Quan niệm hiện sinh về con người và thân phận con người.

quan-niem-hien-sinh-ve-con-nguoi-va-than-phan-con-nguoi

Quan niệm hiện sinh về con người và thân phận con người.

Triết lý của chủ nghĩa hiện sinh xoay quanh chủ đề con người, trọng tâm là bản tính, thân phận, thế giới nội tâm, quan hệ giữa con người và hoàn cảnh sống.

Quan hệ giữa tồn tại và bản chất của con người. Theo chủ nghĩa hiện sinh, tồn tại của con người có trước bản chất của nó. Định nghĩa con người là không thể, bởi con người không là gì khác ngoài sự hiện hữu hay hiện diện (của thể xác). Paul Sartre cho rằng: “con người trước hết phải hiện hữu, gặp gỡ nhau, xuất hiện ra trong thế giới đã, rồi theo đó tự định nghĩa mình. Con người, nếu không thể định nghĩa được, chính là vì trước hết nó là hư vô. Nó chỉ tồn tại sau đó, và sẽ là tồn tại như những gì nó sẽ tự tạo nên… Con người không chỉ tồn tại như nó được quan niệm, mà còn tồn tại như nó muốn thể hiện… Con người không là gì khác ngoài những gì mà nó tự tạo nên. Đó là nguyên tắc đầu tiên của thuyết hiện sinh. Đó cũng là điều mà người ta gọi là tính chủ thể… con người có một phẩm giá cao hơn hòn đá hay cái bàn… con người trước hết là một dự phóng (project) đang sống về mặt chủ thể, thay vì là một thứ rêu, một thứ nấm mốc hay một búp súp lơ… con người trước hết sẽ là những gì mà nó dự định tồn tại”. Như vậy, con người là tồn tại tối cao, vượt lên trên mọi tồn tại khác của vũ trụ. Tồn tại người có trước, sau đó mới hình thành bản chất người. Bản chất người hiện diện trong mọi cá thể riêng biệt, thể hiện qua hành động và tính cách của nó, không có bản chất người chung chung, trừu tượng.

Con người là một cá thể chịu trách nhiệm trước cộng đồng. Khi đã hiện hữu hay có mặt ở đời, con người phải dấn thân vào cuộc sống, suy nghĩ và hành động để bộc lộ thái độ sống của mình. Tuy nhiên, không phải mỗi cá nhân sống theo cách riêng của mình, mà phải hòa nhập vào cuộc sống chung cộng đồng. Do vậy, “nếu đúng là tồn tại đi trước bản chất, thì con người chịu trách nhiệm về những gì nó đang tồn tại. Bước đi đầu tiên của thuyết hiện sinh là… lên con người toàn bộ trách nhiệm về sự hiện hữu của mình, nhưng không phải về cái cá nhân chật hẹp mà chịu trách nhiệm cho tất cả mọi người”. Con người là một tồn tại có lý trí, lý trí giúp con người tổ chức cuộc sống, từ mô hình gia đình, đến cộng đồng và toàn nhân loại. “Trách nhiệm của chúng ta lớn lao hơn nhiều so với những gì mà chúng ta có thể nghĩ đến, vì nó liên quan đến toàn thể nhân loại… Tôi chịu trách nhiệm với chính mình và với mọi người, và tôi đã sáng tạo ra một hình ảnh nào đó về con người mà tôi đã lựa chọn, khi chọn lấy chính tôi, tôi chọn con người”.

Con người là một thực thể tự do và không có gì khác ngoài đời sống của chính mình. Con người cũng là một tồn tại, nhưng tồn tại người khác tồn tại vật ở chỗ, con người có lý trí, nên nó ít bị chi phối bởi quy luật tất yếu mà có tự do – tự do lựa chọn, tự do hành động. Jasper cho rằng: “chỉ mình con người có lịch sử, nghĩa là không sống bằng di sản sinh lý như loài vật mà còn sống bằng cả di sản tinh thần. Nên đời sống con người không trôi dạt theo tự nhiên mà phải được hướng dẫn bằng tự do”. Triết gia Paul Sactre khẳng định: “Không có thuyết tất định, con người là tự do, con người được tự do… và không có một bản tính con người nào khác để tôi có thể đặt nền tảng trên đó”.

Tuy nhiên, vì con người sống trong xã hội, nên tự do hiểu theo nghĩa hiện sinh không phải là tự do tùy tiện mà tự do trong khuôn khổ tôn trọng sự tự do của người khác, bởi vì “trong khi muốn tự do, chúng ta phát hiện ra rằng tự do của chúng ta hoàn toàn phụ thuộc vào tự do của những người khác, và tự do của những người khác phụ thuộc vào tự do của chúng ta”. Phụ thuộc hay thông cảm lẫn nhau giữa người và người là điều làm các nhà hiện sinh trăn trở, bởi theo họ thân phận làm người là phải vậy, cho nên “ta tự do là khi ta công nhận ta phải phục tùng một số yêu sách. Thỏa mãn những yêu sách ấy hay không là tùy ở quyền ta định đoạt. Nghĩa là chúng ta không thể phủ nhận rằng: chúng ta phải quyết định và mỗi khi quyết định là quyết định về chính mình. Nói tóm lại, chúng ta là những con người có trách nhiệm”.

