So sánh hình ảnh bóng chiều trong bài thơ “Chiều tối” Hồ Chí Minh và khổ cuối bài thơ “Tràng Giang” Huy Cận

so-sanh-hinh-anh-bong-chieu-trong-bai-tho-chieu-toi-ho-chi-minh-va-kho-cuoi-bai-tho-trang-giang-huy-can

So sánh hình ảnh bóng chiều trong bài thơ Chiều tối Hồ Chí Minh và khổ cuối bài thơ Tràng Giang Huy Cận.

  • Mở bài:

Một chút ánh sáng lờ mờ buổi chiều còn vương lại trên nền cảnh của thời gian. Xưa nay cảm xúc về buổi chiều được một số thi nhân thể hiện rất rõ qua bức tranh tâm cảnh. Buổi chiều trên hành trình chuyển lao của Hồ Chí Minh trong bài thơ “Chiều tối” và buổi chiều đứng bên dòng sông Hồng của Huy Cận trong bài thơ “Tràng giang”, giữa hai nhà thơ ở hai hoàn cảnh khác nhau nhưng dường như ở giữa họ có sự gặp gỡ về cảm xúc của chủ thể trữ tình.

  • Thân bài:

Bài thơ “Chiều tối” của Hồ Chí Minh được sáng tác theo thể thơ Đường luật thất ngôn tứ tuyệt. Vì thế nó mang đậm phong vị Đường thi ở bút pháp nghệ thuật lấy cảnh để ngụ tình, lấy động tả tĩnh, lấy ít gợi nhiều. Nhưng bài thơ còn được sáng tác bởi người chiến sĩ cộng sản: Hồ Chí Minh, nên bên cạnh phong vị cổ điển nó còn là một bài thơ hiện đại. Chất hiện đại được bộc lộ ở sự vận động của hình tượng thơ, nhất là tấm lòng tư tưởng của thi nhân: yêu thiên nhiên, yêu con người, tinh thần lạc quan của Bác dù ở bất kì hoàn cảnh nào. Đó chính là chất thép lấp lánh trong thơ Hồ Chí Minh.

Bài thơ được mở đầu bằng một bức tranh phong cảnh thiên nhiên mang phong vị Đường thi:

Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ
Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không.

Nhà thơ không trực tiếp nói về thời gian nhưng thời gian vẫn hiện về qua cảnh vật: Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ. Chim bay về tổ đúng là dấu hiệu của chiều tối, chiều muộn. Điều này ta thường thấy trong thơ ca như:

“Chim bay về núi tối rồi”

(Ca dao)

“Chim hôm thoi thót về rừng”

(Truyện Kiều – Nguyễn Du)

“Ngàn mai gió cuốn chim bay mỏi”

(Chiều hôm nhớ nhà – Bà Huyện Thanh Quan)

“Mây vẩn tầng không chim bay đi”

(Đây mùa thu tới – Xuân Diệu

“Chim nghiêng cánh nhỏ:bóng chiều sa”

(Tràng giang – Huy Cận).

Thời gian còn hiện về qua: Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không. Hai chi tiết phác họa mà gợi lên cái hồn của cảnh vật, ngày tàn màn đêm buông xuống, tạo vật dần chuyển sang trạng thái nghỉ ngơi.

Nếu hai câu thơ đầu cảnh vật hiện ra trong những nét chấm phá phần nào mang tính ước lệ cổ điển với chim muông, mây trời thì đến hai câu sau là cảnh sinh hoạt gần gũi và ấm áp trên mặt đất. Hiện ra ở trung tâm bài thơ lúc này là một thiếu nữ sơn thôn với công việc lao động bên bếp lửa gia đình. Một chất thơ khác, một hơi thở trữ tình khác làm cho vẻ đẹp của buổi chiều thêm hài hòa phong phú, làm cho bài thơ thêm dáng vẻ hiện đại hơn. Đất trời đã vào đêm, bóng tối ken dày muôn nơi. Thời gian được vận động theo cánh chim và làn mây, theo những vòng xoay của cối xay ngô, quay mãi ma bao túc – bao túc ma hoàn, và đến khi cối xay ngô dừng lại thì “lô dĩ hồng” – lò than đã rực hồng.

