Chứng minh: Sang thu là khúc giao mùa tinh tế và ấn tượng

sang-thu-la-khuc-giao-mua-tinh-te-va-an-tuong

Chứng minh: Sang thu là khúc giao mùa tinh tế và ấn tượng.

  • Mở bài:

Mùa thu luôn là đề tài, là cảm hứng quen thuộc lâu đời của thơ ca.Trong kho tàng dân tộc ta đã từng biết đến một mùa thu trong veo trong thơ Nguyễn Khuyến, thu ngơ ngác trong thơ Lưu Trọng Lư, dào dạt và đượm buồn trong thơ Xuân Diệu. Tuy đến muộn hơn, thế nhưng nhà thơ Hữu Thỉnh cũng kịp đóng góp một sắc thu tinh tế và ấn tượng qua bài thơ Sang thu, tạo được dấu ấn đậm nét trong lòng người đọc.

  • Thân bài:

Là nhà thơ viết nhiều, viết hay về những con người ở nông thôn, về mùa thu, những vần thơ của Hữu Thỉnh mang cảm xúc bâng khuâng, vấn vương trước đất trời trong trẻo, đang biến chuyển nhẹ nhàng. Thơ ông in đậm hồn quê Việt Nam dân dã, mộc mạc tinh tế và giàu rung cảm.

Mở đầu bài thơ là những tín hiệu giao mùa vô cùng nhẹ nhàng và tinh tế:

“Bỗng nhận ra hương ổi
Phả vào trong gió se
Sương chùng chình qua ngõ
Hình như thu đã về”

Những biến chuyển của đất trời lúc giao mùa được nhà thơ cảm nhận trước hết từ “hương ổi”, mùi hương bình dị của làng quê thân thuộc nhưng mới lạ so với thơ thu truyền thống. Hương ổi chín thơm nồng, được miêu tả với động từ “phả” đầy sức gợi và làm hình ảnh thơ trở nên có hồn hơn. Từ “phả” cho ta cảm nhận hương ổi như sánh lại, đậm đà, thơm nồng. Bởi hương ổi thơm nồng quá nên dường như từ hương ổi mà nhận ra ngọn gió, chứ không phải nhờ gió mang theo hương ôi. Chỉ với một từ, Hữu Thỉnh đã giúp cho câu thơ, hình ảnh thơ của mình trở nên sống động hơn. “Gió se” là ngọn gió đặc trưng của xứ Bắc vào đầu thu. Ngọn gió heo may se se lạnh, hơi khô là một trong những ấn tượng mà người xứ Bắc xa quê hay nhớ.

Nhà thơ đâu chỉ cảm nhận những thay đổi của đất trời vào thu bằng khứu giác (nhận ra hương ổi), bằng xúc giác (cảm nhận được gió se) mà còn bằng cả thị giác và đón nhận những cảnh sắc thu rất riêng:

“Sương chùng chình qua ngõ
Hình như thu đã về”

Trước mắt nhà thơ, làn sương thu bảng lảng giăng khắp đầu thôn, ngõ xóm. Sương thu, với biện pháp nhân hóa và từ láy “chùng chình” hiện ra như một con người đang ngập ngừng trước thời khắc giao mùa, một con người dường như không còn trẻ nữa để háo hức đến ngay với mùa thu đẹp. Làn sương ấy ấy nửa như đang lưu luyến mùa hạ, nửa lại như muốn bước đến với mùa thu đẹp. “Ngõ”, có thể hiểu chăng vừa là cửa ngõ không gian nối liền đôi thôn xóm, vừa là cửa ngõ thời gian nối liền hai mùa hạ – thu? Tinh tế và sâu sắc biết mấy cảm nhận của nhà thơ về thiên nhiên và con người.

