Nội dung bài viết:
Phương thức tổ chức của một bài thơ trữ tình
Mỗi bài thơ trữ tình đều có một tỏ chức kết cấu chặt chẽ giũa các yếu tố. Trong hệ thống cấu trúc đó, nhà thơ có thể gửi gắm tư tưởng, tình cảm, cảm xúc của mình ở những yếu tố nào đó mà nhà thơ cảm thấy có giá trị nhất.
1. Nhan đề bài thơ.
Nhan đề chính là tên của bài thơ. Nhan đề thường khái quát nội dung chủ yếu của bài thơ, giúp người đọc nhớ và phân biệt bài thơ với các bài thơ khác. Nhân đề cũng thường hàm chứa trong nó dụng ý nghệ thuật đắc sắc mà nhà thơ muốn gây ấn tượng đối với người đọc ngay khi vừa tiếp cận tác phẩm.
Nhan đề thể hiện tinh thần cơ bản của nội dung bài thơ, gợi ý cho người đọc hiểu chủ đề chính của bài thơ, giúp họ nhớ và phân biệt với hững bài thơ khác. Cũng có khi có những bài thơ không có đề (vô đề). Ở đây, có thể tác giả muốn để người đọc, qua nôi dung bài thơ, suy ngẫm và tưởng tượng mà tự hiểu. Nhan đề bài thơ có thể chỉ nên được coi như một định hướng để hiểu đúng bài thơ.
Ví dụ:
+ Mùa xuân nho nhỏ (Thanh Hải)
+ Nói với con (Y Phương)
+ Tiếng hát con tàu (Chế Lan Viên)
+ Bài thơ về tiểu đội xe không kính (Phạm Tiến Duật)
Đọc kĩ và suy ngẫm về nhan đề có tác dụng định hướng khi tìm hiểu nội dung của tác phẩm. Hãy bắt đầu cảm nhận, tiếp thụ ý nghĩa của tác phẩm ngay từ nhan đề giúp người đọc dễ dàng chấp nhận giá trị của nó.
2. Dòng thơ và câu thơ.
Dòng thơ là đặc điểm quan trọng nhất của sự tổ chức ngôn ngữ thơ. Trong các thể thơ cách luật, số chữ mỗi dòng có sự qui định chặt chẽ. Ở thơ tự do, không có sự qui định đó nhưng thường mỗi dòng thơ cũng không quá 12 chữ.
Trong thơ cổ điển, mỗi thể loại có quy định riêng về số tiếng trong một dòng thơ. Dòng thơ cũng là câu thơ khi nó diễn đạt trọn vẹn một ý. Trong thơ hiện đại, biên độ của dòng thơ, câu thơ tự do, linh hoạt hơn. Có khi vài dòng mới tạo thành một câu thơ.
Ví như khổ đầu bài thơ Vội vàng, tác giả đã kéo dài biên độ thơ đến 4 câu:
Tôi muốn tắt nắng đi
Cho màu đừng nhạt mất;
Tôi muốn buộc gió lại
Cho hương đừng bay đi.
(Vội vàng – Xuân Diệu)
Hay trong bài đất nước của Nguyễn Đình Thi:
Nước chúng ta
Nước những người chưa bao giờ khuất
Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất
Những buổi ngày xưa vọng nói về.
(Đất nước – Nguyễn Đình Thi)
Tương tự như thế, Chế Lan Viên trong bài “Tiếng hát con tàu” cũng kéo dài bien độ thơ để đủ sức diễn đạt đầy đủ tình cảm dồn chứa của mình:
Tây Bắc ư? Có riêng gì Tây Bắc
Khi lòng ta đã hóa những con tàu
Khi tổ quốc bốn bề lên tiếng hát
Tâm hồn ta là Tây Bắc chứ còn đâu!
(Tiếng hát con tàu – Chế lan Viên)
Có khi một dòng thơ lại ngắt thành hai câu:
Mặt cúi nghiêng, mặt ngoảnh sau
Quay theo tám hướng hỏi trời sâu
Một câu hỏi lớn. Không lời đáp
Cho đến bây giờ mặt vẫn chau.
(Các vị La Hán chùa Tây Phương)
Câu thơ là dòng thơ diễn đạt trọn vẹn một ý. Thông thường, mỗi câu thơ là một dòng thơ. Tuy nhiên, có khi hai ba dòng thơ mới thành một câu thơ. Chẳng hạn như:
Ơi Kháng chiến, mười năm qua như ngọn lửa
Nghìn năm sau còn đủ sức soi đường.
