Phong cách văn học là gì? Những phương diện thể hiện phong cách văn học.

phong-cach-van-hoc-la-gi-nhung-phuong-dien-the-hien-phong-cach-van-hoc

Phong cách văn học là gì? Những phương diện thể hiện phong cách văn học.

Gợi ý làm bài:

Phong cách văn học là gì?

+ Phong cách văn học (hay phong cách nghệ thuật) là những nét riêng biệt, độc đáo của một tác giả trong quá trình nhận thức và phản ánh cuộc sống, những nét độc đáo ấy thể hiện trong tất cả các yếu tố nội dung và hình thức của từng tác phẩm cụ thể.

+ Yếu tố cốt lõi của phong cách là cái nhìn mang tính phát hiện, in đậm dấu ấn riêng của người nghệ sĩ: “Thế giới được tạo lập không phải một lần, mà mỗi lần ne;ười nghệ sĩ độc đáo xuất hiện thì lại một lần thế giới được tạo lập” (M. Pru-xtơ).

+ Phong cách văn học còn mang dấu ấn của dân tộc và thời đại. Trong phong cách riêng của mỗi tác giả, người ta có thể nhận ra diện mạo tâm hồn, tính cách của một dân tộc và “Mỗi trang văn đều soi bóng thời đại mà nó ra đời” (Tô Hoài). Chẳng hạn, qua những biểu hiện của phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều, có thể thấy nét riêng của tâm hồn Việt Nam và dấu ấn của một thời “dâu bể”.

Những biểu hiện của phong cách văn học.

+ Phong cách vãn học trước hết được biểu hiện qua cái nhìn và giọng điệu độc đáo, riêng biệt của tác giả. Ví dụ: Cái nhìn tài hoa, có khả năng khám phá mọi đối tượng từ phương diện thẩm mĩ của Nguyễn Tuân. Qua cái nhìn ấy, thiên nhiên hiện lên như những công trình mĩ thuật hoàn hảo của tạo hoá; con người luôn tiềm ẩn tư chất nghệ sĩ, tài hoa, tài tử. Giọng điệu trào phúng của Nguyễn Khuyên thì hóm hỉnh, thâm trầm trong khi tiếng cười của Tú Xương lại châm biếm sâu cay, đả kích quyết liệt.

+ Các lớp nội dung của tác phẩm như đề tài, chủ đề, cốt truyện, nhân vật,… cũng là những yếu tố thổ hiện phong cách văn học. Nói đến Nam Cao là người ta nghĩ ngay tới một nhà văn của “những kiếp lầm than”, một người cầm bút với tâm hồn rộng mở để đón nhận “những vangđộng của đời”. Nhắc tới Xuân Diệu là người đọc nhớ về một hồn thơ luôn khát khao giao cảm với đời, luôn nồng nàn, say đắm trong tình yêu.

+ Phong cách văn học còn được biểu hiện qua hệ thống các phương tiện nghệ thuật mà nhà văn lựa chọn để tái hiện đời sống, từ cách dùng từ, lối cấu tạo câu đến nghệ thuậtxây dựng nhân vật, tổ chức kết cấu. Tô Hoài nổi tiếng là nhà văn giỏi miêu tả phong tục, giỏi khắc hoạ nét đẹp riêng trong cảnh vật và tính cách con người của một vùng đất. Nguyễn Tuân xứng đáng với danh hiệu bậc thầy trong nghệ thuật sử dụng ngôn từ với khả năng sáng tạo những từ ngữ, hình ảnh mới lạ, bất ngờ; nhữngcâu văn giàu chất nhạc, chất hoạ, linh hoạt như “biết co duỗi nhịp nhàng”.

+ Trong biểu hiện của phong cách văn học luôn có sự hoà quyện giữa các yếu tố định hình, thống nhất và sự biến đổi đa dạng, phongphú. Và điều quan trọng nhất là phong cách phải có ý nghĩa thẩm mĩ – mang đến cho người đọc những tình cảm, cảm xúc thẩm mĩ phong phú.

Một số vấn đề lưu ý về phong cách.

