Trình bày quan điểm sáng tác văn học của Hồ Chí Minh

Trình bày quan điểm sáng tác văn học của Hồ Chí Minh.

  • Mở bài:

Sự nghiệp văn thơ của Hồ Chí Minh là một hiện tượng hiếm có trong lịch sử dân tộc. Lúc sinh thời, chủ tịch Hồ Chí Minh không tự nhận mình là nhà văn, nhà thơ mà chỉ là người bạn của văn nghệ, một người yêu văn nghệ. Nhưng do hoàn cảnh lịch sử thôi thúc, nhiệm vụ Cách mạng yêu cầu cộng thêm với một tài năng nghệ thuật, một tâm hồn nhạy cảm, Người viết khá nhiều thơ văn. Chính qua sự nghiệp thơ văn của Người cũng hình thành những quan điểm sáng tác văn chương khá độc đáo.

  • Thân bài:

Chưa bao giờ Bác Hồ xem văn chương là sự nghiệp chính của đời mình. Đối với Bác, công việc Cách mạng cứu nước, cứu dân mới là sự nghiệp suốt đời Bác theo đuổi. Người đã từng nói: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là nhà nước được hoàn toàn độc lập, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Nhưng trên bước đường hoạt động Cách mạng của mình, Người đã nhận ra vai trò và sức mạnh to lớn của văn chương. Chính vì vậy, Người đã sử dụng văn chương như một phương tiện, một vũ khí chiến đấu.

Phong cách nghệ thuật của Hồ Chí Minh bắt nguồn từ truyền thống gia đình, môi trường văn hoá, hoàn cảnh sống, hoạt động cách mạng, cá tính và quan điểm sáng tác của Người. Là một nhà văn Cạch mạng chính trị, dù rất yêu văn chương, Hồ Chí Minh chưa bao giờ đặt văn chương lên vị trí hàng đầu, không để cảm hứng lãng mạn lấn át cảm hứng chính trị Cách mạng. Trong hoàn cảnh có thể và cần thiết phải viết văn, người không hề coi nhẹ vũ khí văn chương. Với Hồ Chí Minh, văn chương là một hành vi chính trị, hành vi Cách mạng. Người đã từng khẳng định “Nay ở trong thơ có thép” “văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận, văn nghệ sĩ là một chiến sĩ trên mặt trận ấy”.

Trong bài thơ “Cảm tưởng đọc Thiên Gia Thi”, Bác viết:

Cổ thi thiên ái thiên nhiên mỹ
Sơn thủy yên hoa tuyết nguyệt phong
Hiện đại thi trung ưng hữu thiết
Thi gia dã yếu hội xung phong.

dịch:

“Thơ xưa yêu cảnh thiên nhiên đẹp
Mây, gió, trăng, hoa, tuyết, núi sông
Nay ở trong thơ nên có thép
Nhà thơ cũng phải biết xung phong”.

Bài thơ thể hiện hết sức rõ ràng quan điểm nghệ thuật của Hồ Chí minh. Đối với Người, thơ ca phải ca ngợi cái đẹp, mà ở đó chính là cái đẹp của thiên nhiên, vũ trụ. Thơ xưa lấy cái đẹp của thiên nhiên làm đối tượng phản ánh, thể hiện lối sống thanh cao, tâm hồn trong sạch của người xưa. nay trong thời đại cách mạng, Hồ Chí Minh chủ trương thơ ca không phải chỉ có chất lãng mạn, mà còn có cả chất thép (tính cứng rắn) và nhà thơ không chỉ là người ngâm vịnh phong, hoa, tuyết, nguyệt mà còn là một người chiến sĩ (tính chiến đấu)

Do quan niệm văn chương nghệ thuật như trên, Hồ Chí Minh đắc biệt chú ý đến đối tượng tiếp nhận, để tìm ra hình thức viết tốt nhất cho mình. Đó là lí do tại sao thời gian hoạt động Cách mạng ở Pháp, người viết văn bằng tiếng Pháp; khi bị giam giữ ở Trung Quốc người viết thơ bằng tiếng Hán. Người nghệ sĩ phải luôn ý thức rõ mình viết cho ai và viết để làm gì để nội dung của tác phẩm không bao giờ đi chệch hướng, hoặc uổng công vô ích, thậm chí là có hại cho xã hội nếu nhà văn không xác định rõ ràng đề tài phản ánh và đối tượng tiếp nhận nghệ thuật.