(Chế Lan Viên)
3. Khổ thơ và đoạn thơ.
Sự kết hợp của các câu thơ thành từng nhóm thống nhất với nhau về vần, nhịp, cú pháp, ngữ điệu. Mỗi khổ thơ được kết thúc bằng một khoảng nghỉ dài. Trong những bài thơ ngắn, mỗi khổ thơ có thể là một đoạn thơ nhưng trong nhiều trường hợp, nhiều khổ thơ mới thành một đoạn thơ. Chẳng hạn “Tràng giang” (Huy Cận) có bốn khổ thơ, “Đây thôn Vĩ Dạ” (Hàn Mạc Tử) có ba khổ thơ.
Đoạn thơ là sự tập họp nhiều câu thơ nhằm diễn đạt một ý tương đối trọn vẹn, hoàn chỉnh. Sự phân đoạn một bài thơ chủ yếu dựa vào ý chứ không phụ thuộc vào vần, nhịp, cú pháp như khổ thơ. Việc phân đoạn dựa vào ý thơ là một yếu tố khó xác định nên các nhà nghiên cứu có thể có sự phân đoạn các bài thơ cụ thể không giống nhau. Có khi đoạn thơ được tác giả ngắt bằng cách trình bày văn bản (“Tây Tiến” của Quang Dũng, đoạn trích “Đất Nước“ của Nguyễn Khoa Điềm…); có khi người đọc phải tự chia tách theo mạch ý:
Ví dụ:
“Tiếng hát con tàu” của Chế Lan Viên có thể chia thành ba đoạn thơ tương ứng với các ý chính: đoạn 1 đất nước; đoạn 3 (bốn khổ thơ cuối) – khúc hát lên đường và niềm hạnh phúc hòa nhập với cuộc đời rộng lớn…
“Nói với con” của Y Phương có thể chia thành 2 phần như tác giả đã chia. Cũng có thể chia làm 3 phần theo mạch vận đọng của ý thơ.
Sự phân chia đoạn thơ nhằm làm sáng rõ hơn mạch cảm xúc và ý nghĩa của bài thơ.
4. Tứ thơ.
Tứ thơ là ý lớn bao trùm bài thơ trữ tình và đã được thể hiện một cách sáng tạo, gợi nhiều liên tưởng bất ngờ, độc đáo. Cấu tứ là quá trình tìm hình cho ý. Tứ thơ phản chiếu cách nhìn, cách cảm nhận riêng của tác giả. Nói cách khác, một bài thơ có tứ là một bài thơ có tìm tòi, sáng tạo về mặt thể hiện ý của toàn bài một cách mới mẻ, thú vị. Tứ thơ thể hiện đậm nét cách nhìn, cách cảm, cách nghĩ… của nhà thơ.
Tứ thơ có thể là hình tượng xuyên suốt trong toàn bài:
Ví dụ:
+ Hình tượng trời rộng sông dài trong bài thơ Tràng giang của Huy Cận
+ Hình tượng núi Đôi trong bài thơ Núi Đôi của Vũ Cao.
+ Hình tượng bếp lửa trong bài thơ Bếp lửa của Bằng Việt
Có tứ thơ lại nảy sinh từ một cảm xúc, một ấn tượng chung và thấm đượm trong các hình tượng nhỏ của bài thơ:
+ Hình tượng đất nước vất vả, đau thương mà vĩ đại được thể hiện trong bài thơ “Đất nước” của Nguyễn Đình Thi
+ Hình tượng đất nước là của nhân dân, do nhân dân sáng tạo, gìn giữ và truyền lại trong đoạn trích Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm.
+ Hình tượng nhân dân nghĩa tình, thủy chung trong bài thơ Việt bắc của Tố Hữu.
Bài thơ là một tác phẩm hoàn chỉnh, có cấu trúc nội tại, là sự tổng hợp từ đề thơ, dòng thơ, câu thơ, khổ thơ, đoạn thơ, tứ thơ. Mỗi bài thơ có độ dài ngắn khác nhau và dĩ nhiên giá trị của mỗi bài thơ phụ thuộc vào nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật của nó chứ không phải ở chỗ ngắn dài.