Qua tác phẩm Vợ nhặt của Kim Lân, hãy chứng minh: Những người đói khổ dù kề bên cái chết vẫn khát khao hạnh phúc, hướng về ánh sáng, tin vào sự sống và vẫn hy vọng ở tương lai, vẫn muốn sống, sống cho ra người

nhung-nguoi-doi-kho-du-ke-ben-cai-chet-van-khat-khao-hanh-phuc-huong-ve-anh-sang-tin-vao-su-song-va-van-hy-vong-o-tuong-lai-van-muon-song-so

Qua tác phẩm “Vợ nhặt” của Kim Lân, hãy chứng minh: “Những người đói khổ dù kề bên cái chết vẫn khát khao hạnh phúc, hướng về ánh sáng, tin vào sự sống và vẫn hy vọng ở tương lai, vẫn muốn sống, sống cho ra người”

I. Đặt vấn đề:

Giới thiệu tác giả Kim Lân và truyện ngắn Vợ nhặt; nêu ý đồ sáng tác của tác giả; dẫn dắt vào nhân vật Tràng.

II. Giải quyết vấn đề:

1. Bóng tối rùng rợn đáng sợ của cuộc sống đói khát.

– Câu chuyện nhặt vợ của Tràng được tác giả đặt trên nền một khung cảnh “tối sầm vì đói khát”:

+ Người chết  đói “nằm còng queo bền vệ đường”, người đói từ các vùng “lũ lượt bồng bế, dắt díu nhau lên xanh xám, dật dờ như những bóng ma”.

+ Khắp nơi “vẩn lên mùi ẩm thối của rác rưởi và mùi gây của xác người”…

+ Tiếng quạ kêu thảm thiết trên vãi tha ma.

– Cuộc sống con người hết sức đáng thương:

+ Tràng: kéo xe thóc lên tỉnh, bữa được, bữa mất.

+ Cô vợ “nhặt”: xanh xám, hóp háp, lờ đờ, ngồi chờ có ai đó thuê làm việc trong vọng.

+ Bà cụ Tứ: tuổi già sống lay lắt.

Làng quê tiu đìu, sơ xác; trần gian mà như chốn địa ngục. Cái chết đến rất gần. Sự sống bên bênh vực. Những kiếp người hắt hiu, thoi thóp.

2. Phải cảm nhận được cảnh đói khát cùng cực ấy mới thấy hết sự “liều lĩnh” trong hành động của Tràng:

– Câu trêu đùa vô tình của Tràng nhưng trở thành cơ hội không thể bỏ qua của thị.

– Anh nông dân nghèo khổ không khỏi cảm thấy “chợn” khi người đàn bà kia theo về: “thóc gạo này đến cái thân mình cũng chả biết có nuôi nổi không, lại còn đèo bòng”. Nhưng niềm khao khát hạnh phúc đã lấn át nỗi sợ, nỗi lo. Tràng không ý thức hết những gian nan và hiểm hoạ nhưng anh cũng ngờ ngợ về những gì phải đối diện trong hoàn cảnh này

– Sự kiện “nhặt” vợ đã mang đến những đổi thay lớn trong con người Tràng. Anh thấy phấn chấn hẳn lên dù rất mơ hồ và bỡ ngỡ. Có lẽ lần đầu tiên trong đời, anh con trai vụng về, thô kệch được biết đến cảm giác gắn bó, yêu thương một “người dưng”.

+ Trên con đường đưa cô vợ nhặt về nhà, Tràng muốn nói một lời tình tứ để làm thân mà không nói được, chỉ biết lúng túng “tay nọ xoa vào vai kia”. Nhưng trong lòng Tràng trỗi dậy niềm vui sướng khiến anh ta “hình như quên hết những cảnh sống ê chề, tăm tối hằng ngày, quên cả cái đói khát ghê gớm đang đe dọa, quên cả những tháng ngày trước mặt. Lòng hắn bấy giờ chỉ còn tình nghĩa với người đàn bà đi bên. Một cái gì mới mẻ, lạ lắm, chưa từng thấy ở người đàn ông nghèo khổ ấy, nó ôm ấp, mơn man khắp da thịt Tràng, tựa hồ như có bàn tay vuốt nhẹ trên sống lưng”…

+ Khi báo với mẹ về sự xuất hiện của thành viên mới. Tràng tỏ ra chủ động, mạnh dạn mời mẹ ngồi, trình bày rõ ràng, dứt khoát. Đó là thái độ mà bấy lâu nay hắn không hề có.

