Phân tích phong cách nghệ thuật thơ Tố Hữu

phong-cach-nghe-thuat-tho-to-huu

Phân tích phong cách nghệ thuật thơ Tố Hữu.

* Hướng dẫn làm bài:

1. Thơ Tố Hữu biểu hiện lẽ sống lớn, tình cảm lớn, niềm vui lớn:

+ Thơ Tố Hữu thường khai thác cảm hứng từ đời sống chính trị của đất nước, đời sống cách mạng.

+ Thơ Tố Hữu nổi bật là các vấn đề lí tưởng, lẽ sống cách mạng.

+ Thơ Tố Hữu khắc sâu tình đồng chí, nghĩa đồng bào, lòng yêu dân yêu nước, ân tình cách mạng.

2. Thơ Tố Hữu còn mang tính sử thi:

+ Thơ Tố Hữu thường đề cập đến những vấn đề có ý nghĩa lịch sử và có tính chất toàn dân.

+ Từ cái tôi – chiến sĩ đến cái tôi – công dân; tiến tới cái tôi nhân danh dân tộc, cách mạng (nhiều bài thơ trong tập Việt Bắc, Gió lộng, Ra trận, Máu và hoa).

+ Nhân vật trữ tình trong thơ Tố hữu là những con người đại diện cho phẩm chất của dân tộc, mang tầm vóc lịch sử và thời đại: Anh giải phóng quân, Nguyễn Văn Trỗi, Trần Thị Lý, mẹ Suốt, v.v…

+ Cảm hứng trong thơ Tố Hữu là cảm hứng lịch sử – dân tộc; số phận cá nhân hòa vào số phận dân tộc, cộng đồng.

3. Thơ Tố Hữu có giọng điệu riêng: giọng tâm tình:

+ Cách xưng hô với đối tượng trò chuyện, tâm sự, kêu gọi (Bạn đời ơi, Anh vệ quốc quân ơi, Anh chị em ơi, Xuân ơi Xuân, Đất nước ta ơi, Hương Giang ơi…),

+ Chất Huế của hồn thơ Tố Hữu.

+ Quan hệ nhà thơ với bạn đọc: “Thơ là chuyện đồng điệu”. Nghệ thuật thơ Tố Hữu giàu tính dân tộc

+ Sử dụng đa dạng các thể thơ đặc biệt các thể thơ truyền thống: Thơ lục bát (Việt Bắc, Kính gửi cụ Nguyễn Du), thơ bảy chữ (Quê mẹ, Mẹ Tơm, Bác ơi!….).

+ Sử dụng từ ngữ, lối nói quen thuộc của dân tộc, những so sánh, ví von truyền thông.

+ Phát huy tính nhạc phong phú của tiếng Việt: sử dụng tài tình từ láy, phối hợp âm thanh, nhịp điệu, vần, tạo nên chất nhạc chứa đựng cảm xúc dân tộc, tâm hồn dân tộc (Quê mẹ, Mẹ Tơm, Em ơi… Ba Lan).

4. Phong cách thơ Tố Hữu rất đa dạng, đã kế tục được truyền thống thơ ca dân tộc, kết hợp một cách nhuần nhị hai yếu tố cách mạng và dân tộc trong nghệ thuật.

Sức thu hút của thơ Tố Hữu chính là ở niềm say mê lí tưởng và tính dân tộc đậm đà. Thơ Tố Hữu thanh đạm, dịu ngọt, thấm sâu vào tâm hồn mọi thế hệ, từ người ‘đã ngã xuống cánh rừng trai trẻ hay người đến với thơ ông suốt thời thơ ấu, được lưu giữ và phát huy như một sức mạnh tinh thần, một giá trị văn hóa tiềm ẩn trong con người thời đại Hồ Chí Minh.


Bài tham khảo:

Phân tích phong cách nghệ thuật thơ Tố Hữu.

  • Mở bài:

Tố Hữu được coi là con chim đầu đàn vạch hướng cho cả nền thi ca Việt Nam hiện đại. Có những giai đoạn, thơ ông đã trở thành chỗ dựa tâm hồn cho mọi người. Bài thơ “Từ ấy”, “Việt Bắc” in trong SGK Ngữ văn 12 là hai bài thơ tiêu biểu cho phong cách thơ ông.

