Qua ngôn ngữ độc thoại nội tâm, hãy phân tích nỗi thương nhớ của Thúy Kiều khi ở lầu Ngưng Bích

qua-ngon-ngu-doc-thoai-noi-tam-hay-phan-tich-noi-thuong-nho-cua-thuy-kieu-khi-o-lau-ngung-bich

Qua ngôn ngữ độc thoại nội tâm, hãy phân tích nỗi thương nhớ của Thúy Kiều khi ở lầu Ngưng Bích

  • Mở bài:

Bằng ngôn ngữ độc thoại nội tâm, thi hào Nguyễn Du đã khắc họa tài tình nỗi nhớ thương da diết những người thân yêu của Thúy Kiều. Vừa nhớ người, vừa trách mình, vừa khát khao trở về vừa oán hận cuộc đời, nỗi nhớ dằng dặc cào cấu trong lòng Kiều như những mũi dao đau nhói tâm can. Đoạn trích khẳng định tài năng miêu tả tâm lí bậc thầy và tấm lòng yêu thương của Nguyễn Du đối với con người.

  • Thân bài:

Sau khi biết mình bị Mã Giám Sinh lừa dối bắn vào lầu xanh, Thúy Kiều toan rút dao tự vẫn. May thay, Tú Bà nhanh tay đỡ lấy, nàng chỉ bị thương nhẹ. Sợ mất “món hàng ngon”, Tú bà đem lời dụ dỗ Thúy Kiều đến nghỉ ngơi ở lầu Ngưng Bích, mọi chuyện sẽ sắp xếp sau. Tại lầu Ngưng Bích, giữa mênh mông đất trời hiu quạnh Thúy Kiều không ngui nhớ thương người thân yêu nơi quê nhà.

Trong đoạn trích, Thuý Kiều nhớ Kim Trọng trước nhớ cha mẹ sau. Theo nhiều người đọc thì như vậy là không đúng với truyền thống lễ giáo của dân tộc. Trong thời kì phong kiến, đạo hiếu đặt làm đầu, mọi tình cảm đều phỉ quy hướng về đạo lí ấy. Theo lễ nghi, Kiều phải nhớ đến cha mẹ trước vì đó là bậc sinh thành, dưỡng dục. Đức cao sơn ấy lẽ nào Kiều lại quên. Lại thêm cha mẹ đang tuổi già sức yếu, nỗi lo nhớ con trẻ đằng đẵng có thể làm hao mòn thân tâm. Kiều rất thấu hiểu điều đó vì nàng là một người con tận hiếu.

Thế nhưng, theo lẽ tự nhiên, sức mạnh của tình yếu có thể làm lu mờ tất cả. Với mẹ cha, Kiều đã làm tròn chữ hiếu. Nàng bán mình cứu cha và em là đã đền đáp được một phần công lao cha mẹ, nên nàng cắn rứt khôn nguôi. Ở nhà đã có Thúy Vân và Vương Quan chăm lo, nghĩ đến nàng cũng thấy an lòng.

Với Kim Trọng, xưa hai người đã từng thệ hải minh sơn, nguyện suốt đời chung chăn gối. Chén rượu đêm trăng thề nguyền còn nồng ấm trên môi mà đôi người đã cách biệt mãi mãi. Có lẽ, nàng sẽ không còn có cơ hội trở về cùng Kim Trọng đi hết lời thề ước, thế mà lời ly biệt cũng chưa thể tỏ bày cùng nhau. Thật đau đớn nào bằng. Bởi thế, nỗi dằn vặt ấy cứ thường trực trong từng ý nghĩ. Nguyễn Du đã tinh tế phát hiện ra điều ấy và trân trọng nó. Đó cũng là trân trọng Thúy Kiều và những tình cảm cao cả của nàng.

Nhớ Kim Trọng, Kiều “tưởng” như thấy lại kỷ niệm thiêng liêng đêm thề nguyền, đính ước:

“Tưởng người dưới nguyệt chén đồng
Tin sương luống những rày trông mai chờ”.

Cái đêm ấy hình như mới ngày hôm qua. Một lần khác nàng nhó về Kim Trọng cũng là “nguyện ước ba sinh”. Kiều xót xa hình dung người yêu vẫn chưa biết tin nàng bán mình, vẫn ngày đêm mòn mỏi chờ trông chốn Liêu Dương xa xôi. Nàng nhớ người yêu với tâm trạng đau đớn, vừa cảm thương người vừa cảm thương phận mình chìm nổi, bơ vơ, tấm lòng son không giữ vẹn lời thề:

“Bên trời góc bể bờ vơ
Tấm son gột rửa bao giờ cho phai? “

Có lẽ, “tấm son” ấy là tấm lòng Kiều son sắt, thuỷ chung, không nguôi nhớ thương Kim Trọng. Cũng có thể là Kiều đang tủi nhục khi tấm lòng son sắt đã bi dập vùi, hoen ố, không biết bao giờ mới gột rửa cho sạch được. Trong nỗi nhớ chàng Kim có cả nỗi đau đớn vò xé tâm can, niềm căm phẫn uất nghẹn trong lòng.

Nhớ cha mẹ, nàng thấy “xót” khi tưởng tượng, chốn quê nhà, cha me nàng ngày đêm vẫn tựa cửa ngóng chờ tin tức người con gái yêu:

“Xót người tựa cửa hôm mai
Quạt nồng ấp lạnh những ai đó giờ?
Sân Lai cách mấy nắng mưa?
Có khi gốc tử đã vừa người ôm “

Nàng xót thương da diết và day dứt khôn nguôi vì không thể “quạt nồng ấp lạnh”, phụng dưỡng song thân, băn khoăn không biết hai em có chăm sóc cha mẹ chu đáo hay không. Nàng tưởng tương nơi quê nhà tất cả đã đổi thay, gốc tử đã vừa người ôm, cha mẹ ngày thêm già yếu. Cụm từ “cách mấy nắng mưa” vừa cho thấy sự xa cách bao mùa mưa nắng, vừa gọi được sự tàn phá của thời gian, của thiên nhiên lên con người và cảnh vật. Lần nào nhớ về cha mẹ, Kiều cũng “nhớ ơn chín chữ cao sâu” và luôn ân hận mình đã phụ công sinh thành, phụ công nuôi dạy của cha mẹ.

  • Kết bài:

Nỗi nhớ thương của Thúy Kiều khi ở lầu Ngưng Bích đã nói lên nhân cách đáng trân trong của nàng. Hoàn cảnh của nàng lúc này thật xót xa, đau đớn. Nhưng quên đi cảnh ngộ bản thân, Kiều đã hướng yêu thương vào những người thân yêu nhất. Trái tim nàng thật giàu yêu thương giàu đức hi sinh. Nàng thật sự là một người tình thủy chung, một người con hiếu thuận, một người có tấm lòng vi tha cao cả đáng trân quý ở trên đời.

Cảm nhận 8 câu thơ cuối trong đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.