– Cảm giác ngọt ngào, êm ái đó càng rõ nét hơn khi Tràng chứng kiến sự đổi thay trong ngôi nhà “dúm dó, xiêu vẹo” của mình vào buổi sáng hôm sau:

+ Nhìn chỗ nào, Tràng cũng thấy mới mẻ, khác lạ: “Mấy chiếc quần áo rách như tổ đỉa vẫn vắt khươm mươi niên ở một góc nhà đã thấy đem ra sân hong. Hai cái ang nước vẫn để khô cong dưới gốc ổi đã kín nước đầy ăm ắp. Đống rác mùn tung bành ngay lối đi đã hót sạch”.

+ Quan sát mẹ và vợ quét tước, dọn dẹp nhà cửa, Tràng bỗng thấy “thấm thìa cảm động”. Bởi vì, cảnh tượng thật bình thường, đơn giản ấy chính là “bằng chứng” cho một điều kì diệu: “Hắn đã có một gia đình”. Tràng bỗng thấy thương yêu, gắn bó với cái nhà của hắn một cách lạ lùng vì bây giờ nó đã trở thành tổ ấm. “Hắn sẽ cùng vợ sinh con đẻ cái ở đây”.

+ Tràng thực sự trưởng thành với ý thức về bổn phận của một người đàn ông trụ cột trong gia đình: “Bây giờ hắn mới thấy hắn nên người, hắn thấy hắn có bổn phận phải lo lắng cho vợ con sau này”.

– Qua cách kể của Kim Lân, câu chuyện nhặt vợ tưởng là bi hài đã hóa thành khúc ca về sức sống mãnh liệt trong tâm hồn người lao động:

+ Ngay trong đói khổ cùng cực – khi người ta ngỡ chỉ còn nghĩ được đến miếng ăn, chỉ còn sống với nỗi lo âu về cái chết, thì Tràng vẫn khát khao được sống như một con người thực sự.

+ Khát vọng hạnh phúc bình dị mà tha thiết, mãnh liệt ấy khiến người đọc không hề bất ngờ khi ngồi bên mâm cơm ngày đói, Tràng chợt nghĩ đến những người đói đi phá kho thóc của Nhật. Đó cũng là hình ảnh nhà văn chọn để kết thúc tác phẩm: “Trong óc Tràng vẫn thấy đám người đói và lá cờ đỏ bay phấp phới…” Nó gieo vào lòng người đọc niềm tin rằng, trong dòng người “như nước vỡ bờ” của những ngày tháng Tám năm 1945, không thể không có Tràng.

III. Kết thúc vấn đề

– Xây dựng nhân vật Tràng, Kim Lân đã khẳng định, ngợi ca khát vọng hạnh phúc, niềm tin vào sự sống tiềm ẩn trong tâm hồn người lao động. Những phẩm chất quý giá đó là “điểm sáng” ngời lên ngay giữa cuộc sống tăm tối, cùng khổ.

– Kim Lân quả thực là nhà văn của những thuần hậu nguyên thủy “một lòng đi, về với đất với người”.

Cảm nhận hình ảnh đáng thương của người vợ nhặt và sức mạnh tình người trong truyện ngắn “Vợ nhặt” của Kim Lân


Tham khảo:

“Những người đói khổ dù kề bên cái chết vẫn khát khao hạnh phúc, hướng về ánh sáng, tin vào sự sống và vẫn hy vọng ở tương lai, vẫn muốn sống, sống cho ra người”

  • Mở bài:

Kim Lân là một cấy bút xuất sắc chuyên viết truyện ngắn về đề tài người nông dân chất phác, thật thà và đậm tình người ở những làng quê Việt Nam. Lần đầu tiên có một nhà văn “nông dân” xắn quần lội xuống bùn để lắng nghe hơi thở nồng nàn của đất đai, của cuộc sống con người để tái hiện lên rõ mồn một trên mỗi trang viết. Với cốt truyện đơn giản, lời kể hấp dẫn và khă năng phân tích tâm lý nhân vật thiên tài, ông đã để lại cho độc giả những trang viết sâu sắc và xúc động về người dân quê – những con người gắn bó rất tha thiết với quê hương và cách mạng. Một trong những sáng tác thuộc đỉnh cao của Kim Lân là truyện ngắn “Vợ nhặt”. Tác phẩm được xây dựng trên nền nạn đói khủng khiếp năm Ất Dậu. Cái năm mà người ta vẫn nhắc đến như một tai nạn thảm khốc khiến hơn hai triệu đồng bào ta chết đói từ Quảng Trị đến Bắc Kỳ.

