Soạn bài: Đây thôn Vĩ Dạ (Hàn Mặc Tử)

soan-bai-day-thon-vi-da-han-mac-tu

ĐÂY THÔN VĨ DẠ
– Hàn Mặc Tử –

I. Tìm hiểu chung:

1. Tác giả: Hàn Mặc Tử

– Tên thật: Nguyễn Trọng Trí (1912 – 1940)
– Quê: Làng Lệ Mĩ, tổng Võ Xá, huyện Phong Lộc, Đồng Hới (Quảng Bình)
– Hàn Mặc Tử là người có số phận bất hạnh
– Ông là một trong những nhà thơ có sức sáng tạo mãnh liệt trong phong trào thơ mới; “ngôi sao chổi trên bầu trời thơ Việt Nam” (Chế Lan Viên)

2. Tác phẩm:

– Xuất xứ: Viết năm 1938, in trong tập Thơ Điên được khơi nguồn cảm hứng từ mối tình đơn phương của Hàn Mặc Tử với Hoàng Thị Kim Cúc

– Nội dung: Từ những kỉ niệm về Huế, nhà thơ đã khắc họa nên bức tranh tuyệt về cảnh vật, con người xứ Huế. Đồng thời, mượn câu chuyện tình đơn phương của mình để kín đáo gởi gắm tình yêu quê hương xứ sở.

II. Đọc – hiểu văn bản:

1. Khổ 1: Cảnh ban mai thôn Vĩ và tình người tha thiết.

– Câu hỏi mở đầu:

+ Vừa như lời trách mọc nhẹ nhàng của người con gái thôn Vĩ
+ Là lời mời gọi tha thiết về thôn Vĩ.

– Thiên nhiên Vĩ Dạ buổi sớm mai:

+ Nắng mới lên: nắng đầu tiên của một ngày mới mẻ, ấm áp. Chữ “mới” tô đậm cái trong trẻo, tinh khiết của những tia nắng đầu tiên trong ngày.
+ Nắng hàng cau: Cau là cây cao nhất trong vườn nên sớm đón được những tia nắng đầu tiên của một ngày. Vì thế, nắng hàng cau là nắng thanh tân, tinh khôi, là nắng thiếu nữ.
+ Vườn Vĩ Dạ “mướt quá xanh như ngọc”. mướt ánh lên vẻ mượt mà, óng ả, đầy xuân sắc, một màu xanh mỡ màng, tràn trề nhựa sống “Xanh như ngọc” là màu xanh lung linh ngời sáng, long lanh.

⇒ một chốn nước non thanh tú của quê hương xứ sở.

– Người thôn Vĩ:

+ “mặt chủ điền”: khuôn mặt đẹp phúc hậu
+ “Lá ‘trúc che ngang” gợi vẻ đẹp kín đáo, dịu dàng.

⇒ Hình ảnh thơ được miêu tả theo hướng cách điệu hóa, tức là chỉ gợi lên vẻ đẹp của con người, không chỉ rõ là ai cụ thể ⇒ Thiên nhiên. con người hài hòa với nhau trong một vẻ đẹp kín đáo, dịu dàng. .

2. Khổ 2: cảnh hoàng hôn thôn Vĩ và niềm đau cô lẻ, chia lìa.

– Không gian mở rộng ra ngoài khung cảnh của thôn Vĩ. Đó là trời mây, sông nước xứ Huế.

– Thời gian: buổi ban mai ở Vĩ Dạ đã chuyển vào ngày rồi sang đêm tối.

– Thiên nhiên ban ngày xứ Huế:

+ “Gió theo lối gió, mây đường mây’: Cách ngắt nhịp 4/3 với hai vế tiểu đối gợi tả một không gian gió, mây chia lìa đôi đường, đôi ngả như một nghịch cảnh đầy ám ảnh. Lẽ thường thì “gió thổi mây bay”, phải chăng mặc cảm về một cuộc chia li vĩnh viễn với cuộc đời đã khiến HMT nhìn thấy sự chia lìa ở những thứ vốn không thể chia tách.

+ “Dòng nước buồn thỉu hoa bắp lay”: Nhà thơ đã nhân hóa con sông thành một sinh thể có tâm trạng để giải bày tâm tư của chính mình. Dòng sông lững lờ hay chính là dòng đời mệt mỏi, cay đắng đang chảy vào lòng nhà thơ khiến thi sĩ miên man trong những nỗi niềm xa xăm. Động từ lay tự nó không vui không buồn nhưng trong hoàn cảnh này nó lại gợi lên sự hiu hắt, thưa vắng. Nhịp điệu câu thơ chậm rãi như điệu slow tình cảm dành riêng cho Huế (Hoàng Phủ Ngọc Tường) của sông Hương. Và đấy cũng chính là hồn Huế, nhịp điệu quen thuộc của Huế tự ngàn đời.

