So sánh cái giật mình của Thúy Kiều trong đoạn trích Nỗi thương mình (trích Truyện Kiều của Nguyễn Du) và của Nguyễn Duy trong bài thơ Ánh trăng

So So sánh cái giật mình của Thúy Kiều trong đoạn trích “Nỗi thương mình” (trích Truyện Kiều của Nguyễn Du) và của Nguyễn Duy trong bài thơ “Ánh trăng”

  • Mở bài:

M.Gorki nói: “Văn học là nhân học”. Còn T.Sêkhốp khẳng định: “Một nghệ sĩ chân chính phải là một nhà nhân đạo từ trong cốt tủy”. Tác phẩm văn học không những là kết tinh tình yêu thương của người nghệ sĩ dành cho con người mà còn là sự thức tỉnh của bản thân trước tình đời, tình người. Đôi khi, con người ta ta bỗng thấy “giật mình” trước những điều quen thuộc, nhận ra ở đó biết bao tình cảm, biết bao nỗi niềm. Có thể nói, cái “giật mình” của nhân vật Thúy Kiều trong đêm buồn sau khi bán mình chuộc cha (đoạn trích Nỗi thương mình) và cái “giật mình” của nhân vật trữ tình trong bài thơ “Ánh trăng” của Nguyễn Duy là những cái giật mình mang tính nhân văn cao cả.

  • Thân bài:

Đến với Truyện Kiều – tập đại thành của văn học Việt Nam, người đọc được dõi theo số phận của Thúy Kiều – một người phụ nữ tài sắc, để say đắm trong cảm hứng ngợi ca của Nguyễn Du, nhưng cũng không thể không nhói lòng khi số phận đào hoa ấy đang quằn quại trải qua cảnh ngộ: “Thanh lâu hai lượt, thanh y hai lần”. Và khi Thúy Kiều bị rơi vào cảnh buộc phải tiếp khách ở lầu xanh Tú Bà, đó cũng là khi Nguyễn Du viết nên những vần thơ xót xa nhất, những vần thơ “như có máu chảy đầu ngọn bút”:

“Khi tỉnh rượu lúc tàn canh;
Giật mình mình lại thương mình xót xa”.

Câu thơ vẽ ra cảnh tượng xô bồ, nhốn nháo, thác loạn chốn lầu xanh, “Khi tỉnh rượu lúc tàn canh”. Thân phận người kĩ nữ lăn lóc trong hoan lạc, sa đọa. Nhưng trong khoảnh khắc hiếm hoi, Nguyễn Du để cho nhân vật của mình “giật mình”, để đối diện với chính mình, để săn đuổi cái phần Người vốn biết tự ý thức về chính mình và cuộc sống đang bị vùi lấp trong nhơ bẩn, ô nhục, tăm tối.

Nhịp thơ 3/3 cân đối ở câu đầu (Khi tỉnh rượu/ lúc tàn canh) gợi bước đi chậm rãi của thời gian, đến câu sau nhịp thay đổi, phá cách 2/4/2 (Giật mình/ mình lại thương mình/ xót xa). Hai chữ “giật mình” kết hợp cách ngắt nhịp đột ngột, diễn tả tâm trạng thảng thốt của kiều khi nhận ra sự ô trọc chốn lầu xanh, nhận ra tình cảnh bi đát của chính mình trong cảnh trụy lạc đó.

“Giật mình” ở đây không phải là phản ứng có tính chất vật lí của con người do sự tác động đột ngột của ngoại cảnh. “Giật mình” trong câu thơ này chính là phản ứng về tâm lí, nhận thức, tạo nên sự đột biến. Đó là khoảnh khắc bừng sáng của tâm trạng, của ý thức. Nó là chiếc bản lề khép – mở hai vùng trời thế giới tâm trạng, đối lập tương phản nhau: Đối lập giữa quá khứ “êm đềm” và thực tại lưu lạc, lênh đênh; sự đối lập giữa vô thức và ý thức, giữa mê và tỉnh – những trạng thái cảm xúc đối nghịch, lưỡng phân. Câu thơ trước còn là nhịp sống xô bồ thì sau cái “giật mình” là bắt đầu một cuộc săn đuổi nhân cách ráo riết, để “thương mình xót xa”.

Trước từ “giật mình” là ngôn ngữ của người kể chuyện, sau “giật mình” là ngôn ngữ độc thoại nội tâm của nhân vật. Hai từ “giật mình” thật giản dị nhưng nó đã làm được nhiệm vụ hết sức lớn lao: đưa nhà thơ, người đọc cùng được hóa thân vào nhân vật, đồng cảm với nhân vật, đau đớn cùng nhân vật, soi tỏ nét đẹp nhất trong con người Thúy Kiều – là sự ý thức về nhân phẩm, nhân cách con người. Đó cũng chính là điều làm nên chiều sâu tư tưởng nhân đạo của đại thi hào Nguyễn Du.