Người luôn chú ý tới hình thức biểu hiện của văn nghệ: phải diễn đạt giản dị, dễ hiểu, giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Viết cho trẻ em thì trong sáng, hồn nhiên; viết cho trí thức thì sâu sắc trí tuệ, viết cho đại chúng thì phải rõ ràng,… Đặc biệt, văn chương thì phải hướng đến tất cả mọi người, Người luôn căn dặn các nhà văn, nhà thơ phải luôn bám sát đối tượng mà viết.  Những câu hỏi viết cho ai, viết thế nào, viết cái gì và để làm gì luôn được đặt ra với Người trở thành phương pháp sáng tác trong cả cuộc đời của người và của nền văn học kháng chiến..

Hồ Chí Minh quan niệm tác phẩm văn chương phải có tính chân thực, phải hấp dẫn. Người khuyên các nghệ sĩ phải bớt đi chất thơ mộng, tăng thêm chất hiện thực. Phải miêu tả cho hay, cho chân thật cuộc sống mới, con người mới. vì thế, Người yêu cầu văn nghệ sĩ phải miêu tả “cho hay, cho chân thực, cho hùng hồn” những đề tài phong phú của Cách mạng, của cuộc sống hằng ngày. Văn chương không nên ủy mị hay xót thương một cách vô ích. Văn chương phải đi vào nỗi đau khổ con người, đi vào cuộc chiến đấu của dân tộc, phát hiện và ngợi ca những tấm gương anh hùng, cổ vũ mạnh mẽ cho cuộc chiến chống kẻ thù.

Thơ văn Hồ Chí minh là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa truyền thống và hiện đại. Sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, phương đông và phương tây ở Hồ Chủ Tịch không chỉ được thể hiện ở trong phòng cách, lối sống mà còn được thể hiện trong thơ ca của Bác. Các tác phẩm thuộc thể loại truyện và ký của Người thể hiện tính chiến đấu mạnh mẽ và nghệ thuật trào phúng sắc bén, được viết bằng lối văn sắc sảo, cô đọng, vừa truyền thống vừa hiện đại; ý tưởng thâm thúy, kín đáo, trí tuệ sâu sắc, thể hiện tình cảm nhân đạo chủ nghĩa và tầm vóc vĩ đại của nhà cách mạng.  Với bút pháp hiện đại và nghệ thuật trần thuật linh hoạt, Nguyễn Ái Quốc đã tạo nên những tình huống truyện độc đáo, hình tượng sinh động, sắc sảo, có sức lay động lòng người.

  • Kết bài:

Văn thơ Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh có phong cách độc đáo, đa dạng mà thống nhất, kết hợp sâu sắc nhuần nhị giữa chính trị và văn chương, giữa tư tưởng và nghệ thuật, giữa truyền thống và hiện đại. Mỗi thể loại văn học, Người lại có phong cách độc đáo riêng biệt. Quan điểm sáng tác văn học của Hồ Chí Minh trở thành định hướng sáng tác cho các văn nghệ sĩ nước ta và góp phần không nhỏ vào thực hiện những nhiệm vụ của thời đại, đất nước.

Bài văn tham khảo:

Sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh nước mất nhà tan, lí tưởng lớn lao duy nhất của Hồ Chí Minh là cứu nước, cứu dân. Người đã tâm sự: “Cả đời tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Vì ham muốn ấy mà Người đã ra đi tìm đường cứu nước và cống hiến cả đời mình cho sự nghiệp Cách Mạng giải phóng dân tộc. Trên con đường hoạt động Cách Mạng, Người đã thấy rõ văn học là vũ khí sắc bén, lợi hại, phục vụ đắc lực cho chính trị, cho sự nghiệp đấu tranh Cách Mạng. Người đã mài giũa ngòi bút của mình. Sáng tác văn chương để làm Cách Mạng. Mục đích chính trị đã chi phối quan niệm sáng tác nghệ thuật của Người.

