Qua truyện ngắn Chí Phèo, hãy làm sáng tỏ ý kiến: Nhà văn sáng tạo nhân vật để gửi gắm tư tưởng, tình cảm và quan niệm của mình về cuộc đời (Sê-khốp)

qua-truyen-ngan-chi-pheo-hay-lam-sang-to-y-kien-nha-van-sang-tao-nhan-vat-de-gui-gam-tu-tuong-tinh-cam-va-quan-niem-cua-minh-ve-cuoc-doi-se-khop

Qua truyện ngắn Chí Phèo, hãy làm sáng tỏ ý kiến: Nhà văn sáng tạo nhân vật để gửi gắm tư tưởng, tình cảm và quan niệm của mình về cuộc đời (Sê-khốp)

  • Mở bài:

Mr.Gorki đã có lần khuyên một nhà văn trẻ: “Anh hãy bỏ nghề viết đi. Đấy không phải là việc của anh, có thể thấy rõ như thế. Anh hoàn toàn không có khả năng miêu tả con người cho sinh động, mà đấy là điều chủ yếu”. Miêu tả con người đó chính là việc xây dựng nhân vật của nhà văn. Mỗi nhà văn sống trong cuộc đời, chắt lọc những điều tinh túy nhất mà họ biết để xây dựng nên hình tượng nhân vật – những đứa con tinh thần của nghề viết. Chính vì thế, khi bàn về nhân vật trong tác phẩm văn học, nhà văn Sê-khốp cho rằng: Nhà văn sáng tạo nhân vật để gửi gắm tư tưởng, tình cảm và quan niệm của mình về cuộc đời”.

  • Thân bài:

Mỗi con người đều là nghệ sĩ. Nhưng để trở thành người nghệ sĩ thật thụ thì không phải ai cũng có thể làm được điều đó. Không phải ai cũng đủ khả năng để xây nên những tòa lâu đài văn thơ đồ sộ, vẽ nên bức tranh mùa thu với đủ hương vị ngọt ngào hay xây dựng nên một hình tượng nhân vật độc đáo, in dấu ấn sâu đậm trong lòng người đọc. Có thể nói, nhân vật là linh hồn của tác phẩm, cũng chính là cái hồn của người viết. Ở đây, cần chú ý rằng, nhân vật trong văn học là một hiện tượng nghệ thuật mang tính ước lệ, đó không phải là sự sao chụp đầy đủ mọi chi tiết biểu hiện của con người mà chỉ là sự thể hiện con người qua những đặc điểm điển hình. Tư tưởng là nhận thức, tầm nhìn cũng như thái độ của nhà văn đối với một đối tượng, vấn đề nào đó. Tình cảm là những cung bậc cảm xúc được rung lên từ cuộc sống, tâm hồn tác giả được gửi gắm vào ngòi bút của mình. Còn quan niệm chính là cái nhìn, chân lý sống mà nhà văn muốn khẳng định. Có thể hiểu rằng, thông qua các nhân vật của mình, nhà văn có thể gửi gắm vào đó tâm tư tình cảm lập trường của bản thân.

Văn học không thể thiếu nhân vật, vì đó chính là phương tiện cơ bản để nhà văn khái quát hiện thực một các hình tượng. Nhà văn sáng tạo nhân vật để thể hiện nhận thức của mình về một cá nhân nào đó, về một loại người nào đó, về một vấn đề nào đó của hiện thực. Trong tác phẩm Chí Phèo, Nam Cao đã miêu tả những nhân vật của mình theo những hình tượng nét tính cách vô cùng độc đáo. Chẳng hạn như ngoại hình nhân vật Chí Phèo sau khi bị tha hóa, Nam Cao đã miêu tả: “Cái đầu thì trọc lóc, cái răng cạo trắng hớn, cái mặt thì đen, hai mắt thì gườm gườm trông gớm chết! Hắn mặc quần nái đen với cái áo tây vàng. Cái ngực phanh đầy những nét chạm trổ rồng phượng với một ông tướng cầm chùy, cả cánh tay cũng thế”. Hay về nhân tính cũng thay đổi, suốt ngày say khướt, chửi bới, rạch mặt ăn vạ. “Hắn vừa đi vừa chửi. Bao giờ cũng thế, cứ rượu xong là hắn chửi…”. Chính hắn là người đã gây ra biết bao nhiêu phiền toái, làm tay sai cho Bá Kiến, phá bao nhiêu cơ nghiệp, làm chảy máu và nước mắt bao người lao động. Bằng tài năng khắc họa nhân vật của mình, Nam Cao đã làm cho người đọc đi từ cung bậc cảm xúc này đến cảm xúc khác..

