Quan điểm về văn chương nghệ thuật của Nguyễn Trãi

quan-diem-ve-van-chuong-nghe-thuat-cua-nguyen-trai

Quan điểm về văn chương nghệ thuật của Nguyễn Trãi

1. Anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi.

Có nhà nghiên cứu đã nói rằng con người Nguyễn Trãi phải nhìn từ hai phía mới rõ: Một là, từ thời Lí Trần, một thời đại hào hùng trong công cuộc xây dựng, bảo vệ nền độc lập tự chủ của chế dộ phong kiến nước ta. Trong giai đoạn này, đã xuất hiện bao chiến công oanh liệt, bao tấm lòng yêu nước thương dân cao vọi mà đặc biệt là thời nhà Trần với hào khí Đông A mạnh mẽ, với đôi tay vạm vỡ “sát Thát”. Nguyễn Trãi đã học ở đó bài học sức mạnh toàn dân, tinh thần yêu nước cao cả. Mà trực tiếp nhất là học tập qua người ông ngoại của mình là Trần Nguyên Đán, một trí thức uyên thâm.

Chính việc học hỏi kinh nghiệm lịch sử cộng với tài trí của mình, Nguyễn Trãi đã có những phát triển vượt bậc, tiến xa thời đại Lí Trần về quan niệm dân, nước và sức mạnh của nhân dân lao động; Bên cạnh đó, từ thời đại của Nguyễn Trãi là thời cuối Trần, đầu Lê, giặc Minh xâm lược. Khắp chốn bao cảnh binh đao, chết chóc. Hai mươi năm giặc Minh đặt vó ngựa lên nước ta là hai mươi năm đen tối “trời không dung, đất không tha”. Đau đớn thay ! bao cảnh khốn cùng của nhân dân, nhục nhã thay ! đất nước đang tràn bóng giặc. Nguyễn Trãi đã bao đêm không ngủ, bao ngày quên ăn để tìm đường cứu dân, cứu nước. Hình ảnh Nguyễn Trãi đau đáu nỗi lòng dân, nước “Đêm ngày cuồn cuộn” thật đẹp đẽ và cao cả. Tất cả những điều vừa nêu, đã hun đúc và phát triển tấm lòng vì dân vì nước của Nguyễn Trãi đến đỉnh cao nhất, để cả đời Nguyễn Trãi dù gian nan, nguy hiểm đến mấy vẫn luôn kiên định với lí tưởng cao đẹp, thiêng liêng này.

2. Quan điểm về văn chương nghệ thuật của Nguyễn Trãi.

a. Văn chương gắn liền với cuộc sống và hướng đến phục vụ nhân dân:

Với tư cách là nhà văn, nhà thơ, Nguyễn Trãi đã đem văn học phục vụ cho cuộc sống, chỉ có bắt nguồn từ cuộc đấu tranh của nhân dân giành lại độc lập, hạnh phúc thì văn nghệ mới có thể phát huy được tác dụng mạnh mẽ. Tác phẩm văn học của Nguyễn Trãi luôn gần gũi đối với thiên nhiên, đời sống đất nước và nhân dân. Với Nguyễn Trãi, văn chương phải là tiếng nói tinh thần của con người, phải lột tả cho hết được những cảm xúc sâu lắng của con người: “Say mùi đạo trà ba chén/ Tả lòng phiền thơ bốn câu” (Thuật hứng 13- Quốc âm thi tập).

Hiện thực đời sống phong phú là cơ sơ của tác phẩm văn học. Vì vậy theo Nguyễn Trãi, nếu văn chương xuất phát từ cuộc sống thì con người ta có thể làm thơ, viết văn ở mọi lúc, mọi nơi: “Qua đòi cảnh chép câu đòi cảnh; Nhàn một ngày nên quyển một ngày” (Tự thán 5 – Quốc âm thi tập) hoặc như: “Nhàn lai vô sự bất thanh nga” (khi nhàn thì không gặp việc gì không ngâm nga). Mặt khác Nguyễn Trãi cũng đòi hỏi người nghệ sĩ phải là người nhạy cảm. Nhà văn, nhà thơ phải để cho lòng mình sẵn sàng rung động như sợi dây đàn, luôn có sự cảm ứng nhạy bén với ngoại cảnh:

“Nhãn để nhất thời thi liệu phú
Ngâm ông thùy dữ thế nhân đa”.