  • Thân bài:

Truyện ngắn “Vợ nhặt” ra đời dựa trên một cốt truyện cũ với nhau để “ Xóm ngụ cư”, được in trong tập “ Con chó xấu xí” xuất bản năm 1962. Tác phẩm kể về anh cu Tràng – một thanh niên nghèo khổ làm nghề kéo xe bò thuê. Dù trong tình cảnh đói kém quay quắt nhưng anh vẫn dắt thêm một người đàn bà về làm vợ. Sự việc khiến cả xóm ngụ cư và ngay cả mẹ Tràng – bà cụ Tứ hết sức ngạc nhiên và lo lắng. Nhưng qua đó, Kim Lân muốn ca ngợi sức sống và niềm tin mãnh liệt của con người vào tương lai, vào cách mạng, vào tình người dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào

Viết về người nông dân, một đề tài vốn đã rất quen thuộc nhưng Kim Lân đã biết “khơi nguồn chưa ai khơi”: đó là thân phận rẻ rúng như rơm rác của người nông dân nghèo trong xã hội cũ. Tràng – một nhân vật điển hình như thế với một hoàn cảnh vô cùng khốn khó, mang một ngoại hình chẳng mấy ưu nhìn. Tràng xuất thân là dân ngụ cư – tầng lớp người bị coi thường nhất lúc bấy giờ, sống cùng mẹ già trong “ túp lều tranh nằm rúm ró trên mảnh vườn lổn nhổn những bụi cỏ dại”. Hai mẹ con nương tựa vào nhau để sống sót qua nạn đói này. Tràng thì làm nghề kéo xe bò thuê nên cũng chưa đến mức phải chết đói nhưng cũng cực nhọc vô cùng. Sinh ra trong hoàn cảnh khó khăn của đất nước, chứng kiến biết bao là xác chết năm la liệt, lại hội tụ trong mình đầy yếu tố của một loại người đáng bị coi khinh.

Tràng còn có một ngoại hình hết sức thô kệch, cục mịch. Nó được ví như “sự gọt đẽo sơ sài của tạo hóa”. Nếu như trong văn Nam Cao ta thấy Chí Phèo xuất hiện đầu tác phẩm với tiếng chửi ngoa ngoắt “hắn vừa đi vừa chửi, …nó chửi trời, chửi đất…” thì Kim Lân lại đưa vào Tràng một số nét khắc họa ngoại hình “dáng đi ngất ngưỡng, hai mắt nhỏ tí, gà gà đắm vào hướng chiều hai bên quai hàm, đôi khi lại ngữa mặt lên cười khành khạch”. Tác giả khi xây dựng nhân vật này không tập trung miêu tả ngoại hình mà chỉ chú trọng khắc họa những nét riêng biệt. Nhìn vào Tràng ai cũng thấy, ngoại hình ấy không hề đẹp, có phần hoang dã khác hẳn với cách trau chuốt của xã hội văn minh.

Bên cạnh đó ngoại hình của Tràng còn được khắc họa rõ nét hơn khi nạn đói tràn vào xóm ngụ cư. Đó là dáng đi mệt mỏi, đầu thì chúi về đằng trước mặt cứ gằm lại, nó làm mụ mị con người vui vẻ, ngất ngưỡng trước đây ở Tràng. Tạo hóa đã ban cho anh cái xấu mà không hề thương xót. Phải chăng cách xây dựng nhân vật có số phận như thế là dụng ý nghệ thuật của nhà văn Kim Lân?! Để từ đó người nghệ sỹ ấy làm bật lên vẻ đẹp bên trong của con người Tràng!

