Soạn bài: “Mộ” (Chiều tối) – Hồ Chí Minh

soan-bai-mo-chieu-toi-ho-chi-minh

CHIỀU TỐI (MỘ)
– Hồ Chí Minh –

I. Tìm hiểu chung:

1. Tập thơ: Nhật kí trong tù:

– Hoàn cảnh ra đời: Tháng 8 năm 1942, với danh nghĩa là đại biểu của Việt Nam độc lập đồng minh và phân bộ quốc tế phản xâm lược của Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc lấy tên là Hồ Chí Minh lên đường sang Trung Quốc để tranh thủ sự viện trợ của thế giới. Sau nửa tháng đi bộ, đến Túc Vinh, Quảng Tây, Người bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam vô cớ. Trong suốt 14 tháng ở tù (từ mùa thu năm 1942 đến cuối mùa thu năm 1943), tuy bị đày ải vô cùng cực khổ, Hồ Chí Minh vẫn làm thơ. Người đã sáng tác 133 bài thơ được viết ở trong tù.

– Giá trị cơ bản:

+ Vạch trần bộ mặt xấu xa của chế độ nhà tù Tưởng Giới Thạch.
+ Bức chân dung tự họa con người tinh thần của chủ tịch Hồ Chí Minh: “Bậc đại nhân, đại trí, đại dũng” (Viên Ưng)

2. Bài thơ: Chieuf tối (Mộ): bài thứ 31 của Nhật kí trong tù, sáng tác vào cuối mùa thu năm 1942, trên đường đi đày từ Tĩnh Tây đến Thiên Bảo.

II. Đọc – hiểu văn bản:

1. Hai câu đầu: bức tranh thiên nhiên chiều muộn nơi núi rừng

– Một khung cảnh thiên nơi núi rừng lúc chiều tối. Có cánh chim chiều mỏi mệt đang bay về tổ. Có chòm mây lẻ loi, lũng lờ trôi giữa tầng không. Một không gian rộng lớn, vắng vẻ trong cái thời khắc cuối cùng của một ngày.

+ Hình ảnh cánh chim bay về tổ, về rừng núi thường tượng trưng cho buổi chiều: một nét vẽ phác họa không gian vừa gợi ra ý niệm thời gian. Mặc dù vậy, hình tượng cánh chim trong thơ Bác không chỉ được quan sát ở trạng thái vận động bên ngoài mà còn được cảm nhận ở trạng thái bên trong (mỏi mệt). Ở đây, ngoại cảnh cũng là tâm cảnh, hình ảnh cánh chim chiều mỏi mệt phải chăng là sự phản chiếu trạng thái của người tù”.

+ Hình ảnh: “Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không” gợi nhớ câu thơ của Thôi Hiệu trong bài Hoàng Hạc lâu: “Ngàn năm mây trắng bây giờ còn bay”. Vẫn là một thi liệu quen thuộc nhưng mây trong thơ Bác không mang cái khắc khoải mơ hồ của con người trước hư không mà là một chòm mây cô đơn, đang chậm chậm trôi giữa bầu trời bao la. Chòm mây như có hồn người, nó như mang cái lẻ loi, đơn độc và cái băn khoăn, trăn trở chưa biết tương lai phía trước sẽ đi đến dâu của người tù nơi đất khách.

– Nhân vật trữ tình: Dù trong hoàn cảnh nào, tâm hồn của Bác vẫn luôn hướng về thiên nhiên. Trong hai câu thơ, ta không thấy chân dung người tù khổ ải mà thay vào đó là hình ảnh của bậc tao nhân mặc khách đang ung dung thưởng ngoạn cảnh chiều hôm. Những câu thơ mềm mại nhưng lại có thép bên trong. Nếu không có ý chí, nghị lực phi thường và sự tự chủ, tự do về tinh thần thì không thể có được những vần thơ như thế trong hoàn cảnh tù đày khắc nghiệt.

* Tóm lại: Một bức tranh thiên nhiên mang vẻ đẹp cổ điển nhưng bình dị, gần gũi. Thiên nhiên không chỉ có hình xác mà còn có linh hồn. Đó cũng là cảnh ngộ và tâm trạng của người tù xa xứ. Hai câu thơ không nói thép nhưng lại rất thép.

