Qua bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử và Tây Tiến của Quang Dũng hãy làm sáng tỏ ý kiến: Thơ là chữ nghĩa cũng không là chữ nghĩa […]. Thơ đúng nghĩa là sự bộc lộ tận cùng của nhà thơ (Thanh Thảo)

qua-bai-tho-day-thon-vi-da-cua-han-mac-tu-va-tay-tien-cua-quang-dung-hay-lam-sang-to-y-kien-tho-la-chu-nghia-cung-khong-la-chu-nghia-tho-dung-nghia-la-su-boc-lo-tan-cung-cua-nha-tho

Qua bài thơ Đây thôn Vĩ D của Hàn Mặc Tử và Tây Tiến của Quang Dũng hãy làm sáng tỏ ý kiến: Thơ là chữ nghĩa cũng không là chữ nghĩa […]. Thơ đúng nghĩa là sự bộc lộ tận cùng của nhà thơ (Thanh Thảo)

1. Giải thích:

– Thơ là chữ nghĩa cũng không là chữ nghĩa: Thơ là hình thức nghệ thuật dùng ngôn ngữ làm chất liệu. Tuy nhiên, thơ không chỉ là sự chọn lọc ngôn từ đơn thuần mà ẩn trong câu chữ là chiều sâu suy tưởng của người nghệ sĩ.

– Thơ đúng nghĩa là sự bộc lộ tận cùng của nhà thơ: Thơ là sự thổ lộ tình cảm mãnh liệt của nhà thơ. Tiếng thơ là tiếng lòng sâu kín nhất trong tâm hồn thi sĩ. Tình cảm trong thơ là tình cảm chân thành nhất xuất phát từ trái tim người nghệ sĩ trước cuộc đời.

– Nhận định nói lên đặc trưng của thơ ca. Thơ là nghệ thuật của ngôn từ nhưng ngôn ngữ trong thơ không phải là câu chữ đơn thuần mà phải ghi lại được cảm xúc chủ quan của người nghệ sĩ trước hiện thực khách quan.

2. Bàn luận:

* Ý kiến trên hoàn toàn chính xác, xuất phát từ đặc trưng của văn học nói chung và đặc trưng thơ nói riêng:

– Văn học là nghệ thuật của ngôn từ. Văn học nói chung và thơ ca nói riêng lấy ngôn từ làm chất liệu để xây dựng hình tượng, biểu đạt nội dung, tư tưởng.

– Ngôn ngữ thơ là ngôn từ, câu chữ đã được người nghệ sĩ mã hóa, chắt lọc từ đời sống, tạo nên tinh hoa nghệ thuật đặc sắc.

– Thơ là tiếng nói của đời sống tình cảm con người trước cuộc sống. Thơ trữ tình lấy cảm xúc bên trong của đời sống tinh thần nhà thơ để biểu hiện. Khi rung động sâu sắc trước cuộc sống, trong những trạng thái vui, buồn ở mức thăng hoa, con người có nhu cầu bộc lộ tình cảm, khi đó người ta cần đến thơ. Bởi vậy, ngôn ngữ trong thơ chính là phương tiện để truyền tải chiều sâu tư tưởng, cảm xúc của người nghệ sĩ trước cuộc đời.

– Thơ biểu hiện những cảm xúc, nỗi niềm riêng tư của người nghệ sĩ, nhưng những tác phẩm thơ chân chính bao giờ cũng mang ý nghĩa khái quát về con người, về cuộc đời, về nhân loại, đó là cầu nối dẫn đến sự đồng cảm giữa người với người trên thế gian này.

3. Chứng minh ý kiến qua bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” của Hàn Mặc Tử và “Tây Tiến” của Quang Dũng:

a. Bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” của Hàn Mặc Tử:

“Đây thôn Vĩ Dạ” là sự bộc lộ tận cùng tất cả những nỗi niềm, cảm xúc thầm kín của Hàn Mặc Tử. Đó là nỗi buồn sâu thẳm của thi sĩ, niềm thiết tha gắn bó với đời, thiết tha sống đến khắc khoải:

+ Tình yêu thiên nhiên, nỗi ước ao thầm kín, niềm đắm say mãnh liệt với vẻ đẹp thôn Vĩ Dạ.