Ẩn sâu bên trong của con người xấu xí, thô kệch ấy là cả một bầu trời nhân cách tốt đẹp. Tràng tốt bụng, hiền lành, hào hiệp và nhân hậu. Tính anh vui vẻ, nhanh nhẹn và thích nô đùa với trẻ con. Bởi vậy mỗi lần Tràng đi làm về, trẻ con trong xóm ra vây lấy hắn reo cười vang lên, khi ấy Tràng chỉ ngửa mặt lên “cười hềnh hệch”. Quả thật, tính tình Tràng vô tư chẳng khác đám trẻ con là mấy. Cũng chính vì thế mà anh đã sẳng sàn cưu mang người đàn bà xa lạ giữa nạn đói bằng một bữa ăn. Mặc dù anh cũng là tầng lớp đang bị cái đói hoành hành. Tuy nhiên “ hương người như thể thương thân”, anh đã cứu một người đàn bà đang ở giữa ranh giới của sự sống và cái chết, sẳn sàng cưu mang thị với quyết định đưa về làm vợ. Tình thương người với người tỏa sáng hơn bao giờ hết trong một con người tưởng chừng như gàn dở, ngờ nghệch đang bị coi thường! Vẻ ngoài thô kệch chính là bàn đạp để làm nổi bật tinh thần nhân đạo, yêu thương con người của Tràng. Đó cũng chính là dụng ý của nhà văn Kim Lân. Một người ngờ nghệch như anh cu Tràng mà biết cưu mang người khác, mang trong mình những phẩm chất tốt đẹp thì những người cao hơn anh, có địa vị hơn anh đánh rơi tình người ở đâu mất rồi?. Đây chính là niềm trăn trở của những nhà văn chân chính, những nhà nhân đạo, đặc biệt là những cây bút hướng về con người. Vì xét cho cùng, văn chương là vì con người, giáo dục nhân cách chúng ta!

Người đàn ông nhân hậu, tốt bụng ấy sẵn sàng cưu mang những người cùng cảnh ngộ. Vẻ đẹp ấy đã ngời lên thật trọn vẹn trong tình huống truyện độc đáo. Tình huống Tràng nhặt vợ khi gặp lại người con gái đẩy xe bò giúp anh lần trước khiến anh không khỏi ái ngại, xót xa. Bởi trước mắt anh là hình ảnh thê thảm của người cùng cảnh ngộ “quần áo rách như tổ đỉa trên khuân mặt lưỡi cày xám xịt chỉ thấy hai con mắt”. Cái đói khiến người con gái ấy chẳng biết thể diện là gì, cứ thế mà thô thiễn, trơ trẽn bất chấp tất cả để được ăn. Tràng động lòng thương, bởi Tràng cảm nhận được sự đói khát cùng đường của người đàn bà ấy. Nó đã đánh thức con người nhân hậu trong Tràng. Anh hào hiệp, phóng khoáng đãi người đàn bà xa lạ đến bốn bát bánh đúc. Vẻ đẹp tình người đã được nhen nhóm, thắp sáng lên giữa cái tối tăm của nạn đói.

Và cũng chỉ một câu nói tầm phơ tầm phào của Tràng “Nói đùa chứ có về với tớ thì ra khuân hàng lên xe rồi cùng về” mà thị đã theo Tràng về thật. Lúc đầu Tràng phảng phất nỗi lo sợ về cái đói, cái chết: “Thóc gạo này đến cái thân mình cũng có nuôi nổi hay không mà còn đeo bòng”. Đó là nỗi sợ hãi có thật, nhất là cái thời đói kém như thế này. Nhưng rồi anh cũng chậc lưỡi “chậc, kệ”. Kệ ở đây không phải là kệ đời hay mặc xác đời mà là cái kệ trong niềm tin mãnh liệt vào tương lai, cái “kệ” trong hành động của con người luôn khao khát hạnh phúc gia đình, hạnh phúc lứa đôi ngay cả khi cái chết đang cận kề. Chỉ một từ “kệ” thôi, Tràng như đã bỏ lại sau mình tất cả nổi sợ hãi, mọi lo nghĩ để hướng đến hạnh phúc.

Người ta cho rằng đó là hành động liều lĩnh bởi ta đã chứng kiến một chị Dậu phải bán con, bán chó để nuôi những đứa con khác, duy chì miếng sinh nhai, một anh Đĩ Chuột phải tự tử để nhường lại miếng cơm cho vợ và con mình. Vậy mà Tràng lại đi cưu mang người khác. Tình thương đã cho anh quyết định dứt khoát hơn về hành động của mình. Nó còn tiềm ẩn cái khao khát hạnh phúc gia đình mà trước đây anh không dám ao ước. Nhà văn Kim Lân quả thật đã khám phá thành công những vẻ đẹp tâm hồn của những người nông dân như Tràng – giàu tình yêu thương và sẵn sàng cưu mang những kiếp người khổ hơn mình.