Thực ra cái lò lửa ấy không phải đúng lúc đó mới bật sáng lên. Nó vẫn đỏ lên rồi, nhưng phải đến khi ánh trời tắt hẳn, núi rừng mù mịt thì tự nhiên con người ta chỉ nhìn thấy ở nơi đây có ánh lửa. Và vì thế lúc xay ngô xong, trời tối hẳn nên mới nhìn thấy nó rực hồng lên. Hình ảnh cô gái hiện ra bên bếp lò lửa đỏ đến với nhà thơ một cách tự nhiên như thế thôi. Và như thế, trong nguyên tác Bác không dùng chữ “tối” vậy mà ta vẫn nhận ra trời đã tối. Bác dùng cái sáng để nói cái tối.

Bếp lửa của cô gái xay ngô đã hồng lên nghĩa là buổi chiều êm ả đã kết thúc để bước vào đêm tối. Nhưng không phải là đêm tối lạnh lẽo âm u như cảm nhận của người xưa mà là một đêm tối ấm áp sáng bừng rực lửa.

Trong bài thơ “Tràng giang” của Huy Cận, có một nỗi buồn như dồn nén thấm sâu vào cảnh vật và lan xa muôn vàn con sóng, nhất là bốn câu kết của bài thơ:

“Lớp lớp mây cao đùn núi bạc
Chim nghiêng cánh nhỏ: bóng chiều sa
Lòng quê dợn dợn vời con nước
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà”.

Bao trùm cả bài thơ là một không gian nghệ thuật bao la, thật đẹp và cũng thật buồn. Có sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp. Có lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu. Có lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng… Và trước mắt nhà thơ là một khung cảnh bao la, vắng vẻ: Sông dài, trời rộng, bến cô liêu.

Khổ cuối nói đến hoàng hôn trên tràng giang. Một cái nhìn xa vời vợi. Trước mắt nhà thơ là những núi mây nhô lên, “đùn” lên “lớp lớp” màu trắng bạc. Cảnh sắc thiên nhiên rất tráng lệ. Bầu trời chắc là xanh thẳm, hoặc tím thẫm trong khoảnh khắc hoàng hôn nên màu mây ở cuối chân trời mới ánh lên màu bạc ấy. Giữa cái bao la mênh mộng bỗng xuất hiện một cánh chim nhỏ Cánh chim đang chở nặng bóng chiều, bay vội vã. Trên cái nền tím sẫm, nhạt nhòa của bóng chiều hôm, hiện lên những núi bạc mây cao và một con chim lạc đàn nghiêng cánh nhỏ. Hai nét vẽ ấy tượng trưng cho những cảnh chiều hôm trong tâm tưởng người lữ thứ:

Ngàn mai gió cuốn chim bay mỏi
Dặm liễu sương sa khách bước dồn.

(Chiều hôm nhớ nhà – Bà Huyện Thanh Quan)

“Chim hôm thoi thót về rừng
Đóa trà mi đã ngậm trăng nửa vành”.

(Truyện Kiều – Nguyễn Du)

Nghệ thuật tương phản giữa cánh chim nghiêng nhỏ bé và mờ dần với núi mây bạc hùng vĩ, với trời đất bao la đã làm cho cảnh đất trời và tràng giang thêm mênh mông hơn, xa vắng hơn, và cũng buồn hơn.

Bốn câu kết mang ý vị cổ điển rất đậm đà. Ý vị ấy, màu sắc ấy được thể hiện ở hình ảnh nhà thơ một mình đứng lẻ loi giữa vũ trụ bao la, lặng lẽ cảm nhận cái vô cùng của không gian, thời gian đối với kiếp người hữu hạn. Một cánh chim, một núi mây bạc… cũng dẫn hồn ta đi về mọi nẻo, đến với mọi phía chân trời:

Lưng trời sóng rợn lòng sông thẳm
Mặt đất mây đùn cửa ải xa.

