Số phận và vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam qua 2 tác phẩm Vợ chồng A Phủ và Chiếc thuyền ngoài xa

so-phan-va-ve-dep-cua-nguoi-phu-nu-viet-nam-qua-2-tac-pham-vo-chong-a-phu-va-chiec-thuyen-ngoai-xa

Số phận và vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam qua 2 tác phẩm “Vợ chồng A Phủ” và “Chiếc thuyền ngoài xa”

  • Mở Bài:

Phụ nữ là đề tài quen thuộc trong nền văn học Việt Nam, nhất là những phụ nữ có số phận nhỏ bé, chịu nhiều đắng cay, tủi nhục. Đặc biệt trong giai đoạn 1945 đến hết thế kỉ XX, đề tài này đã được thể hiện khá đặc sắc qua nhiều nhân vật. Nổi trội hơn cả là hiện tượng Mị trong “vợ chồng A Phủ” của Tô Hoài và nhà văn Nguyễn Minh Châu, với hình ảnh người đàn bà hàng chài qua truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa”. Mỗi nhân vật đều mang mỗi hoàn cảnh, số phận đáng thương nhưng ở họ vẫn toát lên những phẩm chất đáng quí của người phụ nữ Việt Nam.

  • Thân Bài:

Góp vào nền văn học nước nhà, Tô Hoài với tác phẩm “Vợ chồng A Phủ”, tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu càng tô đậm hơn hình tượng người phụ nữ. Những nhà văn này đã góp lên tiếng nói chung- tiếng nói nhân đạo đối với họ. Không những thể hiện sự quan tâm, thông cảm , đồng cảm với những số phận bất hạnh này mà những nhà văn còn trân trọng, ngợi ca những phẩm chất cao quý của người phụ nữ.

Số phận và vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam  qua truyện ngắn Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài:

Đến với “Vợ chồng A Phủ”, ta bắt gặp hình ảnh Mị-một người phụ nữ dân tộc Mèo bất hạnh với sức sống tiềm tàng mãnh liệt. Đọc “Vợ nhặt” của Kim Lân, ta cảm thấy xót xa cho cô vợ với niềm khao khát được sống, được tồn tại đến cháy bỏng.Rồi ta lại khóc thương cho số phận của người đàn bà hàng chài trong “Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu- một người phụ nữ cam chịu và giàu đức hi sinh.

“Vợ chồng A Phủ” là một truyện ngắn được rút từ tập truyện Tây Bắc của Tô Hoài, viết vào năm 1953, ngay sau chuyến thâm nhập thực tế của tác giả. Đây là truyện ngắn đặc sắc nhất của Tô Hoài nói riêng và của văn xuôi chống Pháp nói chung.Tác phẩm là một bức tranh chân thực về cuộc sống của dân nghèo miền núi dưới ách áp bức bóc lột của thế lực phong kiến thực dân. Đồng thời là một bài ca về sức sống khát vọng, tự do của con người miền núi, là hình ảnh con đường giải phóng và cuộc đời của họ. Tiêu biểu nhất cho những con người ấy là Mị, một nhân vật có số phân bi đát,đáng thương nhưng mang đầy phẩm chất tốt đẹp.

Mở đầu tác phẩm Tô Hoài giới thiệu Mị là một cô gái ngồi quay sợi bên tảng đá trước cửa, cạnh tàu ngựa “lúc nào cũng vậy dù thái cỏ ngựa, dệt vải,chẻ củi hay cõng nước dưới khe suối lên cô ấy cũng cúi mặt, mặt buồn rười rượi. Đó là hình tượng con người nô lệ bị chà đạp. Nhưng Mị là ai?_ Cô là con dâu gạt nợ nhà Pá Tra, một số phận bất hạnh.

Mị vốn là một cô gái dân tộc Mèo, con nhà nghèo. Một cô gái vừa đẹp người , đẹp nết. Không những vậy lại cần cù, đảm đang, hiếu thảo, ham sống, giàu lòng yêu đời và rất mực tài hoa. Tiếng sáo của Mị đã có sức lôi cuốn hấp dẫn đặc biệt đối với bao chàng trai Mèo. Nhưng tương lai tươi sáng, tuổi trẻ với biết bao hạnh phúc, và tình yêu đã không đến với cô gái nghèo khổ này. Mị mang bi kịch một cô gái với niềm khao khát tự do, hạnh phúc nhưng phải rơi vào nghịch cảnh trớ trêu, bị dồn vào bước đường cùng không lối thoát. Chỉ vì món nợ truyền kiếp – ngày trước bố mẹ Mị cưới nhau phải vay nhà thống lý Pá Tra và cho đến lúc già, mẹ cô chết, vẫn chưa trả được nợ nên Mị phải đem thân làm dâu trừ món nợ ấy.