Sau khi có vợ, Tràng không còn là một anh thanh niên ngờ nghệch mà đã trở thành một người đàn ông có khát vọng hạnh phúc, có ý thức vun vén cho mái ấm gia đình. Ta nhận ra rằng, Tràng là một người chồng hết sức yêu quý, quan tâm người bạn đời của mình. Anh đưa thị vào chợ tỉnh “mua cho thị cái thúng con đựng lặt vặt”, đưa vào hàng cơm “đánh một bữa no nê rồi cùng đẩy xe bò vê”. Chăm sóc từng cái nhỏ nhặt như thế cũng chứng tỏ Tràng rất tâm lý. Anh mua cho thị cái thúng con không chỉ đựng mấy thứ lặt vặt mà còn là minh chứng thị là một người phụ nữ giống như những người khác, để thị có thể tự tin hơn khi về nhà chồng, ai lại để vợ về nhà bằng tay không bao giờ! Tràng còn “rất chịu chơi” khi chi hẳn hai hào mua dầu để thắp sáng cho đêm tân hôn của mình. Chi tiết Tràng khoe với thị chai dầu vừa buồn cười lại vừa xót thương. “Hai hào đấy, đắt quá cơ, mà thôi, chẳng cần”. Tràng muốn đêm tân hôn của mình sáng lên một chút để giúp người đàn bà xấu số phần nào đỡ tủi thân trong buổi đầu về nhà chồng. Khi mà có hạnh phúc thì con người ta sẳn sàng đánh đổi cho niềm tin của mình được thắp sáng, cho hạnh phúc được bấu víu cũng như cho hy vọng của mình được nhen nhóm và phát triển. Tràng cũng khao khát như vậy!

Ai đó đã từng nói rằng “Hạnh phúc trong tình yêu có thể làm cho tâm hồn con người thay đổi một cách kỳ lạ” và Tràng cũng không ngoại lệ. Tràng không còn cúi đầu lầm lũi như mọi ngày mà “phởn phở khác thường”, “tủm tỉm cười”, “hai mắt sáng lên lấp lánh”. Cái cảm giác lâng lâng êm ái hạnh phúc buổi đầu đi bên vợ. Bởi vốn dĩ anh chưa từng được người đàn bà nào tình tứ với mình như thế, chưa bao giờ nghĩ mình sẽ có được hạnh phúc giữa nạn đói này. Sự xuất hiện của người vợ “nhặt” không chỉ mang đến một luồng sinh khí cho Tràng, cho mẹ Tràng mà còn cả xóm ngụ cư. Có thứ gì đó lạ lùng và tươi mát thổi vào cuộc sống đói khát, tối tăm của họ. Phải chăng sự xuất hiện của người vợ nhặt, sự thay đổi của con người khi người ta nâng niu và ngợi ca tình người thì cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn! Từ câu chuyện của hai con người dưới đáy của xã hội dường như đã mang theo không khí chờ đợi hạnh phúc đang đến nhẹ nhàng và bình yên. Nó như nhắn nhủ với chúng ta một điều “Trong những hoàn cảnh bần cùng nhất mà con người ta vẫn nghĩ đến tình người thì chắc chắn sẽ còn một tia sáng ở cuối con đường”.

Khi đem thị về nhà, Tràng mới thật sự lo lắng, tâm trạng thiếu tự tin, giống như một đứa trẻ. Trong lòng anh ngổn ngang trăm thứ cảm xúc vừa vui, vừa lo âu. Tràng vui vì hạnh phúc quá lớn: “Hắn đã có vợ rồi đấy ư?”, sẽ có một hạnh phúc gia đình. Nhưng rồi hắn cũng lo sợ ý của mẹ, hết chạy ra ngõ lại chạy vào sân. Khi thấy mẹ, “Tràng reo lên như một đứa trẻ. Anh cẩn thận mời mẹ vào ngồi lên giường cho chĩnh chện rồi mới giới thiệu. Không chỉ là một người đàn ông có trách nhiệm mà Tràng còn là một người con hết mực lễ phép, ngoan ngoãn với mẹ. Anh giới thiệu với mẹ: “Kìa nhà tôi nó chào u đấy”.

