Qua truyện ngắn Hai đứa trẻ của Thạch lam, hãy làm sáng tỏ ý kiến: Bắt rễ ở cuộc đời hàng ngày của con người, văn nghệ lại tạo được sự sống cho tâm hồn con người (Nguyễn Đình Thi)

qua-truyen-ngan-hai-dua-tre-cua-thach-lam-hay-lam-sang-to-y-kien-bat-re-o-cuoc-doi-hang-ngay-cua-con-nguoi-van-nghe-lai-tao-duoc-su-song-cho-tam-hon-con-nguoi-nguyen-dinh-thi

Bắt rễ ở cuộc đời hàng ngày của con người, văn nghệ lại tạo được sự sống cho tâm hồn con người. (Nguyễn Đình Thi)

Anh/chị hiểu ý kiến trên như thế nào? Hãy làm sáng tỏ qua tác phẩm Hai đứa trẻ của Thạch Lam.

  • Mở bài:

– Giới thiệu vấn đề nghị luận. Dẫn dắt và trích câu nói: Bắt rễ ở cuộc đời hàng ngày của con người, văn nghệ lại tạo được sự sống cho tâm hồn con người.

  • Thân bài:

1. Giải thích ý nghĩa câu nói.

“Bắt rễ ở cuộc đời hàng ngày của con người”: Cuộc đời là nơi xuất phát của văn nghệ. Hiện thực đời sống tác động vào nhận thức, tình cảm của người nghệ sỹ làm người nghệ sỹ nảy sinh những xúc cảm mãnh liệt. Nó thôi thúc người nghệ sỹ cầm bút sáng tác. “Xã hội nào thì văn học ấy”, “văn học là tấm gương phản chiếu hiện thực xã hội”…

“Văn nghệ lại tạo được sự sống cho tâm hồn con người”:

+ Đích đến của văn nghệ là cuộc sống. Chức năng của văn học là phục vụ cuộc sống và con người. Văn học nghệ thuật phải làm cho cuộc sống này trở nên tốt đẹp hơn, con người trở nên trong sáng, lương thiện và Người hơn. “Nghệ thuật là phương thức tồn tại của con người, giữ cho con người mãi mãi là con người, không sa xuống thành con vật…Nghệ thuật là sự vươn tới, sự hướng về, sự níu giữ mãi mãi tính người cho con người” (Nguyên Ngọc)

+ Văn chương chân chính phải là tiếng nói đồng vọng từ cuộc sống, bênh vực và tìm lối thoát cho những số phận hẩm hiu. Ca ngợi những vẻ đẹp của con người, phê phán những thế lực xấu xa, chà đạp lên quyền sống của họ.

+ Văn chương thổi vào những tâm hồn héo hắt nguồn sống mới đó là niềm vui, niềm tin, niềm hi vọng, nghị lực sống, tình yêu, tình quê hương, đất nước…

2. Chứng minh qua tác phẩm Hai đứa trẻ của Thạch lam.

a. Văn học “bắt rễ ở cuộc sống hàng ngày của con người”.

– Truyện ngắn Hai đứa trẻ là bức tranh hiện thực về cuộc sống tù đọng, tối tăm của xã hội Việt Nam trước CMT8- 1945. Một bức tranh được vẽ bằng những gam màu u tối, nhợt nhạt. Ánh sáng chỉ le lói, yếu ớt. Hoạ vào đó là những âm thanh nhỏ nhoi, uể oải, chậm chạp, mệt mỏi. Những con người tàn tạ, nghèo nàn, khốn khổ sống đơn điệu, quẩn quanh tẻ nhạt…

– Tác phẩm phản ánh được những vấn đề tồn tại của hiện thực đời sống. Nhưng tác giả không sao chép thực tế một cách cứng nhắc mà gửi gắm vào đó nhiều điều mới mẻ, sâu sắc.

