Quan niệm về cái đẹp và cái thiện

quan-niem-ve-cai-dep-va-cai-thien

Quan niệm về cái Đẹp và cái Thiện

Quan niệm về cái Đẹp.

Cái đẹp là biểu trưng cho một giá trị, đáp ứng nhu cầu khát vọng sống của con người, đem lại cho con người cảm xúc tích cực và thôi thúc con người sáng tạo. Cái đẹp là một phạm trù mỹ học, trong đó phản ánh và đánh giá những hiện tượng của hiện thực và những tác phẩm nghệ thuật đem lại cho con người một cảm giác khoái lạc về mặt thẩm mỹ biểu hiện dưới hình thức cảm tính đồng thời xác định giá trị thẩm mỹ của đối tượng theo quan điểm về sự hoàn thiện xem chúng là những hiện tượng có giá trị thẩm mỹ cao nhất. Cái đẹp hiện ra thiên hình vạn trạng với tính chất khác nhau.

Nhà văn hào Lev Tolstoi viết : “Những tài liệu viết về cái đẹp chất lên như núi, tuy nhiên, cái đẹp vẫn là một câu đố giữa cuộc đời” . Platon tìm cái đẹp đối với tất cả. Aristote thì cho rằng “cái đẹp ở trong kích thước và trật tự nhất định của nó để tạo thành tính nhất trí và tính hoàn chỉnh” (Nghệ thuật thi ca).

Ở Trung Quốc cái đẹp là sự hài hòa giữa âm và dương (tranh thủy mặc). Một người con gái đẹp là người có đủ bốn phẩm chất nguyên, hanh, lợi, trinh, người nam đẹp là sự mạnh mẽ. Cái đẹp trước hết phải gắn liền với cuộc sống, với sự sống đồng thời phải phù hợp với quan niệm của thời đại, dân tộc, giai cấp…

Secnưxepxki khẳng định Cái đẹp chính là cuộc sống: “Một tồn tại được gọi là đẹp là một tồn tại trong đó chúng ta nhìn thấy cuộc sống đúng như quan niệm của mình, một đối tượng đẹp là đối tượng chứng tỏ nó mang một cuộc sống hay gợi cho chúng ta ý niệm về cuộc sống”.

Nghệ thuật là nơi tập trung cao nhất mối quan hệ của con người đối với hiện thực. Nếu con người bao giờ cũng sáng tạo theo qui luật của cái đẹp thì nghệ thuật chính là nơi tập trung cao nhất của qui luật này. Mặt khác, cái gì đẹp thì luôn luôn gắn liền với cái tốt, cái thiện (do đó mà chúng ta thường gắn liền thành hai chữ ‘tốt đẹp’). Cái tốt ở cấp độ bình thường đối với con người là cái hữu ích. Một cái gì không hữu ích cho thân tâm, thậm chí có hại thì hẳn không thể nói là đẹp. Uống một ít bia, cho vui, cho có không khí gặp mặt, thì đó là một việc đẹp. Nhưng nếu uống say be bét, không còn tự chủ được, thì đó hẳn là một điều không đẹp, không tốt.

Tác phẩm của nhà văn có thể tả những điều hư hỏng, tệ hại ở tận đáy xã hội. Nhưng nếu tả thực chỉ để người ta tiếp tục trầm mình trong bản năng thôi, thì hẳn là cuốn sách ấy không đẹp và không tốt. Sự vươn lên của con người là một điều vừa đẹp và vừa tốt. Cái đẹp của con người thì nội dung là thiện, hình thức là mỹ, nội dung quyết định hình thức.

Quan niệm về cái Thiện.

 Theo nghĩa triết học, Thiện là “điều tốt về phạm vi đạo đức, là lý tưởng thỏa mãn ý chí con người, cũng như chân thỏa mãn lý trí và mỹ, thỏa mãn tình cảm” (Trần Văn Hiến, Từ điển và danh từ triết học, Ra khơi, Sài Gòn, 1966). Mạnh tử thì cho rằng “Ai cũng có lòng thương người… Nếu thình lình thấy một đứa nhỏ sắp ngã xuống giếng, ai cũng có lòng bồn chồn thương xót”. Đó là minh chứng cho một trong tứ đoan (mầm thiện) gồm: lòng trắc ẩn, lòng tu ố, lòng từ nhượng, lòng thị phi.

Mạnh tử thường dùng “ hiếu, đễ, trung, tín” để nói lên nội dung cụ thể của thiện:

  • Hiếu: thể hiện cụ thể mối quan hệ thích đáng giữa con với cha mẹ.
  • Đễ: thể hiện cụ thể mối quan hệ thích đáng giữa tôi với anh chị em.
  • Trung: thể hiện cụ thể mối quan hệ thích đáng giữa tôi với tổ quốc hay người chủ.
  • Tín: thể hiện cụ thể mối quan hệ thích đáng giữa tôi với bạn bè.