2. Hai câu cuối: bức tranh cuộc sống sinh hoạt của con người.

– Cô gái xay ngô: vẻ đẹp trẻ trung, khỏe mạnh, đầy sức sống, là điểm sáng của bức tranh -> cái nhìn trìu mến hướng về sự sống của Bác. Cái nhìn ấy thế hiện sự quan tâm và tình cảm yêu thương của Người đối với những người lao động nghèo, không phân biệt quốc gia, dân tộc.

– Nghệ thuật điệp: “ma bao túc” – “bao túc ma” đã tạo nên sự nối âm liên hoàn, nhịp nhàng như vừa diễn tả cái vòng quay không dứt của động tác xay ngô vừa thể hiện dòng lưu chuyển của thời gian từ chiều đên tối. Mặt khác, chính chữ “hồng” ở cuối bài thơ cũng giúp người đọc hình dung ra bóng tối đang buông xuống xóm núi.

– Chữ hồng: làm sáng rực lên toàn bộ bài thơ, đã làm mất đi sự mỏi mệt, sự uể oải, sự vội vã, sự nặng nề đã diễn tả trong ba câu đầu, đã làm sáng rực lên khuôn mặt của cô em sau khi xay xong ngô tối -> nhãn tự

* Tóm lại: Hình tượng thơ trong Chiều tối vận động thật khỏe khoắn: từ ánh chiều âm u đến ánh lửa rực hổng, ấm áp; từ mệt mỏi đến khỏe khoắn; từ buồn đến vui. Sự vận động này cho thấy tinh thần lạc quan yêu đời của một tâm hồn luôn hướng về sự sống, ánh sáng và tương lai.

3. Nghệ thuật

– Từ ngữ cô đọng, hàm súc
– Thủ pháp đối lập, điệp liên hoàn…

4. Ý nghĩa văn bản:

Vẻ đẹp tâm hồn và nhân cách nghệ sĩ- chiến sĩ Hồ Chí Minh: yêu thiên nhiên, yêu con người, yêu cuộc sống; kiên cường vượt lên hoàn cảnh, luôn ung dung, tự tại và lạc quan trong mọi cảnh ngộ đời sống

III. Luyện tập:

Cảm nhận bài thơ Chiều tối

  • Mở bài

– Giới thiệu tác giả: Hồ Chí Minh không chỉ là một vị lãnh tụ vĩ đại mà còn là một danh nhân văn hóa của dân tộc. Hồ Chí Minh để lại cho nước nhà một sự nghiệp văn học đồ sộ

– Giới thiệu tác phẩm: Tác phẩm được trích trong tập thơ Nhật Kí trong tù của Bác. Bài thơ thể hiện tình yêu thiên nhiên và tấm lòng lớn lao của Hồ Chủ tịch

  • Thân bài

* Hai câu đầu

Quyện điểu quy lâm tầm túc thụ
Vân mạn mạn độ thiên không

– Khung cảnh chiều tối được mở ra với hình ảnh tả thực đầy chất thơ: hình ảnh cánh chim mải miết bay về rừng tìm nơi trú ngụ; những đám mây lờ lững bảng lảng trôi về cuối trời.
– Một không gian mênh mông, rộng lớn nhưng lại thơ mộng, yên bình
– Gợi một buổi chiều tà hiu hắt, ánh nắng chỉ còn le lói phía chân trời.
– Không gian thiên nhiên chính là tấm gương soi phản chiếu nội tâm con người:
– Cánh chim vội vã mang dáng vẻ sự mệt mỏi, nhọc nhằn sau ngày tháng rong ruổi
– Áng mây lững lờ trôi, cô đơn, lẻ loi trên nền trời mênh mông, rộng lớn.
– Bầu trời như được đẩy lên cao hơn xa hơn nỗi lòng con người vì thế cũng như trải dài ra ngút ngàn. Đứng trước thời khắc cuối ngày, lòng người bỗng thấy cô đơn, trống trải; thấy mỏi mệt, bâng khuâng. Và cánh chim sau những phút giây mỏi mệt vẫn được nghỉ ngơi nơi tổ ấm còn người sau những giây phút gông cùm, đọa đày lại phải chịu cảnh ngục tù tăm tối.
– Thế nhưng người ấy lại chẳng một câu than vãn, oán trách mà lại thả hồn vào thiên nhiên cảnh vật để cảm nhận và chấm phá nên những nét tuyệt mĩ nhất của bức tranh cuối ngày.
– Thể hiện tình yêu thiên nhiên rạo rực trong trái tim người chiến sĩ cách mạng
– Trong tâm tưởng người chiến sĩ lúc nào cũng thường trực nỗi nhớ về quê hương, đất nước.
–  Ý chí sắt đá, nghị lực phi thường, phong thái ung dung và niềm lạc quan cách mạng của Hồ Chủ tịch. (cánh chim biểu tượng cho cuộc sống tự do)