Kể từ khi làm dâu cho nhà thống lý,Mị phải sống những chuỗi ngày đau thương,tủi nhục tăm tối. Danh nghĩa là con dâu nhà quan, nhưng thực chất Mị là một thứ nô lệ không công. Mị không chỉ bị hành hạ về thể xác mà còn bị đày đoạ về tinh thần. Đã mấy tháng liền, đêm nào Mị cũng khóc. Cô gái tội nghiệp ấy đã có lúc định kết liễu đời mình bằng nắm lá ngón, nhưng có chết thì món nợ vẫn còn, bố Mị còn khổ sở hơn bây giờ gấp nhiều lần.Vì thương bố nên Mị đành phải quay về chấp nhân cuộc đời làm nô lệ. Dưới nhiều tầng áp bức của cường quyền, thần quyền và hủ tục phong kiến miền núi, Mị phải sống kiếp sống như một con vật, thậm chí không bằng con vật. Thật không ở đâu mạng sống, nhân cách con người lại bị rẻ rúng như vậy.

Bị giam hãm đày đoạ trong cái địa ngục khủng khiếp của cả nhà thống lý, Mị đang chết dần, chết mòn với năm tháng. Thân xác héo khô, tâm hồn lạnh lẽo, trống vắng. Mị gần như tê liệt sức sống. Mị mất hết ý thức về thời gian, sự chuyển biến thời gian sớm hay tối đối với Mị chẳng có ý nghĩa gì nữa: không dĩ vãng, không hiện tại và không cả tương lai. “Ở lâu trong cái khổ Mị quen với nó rồi”, “cô ngày càng không nói, lùi lũi như con rùa trong xó cửa”. Cuộc đời Mị chỉ còn thu lại qua cái khung cửa sổ bằng bàn tay “mờ mờ, trăng trắng không biết là sương hay là nắng”. Mị hầu như mất hết ý thức về bản thân và những mong muốn đổi thay cho số phận của mình, thậm chí Mị cũng không có cả ý thức về cái chết nữa.

Bức tranh “chiếc thuyền ngoài xa” chụp cảnh một gia đình làm nghề chài lưới. Trong đó có người chồng, người cha vũ phu; có thằng Phác thương mẹ, muốn ngăn cản việc cha nó đánh mẹ…tất cả đều gây cho người đọc một ấn tượng đặc biệt. Nhưng không hiểu sao, đôi mắt và trái tim ta như bị hút theo cái người đàn bà hàng chài không tên đó.

Số phận và vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam  qua truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa của  Nguyễn Minh Châu:

Chị không đẹp, hay nói cách khác, bệnh tật, những trận đòn và cuộc sống lao động khắc nghiệt đã bẻ gãy những nét duyên dáng của một người phụ nữ. Chị trạc ngoài bốn mươi, khuôn mặt thô kệch, mặt rỗ. Lúc nào cũng xuất hiện với gương mặt mệt mỏi, người đàn bà ấy đã trải qua một cuộc đời nhọc nhằn lam lũ. Số phận lận đận của chị dường như đã được báo hiệu ngay ở cái tuổi thanh xuân “Từ nhỏ tôi đã là một đứa con gái xấu xí, lại rỗ mặt, sau một bận lên đậu mùa”, “cũng vì xấu, trong phố không ai lấy, tôi có mang với một anh con trai làng chài giữa phá hay đến nhà tôi mua bả về đan lưới”.

Những dòng tâm tự được nói ra với giọng điệu bằng bằng như một tiếng thở dài, kìm nén bao cảm xúc. Người đàn bà ấy chầm chậm kể ra bất hạnh nhan sắc của đời mình, đối với người phụ nữ ai chẳng muốn mình xinh đẹp. Biết đâu trong những lúc suy nghĩ về cuộc đời của mình, chị một lần đã nghĩ đến hai chữ “giá như…”. Vâng, giá như có nhan sắc, số phận đã không run rủi đưa đẩy chị đến với người chồng miền biển này; giá như không quá khổ cực trong cuộc sống, ghe thuyền chật hẹp vất vả, chồng chị đã không đến nỗi dữ dằn, hung tợn…

Nhưng tất cả những gì tốt đẹp và hạnh phúc sinh ra không phải dành cho người đàn bà hàng chài khốn khổ này. Cái cuộc đời quá cơ cực của chị luôn phải đối mặt với hai cơn bão táp: bão táp từ biển khơi lạnh lùng và bão táp từ người chồng vũ phu, thô bạo. Người đàn bà ấy khốn khổ và chật vật để cho từng bữa cơm, manh áo cho gia đình. Đói khổ đã trở thành nỗi ám ảnh luôn thường trực trong cuộc sống của chị. “Người đàn bà bỗng chép miệng, con mắt như đang nhìn suốt cả cuộc đời mình: Giá tôi đẻ ít đi, hoặc chúng tôi sắm được một chiếc thuyền rộng hơn, từ ngày cách mạng về đã đỡ đói khổ chứ trước kia vào các vụ bắc, ông trời làm động biển suốt hàng tháng, cả nhà vợ chồng con cái toàn ăn cây xương rồng luộc chấm muối…”