  • Thân bài:

Thơ Tố Hữu là thơ trữ tình chính trị:

Có thể nói, đây là đặc điểm bao trùm, chi phối các đặc điểm khác trong phong cách nghệ thuật thơ Tố Hữu, bởi ông là một chiến sĩ – thi sĩ. Thơ là một sự thống nhất giữa tuyên truyền cách mạng và cảm xúc trữ tình.

Thơ ông chủ yếu khai thác cảm hứng từ đời sống chính trị của đất nước, từ tình cảm chính trị của bản thân tác giả. Mọi sự kiện, vấn đề của đời sống cách mạng thông qua trái tim nhạy cảm của ông đều có thể trở thành đề tài, cảm hứng nghệ thuật thật sự. Tố Hữu là nhà thơ của lý tưởng cộng sản. Ông là thơ trước hết là để phục vụ cho sự nghiệp cách mạng. Trong thơ Tố Hữu, dù đề tài, nội dung, cảm hứng có đa dạng đến đâu thì vẫn nhất quán ở chỗ: lấy lý tưởng cách mạng, quan điểm chính trị là hệ quy chiếu. Tố Hữu nhiệt tình ca ngợi lý tưởng cách mạng, đối với nhà thơ, lý tưởng là “mặt trời chân lý chói qua tim”.

Hồn thơ Tố Hữu luôn hướng tới cái “ta” chung với lẽ sống lớn, tình cảm lớn, niềm vui lớn. Ngay từ đầu, cái tôi trữ tình trong thơ TH là cái tôi chiến sĩ, sau là cái tôi nhân danh Đảng, nhân danh cộng đồng dân tộc. Lẽ sống lớn của Tố Hữu là chiến đấu, hi sinh vì cách mạng, vì một ngày mai tươi sáng.

Ngày mai bao lớp đời dơ
Sẽ tan như đám mây mờ đêm nay

(Tiếng hát sông Hương)

Tình cảm lớn là tình cảm đối với quê hương, đất nước, nhân dân, với lãnh tụ, ca ngợi đạo lý “uống nước nhớ nguồn”.

Có gì đẹp trên đời hơn thế
Người yêu người, sống để yêu nhau

Niềm vui trong thơ ông không nhỏ bé, tầm thường mà là niềm vui lớn, sôi nổi hân hoan, rực rỡ và tươi sáng nhất là những vần thơ viết về chiến thắng.

Tôi lại nhìn như đôi mắt trẻ thơ
Tổ quốc tôi chưa đẹp thế bao giờ
Xanh núi, xanh sông, xanh đồng, xanh bể
Xanh trời xanh của những ước mơ

(Vui thế hôm nay… )

Thơ Tố Hữu thiên về khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn:

Tố Hữu coi những sự kiện lớn của đất nước là đối tượng chủ yếu. Ông luôn đề cập đến những vấn đề lịch sử có tính chất toàn dân. Cảm hứng chủ đạo trong tho Tố Hữu là cảm hứng lịch sử – dân tộc cứ không phải cảm hứng thế sự đời tư.

Nhân vật trữ tình trong thơ ông luôn đại diện cho phẩm chất của giai cấp, của dân tộc; mang vẻ đẹp lí tưởng cách mạng. Đến cuộc kháng chiến chống Mĩ cữu nước, họ đã được nâng lên thành những hình tượng anh hùng, mang tầm vóc thời đại và lịch sử, nhiều khi được thể hiện bằng bút pháp thần thoại hóa:

Đó là những chiến sĩ giải phóng quân kiên cường, bất khuất:

Hoan hô anh giải phóng quân
Kính chào anh, con người đẹp nhất
Lịch sử hôn anh chàng trai chân đất
Sống hiên ngang, bất khuất ở trên đời
Như Thạch Sang của thế kỉ hai mươi
Một cây ná, một cây chông cũng tấn công giặc Mĩ

(Bài ca xuân 68)

hay:

Các anh chị bước lên đài gươm máy
Đầu sắp rơi mà môi vẫn cười tươi!
Chỉ còn đây một giây sống nữa thôi
Mà mắt đó vẫn trông đời bình thản
Giữa lúc giặc hằm hằm tay lắp đạn
Anh hùng lên tấm ván vẫn hiên ngang
Vẫn oai nghi, như bao thuở, đường hoàng.

