Phong Kiều dạ bạc – Một tiếng chuông tỉnh ngộ giữa u mê trần thế

phong-kieu-da-bac-truong-ke

Phong Kiều dạ bạc – Một tiếng chuông tỉnh ngộ giữa u mê trần thế

Hoài Thanh từng nói rằng có người viết trăm bài, nghìn bài thơ mà như chưa viết. Có người chỉ viết một đôi bài mà đã có thể làm nên phong cách. Trương Kế là một trong những người như thế. Cả đời ông viết không nhiều nhưng những bài thơ còn lại của ông đóng góp một phần tuyệt sắc trong bức tranh Đường thi muôn màu. Phong Kiều dạ bạc của Trương kế được coi là một trong mười bài thơ hay nhất trong Đường thi.

Phong Kiều dạ bạc

Nguyệt lạc, ô đề, sương mãn thiên,
Giang phong, ngư hỏa, đối sầu miên.
Cô Tô thành ngoại Hàn Sơn tự,
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền.

Dịch thơ.

Đêm đỗ thuyền ở bến Phong Kiều

Trăng tà, chiếc quạ kêu sương,
Lửa chài, cây bến, sầu vương giấc hồ.
Thuyền ai đậu bến Cô Tô,
Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn Sơn.

Khởi đầu bài thơ là ánh trăng tàn (nguyệt lạc), tiếp đến là tiếng quạ kêu (ô đề) và cuối cùng là làn sương mờ ảo (sương mãn thiên). Quả thật Trương Kế đã rất tinh tế khi sắp xếp trật tự này. Trăng tàn biểu thị cho tính thời gian đang trôi đi. Ở đây có thể đoán là khoảnh khác cuối cùng của một hành trình: đêm tàn. Tiếng quạ kêu khan rồi mất hút trong đêm tối càng làm cho không gian thêm trống vắng. Và để khỏa lấp khoảng trống mênh mông ấy, nhà thơ đã để cho làn sương bao phủ không gian.

Thế nhưng, khi làn sương xuất hiện (sương mãn thiên), không gian càng trở nên mơ hồ, đầy bí ẩn. Một khoảng mờ mịt gây co ta cảm giác cô đơn đến cùng cực. Không ánh sáng, không âm thanh nào hiện lên nữa, chỉ có làn sương lạnh đang dần xâm chiếm lấy không gian. Nếu đầu câu sự vật đang đi vào kết thúc thì cuối câu sự vật khác lại đang mở rộng ra. Cảnh vật vận đọng hết sức thầm lặng, không một tiếng đông gì. Một trật tự hợp lí đã tạo nên hiệu quả nghệ thuật đặc sắc ngay từ câu đầu tiên.

Tiếp đến, cảnh vật gần hơn hiện ra có làm không gian ấm lên chút ít:

“Giang phong, ngư hỏa, đối sầu miên”.

Nhiều người cho rằng “giang phong” có nghĩa “hàng phong hai bên bờ sông”. Tôi cho rằng, hiểu như thế là đã đánh mất đi tầng sâu của ý nghĩa thơ. “Giang phong” ở đây nên hiểu là “gió trên sông”. Ngọn gió nhẹ trên sông lay lắt ánh lửa đèn của thuyền chài càng làm cho cảnh vật thêm vắng vẻ trong đêm trường tịch mịch ru người say giấc nồng.

Bằng thủ pháp chấm phá, chỉ gợi mà không tả, Trương Kế đã tài tình vẽ nên bức tranh thủy mặc tuyệt diệu. Một đêm cô quạnh trên bến Phong Kiều tịch lặng đến vô cùng. Có âm thanh vang lên nhưng là để khơi thêm độ rộng của sự tĩnh mịch vô cùng vô tận ấy.

Và không để cho người đọc rơi vào trạng thái mông lung, hụt hẫng, nhà thơ đã điểm vào không gian đó một tiếng chuông vang vọng, ngân dài:

Cô Tô thành ngoại Hàn Sơn tự,
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền.

Việc xác định vị trí Hàn San tự trước khi tiếng chuông vang lên tuy có làm cho người đọc bớt thú vị song nó lại khiến ta có được điểm tựa tinh thần vững chắc. Từ phía chùa Hàn Sơn, tiếng chuông bất ngờ ngân lên phá vỡ cái cô liu, tịch mịch của bóng đêm, vang đến tận con thuyền gọi khách thức dậy.

Tiếng chuông lấp đầy không gian trống trải, cho ta cảm giác được gần hơn hơi thở cuộc đời. Tiếng chuông hay chính là sự thức ngộ của thi nhân trước thế thái nhân tình. Đó là trở về với pháp mỗi khi ta cảm thấy chơi vơi giữa cuộc đời muôn trùng trắc trở. Tiếng chuông thức tỉnh và dẫn dắt con người đi qua con mộng mỵ để tìm thấy điều chân thiện ở cuối mỗi hành trình.

Trương kế đã kì công kí thác vào các biểu tượng những ý nghĩa lớn lao, có thể là suy nghĩ của cả cuộc đời ông. Có thể ví ánh trăng tàn là khát vọng tiêu tan, tiếng quạ kêu là những điều kinh sợ, làn sương là sự mơ hồ của ý thức, gió trên sông là sự quyến rũ ma quái của cuộc đời, ngọn lửa đèn chài là tâm hồn bất động, tuy sáng nhưng bé nhỏ, chùa Hàn San là điểm trụ của tinh thần, niềm tin vào pháp chính và tiếng chuông ngân là tha lực só sức mạnh thức tỉnh chân lí.

Xâu chuỗi tất cả lại ta sẽ thấy hiện lên một hành trình tìm kiếm cõi niết bàn vừa như thực vừa như mơ. Nếu hiểu như thế thì hai từ “dạ bán” có thể hiểu đó là sự ở giữa, là lằn ranh giữa sáng và tối, giữa thực và ảo, giữa sự u mê và sự đốn ngộ. Con người đang ở giữa sự tranh chấp và khi nghê được tiếng chuông vang vọng lập tức đốn ngộ hướng về chân lý.