Quá trình thức tỉnh của Chí Phèo sau khi gặp thị Nở

qua-trinh-thuc-tinh-cua-nhan-vat-chi-pheo

Quá trình thức tỉnh của Chí Phèo sau khi gặp Thị Nở.

  • Mở bài:

Nhà văn Tô Hoài từng có những nhận xét: “Nam Cao lạnh lùng quá, kéo mép lên mới nở được một nụ cười khó nhọc(…) thật ra mặt anh ta lạnh nhưng lòng anh ta sôi nổi”. Đúng như những gì Tô Hoài đã nhận xét, Nam Cao, nhà văn có một phong cách vô cùng đặc biệt, ở ông tồn tại sự đan xen giữa nóng và lạnh, giữa cái tận cùng của tội ác và sự thức tỉnh đột ngột của lương tâm. Nhà văn Nam Cao không chấp nhận cái nửa vời, với ông, cuộc đời người nông dân đã là sự bi thảm tột cùng. Nhân vật Chí Phèo thể hiện rõ nhất ngòi bút đậm chất Nam Cao, đặc biệt là ở những đoạn văn miêu tả sự thức tỉnh trong lương tâm của Chí Phèo sau khi gặp Thị Nở, cực kì tinh tế và đậm chất nghệ thuật, cũng đậm chất người.

  • Thân bài:

Nam Cao là nhà văn hiện thực xuất sắc của văn học Việt Nam, Dù viết về đề tài nào ,truyện của Nam Cao cũng thể hiện một tư tưởng chung:nỗi băn khoăn đến đau đớn trước thực trạng con người bị hủy hoại về nhân phẩm do cuộc sống đói nghèo đẩy tới. Tác phẩm Chí Phèo có thể nói là tác phẩm xuất sắc nhất viết về đề tài nông dân của Nam Cao, ngòi bút của Nam Cao tựa như lưỡi dao sắc bén xoáy sâu vào hiện thực tăm tối, ngấm ngầm nhưng lại chứa đựng những đợt sóng ngầm cuốn phăng đi tất cả.

Trong tác phẩm này, nổi bật nhất chính là quá trình thức tỉnh của Chí Phèo sau khi gặp Thị Nở. Chí bị xã hội ruồng bỏ, bị cướp mất quyền làm người, bị cướp đi cả nhân hình lẫn nhân tính. Và cứ thế Chí Phèo say triền miên. Say để quên đi quyền làm người, say để làm những việc mà người ta giao cho hắn làm, đốt phá, cướp giật, doạ nạt… của bao người dân lương thiện. Những cơn say của hắn tràn cơn này sang cơn khác, thành một cơn dài, mênh mông, hắn ăn trong lúc say, thức dậy hãy còn say… Chưa bao giờ hắn tỉnh, và có lẽ hắn chưa bao giờ tỉnh táo, để nhớ có hắn ở đời. Ấy vậy mà chỉ một lần gặp Thị Nở y đã đổi khác. Trong một đêm say, hắn tình cờ gặp Thị Nở – người đàn bà dở hơi xấu xí, và quá lứa lỡ thì. Thị Nở đi qua vườn nhà Chí và ngủ quên trong vườn nhà hắn vào một đêm trăng mát rười rượi. Còn Chí Phèo thì vừa uống rượu ở nhà tự Lãng về, muốn ra sông tắm, vô tình hắn gặp thị ở đó.

Sự thức tỉnh của Chí Phèo thể hiện trước hết ở sự nhận thức về cuộc sống. Sau một đêm say, như mọi lần, Chí Phèo chưa bao giờ tỉnh thực sự để mà nhìn đời, ấy vậy mà sau khi cuộc gặp gỡ với Thị Nở, Chí Phèo bỗng cảm thấy: “bâng khuâng như tỉnh dậy, hắn thấy miệng đắng, lòng mơ hồ buồn. Người thì bủn rủn, chân tay không buồn nhấc, hay là đói rượu, hắn hơi rùng mình. Ruột gan lại nôn nao lên một tý. Hắn sợ rượu cũng như những người ốm sợ cơm”. Lần đầu tiên trong suốt cuộc đời của hắn, chưa bao giờ hắn thấy tỉnh táo như vậy, Chí Phèo bước đầu có những thay đổi về mặt nhận thức, hắn tỉnh rượu và sợ rượu. Một kẻ như hắn, tên đầu đường xó chợ là nỗi khiếp sợ của cả làng Vũ Đại, ngày ngày chìm trong men rượu, nay trở nên sợ rượu, quả là một việc bất ngờ và kì lạ.