(Thu hứng – Đỗ Phủ)

Ý vị cổ điển ấy lại được tô đậm bằng một tứ thơ Đường:

Lòng quê dợn dợn vời con nước
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà.

Hơn mười hai thế kỉ trước, trong bài thơ Hoàng hạc lâu, Thôi Hiệu đã viết:

Quê hương khuất bóng hoàng hôn
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai.

Huy Cận nhìn lên cao, rồi lại nhìn về phía xa theo tràng giang vời con nước, ở trên nhà thơ đã phủ định: “Mênh mông không một chuyến đò ngang / Không cầu gợi chút niềm thân mật” thì ở đây, ông lại nói: “Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà”. Nỗi buồn cô đơn và nỗi nhớ quê tràn ngập tâm hồn khách tha hương trong buổi hoàng hôn, bên dòng sông đang mải miết trôi về tận phương nào xa xôi.

Thơ Huy Cận hàm súc, cổ điển và thấm đẫm màu sắc triết lí suy tưởng. Một hồn thơ bơ vơ, sầu não ấy luôn hướng tới sự giao hòa giữa con người và tạo vật trên một không gian mênh mông, vắng lặng. Cảnh sắc trong Tràng giang đẹp mà buồn. Tình quê, lòng quê trong bốn câu kết thật vô cùng sâu sắc, thắm thiết. Đó là những vần thơ mãi mãi vương vấn lòng người trong mọi thời gian và không gian.

Qua phan tích có thể nhận thấy hình ảnh buổi chiều trong bài “Chiều tối” của Hồ Chí Minh và trong khổ cuối bài “Tràng giang” của Huy Cận có nhiều điểm tương đồng. Cả hai bài thơ đều dùng thi liệu cổ điển phương Đông: “cánh chim chiều”, “núi”, “mây” (chòm mây, núi, mây). Cảnh vật mang nét đượm buồn, vắng lặng, cô đơn. Hai nhà thơ đều mượn cảnh để bộc lộ tâm trạng (bút pháp tả cảnh ngụ tình) đặc sắc. Cảm xúc đều buồn vắng, cô đơn trước thiên nhiên trong thời khắc của ngày tàn (có sự hòa hợp giữa thiên nhiên và con người, cảnh và tình). Cả hai đều có tư chất nghệ sĩ trước những biến cảm của thiên nhiên.

Tuy nhiên, giữa hai bài thơ cũng có những điểm khác biệt đáng chú ý. Nếu bài thơ “Tràng giang” miêu tả hình ảnh sông nước mênh mông, con người nhỏ bé trong cái bao la vô tận, “con nước” buồn, cô đơn và lẻ, không có biểu tượng của sự sống (“không khói hoàng hôn”) thì ở bài thơ “Chiều tối”, cảnh chiều muộn buồn vắng của thiên nhiên nơi núi rừng hẻo lánh; cảnh sinh hoạt ấm cúng, đầy sức sống của con người bên xóm núi với ngọn lửa hồng rực sáng trong lò. Cả bài thơ có sự vận động theo mạch cảm xúc đi từ bóng tối đến ánh sáng. Hồ Chí Minh người buồn vì nhớ nước, nhớ đồng bào, đồng chí trong cảnh tù đày xa xứ còn Huy Cận buồn vì nhớ nhà trong cái “tôi” bé nhỏ của thi nhân lãng mạn khi đứng trước tràng giang mênh mang chưa tìm được hướng đi cho đời mình. Huy Cận chỉ có buồn, và nỗi buồn đó ngày càng sâu thăm thẳm khi không tìm thấy biểu tượng của sự sống; còn Hồ Chí Minh không chỉ có buồn mà còn có niềm vui khi chứng kiến và hòa vào với niềm vui cuộc sống của con người.

  • Kết bài:

Với những hình ảnh thơ giàu sức gợi tả, ngôn ngữ mang tính cổ điển, bài thơ “Chiều tối”“Tràng Giang” thể hiện sâu sắc tâm hồn của hai nghệ sĩ: Một người là thi sĩ lãng mạn, một người là thi sĩ cách mạng.

Phân tích bài thơ Chiều tối của Hồ Chí Minh

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.