+ Nguyễn Đăng Mạnh trong Nhà văn, tư tưởng và phong cách (3) gắn phong cách với cá tính nhà văn. “Văn chương là một hình thái ý thức xã hội có đặc trưng riêng. Đây là lĩnh vực cần đến năng khiếu và tài nghệ, cần cá tính và phong cách”. Rồi sau đó, trong Nhà văn Việt Nam hiện đại: chân dung và phong cách (4), ông coi phong cách “phụ thuộc vào những thói quen tâm lý và những sở trường riêng của nhà văn”. Từ đó, “dựng” nên phong cách nhà văn, như Nguyễn Tuân ngông, Quang Dũng tài hoa, tài tử, phong tình và lãng mạn, Nguyễn Đình Thi nhà thơ của đất nước tươi đẹp và hùng tráng đau thương, thơ Hoàng Cầm là linh hồn của quê hương Kinh Bắc cổ kính, đầy huyền thoại, cổ tích và chứa chan chất nhạc, chất thơ, Nguyên Ngọc là cây bút sử thi – lãng mạn, một chủ nghĩa lãng mạn anh hùng đầy chất thơ… Rồi Đào Thái Tôn trong Thơ Hồ Xuân Hương, từ cội nguồn vào thế tục (5), khi đi tìm một cơ sở để lựa chọn thơ nôm truyền tụng của nữ sĩ đã “dùng phong cách Lưu Hương ký để xác định phong cách “thơ nôm truyền tụng” của Hồ Xuân Hương”. Ông dựa vào bài Tựa của Tốn Phong Thị để xác định phong cách thơ bà như học rộng mà thuần thục, vui mà không buông tuồng, buồn mà không đau thương, khốn mà không lo phiền, cùng mà không bức bách… ở đây chưa nói đến việc ông Đào (cũng như vị Chưởng môn của ông, Hoàng Xuân Hãn) chưa chứng minh được tác giả tập Lưu Hương ký và tác giả “thơ nôm truyền tụng” là một (trừ cái tên trùng, và giả thử có là một đi nữa thì cũng không thể lấy phong cách của tác phẩm này để làm khuôn áp vào tác phẩm kia, bởi tuy chung một giàn, nhưng chúng lại khác giống), mà chỉ muốn nói rằng, cách minh định phong cách như vậy, cả ở thầy Đào lẫn “thầy Mạnh”, còn bị lẫn lộn giữa phong cách tác giả và phong cách tác phẩm. Các định ngữ để định nghĩa phong cách như thơ Hồ Xuân Hương vui mà không buông tuồng, thơ Hoàng Cầm là linh hồn của quê hương Kinh Bắc cổ kính… có thể đóng vào con người Hồ Xuân Hương, con người Hoàng Cầm cũng được, mà vào thơ Hồ Xuân Hương, thơ Hoàng Cầm cũng chẳng sao. Chính sự “nhập nhằng” này làm cho các định nghĩa trên không có giátrị khái niệm hóa đã đành, mà cả giá trị thao tác.

+ Chính ngữ học cấu trúc của Ferdinand de Saussure đã “cứu” cho phong cách học cổ điển một “bàn thua trông thấy”. Cuộc cách mạng ngữ học lần thứ nhất này đã khiến ngôn ngữ thoát khỏi thân phận “đầy tớ” để trở thành “ông chủ”: ngôn ngữ từ nay không chỉ là công cụ của tư duy, cái vỏ chứa tư tưởng, mà còn sản sinh ra tư tưởng. Các nhà thơ làm thơ không phải với các tư tưởng, mà với các con chữ. Là nhân vật chính của văn chương, ngôn ngữ cũng sẽ là nhân vật chính, kiểu một anh hùng thời đại, của phê bình. Phong cách học, nhờ thế, mở một con đường lớn vào tòa lâu đài của nghệ thuật ngôn từ. Phong cách học cổ điển, đứa trẻ song sinh dính liền của từ chương học, từ chỗ là một bộ phận của ngữ học dạy người ta viết hay trở thành phong cách học hiện đại, một lý thuyết văn chương. Phê bình phong cách học trước hết chống lại cái nhìn quy phạm của từ chương học, vượt qua sự tìm kiếm dấu ấn cá nhân nhà văn của thời đại lãng mạn để trở thành một cái nhìn khoa học.