+ Tâm trạng vừa đau đớn, tuyệt vọng vừa khát khao cháy bỏng với những dự cảm chia li, cách biệt trong cuộc đời.

+ Tâm trạng bâng khuâng, xót xa của một tâm hồn khao khát được yêu, được đồng cảm với cuộc đời, con người nhưng lại rơi vào trạng thái hoài nghi, cô đơn.

–  Ngôn ngữ, hình ảnh thơ giàu sức gợi hình, gợi cảm, vừa thực lại vừa ảo; nhạc điệu trầm lắng, da diết; biện pháp nghệ thuật so sánh, nhân hóa; thủ pháp lấy động gợi tĩnh, sử dụng câu hỏi tu từ, đại từ phiếm chỉ ai…

b. Bài thơ “Tây Tiến” của Quang Dũng:

“Tây Tiến” là sự bộc lộ tận cùng nỗi nhớ da diết của Quang Dũng về đồng đội, về những kỉ niệm của đoàn quân Tây Tiến gắn liền với khung cảnh thiên nhiên miền Tây hùng vĩ, hoang sơ, đầy thơ mộng, trữ tình, trong buổi đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp:

+ Nỗi nhớ về thiên nhiên Tây Bắc trên con đường hành quân.

+ Nỗi nhớ về đồng đội, về người lính Tây Tiến với những kỉ niệm ấm áp tình quân dân, với vẻ đẹp hào hùng, hào hoa, lãng mạn và bi tráng.

+ Lời thề gắn bó, thủy chung với Tây Tiến, với miền Tây của Tổ Quốc.

+ Tình yêu của nhà thơ với thiên nhiên miền Tây, với đồng chí, đồng đội một thời cũng là biểu hiện của tình yêu quê hương đất nước thiết tha, sâu nặng.

– Bút pháp hiện thực kết hợp lãng mạn, đậm chất bi tráng. Hình ảnh thơ sáng tạo, mang sắc thái thẩm mĩ phong phú. Sự kết hợp ý, tình, hình, nhạc trong từng câu chữ. Ngôn ngữ thơ đa sắc thái, phong cách, có những kết hợp từ độc đáo, tên địa danh vừa cụ thể xác thực vừa gợi cảm giác lạ lẫm. Giọng điệu khi tha thiết bồi hồi, khi hồn nhiên vui tươi, khi bâng khuâng man mác, khi trang trọng, khi trầm lắng.

3. Đánh giá, nâng cao vấn đề:

– Nhận định trên là một quan niệm đúng đắn về thơ của Thanh Thảo. Thơ ca không chỉ là sự chọn lọc của câu chữ, sự trau chuốt trong ngôn từ mà ẩn sâu bên trong đó là tình ý của nhà thơ. Một thi phẩm hay phải có sự kết hợp hài hòa giữa vẻ đẹp ngôn từ với sự sâu sắc trong tư tưởng, cảm xúc. “Đây thôn Vĩ Dạ” (Hàn Mặc Tử)“Tây Tiến” (Quang Dũng) là những minh chứng rõ nét cho điều đó.

– Bài học đối với người sáng tác và người tiếp nhận:

+ Đối với người sáng tác: Nhà thơ cần phải sống thật với chính mình, có những tình cảm phong phú, cao đẹp, biết mở rộng tâm hồn mình trước cuộc đời, con người; đồng thời phải là những nghệ sĩ ngôn từ, tạo ra được dấu ấn phong cách nghệ thuật độc đáo, mới mẻ.

+ Đối với người đọc: “Bạn đọc phải là người đồng hành sáng tạo” (Gorki), biết cảm nhận, thấu hiểu và trân trọng những tâm tư, tình cảm, tiếng lòng mà nhà thơ gửi gắm trong mỗi vần thơ, để từ đó bồi đắp tâm hồn, tình cảm của mình.

Làm sáng tỏ nhận định: Tác phẩm nghệ thuật nào cũng xây dựng bằng vật liệu mượn ở thực tại. Nhưng nghệ sĩ không những ghi lại cái đã có rồi mà còn muốn nói một điều gì mới mẻ. (trích Tiếng nói của văn nghệ – Nguyễn Đình Thi)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.