⇒ Bức tranh thiên nhiên ảm đạm, nhuốm màu chia lìa, sự, sống mệt mỏi, yếu ớt thể hiện một nỗi buồn hiu hắt mang dự cảm về hạnh phúc chia xa.

– Thiên nhiên sông nước xứ Huế về đêm ngập tràn ảnh trăng:

+ Sông trăng. Dòng sông như được dát bac, ánh lên, lộng lẫy. Đây là hai câu thơ tuyệt bút của Tử, kết tinh rực rỡ bút pháp tài hoa, lãng mạn. Nếu “thuyền ai” gợi lên bao ngỡ ngàng, bâng khuâng, vừa quen vừa lạ man mác như điệu hò xứ Huế thì hình tượng “sông trăng” lại như một nét vẽ thơ mộng, chất chứa cái thần thái, linh hồn của cảnh sắc thiên nhiên xứ sở. Sự kết hợp giữa “Thuyền ai” và “sông trăng” đã tạo nên một hình tượng đẹp, thi vị, gợi tả vẻ đẹp lãng mạn, thơ mộng, thân thương của Huế.

+ Câu hỏi tu từ: chất chứa bao niềm khắc khoải, sự chờ đợi mỏi mòn tình yêu, hạnh phúc của thi nhân.

3. Khổ 3: Nỗi niềm thôn Vĩ.

– Hai câu đầu: bóng dáng người xa hiện lên mờ ảo, xa vời trong “sương khói mờ nhân ảnh” trong cảm nhận của khách đường xa

– Hai câu cuối:

+ Ai: con người trong cõi phù sinh này.
+ Câu hỏi tu từ: dù đau đớn nhà thơ vẫn hướng về cuộc đời bằng một tình yêu sâu thẳm, thiết tha

4. Nghệ thuật:

– Trí tưởng tượng phong phú
– Nghệ thuật so sánh, nhân hóa, thủ pháp lấy động gợi tĩnh, sử dụng câu hỏi tu từ…
– Hình ảnh sáng tạo có sự hòa quyện giữa thật và ảo

5. Ý nghĩa văn bản:

Bức tranh phong cảnh Vĩ Dạ và lòng yêu đời ham sống mãnh liệt mà đầy uẩn khúc của nhà thơ.

III. Luyện tập.

Câu 1 (trang 40 SGK Ngữ văn 11 tập 2)

Những câu hỏi trong bài thơ không phải là những câu hỏi vấn đáp. Ở đây, tác giả hỏi đề bày tỏ tâm trạng.

– Khổ 1: Câu hỏi” Sao anh không về chơi thôn Vĩ?”. Có thể là câu hỏi của cô gái Huế (cụ thể hơn là người trong mộng của Hàn Mặc Tử: Hoàng Thị Kim Cúc) mang hàm ý trách móc, hờn dỗi nhẹ nhàng; nhắc nhở, mời mọc duyên dáng. Cũng có thể hiểu chủ thể câu hỏi là chính tác giả: tự phân thân để chất vấn mình

– Khổ 2: Câu hỏi “Thuyền ai đậu bến sông trăng đó/ Có chở trăng về kịp tối nay?” Toát lên niềm hi vọng đầy khắc khoải. Đó là khát khao, là ước vọng được giao duyên, được hội ngộ của nhà thơ gửi gắm qua chữ “kịp”.

– Khổ 3. Câu hỏi “Ai biết tình ai có đậm đà?” hỏi “Khách đường xa” hay cũng là tự hỏi mình, thể hiện tâm trạng hoài nghi. Đó là nỗi trăn trở của thi sĩ về tình người, tình đời.

Câu 2 (trang 40 SGK Ngữ văn 11 tập 2)

– Bài thơ được in trong tập “Thơ điên”, được sáng tác trong một hoàn cảnh thật tối tăm, tuyệt vọng (bệnh tật giày vò, nỗi ám ảnh về cái chết, về sự xa lành của người đời).

– Những gì Hàn Mạc Tử thể hiện trong bài thơ không chỉ là một bức tranh đẹp về miền quê đất nước, thông qua đó cho thấy tiếng lòng của một con người tha thiết yêu đời, yêu người.

Câu 3 (trang 40 SGK Ngữ văn 11 tập 2)

– Bài thơ này làm hiện lên những vẻ đẹp về cảnh và người xứ Huế qua đó cho thấy được tình yêu thiết tha, đằm thắm của tác giả đối với quê hương đất nước, với con người xứ Huế đoan trang, dịu dàng.

– Bài thơ còn chính là tiếng lòng của tác giả – một người tài hoa đang trong một hoàn cảnh cận kề với cái chết nhưng vẫn luôn khao khát yêu đời, yêu người. Đó thứ tình cảm chân thành mà sâu sắc của Hàn Mạc Tử đã khiến cho bài thơ tạo được sự cộng hưởng rộng rãi và lâu bền trong tâm trí bạn đọc.