Chí Phèo có những cảm xúc của một con người, lòng mơ hồ buồn, không biết buồn vì cái gì, bởi Chí Phèo mới bắt đầu quá trình thức tỉnh của mình. Khi nhận thức đã được mở, Chí nhìn thấy những sự việc xung quanh, “Tiếng chim hót ngoài kia vui vẻ quá! Có tiếng cười nói của những người đi chợ. Anh thuyền chài gõ mái chèo đuổi cá”. Hắn hôm nay, đã thấy được những cái đẹp của cuộc sống. Nếu như trước khi gặp Thị Nở, Chí chỉ thấy toàn những điều xấu xa, tàn ác, cái nhẫn tâm và cái đau đớn, thì nay, lần đầu tiên trong trí óc hắn xuất hiện cái đẹp giản dị của cuộc đời, tiếng chim hót, tiếng người buôn bán, cuộc sống hạnh phúc còn đó mà giờ hắn mới phát hiện. Chao ôi! Cuộc đời thật tươi đẹp biết bao, trong thực thế và trên trang sách, khi cái đẹp lẩn khuất trong những điều sầu muộn, trong tiếng khóc còn da diết niềm hạnh phúc. Có tỉnh, có thức mới nhận ra cuộc sống này còn biết bao điều đáng để chúng ta sống. Âm thanh của cuộc sống khơi gợi trong Chí Phèo sự khát sống tưởng đã im lìm.

Quá trình thức tỉnh của Chí Phèo được miêu tả rất tinh tế và chi tiết, theo cấp độ tăng tiến từ ít lên nhiều, nhẹ nhàng lên mãnh liệt.

Quá trình thức tỉnh của Chí Phèo được miêu tả rất tinh tế và chi tiết, theo cấp độ tăng tiến từ ít lên nhiều, nhẹ nhàng lên mãnh liệt. Sau khi đã nhìn thấy được cuộc sống sau bao ngày ngủ, Chí Phèo ý thức được hoàn cảnh già nua cô độc của mình: “Chí Phèo hình như đã trông thấy trước tuổi già của hắn, đói rét và ốm đau, và cô độc, cái này còn đáng sợ hơn đói rét và ốm đau”. Những kẻ như Chí Phèo không bao giờ biết sợ cái chết, cái chết đối với hắn nhẹ tựa mây bay, hay nói đúng hơn, hắn chưa bao giờ thức sự sống để mà sợ cái chết. Chí trở lại với bản thân mình, đầy đủ lý trí và tình cảm, đủ lý trí để nhận thức hoàn cảnh khốn cùng của bản thân, lần đầu hắn thấy mình đang ở cuối đường đời, sức khỏe bào mòn và tâm hồn thì mục ruỗng; đủ tình cảm để thấy được nỗi sợ cô độc, thiếu vắng tình yêu. “Than ôi, đau đớn và mệt mỏi, đến giờ hắn mới ý thức được, mà vẫn còn cô độc”, “hắn đã tới cái dốc bên kia của cuộc đời”, và cơ thể thì đã “hư hỏng nhiều”. Tương lai đối với hắn, còn đáng buồn hơn, không chỉ buồn mà còn lo sợ, bởi hắn đã trông thấy trước “tuổi già, đói rét và ốm đau” và nhất là “cô độc”. Sau những tháng ngày sống gần như vô thức, Chí đã tỉnh táo và suy nghĩ về cuộc đời mình, triền miên trong suy nghĩ và xúc động. Đây là minh chứng rõ ràng nhất cho sự thức tỉnh của Chí. Hắn không còn là cái xác vô hồn, mà giờ, hắn là một con người thực sự. Có lẽ, chỉ bởi hiện thực thối nát che dấu đi bản tính của hắn, chứ thực chất, Chí Phèo vẫn là một kẻ đáng thương.

Trong cơn sóng cuồn cuộn của hiện thực xã hội thối nát, nơi con người bị ép buộc phải tha hóa, phải bán đi sự lương thiện của mình để có thể tồn tại. Chí Phèo ở một phương diện nào đó, khá giống thị trongVợ nhặt, đều phải tạo cho mình vỏ bọc trước cuộc sống. Thế nhưng nếu chịu khó đi sâu tìm hiểu, ta thấy được ở những nhân vật này, luôn khắc khoải một hi vọng được sống, vì vậy, chỉ cần đợi có sự xúc tác bên ngoài, vẻ đẹp của họ lập tức được thức tỉnh.