Nên thiện thể hiện cụ thể mối quan hệ thích đáng giữa tôi với tha nhân. Trong Phật giáo, Thiện (Pali :kusala) là lành, tốt, có đạo đức, thuận theo đạo đức có ích cho mình và cho người, là trạng thái tiêu diệt ác pháp. Pythagore quan niệm “sự thiện không những như là giá trị luân lý mà còn như cái đẹp chân lý và hạnh phúc”. Trong Công Giáo, “cái hữu thể tất yếu, cái thiên lý chí thiện đó chính là Thiên chúa, Thiện chính là bản tính của Chúa: Thiên chúa là tình yêu, là nguồn sự thiện sung mãn vô biên. Con người luôn khao khát hiểu biết sự thật và ước muốn đạt đến sự thiện tuyệt đối, điều đó chỉ có ở Thiên chúa.” ( Tổng luận thần học của Thánh Toma).

Văn học luôn gắn liền với cái đẹp và cái thiện. Tuy nhiên, nhiều tác phẩm văn học lại miêu tả cái xấu, cái ác. Anh, chị lý giải như thế nào về vấn đề này? Hãy cho biết ý kiến của anh, chị cùng với những dẫn chứng trong văn học Việt Nam và thế giới. “Nếu nhà thơ không tham gia vào việc hoàn thành thế giới thì thế giới đã không được đẹp đã như thế này” (Gamzatov). Một trong những nhiệm vụ của nhà văn, nhà thơ là tái hiện lại cuộc sống vào trang sách, phát hiện cái đẹp và thâm nhập những mảnh đời. Bởi “văn học luôn gắn liền với cái đẹp và cái thiện”. Nhờ đó ta tìm ra chân lý, cho ta lòng yêu cuộc sống và biết đồng cảm, yêu thương. Nói như Gamzatov thì nhà thơ, nhà văn đã góp phần nuôi dưỡng cái đẹp trong mỗi chúng ta, làm nên diện mạo đẹp đẽ của thế giới. “Tuy nhiên, nhiều tác phẩm văn học lại miêu tả cái xấu, cái ác”.

Bên cạnh cái đẹp, cái nên thơ, nhà văn, nhà thơ còn thể hiện cả những giọt nước mắt, cả cái bi thảm, sầu muộn. Văn học là nhân học. Mỗi cuộc đời và một tác phẩm nghệ thuật, những trang sách, những áng văn viết về cuộc sống cơ hồ đã là một tác phẩm nghệ thuật. Toàn bộ cuộc sống sống loài người đều được phản ánh trên những trang sách. Những dân tộc, những con người, những cuộc tình dang dở, những giọt nước mắt chia ly, những nụ cười hạnh phúc, những cuộc đấu tranh, những lầm than, những máu và nước mắt…. Cái đẹp mà văn học đem lại không phải cái gì khác hơn là cái đẹp của sự thật đời sống được khám phá một cách nghệ thuật. “Tác phẩm nghệ thuật đạt tới cái đẹp theo nghĩa: mang được sự thật sâu xa của đời sống bên ngoài, đồng thời mang được sự thật tâm tình của con người.” (Lê Đình Kỵ – Cảm nhận văn học).

Hay như một nhà phê bình từng viết “Những cuộc chiến qua đi, những trang lịch sử của từng dân tộc được sang trang, các chiến tuyến có thể được dựng lên hoặc san bằng. Nhưng những tác phẩm đi xuyên qua mọi thời đại, mọi nền văn hóa hay ngôn ngữ, cuối cùng vẫn nằm ở tính nhân bản của nó. Có thể màu sắc quốc kỳ, ngôn ngữ, hay màu da chúng ta khác nhau. Nhưng máu chúng ta đều có màu đỏ, nhịp tim đều giống nhau. Văn học – cuối cùng vẫn là viết về trái tim con người”. Đó là lý do vì sao trong văn học lại có sự nghịch dị “văn học luôn gắn liền với cái đẹp và cái thiện” và cũng “miêu tả cái xấu, cái ác”. Bởi “suy cho cùng cái đẹp là đứa con ruột của đời sống. Hư vô tuyệt đối không có gạch đá và vôi vữa, không có hạnh phúc lẫn bi ai, thì lấy gì để mà làm chất liệu tạo hình nên cái gọi là “Cái đẹp?”(Miên Di).

2 Trackbacks / Pingbacks

  1. Nghị luận: Sáng tác của nhà văn là để cho cái đẹp của trái đất, cho lời kêu gọi đấu tranh vì hạnh phúc, cho niềm vui và tự do, cho cái cao rộng của tâm hồn, cho sức mạnh của trí tuệ sẽ chiến th
  2. Làm sáng tỏ nhận định: Vào thơ hay, dù là điệu kiên cường hay làn êm ái đều là vào thế giới của cái đẹp” - Theki.vn

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.