+ Bên cạnh bức tranh thiên nhiên, Thạch Lam còn đưa những nét vẽ của mình hướng đến bức tranh sinh hoạt của con người. Ông nắm lấy khung cảnh của một buổi chợ đã tàn. Người ta thường nói rằng, muốn biết cuộc sống nơi đó ra sao, chỉ cần đến chợ là sẽ biết. Và Thạch Lam cũng làm như vậy. Khung cảnh khu chợ sau buổi họp hiện lên tiêu điều, xơ xác. Âm thanh náo nhiệt, ồn ã đã biến mất, giờ chỉ còn lại cái tĩnh lặng bao trùm. Chỉ còn một vài người bán hàng về muộn ở lại dọn hàng, họ trò chuyện vội vã với nhau vài câu.

+ Trên nền chợ chỉ còn lại rác rưởi, vỏ thị, vỏ bưởi,… Những đứa trẻ con nhà nghèo ở ven chợ cúi lom khom trên mặt đất, đi tìm tòi, nhặt nhạnh những thanh nứa thanh tre hay bất cứ những gì còn sót lại… cảnh tình của chúng thật đáng thương, tội nghiệp. Mẹ con chị Tí ngày mò cua, bắt ốc, đêm lại dọn hàng nước bán, dù đã chăm chỉ làm lụng nhưng vẫn không đủ sống. Bà cụ Thi điên nghiện rượu, lúc nào cũng chìm trong hơi men, xuất hiện cùng tiếng cười khanh khách,…

+ Còn chị em Liên cũng coi giữ một cửa hàng tạp hóa nhỏ, bán những vật dụng đơn giản cho những khách hàng quen thuộc. Liên, An mới chỉ là những đứa trẻ nhưng chúng đã tham gia vào công cuộc mưu sinh. Cuộc sống của những người dân nơi đây quẩn quanh, nhàm chán, họ đại diện cho những kiếp sống mòn, sống mỏi. Trong sâu thẳm họ vẫn luôn khao khát, đợi chờ một điều gì đó tươi sáng hơn cho cuộc sống, nhưng còn mơ hồ, không rõ ràng.

+ Bức tranh phố huyện lúc chiều tàn là đoạn văn giàu chất trữ tình. Bức tranh thiên nhiên đẹp mà đượm buồn, vừa cho thấy cuộc sống quẩn quanh, bế tắc, nghèo nàn của những con người nơi đây. Đằng sau bức tranh phố huyện ta còn thấy được tình yêu thiên nhiên, cũng như tấm lòng nhân đạo sâu sắc của tác giả: trân trọng nâng niu những số phận và ước mơ đổi đời của họ. Nghệ thuật miêu tả đặc sắc, chất trữ tình thấm đượm cũng là những yếu tố tạo nên sự thành công cho tác phẩm.

b. Văn học “lại tạo được sự sống cho tâm hồn con người”.

– Tác phẩm Hai đứa trẻ thực sự tác động đến tư tưởng, tình cảm, thế giới quan của người đọc và làm thay đổi nhận thức của họ:

+ Nó thanh lọc tâm hồn con người, hướng họ đến những giá trị nhân văn cao cả. Đó là tình yêu thương, đồng cảm, xót xa trước những kiếp người khốn khổ, tàn tạ. Đó là sự nâng niu trân trọng những mơ ước, những khao khát đổi đời dù những ước mơ còn mơ hồ, chưa rõ hình hài.

+ Hình ảnh âm thanh “tiếng ồn ào cũng mất”, cùng với hình ảnh “trên đất chỉ còn lại rác rưởi, vỏ bưởi, vỏ thị, lá nhãn và lá mía” cùng với cảnh mấy đứa trẻ con tìm bới, nhặt nhạnh những thứ rác rưởi còn sót lại sau buổi chợ. Cảnh vật mang vẻ u buồn tịch liêu, cảm giác tàn tạ, xơ xác và nghèo khổ. Những kiếp người tàn lầm lụi như những đứa trẻ con nhà nghèo ở ven chợ, mẹ con chị Tí, bà cụ Thi hơi điên điên nghiện rượu, với tràng cười ám ảnh, chị em Liên, An, bóng dáng của người mẹ vất vả, khổ cực. Điểm chung của tất cả những con người nơi phố huyện ấy là sự nghèo khổ, với cuộc sống đơn điệu tẻ nhạt, tù túng, bó hẹp, tối tăm và bế tắc. Tất cả gợi lên một niềm cảm thương vô hạn, một nỗi xót xa, ray rứt ở người đọc.