Cả cuộc đời người đàn bà ấy gói gọn trong nỗi lo đói khổ, lo miếng cơm manh áo hàng ngày. Bão táp biển khơi đã làm chai sạm, rỗ đi, thô kệch cái vẻ phụ nữ của chị. Nhưng còn đáng sợ hơn là bão táp từ những trận “đòn” hằng ngày vẫn đổ lên trên thân xác và tâm hồn chị. Vẻ bề ngoài và những cử chỉ của lão đàn ông – chồng chị đã phơi ra ngoài tất cả những sự dữ dằn và khắc nghiệt của mình, “Tấm lưng rộng và cong như như lưng một chiếc thuyền. Mái tóc tổ quạ. Lão đi chân chữ bát, bước từng bước chắc chắn, hàng lông mày cháy nắng rủ xuống hai con mắt đầy vẻ độc dữ lúc nào cũng nhìn dán vào tấm lưng bạc phếch và rách rưới, nửa thân dưới ướt sũng của người đàn bà”.

Ánh mắt ấy khiến cho người đọc luôn ám ảnh, đằng sau tất cả những khó khăn đè nặng, lão đàn ông nhìn chằm chằm người đàn bà, nhìn vợ mình không phải như một điểm tựa yêu thương mà nhìn như một nguồn căn của mọi sự đau khổ, khốn khó đã đè nặng lên lão.

Cái ánh mắt hằn học như muốn ăn tươi nuốt sống, trút hết mọi những oán hờn lên người phụ nữ yếu đuối này. Ta hiểu, những khó khăn một phần đến từ đàn con nheo nhóc, nhưng người phụ nữ ấy có tội gì đâu!Chị đã phải cong mình lên chịu đựng những bi kịch đời thường, chịu đựng những trần đòn roi như trước đây chi vẫn thường hay chịu. “Ba ngày một trận nhẹ, năm ngày một trận nặng”, mật độ dày đặc, những trận đòn vẫn như mưa đổ xuống. À ơi…!ai ru câu ca dao “thân em như tấm lụa đào à ơi…!” có làm cho chị cúi đầu nuốt dòng nước mắt đắng cay chua xót cho số phận của mình.

Chị sinh ra cũng như bao người phụ nữ khác, có mạnh mẽ thì cũng chỉ là gồng mình gắng gượng,tâm hồn của chị vẫn thật yếu đuối mỏng manh. Ai nói rằng những giọt nước mắt của người đàn bà rơi xuống, nhưng bây giờ không phải chỉ vì những trận đòn roi, mà một bàn tay nào đó đã bóp vụn trái tim và sự nhạy cảm trong tâm hồn con người ấy. Giữa xã hội phát triển đó vẫn còn là một câu hỏi xót xa!

Hình tượng người phụ nữ trong nền văn học Việt Nam:

Hình tượng người phụ nữ đã xuất hiện trong nền văn học Việt Nam giai đoạn 1945 đến hết thế kỉ XX đầy ấn tượng và đặc sắc. Đó là những số phận đáng thương, những cuộc đời nghiệt ngã và đầy bất hạnh. Nhưng không dừng lại ở việc khai thác những nỗi đau khổ, những bất công của xã hội, của cuộc sống đã đẩy cuộc đời họ vào những bế tắc cùng cực. Mà ở đấy, các nhà văn đã tô đậm lên tất cả đó là những vẻ đẹp phẩm chất thật đáng trọng- thứ ánh sáng đẹp đẽ của tâm hồn người phụ nữ.Bằng tình yêu cuộc sống, khát vọng được sống mãnh liệt và với những phẩm chất tốt đẹp vốn có của người phụ nữ họ đã vượt qua những rào cản, những bất công xã hội, vượt qua số phận bất hạnh để tìm đến hạnh phúc.

Như nhà văn Nguyễn Khải đã từng viết: “Sự sống nảy sinh trong cái chết, hạnh phúc hiện hữu từ trong những cái hi sinh gian khổ, ở đời này không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh để bước qua những ranh giới ấy”. Và có lẽ đấy là dư âm vang sâu nhất trong tâm hồn mỗi độc giả khi đọc các tác phẩm “

Như vậy, một sức sống tiềm tàng mãnh liệt, một niềm khao khát sống, niềm tin yêu và đức hi sinh cao cả đã phát họa nên bức chân dung về vẻ đẹp tâm hồn và phẩm chất của người phụ nữ trong nền văn học Việt Nam giai đoạn 1945 đến hết thế kỉ XX.

  • Kết Bài

Người phụ nữ đã đến và để lại cho nền văn học Việt Nam bức tượng đài bất hủ của những con người không bao giờ chịu khuất phục trước hoàn cảnh, luôn đi tìm, hướng tới những gì tốt đẹp, tươi sáng trong cuộc đời. Họ luôn là những mẫu hình lí tưởng về người phụ nữ Việt Nam thời kì đó, cho hôm nay và cả về sau.Họ luôn trường tồn trong tâm thức người đọc là “Những con người đáng thương nhưng đáng trọng.”

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.