“Ra Bờ Suối Ngắm Hoa Kèn Hồng” (Nguyễn Nhật Ánh)

sach-ra-bo-suoi-ngam-hoa-ken-hong-nguyen-nhat-anh

“Ra Bờ Suối Ngắm Hoa Kèn Hồng” (Nguyễn Nhật Ánh)

“Thế giới hồn nhiên, rộn ràng, tươi vui của các con vật ngộ nghĩnh giúp tâm hồn tôi lấy lại thăng bằng, giống như một liệu pháp tinh thần để tìm thấy sự bình yên” (NGUYỄN NHẬT ÁNH)

Với tác phẩm lần này (NXB Trẻ ấn hành từ ngày 16-1), Nguyễn Nhật Ánh mở ra một khu vườn đa sắc nơi một miền quê xanh tươi có cánh đồng, dòng suối và cây hoa kèn hồng – loài hoa tượng trưng cho sự lãng mạn và tình yêu đôi lứa.

Nơi ấy, độc giả lần lượt được làm quen với những nhân vật đáng yêu trong thế giới trong trẻo, đầy nên thơ. Nếu đọc kỹ, bạn sẽ thấy có tới 24 “nhân vật”. Đó là chú gà con tên Mắt Tròn đang ở tuổi mới lớn nhiều mộng mơ với “trái tim tưng bừng reo ca như có chim về hót” mỗi khi ra ngắm hoa kèn hồng bên bờ suối.

Xung quanh Mắt Tròn là cô em gái Sợi Tơ Vàng, người mẹ Ướt Mưa, anh gà choai Cánh Cam lông màu cam tía “đẹp trai nhất vùng” khiến Mắt Tròn đem lòng yêu say đắm, bác chó bảo vệ tên Tai Dài, bác Ngựa Ô giàu kiến thức, cô giáo ngỗng Bạch Tuyết, cô bồ câu Áo Tím, cô bác sĩ Bói Cá, anh dế Ánh Sao hay hát, chú vịt con Gì Cũng Biết. Khu vườn cũng còn có mụ cáo Tia Chớp và đứa con Mõm Nhọn…

Xuyên suốt trong 8 phần của tác phẩm, những câu chuyện, tình tiết, cuộc đối đáp và hành động giữa những con vật thể hiện những điều hay lẽ đẹp ở đời, tình thương yêu, sự lương thiện, lòng bao dung, dũng cảm… Bởi vậy, khi đọc hết dòng cuối ở trang 334 của cuốn sách, bạn đọc có thể cảm nhận tâm trạng tự nhiên ấm áp và bình yên.

“Thời gian tôi viết tác phẩm Ra bờ suối ngắm hoa kèn hồng là từ tháng 3 đến ngày 15-12-2021” – nhà văn Nguyễn Nhật Ánh nhớ lại và thừa nhận khi đó, ông không giữ được sự điềm tĩnh thường tình bởi “thời gian dịch bệnh, cuộc sống trở nên trầm uất, nặng nề, mọi sinh hoạt đều xáo trộn…”. Nhưng rồi “tôi biết mình không thể để nỗi buồn cầm chân mãi. Thế là tôi lại ngồi vào bàn. Tôi tin làm việc là cách tốt nhất để chữa lành vết thương trong tâm hồn mình” – ông tâm sự.

Nguyễn Nhật Ánh cho rằng mọi người làm việc để vượt qua khó khăn, dịch bệnh vì “cuộc sống luôn tiến về phía trước”. Những trang viết mới của ông, vì vậy, thật nhiều sự động viên và lạc quan. Nhân vật chính – chú gà Mắt Tròn từng hân hoan thốt lên: “Đời đẹp quá!”.

Chú gà biết yêu này được cô bồ câu “tư vấn” rằng: “Tình yêu hẳn nhiên là quà tặng của thượng đế. Sớm muộn gì rồi ai cũng nhận được món quà này”. Ngoài chủ đề tình yêu “giúp chúng ta khám phá bản thân mình”, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh không quên gửi gắm nhiều thông điệp khác trong tác phẩm mới của ông như nỗi hoài niệm muốn quay về thời ấu thơ, tầm quan trọng của mục đích sống, sự trưởng thành và vượt qua giới hạn bản thân như lời nhân vật Ngựa Ô nói: “Thắng chính mình – đó chính mới là chiến thắng vĩ đại”.