+ Người đầu tiên thực hành phê bình phong cách học ở Việt Nam là Phan Ngọc với công trình Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều(6). Theo Phan Ngọc, mỗi một ký hiệu ngôn ngữ có hai mặt, mặt thông báo và mặt biểu cảm. Phong cách học chính là thứ khoa học chỉ nghiên cứu cái mặt biểu cảm này của ngôn ngữ. Cụ thể hơn, nó nghiên cứu các kiểu lựa chọn và giá trị biểu cảm của các kiểu lựa chọn ấy. Để lựa chọn, ít nhất phải có từ hai phương án trở lên. Vậy nhà nghiên cứu phải làm cái thao tác đối lập để tìm ra các phương án này. Đó là sự đối lập cái âm, cái từ, cái câu, cái kiến trúc ngôn từ, cái thể loại đã có ở văn bản, tức đã được tác giả chọn, với cái âm, cái từ, cái câu, cái kiến trúc ngôn từ, cái thể loại có thể được dùng (và dùng được) mà vắng mặt trong văn bản do tác giả đã không chọn. Và để xác định được phương án tác giả đã chọn là có giá trị biểu cảm tốt nhất, người phê bình phải dùng phương pháp thay thế: lấy một hoặc nhiều phương án bị bỏ qua lần lượt thế vào chỗ phương án được chọn để đánh giá hiệu quả nghệ thuật của nó. Nếu hiệu quả nghệ thuật kém hơn thì sự lựa chọn của tác giả là đúng, còn không thì cái bỏ qua trở thành bỏ lỡ.

+ Một kiểu lựa chọn có giá trị thẩm mỹ thì, theo Phan Ngọc, trước hết nó phải được chuẩn bị về mặt ngữ cảnh, tức tạo ra một môi trường sống cho nó và của nó. Đánh giá một hiện tượng phong cách học chính là nhận xét xem nó có phù hợp với ngữ cảnh hay không. Ví như, từ chuộc (động từ, bỏ tiền ra lấy lại một cái gì đó) trong bài Khóc Tổng Cóc của Hồ Xuân Hương, sở dĩ nó có nghĩa thứ hai, tức trở thành một đồng âm phong cách học (danh từ, con (chão) chuộc, một loại ếch nhái), vì nó đã được chuẩn bị bởi ngữ cảnh gồm có những từ cóc, (nhái) bén, nòng nọc, (chão) chàng. Hoặc câu Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông của Nguyễn Du đã được nhà thơ chuẩn bị ngữ cảnh cho nó thật công phu. Trước hết, câu này lấy ý từ câu Đào hoa y cựu tiếu đông phong của Thôi Hộ và nhờ tính liên văn bản ta có thể hiểu ngay. Cái ngơ ngác của Kim Trọng khi trở về vườn Thúy cũng chính là cái ngơ ngác của chàng thi sĩ đời Đường cách đây trên nghìn năm. Tuy nhiên, ở đây cây đào của Nguyễn Du còn là cây đào cụ thể, cá biệt, kẻ đã từng chứng kiến cuộc gặp gỡ đầu tiên của Kim Kiều và cũng là kẻ đã giữ hộ chiếc thoa của Thúy Kiều đã vô tình mắc (gửi) vào đấy. Bởi vậy, thi sĩ đời Nguyễn nói Hoa đào năm ngoái chứ không nói Hoa đào cười với gió đông như xưa là vì ông muốn chứng minh một sự thực: Kim Trọng ra đi đúng một năm, nay trở về. Hơn nữa, nói hoa đào năm ngoái còn cười với gió đông năm nay là đã xóa bỏ thời gian vật lý và thay vào đó thời gian tâm lý để khẳng định sự thống nhất của sự vật với con người.

+ Dĩ nhiên, không phải công trình nghệ thuật nào cũng có phong cách. Một tác phẩm chỉ có phong cách khi nó đạt được tính cấu trúc, tức có sự thống nhất hữu cơ của các bộ phận trong một chỉnh thể. Bởi vậy, chỉ cần biết một bộ phận là có thể suy ra cái toàn thể, như lý thuyết toàn đồ đã chứng minh. Chính vì phong cách là một phạm trù chất lượng, nên trong nghệ thuật có được phong cách là một hiện tượng rất quý. Và, vì thế, không phải tác giả nào cũng có phong cách, thể loại nào cũng có phong cách và thời đại nào cũng có phong cách.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.