Phong cách nghệ thuật.

ban-phai-nhan-lay-nhung-thu-vo-hinh-va-bien-no-thanh-huu-hinh-thanh-binh-thuong-va-nhap-vao-trai-nghiem-cua-nguoi-doc

Phong cách nghệ thuật.

Phong cách nghệ thuật là một phạm trù thẩm mĩ, chỉ sự thống nhất tương đối ổn định của hệ thống hình tượng, của các phương tiện biểu hiện nghệ thuật, nói lên cái nhìn độc đáo trong sáng tác cửa một nhà văn, trong tác phẩm riêng lẻ, trong trào lưu văn học hay văn học dân tộc. Phong cách khác phương pháp sáng tác ở sự thực hiện cụ thể; trực tiếp của nó. Các dấu hiện phong cách dường như nổi lên trên bề mặt tác phẩm, như một thể thống nhất hữu hình và có thể tri giác được của tất cả mọi yếu tố cơ bản của hình thức nghệ thuật.

Phong cách ngôn ngữ và phong cách nghệ thuật là hai phạm trù khác nhau. Trong ngôn ngữ, do thực hiện những chức năng khác nhau, do được sử dụng trong các tập đoàn xã hội hoặc những giới nghề nghiệp khác nhau, dần dần hình thành những phong cách ngôn ngữ khác nhau. Chẳng hạn, phong cách ngôn ngữ khoa học, phong cách ngôn ngữ hành chính, phong cách ngôn ngữ văn học (nghệ thuật ngôn hoặc phong cách ngôn ngữ điện báo…). Những phong cách ngôn ngữ này thuộc phạm trù ngôn ngữ học.

Trong nghĩa rộng, phong cách nghệ thuật là nguyên tắc xuyên suốt trong việc xây dựng hình thức nghệ thuật, đem lại cho tác phẩm một tính chỉnh thể có thể cảm nhận được, một giọng điệu và một sắc thái thống nhất. Với ý nghĩa này, người ta phân biệt các “phong cách lớn”, hay còn gọi là “phong cách thời đại” (phong cách Phục hưng, Ba-rốc, chủ nghĩa cổ điển), các phong cách của các trào lưu và dòng văn học, phong cách dân tộc, phong cách cá nhân của tác giả.

Nói chung, phong cách nghệ thuật là quy luật thống nhất các yếu tố của chỉnh thể nghệ thuật, là một biểu hiện của tính nghệ thuật. Không phải bất cứ nhà văn nào cũng có phong cách. Chỉ những nhà văn có tài năng, có bản lĩnh mới có được phong cách riêng độc đáo. Cái nét riêng ấy thể hiện ở các tác phẩm và được lặp đi lặp lại trong nhiều tác phẩm của nhà văn làm cho ta có thể nhận ra sự khác nhau, chẳng hạn, giữa Nguyễn Công Hoan và Nguyên Hồng, Xuân Diệu và Chế Lan Viên…

Trong chỉnh thể “nhà văn” (hiểu theo nghĩa là các sáng tác của một nhà văn), cái riêng tạo nên sự thống nhất lặp lại ấy biểu hiện tập trung ở cách cảm nhận độc đáo về thế giới và ở hệ thống bút pháp nghệ thuật phù hợp với cách cảm nhận ấy.

Ngoài thế giới quan, những phương diện tinh thần khác như tâm lí, khí chất, cá tính đều có ảnh hưởng quyết định đến sự hình thành phong cách của nhà văn. Phong cách của nhà văn cũng mang dấu ấn của dân tộc và của thời đại.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.