* Đánh giá, mở rộng:

– Hai câu thơ vừa mang nét cổ điển, hiện đại với những hình ảnh thơ quen thuộc, bút pháp ước lệ tượng trưng, chấm phá điểm xuyết, không nói về cảnh trời chiều nhưng người đọc vẫn có thể cảm và hình dung ra không gian và nỗi lòng mà câu thơ muốn gửi gắm.
– Cánh chim không còn là đề tài xa lạ trong thơ cổ thế nhưng cánh chim của Bác lại thật đặc biệt. Nếu như cánh chim của Lý Bạch là cánh chim “điểu cao phi tận” bay vút vào không gian ngút ngàn thì cánh chim của Hồ Chủ tịch lại mang hồn sống, là cánh chim chao liệng không gian, làm chủ không gian, vạn vật.

* Hai câu cuối:

Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc
Bao túc ma hoàn, lô dĩ hồng

– Bức tranh sinh hoạt của con người nơi xóm núi:
– Bóng tối buông xuống phủ lấp không gian
– Hình ảnh cô thôn nữ miền sơn cước hăng say, uyển chuyển với công việc thường nhật: say ngô ⇒ vẻ đẹp khỏe khoắn, trẻ trung, tràn đầy sức sống
– Hình ảnh lò than rực hồng: bừng lên ánh sáng, xua tan bóng tối, sưởi ấm không gian hiu quạnh, lạnh lẽo, vắng vẻ ở ý thơ trên.
– Hình tượng thơ gần gũi, mộc mạc diễn tả chân thực nhịp sống cuối ngày tại miền sơn cước. Qua đó thể hiện tình yêu thương, trân trọng vô bờ của Bác đối với người lao động.
– Hình tượng thơ mang tính chất của sự vận động:
– Thời gian từ chiều tối cho đến tối hẳn
– Cánh chim bay, chòm mây trôi để rồi cũng quy tụ về phía tương lai về ánh sáng.
– Lòng người đi từ chỗ lạnh giá, cô quạnh đến mức ấm nóng, say mê, rạo rực, vui tươi, hồ hởi.
– Nhãn tự “hồng” khép lại bài thơ có sức lay động, lan tỏa đến toàn bộ ý thơ:
– Ngọn lửa hồng lan tỏa, lấn át bóng đêm; xua đi khoảnh khắc lạnh lẽo buốt giá trong cõi lòng con người. Ngọn lửa ấy thổi bùng lên bao khát vọng, ý chí và quyết tâm người chiến sĩ cách mạng giữa cảnh ngục tù đọa đầy.
– Hai câu thơ đã tô vẽ dáng dấp con người. Con người hiện lên kì vĩ, làm chủ không gian, thời gian, xua đi sự cô đơn, vắng vẻ của thiên nhiên. Bên cạnh đó, ý thơ còn thể hiện sức sống mãnh liệt và khát khao lớn lao của người thi nhân.

  • Kết bài:

– Khái quát đặc sắc nghệ thuật: sử dụng từ hán ngữ; bút pháp ước lệ tượng trưng: lấy mây điểm trăng; lấy động tả tĩnh, lấy cảnh vật để khắc tạc thời gian, nhấn nhá nỗi niềm con người; nét cổ điển xen lẫn hiện đại…
– Khái quát giá trị nội dung: Bức tranh thiên nhiên bao la, rộng lớn nhưng vắng vẻ, cô quạnh. Hình tượng con người với sức sống mãnh liệt, ung dung, tự tại giữa gông cùm, xiềng xích.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.