(Hý đề – Ức Trai thi tâp)

Nguyễn Trãi muốn văn học phải gắn bó mật thiết với cuộc sống của quảng đại quần chúng. Mà chính những tác phầm của Nguyễn Trãi đã được hình thành trên mối quan hệ giữa văn học và đời sống “Túi thơ chứa chất mọi giang sơn” (Tự thán 2 – Quốc âm thi tập). Ông đã cùng sống với nhân dân, cùng họ chiến thắng bọn xâm lược hung tàn. Bao nhiêu máu và nước mắt của nhân dân đổ xuống là bấy nhiêu nhát cắt vào tấm lòng Nguyễn Trãi. Từ đó, ông đã phả vào trong tác phẩm văn chương của mình một tinh thần nhân đạo, nhân văn cao cả. Văn chương của Nguyễn Trãi phục vụ nhân dân nghĩa là văn chương được dùng như một thứ vũ khí huyền diệu để đánh tan quân gian ác, lũ xâm lược, giải phóng con người đem lại hạnh phúc cho nhân dân.

b. “Văn chương là thứ khí giới thanh cao và đăc lực…để vừa tố cáo và thay đổi một cái thế giới giả dối và tàn ác, vừa làm cho lòng người thêm trong sạch và phong phú hơn”.

Qua thơ văn, Nguyễn Trãi tỏ rõ là một chiến sĩ kiên cường, tích cực đấu tranh cho nền ñoäc lập, hạnh phúc của nhân dân, của đất nước. Ông đã chứng minh văn học là một thứ vũ khí lợi hại. Bằng ngọn bút, bằng lí lẽ hùng hồn, Nguyễn Trãi đã uy hiếp tinh thần quân xâm lược góp phần giải phóng đất nước, giành lại độc lập đem lại hòa bình và tự do cho dân nhân ta.

Cả cuộc đời Nguyễn Trãi, tư tưởng yêu nước, thương dân luôn quán xuyến mọi hành động, suy nghĩ cũng như trong những sáng tác văn chương của ông. Văn chương trong thời chiến khác với văn chương trong thời bình, nó có sức mạnh trừ gian, trừ ác, giải phóng con người. Cứ đọc những bức thư Nguyễn Trãi gửi cho tướng giặc mà người đời sau gọi là Quân trung từ mệnh tập thì khắc rõ. Đó là giọng văn chính luận sắc bén, ngắn gọn và có sức mạnh bằng ngàn đội quân.

Giọng điệu trong Quân trung từ mệnh tập lúc thì mềm dẻo, lúc thì cương quyết, làm cho tướng giặc vừa nể phục vừa khiếp đảm: “Các ngươi nếu biết kéo quân ra thành, cùng ta hòa hảo thân tình thì ta coi các ngươi như anh em ruột thịt…nếu không thế tùy các ngươi. Trong khoảng sớm tối, sẽ khắc thấy nhau, đến lúc bấy giờ hối cũng không kịp. Các ngươi hãy nên nghĩ đi” (Thư dụ thành Bắc Giang). Có thể thấy, Nguyễn Trãi đã coi văn chương là thứ vũ khí đắc lực nhất để xua đuổi quân thù, mang lại hạnh phúc cho con người vì “văn học là nhân học”

Nguyễn Trãi còn coi văn chương là một hoạt động tinh thần có khả năng thanh lọc, cảm hóa con người và mang đến nhân nghĩa:

“Văn chương chép lấy đòi câu thánh
Sự nghiệp tua gìn phải đạo trung
Trừ độc, trừ tham, trừ bạo ngược
Có nhân, có trí, có anh hùng”.