+ Nhân vật Liên với tâm hồn thơ dại, non nót cũng đã cảm nhận được một cách thấm thía, cái buồn của cảnh sắc ngày tàn thấm dần vào tâm hồn non nớt của chị, khiến chị suy tư như một con người trưởng thành. Tấm lòng nhân hậu, yêu thương của chị đối với những kiếp người tàn nơi phố huyện thật đáng trân trọng. Đối với mẹ con chị Tí thì là sự quan tâm, hỏi han là ánh nhìn thương cảm, ái ngại, xót xa cho cuộc sống vất vả của họ thông qua cái cách mà Liên kể về gia cảnh của chị. Với mấy đứa trẻ con ven xóm chợ là lòng thương xót tội nghiệp là cảm giác bất lực vì chính bản thân chị cũng nghèo, chị cũng không thể giúp đỡ gì cho những đứa trẻ tội nghiệp ấy. Với bà cụ Thi điên điên, với tiếng cười ám ảnh, Liên có chút sợ hãi nhưng chị vẫn dành cụ sự quan tâm, nó không nằm ở lời nói mà đến từ hành động của chị. Tình cảm của Liên đối với những kiếp người lầm lụi ấy cũng là tình cảm của người đọc dành cho con người, khiến ta biết yêu thương, chia sẻ và sống có trách nhiệm hơn với mọi người, với cuộc đời.

+ Cao hơn nữa, nghệ thuật khiến ta sẵn sàng đem đến và thắp sáng những ước mơ cho những con người khốn khổ và bất hạnh đó. Hình ảnh đoàn tàu đi qua phố huyện, mang đến cho nơi này một thứ ánh sáng kỳ diệu. Hơn cả thứ ánh sáng bình thường, đó là ánh sáng của niềm tin, hi vọng và ước mơ. Đoàn tàu xuất hiện với những âm thanh “tiếng dồn dập, rít mạnh vào ghi”, “tiếng hành khách ồn ào khe khẽ”, “tiếng còi rít lên và tàu rầm rộ đi tới”, đó đều là những âm thanh thực sự rộn ràng và náo nhiệt khác hẳn với những âm thanh buồn tẻ, chậm rãi nơi phố huyện. Đoàn tàu chuyển động mạnh mẽ “tàu rầm rộ đi tới”, “đoàn xe vụt qua” cũng mang lại sắc thái khác hẳn với những chuyển động rời rạc, chậm chạp, khẽ khàng và chán nản của phố huyện. Ánh sáng “toa đèn sáng trưng, chiếu cả xuống đường… đồng và kền lấp lánh, và các cửa kính sáng” khác hoàn toàn so với những thứ ánh sáng tù mù, le lói, từng hột, từng vệt . Khung cảnh rực rỡ, kèm theo cả sự sung túc giàu có trái ngược với cái tối tăm, nghèo khổ nơi phố huyện. Ánh sáng và âm thanh vừa quen thuộc vừa khác thường ấy kéo về trong tâm trí Liên ký ức về một vùng thủ đô văn minh, về cuộc sống sung túc thuở ấu thơ mà chị từng được hưởng, đem lại những kỷ niệm đẹp đẽ của một thời đã xa. Đoàn tàu ấy đi qua đã để lại trong lòng cô bé rất nhiều cảm xúc, Liên nghĩ về Hà Nội, bởi đoàn tàu ấy từ thủ đô về nó đã mang một chút thế giới khác đi qua, một thế giới mà Liên vẫn hằng ao ước. Đoàn tàu hôm nay dường như kém sáng hơn hôm qua. Cuộc sống đã ngày càng bế tắc và khó khăn hơn. Liên bắt đầu quay về với thực tại “chỉ còn đêm khuya, tiếng trống cầm canh và tiếng chó cắn”, tiếp tục một cái khung cảnh vắng lặng, màn đêm thì đặc quánh. Còn những con người thì rệu rã, chậm rãi thu xếp đồ ra về, buồn bã, mệt mỏi.  Vắng lặng, chán chường và bế tắc, tăm tối hơn.