Quá trình thức tỉnh của Chí Phèo, là sự thức tỉnh của lương tri, của lương thiện, được làm người và mong muốn được làm người một cách trọn vẹn. Nối tiếp tâm trạng lần đầu tiên của Chí Phèo sau khi tỉnh dậy thì chính là tâm trạng khi Thị Nở quay lại trong quá trình thức tỉnh của nhân vật. Đầu tiên, hắn ngạc nhiên. Ngạc nhiên khi thấy thị trở lại và trên tay bưng bát cháo hành. Vì lần đầu tiên trong cuộc đời hắn được người ta cho một thứ gì đó mà không phải dọa nạt hay cướp giật, lần đầu tiên trong cuộc đời hắn được chăm sóc…

Có thể nói, quá trình thức tỉnh của Chí Phèo được thể hiện rõ nhất qua thái độ của hắn khi ăn bát cháo hành. Chí Phèo cảm động, nhắc nhở hắn về mong muốn được làm người lương thiện đã ngủ quá lâu trong hắn. Hắn như muốn trở thành đứa trẻ thơ. Còn có cả “Trời ơi! Hắn thèm lương thiện, hắn lại muốn làm hòa với mọi người biết bao! Thị Nở sẽ là người mở đường cho hắn. Thị có thể sống yên ổn với hắn thì sao người khác lại không thể được.” và rồi “họ sẽ nhận lại hắn vào cái xã hội bằng phẳng và thân thiện của những người lương thiện.” Thị Nở đã hồi sinh tâm hồn đã mục ruỗng của Chí Phèo, đứa hắn về với địa hạt của yêu thương, của sự đồng cảm sẻ chia giữa con người. Hóa ra, cuộc đời cũng như tấm gương hai mặt, một địa ngục một thiên đường, nhìn thấy mặt nào lại là sự lựa chọn của mỗi người. Nam Cao đẩy nhân vật của mình vào tận cùng của bi kịch, tàn nhẫn để họ đấu tranh với chính mình, lại cũng cho họ những vẻ đẹp cao quý nhất của nhân loại, khó tìm khó thấy.

Sự thức tỉnh của Chí Phèo bắt đầu từ sự nhận thức, đến cảm nhận và cuối cùng là khao khát được làm người một cách trọn vẹn. Nhưng Nam Cao còn đi sâu hơn thế, ở Chí Phèo tồn tại một kiểu thức tỉnh khác với những nhân vật trong văn học hiện thực – sự thức tỉnh mang tính giai cấp. Chí Phèo sau khi bị cự tuyệt quyền làm người, đã tìm đến Bá Kiến thay vì Thị Nở mặc dù thị đã từ chối hắn. Chi tiết này chứng tỏ Chí Phèo ý thức rất rõ nguyên nhân đẩy mình vào bước đường cùng của sự khốn mạt – giai cấp địa chủ. Tác phẩm mang tính giai cấp sâu sắc, trong cái làng Vũ Đại này dường như có sự soán ngôi, khi những kẻ tỉnh táo nhất thực chất lại là những kẻ đang bị ru ngủ, bị che mờ bởi đồng tiền, định kiến, sự thối nát ngấm ngầm của xã hội tuy khó thấy, nhưng đã mục ruỗng đến tận gốc. Chí Phèo kẻ luôn say, nhưng lại là kẻ tỉnh nhất làng Vũ Đại, nhận thức được kẻ thù của mình một cách chính xác, sống tách biệt với mọi người cũng là vì hắn là kẻ duy nhất chưa bị ru ngủ. Bá Kiến đại diện cho giai cấp địa chủ, hành động đâm Bá Kiến chính là nỗ lực cuối cùng để lật đổ xiềng xích kìm hãm mình.

Sự nhận thức này mang tính giai cấp là vì vậy. chính Chí Phèo cũng ý thức rõ rằng hắn không thể quay về được nữa. Bởi chính vì không thể tiếp tục làm con quỷ dữ, hắn lại càng không thể quay trở về làm chàng trai Chí Phèo hiền lành của trước đây, nên hắn đã giải quyết bằng một con đường khác. Chí Phèo giết chết Bá Kiến và tự sát. Hành động giết chết bá Kiến của Chí Phèo như một sự “trả thù” cho kẻ đã đẩy hắn vào bước đường cùng không lối thoát.

  • Kết bài:

Chí Phèo không phải là một tác phẩm đơn giản, mang đậm phong cách của Nam Cao, với những tấn bi kịch đầy đau đớn, song, với tấm lòng nhân đạo của mình, nhà văn luôn luôn tìm thấy những vẻ đẹp đang tiềm tàng, khuất lấp đằng sau những nhân vật của mình. Để từ đó mà yêu, mà trân trọng, mà ca ngợi tâm hồn của những người nông dân mà không phải ai cũng nhận ra.

Phân tích nhân vật Chí Phèo trong truyện ngắn cùng tên của Nam Cao.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.