Ra bờ suối ngắm hoa kèn hồng là tác phẩm trong trẻo, tràn đầy tình yêu thương mát lành, trải ra trước mắt người đọc khu vườn trại rực rỡ cỏ hoa của vùng quê thanh bình, kèm theo đó là những “nhân vật” đáng yêu, làm nên một “thế giới giàu có, rộng lớn và vô cùng hấp dẫn” mà dường như người lớn đã bỏ quên đâu đó từ lâu.

Câu chuyện chạy qua 8 phần với 64 chương sách nhỏ đầy ắp lòng thương yêu, tính lương thiện, tình thân bạn bè, lòng dũng cảm và bao dung, đánh bạt sự ác độc và cả mọi thói xấu.

Khép cuốn sách lại, tự nhiên thấy lòng mình dịu lắng, bình yên đến lạ lùng…

Vài đoạn trích trong tác phẩm Ra bờ suối ngắm hoa kèn hồng

“Tắm mình trong suối âm thanh, vẫn là những điệu buồn quen thuộc, nhưng đêm nay Mắt Tròn thấy tâm hồn mình như bay lên. Âm nhạc như một bàn tay vô hình đã nâng đỡ nó, lên cao, lên cao mãi. Cao hơn nỗi buồn, cao hơn những phiền muộn vẫn dày vò nó trong những ngày qua.

Nỗi buồn, ờ thì nó vẫn ở đó, trong trái tim Mắt Tròn, nhưng nó không làm trái tim con gà xây xát nữa. Mắt Tròn ngạc nhiên nhận ra nỗi buồn có thể phát sáng, trở nên đẹp đẽ dưới sự vỗ về của âm nhạc.
Tiếng đàn của chàng nhạc sĩ giang hồ đã sưởi ấm con gà, đã an ủi nó thật nhiều trong đêm hôm đó.
Mắt Tròn neo mình trên cỏ, bất động, lặng thinh, đầy xao xuyến. Nó lắng nghe tiếng đàn, cảm tưởng đang lắng nghe chính bản thân nó, bắt gặp mình đang xúc động.

Có lẽ bạn cũng thế thôi, khi nỗi buồn trong lòng bạn được âm nhạc chắp cánh, nó sẽ thăng hoa. Thay vì nhấn chìm bạn, nỗi buồn sẽ giúp bạn giàu có hơn về cảm xúc. Nó trở thành một giá trị và bạn chợt nhận ra nó là một phần thanh xuân của bạn. Có gì đâu! Đâu có gì đâu! Thời gian như nước chảy qua cầu Bờ cỏ không còn in dấu cũ Vườn địa đàng kia táo đã sâu.

Có gì không? Không có gì đâu!Tem chưa đóng dấu đã phai màuĐường đi không tới đành quay lạiCuộc sống chưa xong lại bắt đầuMắt Tròn đưa mắt nhìn quanh. Ở đằng xa kia, chỗ nhà giam, cây lộc vừng đang buông lững lờ những chuỗi hoa màu gạch cua, chốc chốc lại chao đi trong gió hệt như một tấm rèm ai treo trên nhánh lá. Trên bãi cỏ xanh bên dưới, thiên nhiên đã đính rải rác những chùm hoa ích mẫu, những cụm hoa mắc cỡ đan cài với cơ man là hoa xuyến chi và hoa sao nhái dệt nên một tấm thảm chi chít các hoa văn ngũ sắc.

Cánh Cam nói đúng, “trong vườn thiếu gì hoa”. Và Mắt Tròn công nhận tất cả loài hoa trong vườn đều đẹp.

Nhưng nó cũng thấy một điều khác đáng công nhận không kém: Chỉ có hoa kèn hồng kia bên dòng suối kia ngoài cánh đồng kia mới có thể đánh thức giấc mơ của nó, khiến trái tim nó tưng bừng reo ca như có chim về hót.”

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.