy luật, chân lí đã được thừa nhận.

– Cách nêu vấn đề, nghệ thuật lập luận ở đoạn văn mở đầu thật giàu hình ảnh, chặt chẽ. Cách nêu vấn đề cũng hết sức cô đọng, ấn tượng, giàu tính thuyết phục, tạo tiền đề vững chắc cho việc cầu hiền ở phần sau.

+ Tác giả mượn lời của Khổng Tử trong sách Luận ngữ: Sao Bắc Đẩu giữ đúng vị trí của mình, các ngôi sao khác sẽ về sum tụ, chầu xung quanh. Như vậy, dụng ý của tác giả vừa tôn vinh các hiền sĩ vừa tôn vinh hoàng đế, đồng thời khẳng định với hiền sĩ khắp nơi rằng: triều đại mới là một triều đại dùng đức để cai trị đất nước

+  Tác giả còn mượn ý trời: xem việc người hiền tài về chầu thiên tử là một quy luật vừa hợp lòng trời, vừa hợp lòng người.

– Vua Quang Trung là người có quyền y cao nhất nhưng ngài không ra lệnh mà phải “cầu”. Điều đó cho thấy nhà vua hướng đến những người tài năng nhưng tự trọng nên không thể ra lệnh mà phải bộc lộ tấm lòng khao khát, chân thành, thỉnh cầu. Các vị thượng quan triều Lê một phần vì trung thành với triều cũ, một phần bất mãn với triều đình mới nên chưa sẵn sàng hợp tác. Bằng những lời thỉnh cầu chân thành và thống thiết nhằm làm họ hiểu rõ thời cuộc và kêu gọi họ cùng nhau giúp sức xây dựng nước nhà.

2. Tình hình thực tiễn và khao khát cầu hiền của vua Quang Trung.

* Tình hình thực tiễn đất nước.

– Trong lúc thời thế suy vi, các nho sĩ Bắc Hà có cách cư xử tiêu cực, yếm thế:

+ Bỏ đi ở ẩn.

+ Giữ mình không dám nói thẳng.

+ Một số người làm việc cầm chừng.

⇒ Cách cư xử của các nho sĩ Bắc Hà đã biểu lộ thái độ bất hợp tác với triều đình mới. Đó là lối sống uổng phí tài năng. Cách nói của chiếu cầu hiền rất tế nhị, khéo léo, thấu tình đạt lí.

* Thái độ của vua Quang Trung khi cầu hiền:

+ “Nay trẫm đang ghé chiếu lắng nghe”.

+ “Ngày đêm mong mỏi”.

Đó là thái độ khẩn khoản, thiết tha, mong mỏi.

– Hai câu hỏi cuối đoạn: “Hay trẫm ít đức không đáng để phò tá chăng?” , “Hay đang thời đổ nát chưa thể ra phụng sự vương hầu chăng?” đã có tác động như thế nào đến cách ứng xử của các nho sĩ Bắc Hà. Câu hỏi đặt trong tình thế lưỡng phân khiến người nghe phải thay đổi cách ứng xử. Đó là cách nói tế nhị vừa thể hiện trí tuệ vừa thể hiện thái độ thành tâm, vừa khiêm nhường mà tha thiết.

– Trước đây thời thế suy vi cách ứng xử của các nho sĩ là uổng phí tài năng nhưng đó là sự bất đắc dĩ hoặc nhầm lẫn. Do vậy nhà vua có thể khoan thứ.Nhưng thời điểm hiện tại mọi thứ đã đổi khác nên các nho sĩ, người hiền buộc phải thay đổi thái độ. Qua cách nói tế nhị vừa châm biếm và kích tướng nhẹ khiến người nghe nể trọng, tự nhận ra và tự cười về thái độ của mình. Cách nói của Quang Trung thật thấu tình, đạt lí.

* Hoàn cảnh và yêu cầu của đất nước:

– Tác giả đã đưa ra những lí lẽ để nói về hoàn cảnh đất nước lúc bấy giờ:

+ Buổi đầu dựng nghiệp còn nhiều khó khăn.

+ Kỉ cương nơi triều đình còn nhiều khiếm khuyết.

+ Biên ải chưa yên.

+ Dân còn nhọc nhằn.

+ Đức hóa của nhà vua còn chưa thấm nhuần khắp nơi.

Biện pháp liệt kê và kể đã tác động vào trách nhiệm của người sĩ đối với đất nước.

* Tầm nhìn của vua Quang Trung:

“Một cái cột không thể đỡ nổi một căn nhà lớn…”

Cách nói có hình ảnh chặt chẽ, nhìn xa trông rộng.

Nhận xét: Phần 2 với nghệ thuật kể, liệt kê thực trạng để tìm cách khơi gợi, kích động những hiền tài có lòng tự trọng và ý thức trách nhiệm. Đến cuối đoạn là những câu hỏi tu từ như xoáy sâu vào lòng người khiến những hiền sĩ có tâm đức không thể thờ ơ trước thực tại của đất nước. Giọng văn khi thì mạnh mẽ lúc lại khiêm nhường và thành tâm, khi thì cổ vũ khích lệ đã cho ta thấy một con người thông tuệ và một tấm lòng đại nhân của vua Quang Trung.

3. Chủ trương đường lối cầu hiền của vua Quang Trung:

+ Ai cũng có quyền được tham gia.

+ Cách tiến cử đa dạng.

+ Được dâng sớ tâu bày.

+ Do các quan tiến cử.

+ Dâng sớ tự tiến cử.

Đường lối cầu hiền rộng mở, đúng đắn, tiến bộ, hợp với lòng dân.

4. Nghệ thuật:

– Sử dụng điển cố để chuyển tải nội dung một cách hàm súc, tạo ấn tượng trang trọng.

– Lời văn ngăn gọn, súc tích; tư duy sáng rõ, lập luận chặt chẽ, khúc chiết, kết hợp với tình cảm tha thiết mãnh liệt có sức thuyết phục cả lí lẫn tình.

  • Kết bài:

– Chiếu cầu hiền thể hiện chủ trương đúng đắn và tầm nhìn chiến lược của vua Quang Trung trong việc cầu hiền tài phục vụ cho sự nghiệp dụng nước. Bài chiếu còn thể hiện tấm lòng vì nước, vì dân và sự khiêm tốn, thái độ chân thành của vua Quang Trung, giúp ta nhận thức được tầm quan trọng của nhân tài đối với quốc gia.


  • Câu hỏi và đề luyện tập:

1. Hãy cho biết: bài chiếu được viết nhằm đối tượng nào? Các luận điểm đưa ra để thuyết phục là gì? Có phù hợp với đối tượng không? Nhận xét về nghệ thuật lập luận của bài chiếu.

2. Qua bài “chiếu cầu hiền”, anh/chị hãy nhận xét về tư tưởng và tình cảm của vua Quang Trung.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.