Đọc Ánh trăng của Nguyễn Duy một lần nữa ta lại bắt gặp khoảnh khắc “giật mình” – cái giây phút bất ngờ khi nhân vật trữ tình đối diện với trăng:

Trăng cứ tròn vành vạnh
kể chi người vô tình
ánh trăng im phăng phắc
đủ cho ta giật mình.”

Bài thơ Ánh trăng của Nguyễn Duy mang dáng dấp một câu chuyện nhỏ được kể theo trình tự thời gian. Dòng cảm nghĩ trữ tình của nhà thơ cũng men theo dòng tự sự này mà bộc lộ. Cấu tứ của bài thơ được bắt đầu từ cảnh mất điện ở thành phố – “Thình lình đèn điện tắt; phòng buyn – đinh tối om”, nhân vật trữ tình “vội bật tung cửa sổ” và bắt gặp vầng trăng tròn – vầng trăng êm đềm của hồi nhỏ, “vầng trăng tri kỉ” của “hồi chiến tranh ở rừng”. Đó là “cái vầng trăng tình nghĩa” từng tỏa ánh sáng mát lành để tuổi thơ hả hê chan hòa, ngụp lặn; là người bạn đồng hành với người cầm súng tưởng như không bao giờ quên…Đó cũng lại là vầng trăng vẫn thường đi qua ngõ nhưng từng bị lãng quên “như người dưng qua đường”

Hôm nay gặp lại trăng, vầng trăng ấy vẫn “cứ tròn vành vạnh”, vẫn đầy đặn nghĩa tình, vẫn hiền hòa, độ lượng biết bao – “ánh trăng im phăng phắc”. Trong hoàn cảnh gặp lại này, nay đã gặp xưa, từ hôm nay mà nhìn lại để thấy có cái hôm qua trong cái hôm nay.Tính chất tâm sự, đời tư có ý nghĩa như là sự ăn năn tạo nên con sóng ngầm đằng sau một câu chuyện kể. Khoảnh khắc “giật mình” vút lên như lời tự thức. Đó là cái giật mình khi nhân vật trữ tình bừng thức lương tâm, nhìn lại mình, tìm lại mình trước đây, tìm lại những ngày tháng tình nghĩa mà mình đã vội quên. Cái giật mình đem lại cho người đọc sự nhận thức, chiêm nghiệm về lẽ sống nghĩa tình. Đó là cái giật mình đáng quý, cần có để làm người.

Chộp lấy những giây phút “giật mình” đến rất nhanh, rất bất ngờ trong cuộc sống con người, mỗi một nhà văn, nhà thơ lại đem lại cho người đọc những khoảnh khắc được sống cùng nhân vật, đem lại những giá trị nhận thức và xúc cảm thật sâu xa.

Văn học – nghệ thuật là lĩnh vực chiếu sâu nhất vào thế giới tinh thần của con người. Bởi hơn bất cứ lĩnh vực khoa học nào khác, văn học đảm nhận chức năng phản ánh và khám phá con người, đặc biệt là phần “con người trong con người” – phần sâu kín nhất, phần không giới hạn trong mỗi tiểu vũ trụ ấy. Để nhìn thấu chiều kích của thế giới này nhiều nghệ sĩ đã để nhân vật của mình tự bộc lộ nội tâm, tự thấu hiểu cơ chế tâm lí, tâm trạng của mình trong những hoàn cảnh cụ thể.

Ở một số hoàn cảnh đặc biệt ta bắt gặp những khoảnh khắc “giật mình” đáng quí biết bao. Văn học – nghệ thuật là lĩnh vực chiếu sâu nhất vào thế giới tinh thần của con người. Bởi hơn bất cứ lĩnh vực khoa học nào khác, văn học đảm nhận chức năng phản ánh và khám phá con người, đặc biệt là phần “con người trong con người” – phần sâu kín nhất, phần không giới hạn trong mỗi tiểu vũ trụ ấy. Để nhìn thấu chiều kích của thế giới này nhiều nghệ sĩ đã để nhân vật của mình tự bộc lộ nội tâm, tự thấu hiểu cơ chế tâm lí, tâm trạng của mình trong những hoàn cảnh cụ thể. Ở một số hoàn cảnh đặc biệt ta bắt gặp những khoảnh khắc “giật mình” đáng quí biết bao.

  • Kết bài:

Có thể coi cái, cái “giật mình” của nhân vật trong hai tác phẩm là sự thức nhận hoàn cảnh của bản thân trước những đổi thay bất ngờ, đột ngột và quá lớn. Cái giật mình nhân văn ấy khiến người đọc cũng nhận ra cuộc đời có những cái tàn nhẫn, có những mất mát quá lớn, có những điều cần phải trân trọng và nắm giữ trước khi nó kịp vụt mất.

Lên đầu trang