Trước những biến chuyển của đất trời, nhà thơ như ngỡ ngàng, bâng khuâng. Cảm xúc ấy được thể hiện qua những tình thái từ chọn lọc: “bỗng”, “hình như”. Phải chăng nhà thơ đang thầm hỏi: thu đã về rồi sao, thu về tự bao giờ, sao không lời báo trước, cho lòng người bôi hôi? Đằng sau không gian làng quê sang thu ấy ta cảm nhận được tâm hồn nhạy cảm của một tình yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống thiết tha.

Cảnh vật thiên nhiên lúc sang thu được tiếp tục gợi tả qua những hình ảnh thơ đẹp khi đến khổ thơ thứ hai. Hình ảnh thiên nhiên mùa thu được thể hiện ở một không gian rộng hơn, bao quát hơn: dòng sông, bầu trời:

“Sông được lúc dềnh dàng
Chim bắt đầu vội vã
Có đám mây mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu”.

Vẫn với sự chuyên động thật nhẹ nhàng như hình ảnh sương thu ở khổ thơ trên, dòng sông vào thu trôi chầm chậm như một con người thảnh thơi, vô sự đang tận hưởng vẻ đẹp của đất trời, của cuộc đời. Từ láy “dềnh dàng” được dùng với biện pháp nhân hóa con sông thu gợi cho người đọc cảm giác ấy. Bức tranh thu đang mang vẻ êm đềm tĩnh lặng ấy bỗng có chút xao động bởi hình ảnh của “đàn chim vội vã”. Thu đã về mang theo hơi lạnh, sắp sang đông, có lẽ vì thế mà chim “bắt đầu vội vã” bay về Nam tránh rét chăng? Hay trước khoảnh khắc giao mùa, đàn chim cũng tràn đầy hứng khởi, vui mừng quá mà vỗ cánh tung bay?

Độc đáo nhất trong cả bài thơ, không riêng gì trong khổ thơ này là hình ảnh “đám mây mùa hạ/ vắt nửa mình sang thu”. Cái hay, cái độc đáo đến khó giải thích được. Hình ảnh thơ khiến ta liên tưởng mây trời như một tấm khăn voan mỏng đang vắt trên bờ giậu thời gian, nửa mang sắc hạ vàng ươm, nửa mang màu thu xanh ngắt. Thời gian vốn vô hình, qua hình ảnh thơ này bỗng trở nên hữu hình, đầy gợi cảm.

Cả ba hình ảnh trên là tín hiệu của mùa thu sang còn vương lại một chút gì của cuối hạ. Nhà thơ đã mở rộng tầm quan sát lên chiều cao (chim), chiều rộng (mây) và chiều dài (dòng sông). Phải chăng có sợi tơ duyên đồng cảm giữa con người với thiên nhiên đang vào thu. Qua cách cảm nhận ấy, ta thấy Hữu Thỉnh có một hồn thơ nhạy cảm, yêu thiên nhiên tha thiết, một trí tưởng tượng bay bổng, mênh mang.

Đến khổ thơ cuối, từ cảnh vật thiên nhiên và sự chuyển hóa của đất trời, con người rút ra những chiêm nghiệm về cuộc đời:

“Vẫn còn bao nhiêu nắng
Đã vơi dần cơn mưa
Sấm cũng bớt bất ngờ
Trên hàng cây đứng tuổi”.

Nếu ở trên, thiên nhiên được cảm nhận qua thị giác, khứu giác, xúc giác thì đến khổ thơ cuối, thiên nhiên hoàn toàn được cảm nhận bằng thính giác, thị giác trong trạng thái tĩnh lặng, trầm mặc, ưu tư.

Sang thu, nắng vẫn vàng nhưng đã bớt oi nồng, những cơn mưa rào đỏng đảnh chợt đến chợt đi đặc trưng cho mùa hạ đã vơi dần. Mưa không còn rộn rã nữa, tiếng sắm cũng vơi bớt đi, hàng cây dường như cũng trầm tư, im lìm hơn. Từ mùa thu thiên nhiên, hình ảnh thơ còn thể hiện chiều sâu chiêm nghiệm của nhà thơ. “Hàng cây đứng tuổi” đâu chỉ là hàng cây bên đường lúc vào thu, đó còn là tượng trưng cho những con người đà từng trải. “Sấm” là những vang động, đổi thay bất thường của hoàn cảnh.

