Phương pháp đọc hiểu văn bản truyện

phuong-phap-doc-hieu-van-ban-truyen

Phương pháp đọc – hiểu văn bản truyện

I. Những yếu tố cơ bản của truyện.

1. Nhân vật.

Nhân vật là hình tượng các cá thể con người trong tác phẩm, được nhà văn nhận thức, tái tạo, thể hiện bằng các phương tiện riêng của nghệ thuật ngôn từ.

Nhân vật văn học là một hình tượng nghệ thuật ước lệ, được ta nhận ra bởi nhiều dấu hiệu khác nhau.

  • Tên
  • Diện mạo
  • Hành động, cử chỉ
  • Ngôn ngữ
  • Số phận

Tất cả tạo nên tính cách, mang tính khái quát rất cao: chị Dậu (rách rưới, khổ sở), Chí Phèo (say rượu, ăn vạ), Từ Hải (oan ức)…. Nhân vật có vai trò hết sức quan trọng. Chức năng cơ bản của nó là miêu tả và khái quát các loại tính cách xã hội, đưa người đọc vào thế giới khác nhau của đời sống. Ngoài ra, nhân vật còn có chức năng biểu hiện quan niệm nghệ thuật của nhà văn về thế giới con người, chức năng tạo nên mối liên hệ giữa các sự kiện trong tác phẩm, tạo ra cốt truyện.

2. Sự kiện và cốt truyện

a. Sự kiện (biến cố)

Là những hành vi, việc làm của nhân vật hay sự việc xảy ra đối với nhân vật dẫn đến hậu quả làm biến đổi hay bộc lộ một ý nghĩ nào đó.

Ví dụ: Kiều cùng các em đi chơi xuân, gặp mộ Đạm Tiên, sau đó gặp Kim Trọng và yêu chàng. Đây là hai sự kiện có ảnh hưởng sâu sắc đến toàn bộ đời Kiều.

Các sự kiện trong văn học thường có ý nghĩa tượng trưng sâu sắc về nhân sinh, xã hội.

Ví dụ: sự kiện năm 1945, người chết đói như ngả rạ, nhà anh cu Tràng lại nhặt được vợ (sự kiện này phát triển thành cốt truyện).

b. Cốt truyện

Là một chuỗi các sự kiện được tạo dựng trong tác phẩm. Cốt truyện có hai tính chất:

– Tính liên tục hữu hạn trong trật tự thời gian, từ đầu cho đến khi truyện kết thúc.

– Các sự kiện có mối quan hệ nhân quả hoặc quan hệ bộc lộ ý nghĩa, làm cho cốt truyện nêu bật được ý nghĩa nào đó mà nhà văn muốn thể hiện.

Ví dụ: cốt truyện “Chí Phèo” được xây dựng bằng sự xuất hiện lần lượt của 7 sự kiện:… Các sự kiện vừa có tính liên tục, vừa có tính nhân quả, thể hiện một cuộc đời, một số phận nhân vật.

Vậy, cốt truyện có chức năng gắn kết các sự kiện thành chuỗi, bộc lộ các xung đột, mâu thuẫn của con người, tạo ra ý nghĩa nhân sinh, gây hấp dẫn.

3. Hoàn cảnh.

– Hoàn cảnh hẹp: hoàn cảnh giao tiếp trong tác phẩm

– Hoàn cảnh rộng: hoàn cảnh lịch sử, xã hội khi tác phẩm ra đời

4. Đề tài, chủ đề:

Đề tài: là phạm vi hiện thực đời sống được tác giả miêu tả trong tác phẩm văn học, mang ý nghĩa khái quát cao. Đề tài có tầm quan trọng rất lớn. nếu chưa nhận ra đề tài thì chưa thể bước vào tiếp nhận hình tượng tác phẩm.

Phạm vi đề tài có thể được xác rộng, hẹp khác nhau.

– Giới hạn bề ngoài.

– Phương tiện bên trong: cuộc sống nào, con người nào được tác giả miêu tả trong tác phẩm. “Tắt đèn” thể hiện cuộc sống bế tắc, bi kịch đói cơm rách áo của người nông dân trước cách mạng; “Sống mòn” phản ánh cuộc sống quẫn bách, mòn mỏi của tầng lớp trí thức nghèo trước cách mạng; Ơ-giê-ni-grăng đê là những tâm bi kịch trong gia đình tư sản thời kỳ tích luỹ TBCN…

Đề tài là một phương diện nội dung của tác phẩm, là đối tượng đã được nhận thức, là kết quả lựa chọn của nhà văn, là sự khái quát về phạm vi xã hội, lịch sử của đời sống được phản ánh trong tác phẩm.

Đề tài không những gắn với hiện thực khách quan mà còn do lập trường tư tưởng và vốn sống của tác giả quy định

Chủ đề: là một số nét tư tưởng lặp đi lặp lại trong tác phẩm của nhà văn. Nó thể hiện bản sắc tư duy, chiều sâu tư tưởng, khả năng thâm nhập vào bản chất của đời sống.