Kim Lân quả thật rất tài tình trong việc xây dựng lời thoại rất ít chữ nhưng chứa đựng trong đó tình cảm rất nhiều. Chao ôi, cái người mà Tràng gọi “nhà tôi” ấy, cái người đang ra mắt mẹ chồng lại chỉ là một người đàn bà nhặt được theo không, không cưới hỏi, không nhan sắc, bộ áo cô dâu trong ngày vu quy thì xác xơ như tổ đỉa. Tuy nhiên, tiếng “nhà tôi” kia vẫn nghe như có gì đó hết sức thân thương, trân trọng. Nó có sự nghiêm túc, chín chắn về việc hệ trọng cả đời người. Đến với nhau chỉ bằng bốn bát bánh đúc nhưng Tràng đã dành trọn tình thương, tình yêu cho người đàn bà xấu số kia, mở ra những ngày tháng hạnh phúc đang chờ phía trước. Như nhà văn Kim Lân đã chia sẻ “Tôi muốn họ vào trong sự sống, sự yêu thương nhau… dù trong hoàn cảnh cùng đường, bế tắc nhất”.

Song song với niềm hạnh phúc vứa chớm nở, nhà văn Kim Lân đã cho thấy ở Tràng một luồng sống mới vào sáng hôm sau. “Một nguồn sung sướng, phấn chấn đột ngột tràn ngập trong lòng”, “trong người êm ái lửng lơ như người trong giấc mơ đi ra”. Việc có vợ như một giấc mơ đẹp trong cuộc đời Tràng vậy, nó đột ngột, nhanh chóng, niềm vui sướng ngập dâng trong lòng,… bỗng nhiên hắn thấy yêu thương, gắn bó với căn nhà này lạ lùng. Tràng đã có suy nghĩ, ý thức của một người đàn ông trưởng thành, từ vô tâm thành quan tâm, tử dửng dưng đến lo lắng cho hạnh phúc lứa đôi.

Từ trách nhiệm với cá nhân gia đình càng thêm khát khao cháy bỏng vào tương lai phía trước. Ở Tràng hiện rõ tương lai tươi sáng, dù trên bờ vực thẳm, anh vẫn đi tìm sự sống “Hắn sẽ cùng vợ sinh con đẻ cái ở đây”.  Và hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới như báo hiệu trước cuộc sống đói khổ này sẽ chấm dứt thay vào đó là những ngày vui, ấm áp của mọi người. Giá trị nhân đạo sâu sắc của tác phẩm được tỏa sáng hơn bao giờ hết. Tình yêu thương, tình yêu giữa người với người đã thắp lên hy vọng, niềm tin vào một ngày mai tươi đẹp.

  • Kết bài:

Với tác phẩm “Vợ nhặt”, Kim Lân một lần nữa khẳng định tài năng, sức sáng tạo và tấm lòng nhân đạo sâu sắc của mình. Cái vốn liếng ngôn ngữ giàu có và đặc sắc, cái lối viết tưởng chừng như dễ nhưng rất khó phỏng theo, giản dị nhưng ánh lên một vẻ hào hoa lạ kỳ của nhà văn. Nhưng có lẽ cái đọng lại trong tôi là cách nhìn đời, nhìn người đầy xót xa, thương yêu của tác giả, là niềm tin mà ông muốn trao gửi qua thiên truyện ngắn. Tràng không may mắn khi tạo háo ban cho ngoại hình chẳng mấy ưu nhìn, bị cuộc sống bùi dập đến đường cùng nhưng anh vẫn luôn khát khao được sống hạnh phúc, vẫn vững tin vào tương lai trong cái tối tăm, đói kém của xã hội bấy giờ. Viết về nạn đói, nhà văn muốn gửi đến thông điệp: Không có khát khao nào chính đáng bằng khát khao được sống như một con người, sống cho ra người, dù cuộc đời có bi thảm đến đâu thì vẫn hướng về ánh sáng, niềm tin vào tương lai.

Phân tích truyện ngắn Vợ nhặt của Kim Lân

2 Trackbacks / Pingbacks

  1. Qua truyện ngắn "Vợ nhặt" của Kim Lân hãy chứng minh: "Cái đẹp cứu vớt con người" - Theki.vn
  2. Hình ảnh chuyến tàu đêm trong truyện ngắn "Hai đứa trẻ" của Thạch Lam và hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng trong truyện ngắn "Vợ nhặt" của Kim Lân. - Theki.vn

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.