(Quyết hi sinh)

Đó là mẹ Tơm – người mẹ nghèo đã nuôi giấu, che chở cán bộ:

Thương người chiến sĩ căm Tây Nhật
Buồng mẹ, buồng tim giấu chúng con

Đó là mẹ Suốt, người mẹ Quảng Bình bất chấp hiểm nguy chèo thuyền đưa bộ đội qua sông giữa làn mưa bom bão đạn kẻ thù:

Một tay, lái chiếc đò ngang
Bến sông Nhật Lệ, quân sang đêm ngày

Đó là chị Trần Thị Lý – người con gái miền Nam anh hùng:

Ôi trái tim em, trái tim vĩ đại
Còn một giọt máu tươi, còn đập mãi
Không phải cho em, cho lẽ phải trên đời
Cho quê hương, cho Tổ quốc loài người

Khuynh hướng sử thi kết hợp với cảm hứng lãng mạn cách mạng. Thơ ông luôn hướng tới ngày mai, tương lai, khơi dậy niềm vui, lòng tin tưởng và say mê đối với cond đường cách mạng:

Nghìn đêm thăm thẳm sương dày
Đèn pha bật sáng như ngày mai lên

(Việt Bắc)

Đến cuộc kháng chiến chống Mĩ:

Hỡi Miền Bắc đó, nặng đôi vai Gánh cả non sông, vượt dặm dài
Xẻ dọc Trường Sơn, đi cứu nước Mà lòng phơi phới dậy tương lai!

(Theo chân Bác)

Thơ Tố Hữu có giọng điệu riêng: tâm tình, ngọt ngào, tha thiết:

Giọng điệu đó được thừa hưởng từ điệu hồn con người xứ Huế, những câu ca, giọng hò mái nhì, mái đẩy, nam ai nam bình… Đó còn xuất phát từ quan niệm của nhà thơ: Thơ là tiếng nói đồng ý, đồng chí, đồng tình. Thể hiện rõ nhất ở cách xưng hô gần gũi, thân mật. Dù trò chuyện tâm tình hay tuyên truyền cách mạng vẫn một giọng điệu ngọt ngào, thiết tha:

Gặp nhau lưng đèo Nhe
Bóng tre trùm mát rượi
Anh vệ quốc quân ơi!
Sao mà yêu anh thế

(Cá nước)

hay:

Ta về mình có nhớ ta
Ta về ta nhớ những hoa cùng người

(Việt Bắc)

Khi kêu gọi chiến đấu vẫn giữ nguyên giọng điệu ấy:

Anh chị em ơi!
Hãy giương súng lên cao chào xuân 68
Xuân Việt Nam, xuân của lòng dũng cảm

(Bài ca xuân 68)

Đó còn là sự cảm hòa giữa người và cảnh: đồng cảm, sẻ chia với thi nhân xưa:

Nỗi niềm xưa nghĩ mà thương
Dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng
Nhân tình nhắm mắt chưa xong
Biết ai hậu thế khóc cùng Tố Như

(Kính gửi cụ Nguyễn Du)

Đó còn là tình cảm gắn bó, thủy chung với những con người cách mạng:

Thương nhau, chia củ sắn lùi
Bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng

(Việt Bắc)

Thơ Tố Hữu đậm đà tính dân tộc:

Kế thừa truyền thống thơ ca dân tộc, đặc biệt là thơ ca dân gian và cổ điển, thơ TH đậm đà tính dân tộc trong cả nội dung và nghệ thuật.

Về nội dung: Hiện thực đời sống cách mạng, những tình cảm chính trị, đạo lý cách mạng qua cảm nhận của Tố Hữu đã hòa nhập, gắn bó với truyền thống tinh thần, tư tưởng đạo lý của con người Việt Nam.