(Bảo kính cảnh giới 5 – Quốc âm thi tập)

Như vậy, với Nguyễn Trãi, văn chương là “thứ khí giới thanh cao và đắc lực mà chúng ta có, để vừa tố cáo và thay đổi một cái thế giới giả dối và tàn ác, vừa làm cho lòng người thêm trong sạch và phong phú hơn” (Thạch Lam).

c. Văn chương phải giản dị, gần lời ăn tiếng nói hằng ngày của nhân dân.

Với vốn sống và vốn tri thức phong phú, sâu rộng, Nguyễn Trãi đã kết hợp văn học dân gian với văn học viết một cách nhuần nhuyễn, không chỉ ở ngôn ngữ nhân dân hàng ngày được ông nâng lên thành ngôn ngữ văn học có giá trị nghệ thuật cao mà còn ở phần nhân văn nhân đạo: trọng lao động, quý tục lệ ông bà, cách đối nhân xử thế.
Nguyễn Trãi đã đưa khẩu ngữ hàng ngày của nhân dân vào thơ ca và tận dụng khả năng của những khẩu ngữ ấy để tả cảnh, tả người, tả vật:

“Nên thợ, nên thầy vì có học
No ăn, no mặc bởi hay làm”.

(Bảo kính cảnh giới 46)

“Co que thay bấy ruột ốc
Khúc khuỷu làm chi trái hòe”.

(Trần tình 8)

Làm được điều này đòi hỏi cái tài của người người nghệ sĩ, thật khéo léo mà cũng thật tinh tế để làm cho tác phẩm của mình như là cuộc sống, hơi thở của con người. Ngoài ra, Nguyễn Trãi còn sử dụng ngôn ngữ của văn học dân gian trên cơ sở gọt giũa và cách điệu hóa, sử dụng những hình tượng, kết cấu vốn đã được cô đúc trong ngôn ngữ văn học dân gian để diễn tả cái tình, cái ý một cách nhuần nhị:

Từ câu tục ngữ “Con sâu làm rầu nồi canh”. Nguyễn Trãi viết:

“Chẳng ngừa nhỏ, âu lên lớn
Nếu có sâu thì bỏ canh”.

(Bảo kính cảnh giới 21 – Quốc âm thi tập)

Từ câu ca dao:

“Bể sâu còn có kẻ dò
Lòng người nham hiểm ai đo cho cùng”.

Nguyễn Trãi viết:

“Dễ thay ruột bể sâu cạn
Khôn biết lòng người ngắn dài”.

(Ngôn chí 6- Quốc âm thi tập)

Tuy không nói ra, nhưng chúng có thể cảm nhận được niềm tự hào của Nguyễn Trãi với những giá trị bổ ích của văn học dân gian, đặc biệt là khả năng vận dụng ngôn ngữ của cha ông xưa trong việc diễn đạt tâm tư, tình cảm. Nguyễn Trãi đã học hỏi, sử dụng ngôn ngữ nhân dân để làm tăng sự sinh động và gần gũi cho tác phẩm của mình, đồng thời Nguyễn Trãi còn lưu giữ và phát triển sự sáng đẹp của ngôn ngữ dân tộc đã được nhân dân gọt giũa, chọn lọc từ lâu đời.

3. Nhận xét:

Với Nguyễn Trãi là “mưu phạt”, “tâm công”. Cả cuộc đời Nguyễn Trãi đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng để thực hiện hoài bão giải phóng dân tộc, mang lại hạnh phúc cho mọi người. Nguyễn Trãi có ước nguyện “Dân giàu đủ khắp đòi phương”. Ở ông là một tấm lòng yêu nước, thương dân “bát ngát đại dương” như vậy quả thật hiếm có và đáng để chúng ta trân trọng, tôn kính.

Tình yêu nước, thương dân của Nguyễn Trãi luôn gắn liền với hành động cụ thể. Mọi tư tưởng chính trị luôn chi phối một cách đúng đắn, sáng suốt trong suy nghĩ, chủ trương của Nguyễn Trãi. Và chưa bao giờ tư tưởng chính trị lại đóng vai trò chỉ đạo chặt chẽ và nhất quán như trong thơ văn Nguyễn Trãi.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.