+ Nó nâng đỡ sự sống, gieo vào tâm hồn con người những ước mơ chân chính, những niềm tin bất diệt vào những giá trị của cuộc sống. Dù trong hoàn cảnh nào cũng không tắt những ước mơ, những hi vọng vào những điều tốt đẹp. Cuộc sống dù nghèo nàn, tù túng, lay lắt quẩn quanh nhưng những con người nơi phố huyện chưa ngày nào thôi chờ đợi, khát khao… Ánh sáng rực rỡ của đoàn tàu đi qua là một điểm nhấn ấn tượng cả đối với bức tranh phố huyện tăm tối lẫn niềm tin cuộc sống của con người. Thứ ánh sáng ấy thực sự là thứ ánh sáng rực rỡ, kèm theo cả sự sung túc giàu có trái ngược với cái tối tăm, nghèo khổ nơi phố huyện, nó kéo về trong tâm trí Liên ký ức về một vùng thủ đô văn minh, về cuộc sống sung túc thuở ấu thơ mà chị từng được hưởng, đem lại những kỷ niệm đẹp đẽ của một thời đã xa. Thế rồi khi đoàn tàu đi qua hai đứa trẻ cứ đứng nhìn theo mãi, cho đến khi những dấu hiệu cuối cùng của đoàn tàu cũng biến mất vào đêm đen. Sau cái ánh nhìn đây tiếc nuối ấy Liên bắt đầu lặng mình đi trong mơ tưởng. Đoàn tàu ấy đi qua đã để lại trong lòng cô bé rất nhiều cảm xúc, Liên nghĩ về Hà Nội, bởi đoàn tàu ấy từ thủ đô về nó đã mang một chút thế giới khác đi qua, một thế giới mà Liên vẫn hằng ao ước.

+ Truyện Hai đứa trẻ còn gieo vào lòng người đọc tình yêu thương gắn bó với quê hương. Những bức tranh quê hương gần gũi mà không kém phần thơ mộng, gợi cảm. Các nhân vật trong truyện luôn gắn bó với nơi thôn dã, sống hoà hợp với thiên nhiên…

– Tác phẩm còn làm cho người đọc rung động xao xuyến bởi nghệ thuật viết truyện mang đậm sác thái trữ tình, lãng mạn. Giọng văn nhẹ nhàng, điềm tĩnh, khách quan; lời văn bình dị nhưng luôn ẩn hiện một một tình cảm xót thương, trân trọng; nghệ thuật miêu tả rất tinh tế những biến thái tinh vi của cảnh vật và diễn biến tâm trạng của các nhân vật…

3. Đánh giá chung.

– Văn chương đích thực phải xuất phát từ cuộc sống và đến với cuộc sống. Văn học phải phục vụ đời sống và con người. Tác phẩm Hai đứa trẻ xứng đáng là một minh chứng rõ nét cho nhận định sâu sắc này.

– Tác phẩm chính là sự thể hiện cụ thể của những suy nghĩ, những quan niệm nhân sinh sâu sắc của nhà văn Thạch Lam.

– Nhận định cũng để lại bài học sâu sắc cho những văn nghệ sĩ trong quá trình sáng tạo nghệ thuật của mình …

Phân tích truyện ngắn Hai đứa trẻ của Thạch Lam

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.