Về nghệ thuật: Tố Hữu sử dụng nhuần nhuyễn các thể thơ dân tộc (lục bát, song thất lục bát… ) và có nhiều sáng tạo phong phú. Ngôn ngữ gần gũi với lời ăn tiếng nói dân tộc, so sánh ví von, thi liệu thành ngữ, tục ngữ, ca dao…

Nhớ gì như nhớ người yêu
Trăng lên đầu núi, nắng chiều lưng nương

(Việt Bắc)

Chiều sâu của tính dân tộc trong thơ Tố Hữu là ở nhạc điệu: “Âm nhạc như hồn của dân tốc, theo sát các ý thơ của Tố Hữu, làm cho hiện đai mà vẫn rất Việt Nam”. (Chế Lan Viên)

Em ơi Ba Lan mùa tuyết tan
Đường bạch dương sương trắng nắng tràn.

(Em ơi… Ba Lan)

Ở đây, Tố Hữu đã phát huy cao độ tính nhạc nhờ việc sử dụng các từ láy, thanh điệu và vần thơ. Nghệ thuật hướng về tình truyền thống hơn là sự tìm tòi đổi mới. Thành công của thơ Tố Hữu là minh chứng cho sự kết hợp nhuần nhuyễn hai yếu tố Cách mạng và dân tộc trong hình thứ đẹp đẽ của thơ ca.

  • Kết bài:

Tố Hữu là một nhà thơ lớn. Nói đúng hơn, ông là nhà thơ lãng mạn cách mạng. Cả cuộc đời ông gắn bó với cách mạng. Thơ với đời là một. Trước sau đều nhất quán. Tố Hữu nhìn cách mạng bằng con mắt lãng mạn của một thi sĩ. Thơ ông dường như chỉ có một giọng. Đó là giọng hát tưng bừng ca ngợi cách mạng. Đọc ông trong bất cứ hoàn cảnh và tâm trạng nào, ta cũng thấy phấn chấn, náo nức như đi trẩy hội. Đến đâu cũng nghe vang tiếng trống, tiếng kèn. Mà thơ ông đâu chỉ có trống phách linh đình như một đám rước, ông còn bắn cả 21 phát đại bác vang trời. Cho đến nay, chỉ có ông là nhà thơ Việt Nam duy nhất đã bắn đại bác trang trọng như thế.


Bài tham khảo:

Phong cách sáng tạo nghệ thuật kết hợp yếu tố tạo hình trong thơ ca Tố Hữu

Có thể nói Tố Hữu là một bông hoa tươi thắm nhất trong vườn thơ cách mạng nhưng không vì thế mà thơ Tố Hữu mất đi chất trữ tình lãng mạn. Tố Hữu đã có ảnh hưởng rất nhiều từ phong trào thơ Mới, chặng đường đầu tiên khi mà nhà thơ vẫn chưa tìm ra chân lí cách mạng thì những sáng tác ban đầu trong tập thơ Từ ấy mang những nét đặc trưng của thơ mới. Những trang thơ ông cũng giàu tính tạo hình, gợi cảm:

“Gió vẫn vô tình lơ đãng bay
Những tàu cau yếu sẽ lung lay
Xạc xào động cánh…Nàng mơ tưởng
Nghe tiếng lòng con vẳng tới đây
Ta thấy nàng nghiên mình rũ rượi…”

(Vú em- Tố Hữu).

Với những từ ngữ trên tạo tính động, âm thanh và những tư thế, hình ảnh khác nhau của khung cảnh thiên nhiên. Không những thế nhà thơ còn tái hiện được bức tranh chuyển mùa đầy ý nhị, với âm thanh, hương sắc, và sự luân chuyển của đất trời:

“Khi con tu hú gọi bầy
Lúa chiêm đang chín trái cây ngọt dần
Vườn râm dậy tiếng ve ngân
Bắp rây vàng hạt đầy sân nắng đào
Trời xanh còn rộng còn cao
Đôi con diều sáo lộn nhào từng không”

(Khi con tu hú- Tố Hữu).

Những hình ảnh “lúa chiêm đang chín, trái cây ngọn dần, tiếng ve ngân, bắp rây đầy sân, nắng đào, diều sáo lộn nhào”, những hình ảnh đó gợi cho người đọc hình dung được hàng loạt các sự vật, hiện tượng cùng chuyển động sang mùa hè khi tiếng tu hú kêu lên. Bức tranh mùa hè hiện lên sinh động với nhiều hình ảnh.