Con người là một sinh vật tồn tại trong những giới hạn nhất định, muốn vượt qua những giới hạn đó thì cần phải dấn thân. “Thân phận con người bị giam hãm trong những hoàn cảnh cố định… như chết, đau khổ, chiến đấu, lệ thuộc những cảnh ngộ bất ngờ, luẩn quẩn trong những xiềng xích của tội lỗi,… tức là những hoàn cảnh bất khả vượt và bất khả di dịch” .

Như đã nói, bản chất con người nằm trong hành động của nó, nên “con người không là gì khác ngoài dự phóng của mình, nó chỉ tồn tại trong giới hạn có hiện thực hóa bản thân, vì vậy con người không là gì khác ngoài toàn bộ các hành vi của mình, không có gì khác ngoài đời sống của nó”. “Một người tự dấn thân vào cuộc sống, vẽ nên gương mặt của mình, và không có gì ngoài gương mặt ấy cả… một con người không có gì khác ngoài một loạt những công việc mà họ đảm nhiệm. Con người là tổng số, tổ chức toàn bộ các quan hệ cấu thành những công việc ấy” .

Quan hệ giữa con người và người khác (tha nhân) là nguyên nhân của tha hóa và tâm lý lo âu. bản tính, con người là một thực thể tự do, nhưng do tội tổ tông truyền kiếp, con người luôn bị trói buộc vào hoàn cảnh sống, bị lệ thuộc vào xã hội và những người lân cận gọi là “người khác” hay tha nhân (Autre, Another). Tha nhân có từ thời khởi thuỷ loài người, khi Adam không thể sống một mình, Chúa đành phải tạo nên “người khác” là Eva. Từ đó Adam đành phải sống cùng Eva và mãi mãi vẫn thế, vì con người không thể sống cô độc. Tha nhân là niềm vui đồng thời là nỗi buồn của mỗi cá thể, là người tranh chấp, dẫm chân lên địa vị của ta. “Để có sự hiểu biết đúng thật về mình, tôi cần phải thông qua người khác. Người khác là cần thiết cho sự hiện hữu của tôi về chính mình. Trong những điều kiện ấy, tự cõi lòng, khi tôi phát hiện ra chính mình thì đồng thời tôi phát hiện ra người khác, như là một hữu thể tự do được đặt đối diện tôi, suy nghĩ về tôi và chỉ muốn ủng hộ hoặc chống đối tôi”.

Hậu quả khi tiếp xúc với tha nhân là làm cho mỗi người trở nên xa lạ với chính mình hay bị “tha hóa” (Degeneration), tức sống khác với bản tính thật của mình. Tha hóa có nguồn gốc từ sự tôn thờ một mẫu người lý tưởng, một vị thánh nào đó làm cho người ta tự cuộn tròn mình lại mà không dám hành động. Tha hóa đồng thời là tự đánh mất nhân cách, tự biến mình thành một cái máy (con rối) vô hồn hành động theo tư tưởng chỉ đạo của người khác, của tập đoàn khác mà không thể nào dứt ra được.

Do tha hóa là làm khác mình nên tạo nên trong mỗi con người sự lo âu (Angoisse, Worry). Lo âu thể hiện trách nhiệm của con người trước thân phận của mình và đồng loại. “Vì mang thân phận làm người là đương nhiên chúng ta sống trong dục vọng, trong lo âu và bó buộc chúng ta phải cảm nghiệm những gì thuộc thế sự, bằng nước mắt cũng như bằng nụ cười”. Lo âu sớm muộn sẽ dẫn con người đến tuyệt vọng (Desespoir) và tiếp sau đó là những hành động liều lĩnh. Và lẽ dĩ nhiên chỉ có cái chết (The death) mới chấm dứt được lo âu. Nhưng cái chết lẽ dĩ nhiên sẽ chấm dứt sự hiện hữu của con người. Bởi vậy, khi còn sống con người cần phải dấn thân, tức phải sống hết mình, không mặc cảm với quá khứ, không toan tính chuyện tương lai, chỉ sống cho hiện tại. “Chúng ta càng có quyền hy vọng vào tương lai nếu ta càng dấn thân vào hiện tại, nghĩa là nếu ta biết tìm chân lý và những tiêu chuẩn giá trị trong thân phận con người”. Từ logic trên chủ nghĩa hiện sinh kết luận: Con người sống trong trần gian như những kẻ bị bỏ rơi, những kẻ lưu đày. Hiện diện trong cuộc đời mà con người không biết mình sẽ đi đâu, về đâu. Việc con người sinh ra ở đời giống như bị ném vào hoàn cảnh “bất đắc dĩ”, đành phải sống và hành động. Bởi vậy, chủ nghĩa hiện sinh nêu cao khẩu hiệu: ”Con người hãy tự cứu lấy chính mình”. Vì không ai có thể cứu vớt được con người ngoài bản thân nó.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.