Quan điểm sáng tác nghệ thuật của Hồ Chí Minh gồm 3 nội dung chính.

1. Trước hết, Hồ Chí Minh coi văn học là một vũ khí chiến đấu lợi hại, phụng sự cho sự nghiệp Cách Mạng, nhà văn cũng phải có tinh thần xung phong như người chiến sĩ ngoài mặt trận. Tinh thần ấy đã được Người thể hiện trong bài “Cảm tưởng đọc thiên gia thi”:

“Nay ở trong thơ nên có thép
Nhà thơ cũng phải biết xung phong”

“Chất thép” ở đây là xu hướng cách mạng và tiến bộ về tư tưởng, là cảm hứng đấu tranh xã hội tích cực của hội họa toàn quốc năm 1931. Người khẳng định: “Văn hóa nghệ thuật là một mặt trận, anh/chị / em phải là chiến sĩ trên mặt trận ấy”. Quan điểm đó vừa phát huy truyền thống thơ văn đuổi giặc của ông cha ta từ Lí Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi đến Nguyễn Đình Chiểu, Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, … vừa được nâng cao trong thời đại Cách Mạng vô sản.

2. Hồ Chí Minh luôn coi trọng tính “chân thật” và tính dân tộc của văn học.

Tính chân thật: Người quan niệm tác phẩm văn chương phải có tính chân thật cả về nội dung và hình thức nghệ thuật.

Về nội dung: nội dung tác phẩm phải miêu tả cho chân thực đời sống Cách Mạng có tính khuynh hướng rõ ràng. Trong buổi khai mạc phòng triển lãm văn hóa, Người nhận xét một số tác phẩm hội họa, “ chất mơ mộng nhiều quá mà cái chất thật của sự sinh hoạt rất ít”. Người căn dặn các nhà văn phải miêu tả cho hay, cho chân thật và cho hùng hồn hiện thực phong phú của cuộc sống và phải “ giữ tình cảm chân thật”

Về hình thức nghệ thuật: nhà văn không nên viết cầu kì xa lạ, nặng nề, khó hiểu mà hình thức tác phẩm phải trong sáng hấp dẫn, ngôn từ phải chọn lọc, phải thể hiện được tinh thần của nhân dân và được nhân dân yêu thích.

Tính dân tộc: Hồ Chí Minh rất coi trọng tính “ dân tộc” của văn học, Người căn dặn các nghệ sĩ “ nên chú ý phát huy cốt cách dân tộc” đồng thời Hồ Chí Minh cũng đề cao sự sáng tạo của người nghệ sĩ, Người nhắc nhở “ Chớ gò bó họ vào khuôn khổ làm mất vẻ sáng tạo”

Như vậy tác phẩm văn chương phải đậm tính dân tộc và tính nhân dân.

3. Khi cầm bút Hồ Chí Minh bao giờ cũng xuất phát từ mục đính đối tượng tiếp nhận để quyết định nội dung và hình thức của tác phẩm.

Người luôn tự đặt câu hỏi: Viết cho ai ( đối tượng), viết để làm gì (hình thức), viết cái gì (nội dung) và viết như thế nào (hình thức). Tùy từng trường hợp cụ thể. Người đã vận dụng phương châm đó theo những cách khác nhau. Vì thế tác phẩm của Người chẳng những có tư tưởng sâu sắc, nội dung thiết thực mà còn có hình thức nghệ thuật sinh động và đa dạng.

Quan điểm sáng tác văn học của Hồ Chí Minh rất rõ ràng cụ thể, sâu sắc, toàn diện. Quan điểm đó đã được thể hiện một cách nhất quán trong toàn bộ sự nghiệp văn học của Người.

Trình bày sự nghiệp văn học, quan điểm nghệ thuật và phong cách sáng tác của Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang