Phương thức trữ tình là gì?

phuong-thuc-tru-tinh-la-gi

Phương thức trữ tình là gì?

Trữ tình (tiếng Pháp: lyrique) là một trong ba phương thức thể hiện đời sống (bên cạnh tự sự và kịch) làm cơ sở cho một loại tác phẩm văn học.

Sự phát triển của phương thức trữ tình luôn luôn gắn liền với những điều kiện lịch sử – xã hội, với sự vận động của quá trình văn học, sự thay đổi của các trào lưu, khuynh hướng và phương pháp sáng tác. Tác phẩm trữ tình xuất hiện từ buổi bình minh lịch sử văn học nhân loại. Tuy nhiên, ở châu Âu phải đến thế kỷ XVIII, khi ý thức cá nhân có đủ điều kiện phát triển, loại tác phẩm trữ tình mới thực sự phát triển phồn thịnh. Không phải ngẫu nhiên ở nhiều nước trên thế giới, những nhà thơ trữ tình lớn nhất của một dân tộc thường xuất hiện cùng với sự hình thành và phát triển của chủ nghĩa lãng mạn.

Nếu tự sự thể hiện tư tưởng, tình cảm của tác giả bằng con đường tái hiện lại một cách khách quan các hiện tượng đời sống, thì trữ tình lại phản ánh đời sống bằng cách bộc lộ trực tiếp ý thức của con người, nghĩa là con người tự cảm thấy mình qua những ấn tượng, ý nghĩ, cảm xúc chủ quan của mình đối với thế giới và nhân sinh.

Phương thức trữ tình cũng tái hiện các hiện tượng của đời sống, như trực tiếp miêu tả phong cảnh thiên nhiên hoặc thuật lại ít nhiều sự kiện tương đối liên tục, như “Mưa xuân” của Nguyễn Bính, “Quê hương” của Giang Nam, “Núi Đôi” của Vũ Cao, nhưng sự tái hiện này không mang mục đích tự thân, mà tạo điều kiện để chủ thể bộc lộ những cảm xúc, chiêm nghiệm, suy tưởng của mình. Ở đây nguyên tắc chủ quan là nguyên tắc cơ bản trong việc chiếm lĩnh hiện thực, là nhân tố cơ bản quy định những đặc điểm cốt yếu của tác phẩm trữ tình

Tác phẩm trữ tình thể hiện tâm trạng. Do đó, nó thường không có cốt truyện, hiểu theo nghĩa chặt chẽ của từ này và dung lượng của nó thường ngắn (vì một trạng thái tâm trạng không thể kéo dài). Trong phương thức trữ tình, “cái tôi” trữ tình giữ một vị trí đặc biệt quan trọng vì nó là nguồn trực tiếp duy nhất của nội dung tác phẩm. “Cái tôi” trữ tình thường xuất hiện dưới dạng nhân vật trữ tình.

Do tác phẩm trữ tình trình bày trực tiếp cảm xúc, tâm trạng, ý nghĩ của con người, nên xúc động trữ tình bao giờ cũng mang thời hiện tại. Ngay cả khi tác phẩm trữ tình nói về quá khứ, về những chuyện đã qua, xúc động trữ tình vẫn được xuất hiện như một trạng thái sống động, một quá trình đang diễn ra. Nhờ đặc điểm này mà những rung động thầm kín mang tính chất chủ quan, cá nhân, thậm chí cá biệt của tác giả dễ dàng được người đọc tiếp nhận như những rung động của chính bản thân họ. Đây là cơ sở tạo nên sức mạnh truyền cảm lớn lao của tác phẩm trữ tình. Hơn thế, việc tập trung thể hiện những nỗi niềm thầm kín, chủ quan đã cho phép tác phẩm trữ tình thâm nhập vào những chân lý phổ biến nhất của tồn tại con người như sống, chết, tình yêu, lòng chung thuỷ, ước mơ, tương lai, hy vọng. Đây lại là nhân tố tạo nên sức khái quát và ý nghĩa xã hội to lớn của tác phẩm trữ tình.

Nội dung của phương thức trữ tình đòi hỏi một hình thức thể hiện phù hợp, tương ứng. Lời văn của tác phẩm trữ tình phải hàm súc, giàu nhịp điệu. Chính vì thế, tác phẩm trữ tình có thể viết bằng thơ hoặc văn xuôi, nhưng thơ vẫn là hình thức tổ chức ngôn từ phù hợp nhất với nó.

Trữ tình miêu tả và biểu hiện thế giới chủ quan của con người với những cảm xúc, tâm trạng và ý nghĩ trực tiếp. Trong thơ ca trữ tình, ta không bắt gặp những sự kiện đời sống và con người hoàn chỉnh, mà chỉ bắt gặp tâm hồn người với mọi cung bậc cảm xúc.

Trong nghiên cứu văn học, người ta phân chia tác phẩm trữ tình theo nhiều cách. Dựa vào cấu trúc ngôn từ để phân chia, ta có thơ trữ tình và văn xuôi trữ tình. Trước đây, trong văn học châu Âu, người ta chia các tác phẩm trữ tình thành bi ca, tụng ca, thơ trào phúng. Sau này, người ta còn dựa vào khách thể đã tạo nên cảm xúc trữ tình để phân chia thành các thể : trữ tình phong cảnh, trữ tình công dân, trữ tình thế sự.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.