Nguyễn Đăng Mạnh cũng nhận xét rằng Khi Chí Phèo ngật ngưỡng bước ra từ trang sách của Nam Cao, người ta mới thấy đây là hiện thân đầy đủ nhất cho những gì gọi là cùng khổ của người dân cày trong một xã hội thuộc địa: bị dày đạp, cào xé, hủy hoại từ nhân tính đến nhân hình.” Từ lúc Tắt đèn của Ngô Tất Tố, Bước đường cùng của Nguyễn Công Hoan được ra đời, người ta cứ ngỡ rằng chị Dậu, anh Pha đã là tận cùng của sự bế tắc, bần cùng. Nhưng cùng hơn cả những con người bần cùng đó chính là Chí Phèo. Chị Dậu, anh Pha dù có khổ mấy vẫn được con nhận là người. Còn Chí từ một người hiền lành, có khát vọng và ước mơ lương thiện lại bị tha hóa trở thành con quỷ của làng Vũ Đại, bán cả linh hồn mình cho quỷ dữ. Thế mà, chính tình yêu đã cứu vớt con người Chí. Kể từ khi gặp Thị Nở, Chí như trở thành một người khác. Thị là một người dở hơi, xấu ma chê quỷ hờn, ấy thế mà đối với hắn, Thị là hoa hậu, là người đẹp nhất.

Bát cháo hành của Thị Nở đã cứu hắn khỏi trận ốm, vừa trị độc cho tâm hồn đã bị vấy bẩn của hắn. Thị sẽ là cầu nối của hắn trên con đường đến bên bờ của sự lương thiện. “Ôi sao mà hắn hiền, ai dám bảo đó là cái thằng Chí Phèo vẫn đập đầu, rạch mặt mà đâm chém người?” Hắn thèm trở lại làm người lương thiện, hắn muốn làm hòa với mọi người. Chính tình cảm chân thành của Thị, một thứ tình người đầy nhân nghĩa đã cảm hóa được lòng Chí. Một thứ tình giản dị, dịu dàng mà đầy ắp ân tình.

Những tưởng Chí sẽ từng bước quay về với cuộc sống lương thiện vốn có của mình nhưng một lần nữa, Nam Cao lại đưa nhân vật của mình vào bi kịch. Đó chính là bi kịch cự tuyệt quyền làm người. Chính do xã hội lúc bấy giờ, do bà cô Thị Nở ngăn cản tình cảm của cả hai đã thiêu rụi niềm hi vọng cuối cùng của Chí và đuổi Chí đến bước đường cùng. Trong lúc tuyệt vọng nhất, hắn đã cầm dao đi trả thù. Ban đầu hắn định giết chết bà cô Thị Nở nhưng chân lại rảo bước đến nhà Bá Kiến. Ngay lúc này hắn đã nhận ra kẻ thù lớn nhất của đời mình chính là Bá Kiến, cũng như là giai cấp thống trị lúc bấy giờ. Tiếng kêu của Chí Phèo trước khi giết Bá Kiến và tự sát chính là tiếng kêu của một con người rơi vào bi kịch “Ai cho tao lương thiện?” Chí Phèo đã giải thoát bằng cách giết Bá Kiến. Cái chết của Chí Phèo là cái chết của con người trong bi kịch đau đớn trên ngưỡng cửa trở về cuộc sống làm người. Qua nhân vật Chí, nhà văn Nam Cao muốn lên án và tố cáo xã hội lúc bấy giờ đã chà đạp lên quyền sống, quyền làm người của những người dân lương thiện. Đồng thời ông cũng trân trọng và tìm ra giá trị tốt đẹp cho nhân vật mình kể cả khi bị tha hóa và lưu manh hóa.

Thông qua nhân vật Chí và tác phẩm Chí Phèo, ta có thể thấy được ý kiến về tầm quan trọng của nhân vật là đúng đắn.Làm sao một tác phẩm mà thiếu đi nhân vật được chứ. Không thể nào. Nhưng để sáng tạo được nhân vật thì nhà văn phải có lập trường tư tưởng tiến bộ. Có được lập trường tư tưởng đúng đắn tiến bộ nhà văn mới có được tầm nhìn xa, rộng, mới có mục đích sáng tạo chân chính và mới có thể gửi những tư tưởng ấy vào nhân vật của mình. Từ đó, nhà văn mới thể hiện được tình cảm nêu lên quan niệm của bản thân về cuộc đời. Đó cũng là yêu cầu đối với người cầm bút và định hướng cho sự khám phá, tiếp nhận tác phẩm đúng đắn.

  • Kết bài:

Một tác phẩm nghệ thuật chân chính phải là được rung lên từ những cung bậc tình cảm và chứa đựng một quan niệm tốt đẹp của nhà văn về cuộc đời. Như con ong cặm cụi hút mật, nhà văn đã dùng cả đời mình để sáng tạo nên một hình tượng nhân vật mang cốt cách và linh hồn của người viết. Sự sáng tạo độc đáo ấy đã giúp cho tác phẩm của họ bay cao, bay xa, làm cho quan niệm của họ sống mãi lòng độc giả cũng như đứng vững trong thi đàn văn học dân tộc Việt Nam.

Phân tích truyện ngắn Chí Phèo của Nam Cao

1 Trackbacks / Pingbacks

  1. Làm sáng tỏ ý kiến: Nhà văn sáng tạo nhân vật để gửi gắm tư tưởng, tình cảm và quan niệm của mình về cuộc đời (Sê-khốp) - Theki.vn

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.