Ở đây Tố Hữu đã vận dụng những hình ảnh mang màu sắc nóng, chói, đỏ để cùng với âm thanh, nhịp điệu râm rang của tiếng ve để thể hiện bức tranh mùa hè đầy sôi động. Tất cả những màu vàng của lúa chín, màu đỏ của trái cây, màu vàng rực của bắp với màu ửng hồng của nắng là những gam màu nóng đã được hòa nguyện với nền trời xanh rộng, cao (gam màu lạnh). Sự kết hợp hài hòa cảnh sắc của nhà thơ đã tạo nên tính hình tượng nghệ thuật cho bức tranh, bức tranh, mùa hè như được vẽ lên trong trí tưởng tượng của người đọc. Điểm nhìn và không gian của bức tranh được mở rộng và có sự thay đổi tạo nên một không gian rộng lớn từ gần tới xa, rồi cao xa.

Ngoài ra, sự kết hợp nghệ thuật tạo hình trong sáng tác của Tố Hữu còn thể hiện ở việc khắc họa những hình ảnh về đời sống với những điểm nhìn khác nhau như:

“Cô gái thẫn thơ vê áo mỏng
Nghiêng nghiêng vành nón dáng chờ ai
Ven sông phẳng con đò mộng
Lả lướt đi về trong gió mai”

(Dửng dưng- Tố Hữu).

Trong đoạn thơ trên ta thấy được điểm nhìn từ gần tới xa, từ cô gái vê áo mỏng, che vành nón nghiêng nghiêng đến chỗ xa hơn là con đò nhỏ trên sông. Đọc đoạn thơ ta vẫn hình dung được một bức tranh ven sông, có người đi, có con đò, hệ thống các hình tượng được xuất hiện. Với những từ ngữ “vê áo mỏng- dáng chờ ai, con đò mộng- lả lướt đi về” người đọc cảm nhận được sự mệt mỏi, buồn bã, của một con người mang nhiều hy vọng, ước muốn nhưng đành chấp nhận những u sầu, lẫn cái bế tắc. Đây là những bài thơ trong chặng đường đầu tiên của Tố Hữu tìm đến với chân lí cách mạng.

Không những thế trong thơ Tố Hữu còn có những hình ảnh, những khoảnh khắc mà chỉ thơ ca mới tạo ra được và gây được cảm xúc:

“Tối không rõ mặt người em ấy
Chỉ thấy trong đêm một bóng hồng”.

Ở đây ta thấy hình ảnh “bóng hồng” như đã vượt lên cả nghệ thuật tạo hình của người họa sĩ. Hình ảnh bóng hồng trong từng câu chữ của Tố Hữu có thể gây xúc động sâu sắc, mà nghệ thuật tạo hình khó mà có thể khắc họa cho được sự xúc động, lòng yêu thương, tin cậy ấy.

Trên đây là một số bài thơ trong chặng đường đầu sáng tác của Tố Hữu nên những vần thơ còn mang âm hưởng lãng mạn, gợi tả thiên nhiên, cuộc sống và con người. Với việc sử dụng bút pháp tạo hình nghệ thuật đã tái hiện sinh động, chân thực những hình tượng về thiên nhiên và cuộc sống, góp phần thể hiện tình yêu quê hương của tác giả. Tuy nhiên, trong những chặng đường sau, khi nhà thơ Tố Hữu theo một quan điểm sáng tạo mới- thơ phục vụ cho cách mạng, cho tinh thần đấu tranh và ca ngợi Tổ quốc, bút pháp tạo hình nghệ thuật trong thơ ca không còn được sử dụng nhiều phần nào đánh mất giá trị thực sự của nghệ thuật thơ ca.

Tuy nhiên, không được sử dụng nhiều bút pháp tạo hình nhưng không phải là không có. Nghệ thuật tạo hình trong những chặng được sau được thể hiện đặc sắc và rõ nét hơn trong tập thơ Việt Bắc, đặc biệt ở bài thơ cùng tên của tập thơ Việt Bắc hình ảnh thiên nhiên, con người được tái hiện, hòa nguyện vào nhau tạo nên một bức tranh sinh động, độc đáo mà hiếm có một nhà thơ nào diễn tả được vẻ đẹp của thiên nhiên như vậy.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.