Tham khảo:

Phân tích bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử

I. Mở bài:

– Giới thiệu về tác giả, tác phẩm:

+ Đây thôn Vĩ Dạ được rút ra từ tập Thơ điên. Khi hai người cùng ở Quy Nhơn, Hàn Mặc Tử đã từng yêu thầm Hoàng Thị Kim Cúc. Khi về Huế, Hoàng Cúc nghe tin Hàn Mặc Tử bệnh bèn gởi vào tặng Hàn Mặc Tử tấm bưu ảnh phong cảnh và lời chúc sớm lành bệnh. Từ đó, đã gợi cho ông những kỉ niệm một thời từng sống ở Huế và sáng tác bài thơ này.

+ Từ những kỉ niệm về Huế, nhà thơ đã khắc họa nên bức tranh tuyệt về cảnh vật, con người xứ Huế. Đồng thời, mượn câu chuyện tình đơn phương của mình để kín đáo gởi gắm tình yêu quê hương xứ sở.

III. Thân bài:

Phân tích bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ

1. Khổ 1: Bức tranh tuyệt đẹp về cảnh vật, con người xứ Huế.

– Bức tranh được hiện lên qua lời mời trong đó hàm chứa sự trách móc mà thân thiết:

“Sao anh không về chơi thôn Vĩ?”

– Cảnh vật hiện lên qua vài nét phác họa nhẹ nhàng, duyên dáng, đầy ấn tượng của màu xanh như ngọc của ánh sáng tinh khôi buổi ban mai:

“Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên.
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc”

– Cuối cùng là nét chấm phá độc đáo tương phản giữa cái vuông vức của khuôn mặt chữ điền với chiếc lá trúc che ngang, gợi lên nét tinh nghịch mà dịu dàng, dễ thương vốn dĩ ở thôn quê:

“Lá trúc che ngang mặt chữ điền”

2. Khổ 2: Cảnh buồn qua cái nhìn đầy nội tâm.

– Cảnh đẹp và thơ mộng, nhưng lay lắt buồn bã trong cảm giác chia lìa bằng hình thức thơ độc đáo:

Gió theo lối gió, mây đường mây,
Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay…

Dòng sông như tấm gương ghi nhận hình ảnh chia lìa đó, nên buồn thiu, hoa bắp cúng lay lắt buồn thiu, chia sẻ với tâm trạng nhà thơ. Con thuyền lẻ loi hiện lên trên bến sông đầy trăng, vừa rõ ràng vừa rất mơ hồ:

Thuyền ai đậu bến sông trăng đó,
Có chở trăng về kịp tối nay?

– Trăng chiếm một dung lượng khá lớn trong thơ Hàn Mặc Tử và ánh trăng thật kì lạ, khác thường. Ta từng gặp trong thơ của ông, hình ảnh:

Trăng nằm sóng soãi trên cành liễu
Đợi gió đông về để lả lơi

(Bẽn lẽn)

– Câu phiếm định: “thuyền ai?”, rồi lại “bến sông trăng”. Quả thật, đúng như Hoài Thanh viết về Hàn Mặc Tử, trong “Thi nhân Việt Nam”: “Vườn thơ của người rộng rinh không bờ bến, càng đi xa càng ớn lạnh”.

3. Khổ cuối: Cảnh vật, con người đều chìm sâu vào mộng ảo.

– Cõi lòng nhà thơ dường như chìm vào mộng tưởng (mơ khách đường xa). Bệnh tật cũng đã khiến nhà thơ rơi vào trạng thái buồn đau ảo giác (nhìn không ra, mờ nhân ảnh). Bởi vậy, con người cảnh vật tất cả đều nhòa mờ trong cô đơn, ngậm ngùi:

“Mơ khách đường xa, khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra…”

– Trong cô đơn, ngậm ngùi, trong mộng ảo đau thương, nhưng lòng nhà thơ vẫn cứ âm thầm muốn gởi đến con người, cuộc đời một thông điệp, nó như lời trần tình tội nghiệp:

“Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà?”

– Ta chưa thể quyết rằng cậu thơ ấy thể hiện tình yêu nước của Hàn Mặc Tử đến mức nào. Thế nhưng, chắc chắn rằng Hàn Mặc Tử rất yêu cuộc đời, rất yêu quê hương xứ sở. Ta cũng không ngờ trong tập Thơ Điên lại có những vần thơ đậm đà, chan chứa tình quê đến thế.

III. Kết bài

– Hàn Mặc Tử đã ra đi khi hãy còn quá trẻ. Thế nhưng dấu ấn thơ Hàn Mặc Tử là dấu ấn của trái tim nồng nàn, cuồng say, khát khao yêu và sống.

– Hàn Mặc Tử trong đời thơ của mình đã để lại cho đời những tác phẩm thơ mà ta không dễ gì hiểu được vì sự kì dị và tính siêu thực của nó. Thế nhưng Đây thôn Vĩ Dạ vừa siêu thực lại vừa gần gũi thông qua bức tranh cảnh vật, con người xứ Huế.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.