Phải chăng, qua hình ảnh, nhà thơ muốn nói lên rằng: mùa thu đời người là sự khép lại của những tháng ngày sôi nổi với những bất thường của tuổi trẻ và mở ra một mùa thu mới, một không gian mới, yên tĩnh, trầm lắng, bình tâm, chín chắn…trước những chấn động của cuộc đời. Con người khi đứng tuổi sẽ luôn điềm tĩnh trước những biến động bất thường của cuộc đời.

Sang thu không phải là bài thơ tả cảnh, vịnh cảnh. Ở đó, tác giả mượn cảnh để tả tình, trong cảnh có tình. Đó là tình yêu thiên nhiên, cảnh sắc đất trời; là những cảm xúc và suy ngẫm của con người về cuộc đời. Thấp thoáng sau bức tranh thu là hình ảnh con người từng trải đón nhận những đổi thay của cảnh vật và cuộc đời với một tâm thế chủ động, điềm đạm và bản lĩnh.

  • Kết luận:

Sang thu là khúc giao mùa tinh tế và ấn tượng đâu chỉ là sự chuyển giao của đất trời mà còn là sự chuyển giao cuộc đời mỗi con người. Hữu Thỉnh rất đỗi tinh tế, nhạy bén trong cảm nhận và liên tưởng. Chính vì vậy những vần thơ của ông có sức lay động lòng người mãnh liệt hơn.

  1. Cảm nhận ý nghĩa bài thơ “Sang thu” của Hữu Thỉnh
  2. Cảm nhận vẻ đẹp bài thơ Sang thu của nhà thơ Hữu Thỉnh
  3. Cảm nhận tình yêu thiên nhiên của Hữu Thỉnh qua bài thơ “Sang thu”
  4. Phân tích vẻ đẹp của làng quê Việt Nam qua bài thơ “Sang thu” của Hữu Thỉnh
  5. Phân tích những chiêm nghiệm sâu sắc của nhà thơ Hữu Thỉnh trong khổ cuối bài “Sang thu”

9 Trackbacks / Pingbacks

  1. Cảm nhận hình ảnh thiên nhiên trong "Mùa xuân nho nhỏ" và "Sang thu" - Theki.vn
  2. Cảm nhận về tình yêu thiên nhiên thiết thiết qua bài thơ "Mùa xuân nho nhỏ" của Thanh Hải và bài thơ "Sang thu" của Hữu Thỉnh - Theki.vn
  3. Cảm nhận tình yêu thiên nhiên của Hữu Thỉnh qua bài thơ "Sang thu" - Theki.vn
  4. Qua khổ cuối bài "Sang thu" cảm nhận những chiêm nghiệm sâu sắc của nhà thơ Hữu Thỉnh - Theki.vn
  5. Vẻ đẹp bức tranh thiên nhiên qua bài thơ "Mùa xuân nho nhỏ" (Thanh Hải) và "Sang thu" (Hữu Thỉnh) - Theki.vn
  6. Cảm nhận vẻ đẹp bài thơ "Sang thu" của nhà thơ Hữu Thỉnh - Theki.vn
  7. Bài thơ “Sang thu” của Hữu Thỉnh là “Khúc giao mùa nhẹ nhàng, thơ mộng, bâng khuâng mà cũng thầm thì triết lý” - Theki.vn
  8. Hình ảnh thiên nhiên thay đổi nhẹ nhàng mà rõ rệt trong khoảng khắc giao mùa và cảm nhận hết sức tinh tế của tác giả Hữu Thỉnh trong bài thơ Sang thu - Theki.vn
  9. Tài liệu luyện thi văn bản: Sang thu (Hữu Thỉnh) - Theki.vn

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.