Cùng một đề tài, nhưng mỗi nhà văn lại đề cập tới một chủ đề khác nhau.

Ví dụ: Đề tài người nông dân trước cách mạng tháng Tám.

“Tắt đèn”: bi kịch đói cơm rách áo, tác giả lên tiếng đòi một cuộc sống vật chất tối thiểu cho con người, ca ngợi phẩm chất tốt đẹp của người nông dân…

“Chí Phèo”: bi kịch tinh thần, tiếng kêu cứu của con người đòi được sống lương thiện…

Chủ đề góp phần rất quan trọng trong việc tạo ra giá trị và sức sống cho tác phẩm.

II. Miêu tả và trần thuật

1. Miêu tả

Là biện pháp cơ bản nhằm tái hiện con người, sự vật, sự kiện một cách cụ thể, cảm tính nhằm khêu gợi trí tưởng tượng, tình cảm, làm người đọc rung động.

Miêu tả có 3 chức năng: tái hiện, trang trí, giải thích, phân tích và tạo biểu tượng.

Ví dụ: đoạn miêu tả Chí Phèo gặp Thị Nở trong đêm trăng bên bờ sông.

Khi miêu tả, người ta sử dụng nhiều tính từ, động từ để vẽ ra đường nét, màu sắc âm thanh…làm người đọc phải vận dụng tất cả các giác quan để tưởng tượng và cảm nhận.

Do yêu cầu miêu tả mà có khi câu văn thay đổi trật tẹ thông thường.

Ví dụ: Sè sè nấm đất bên dường

Rầu rầu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh

Hay: “Tiếng trống thu không trên cái chòi của huyện nhỏ, từng tiếng một vang ra để gọi buổi chiều”.

2. Trần thuật.

Là kể, thuyết minh, giới thiệu nhân vật, sự kiện, bối cảnh… trong truyện.

Nhiều khi trong trần thuật có miêu tả. trần thuật quan trọng hơn miêu tả, bởi trần thuật là cái khung của sự kiện. miêu tả chỉ để phục vụ cho trần thuật mà thôi.

– Các thủ pháp trần thuật: thời gian, nhịp điệu, giọng điệu, ngôi, điểm nhìn trần thuật

– Các biện pháp:

+ Kể xuôi: theo trình tự logic tự nhiên của sự kiện

+ Kể ngược: từ kết quả, hậu lần ngược lại đi tìm nguyên nhân

+ Kể chêm, xen: trong quá trình kể, dừng lại để chêm một chuyện khác để bổ sung thông tin.

Ví dụ: đoạn kể về thuở bé và thời trẻ của Chí Phèo là đoạn kể chêm.

III. Điểm nhìn và thời gian trần thuật.

1. Điểm nhìn trần thuật.

Khi kể chuyện, tác giả thường kể những điều họ cảm thấy, nghe thấy, nhìn thấy trong không gian, thời gian. Vì thế, điểm nhìn thể hiện vị trí mà người kể dựa vào để quan sát, trần thuật các nhân vật và sự kiện.

Có nhiều loại điểm nhìn:

– Điểm nhìn bên ngoài: người kể nhìn sự vật từ phía bên ngoài, kể những điều nhân vật không biết.

Ví dụ: đoạn kể, tả lại dung mạo Chí Phèo sau 8 năm ở tù về

–  Điểm nhìn bên trong: kể xuyên qua cảm nhận của nhân vật:

Ví dụ:

Vầng trăng ai xẻ làm đôi
Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường.

– Điểm nhìn không gian: nhìn xa, nhìn gần

– Điểm nhìn di động: từ đối tượng này chuyển sang đối tượng khác

Ví dụ: đoạn miêu tả Thuý Kiều chia tay Thúc Sinh: có sự luân phiên điểm nhìn: ngoài – trong, xa – gần… làm cho người đọc vừa trông thấy cảnh chia tay bên ngoài, lại vừa thấu được tâm can bên trong của nhân vật.

Ví dụ:

Người lên ngựa, kẻ chia bào
Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san
Dặm hồng bụi cuốn chinh an
Trông vời đã khuất mấy ngàn dâu xanh
Người về chiếc bóng năm canh
Kẻ đi muôn dặm một mình xa xôi
Vầng trăng ai xẻ làm đôi
Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường

2. Thời gian trần thuật

Là điểm nhìn thời gian: có 2 cách trần thuật:

–      Từ thời điểm hiện tại, khi sự việc đang diễn ra

Ví dụ: đoạn Bá Kiến xoa dịu Chí Phèo

–      Nhìn lại quá khứ, qua màn sương của ký ức (qua sự hồi tưởng)

Ví dụ: lai lịch Chí Phèo

Vậy điểm nhìn trần thuật gắn bó mật thiết với ngôi kể nhưng rộng hơn ngôi kể vì có khi người kể (ngôi 3) lại kết hợp với điểm nhìn của nhân vật (ví dụ đoạn Thuý Kiều chia tay Thúc Sinh)

1 bình luận

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.