Soạn bài: “Ông già và biển cả” (Hê-minh-uê)

soan-bai-ong-gia-va-bien-ca-he-minh-ue

Ông già và biển cả
(trích)
Hê-minh-uê –

I. Tìm hiểu chung:

1. Tác giả: Hê-minh-uê

– Hê-minh-uê (1899 – 1961) là một trong những nhà văn lớn nhất của nước Mĩ thế kỉ XX, nhận giải nô-ben văn học 1954.

– Nổi tiếng với nguyên lí “tảng băng trôi”; với hoài bão viết “một áng văn xuôi đơn giản và trung thực về con người”.

– Hê-minh-uê là nhà văn lỗi lạc nhất nước Mĩ vào thế kỉ XX, ông khai sinh lối viết kiệm lời, kiệm cảm xúc.

– Ông là người đề ra nguyên lí sáng tác “tảng băng trôi”: Dựa vào hiện tượng tự nhiên: tảng băng trên mặt nước chỉ có ba phần nổi, bảy phần chìm. Nhà văn phải hiểu biết cặn kẻ về điều muốn viết, sau đó lược bỏ những chi tiết không cần thiết, giữ lại những phần cốt lõi, sắp xếp lại để người đọc vẫn có thể hiểu được những gì tác giả đã lược bỏ. Người đọc phải đồng sáng tạo mới có thể hiểu được “bảy phần chìm”, những hình tượng, những hình ảnh, … giàu tính tượng trưng đa nghĩa.

– Ông để lại số lượng tác phẩm khá đồ sộ. Một số t/p tiêu biểu: Giã từ vũ khí, chuông nguyện hồn ai, ông già và biển cả…

2. Tác phẩm.

– Hoàn cảnh ra đời: Năm 1952, sau 10 năm sống ở Cu-ba, Hê-minh-uê đã cho ra đời tác phẩm Ông già và biển cả. Trước khi in thành sách, tác phẩm được in trên tạp chí Đời sống. Tác phẩm tiêu biểu cho lối viết “tảng băng trôi” của Hê-minh-uê.

– Ông già và biển cả (1952) ra mắt bạn đọc trước khi Hê – minh – uê được tặng giải thưởng Nô – ben về văn học năm 1954, là một kết tinh trong lối kể chuyện của Hê -Minh – Uê.

Đoạn trích: nằm gần ở cuối truyện, thuật lại việc ông lão Xan-ti-a-gô rượt đuổi và khuất phục được con cá kiếm.

– Nội dung: Hình ảnh ông lão đánh cá đơn độc, dũng cảm săn đuổi con cá lớn nhất đời là một biểu tượng về vẻ đẹp của ước mơ và hành trình gian khổ của con người để biến ước mơ thành hiện thực. Sự chuyển hóa bức tranh với những nét trần trụi, chân thực, giản dị sang một lớp nghĩa hàm ẩn, rộng lớn – đó chính là phong cách nghệ thuật của Hê-minh-uê và cũng chính là sự thể hiện nguyên lí sáng tác của ông: tác phẩm nghệ thuật như một “tảng băng trôi”.

II. Đọc – hiểu văn bản:

1. Hình ảnh những vòng lượn của con cá kiếm.

* Sự lặp lại những vòng lượn của con cá kiếm:

– Vòng lượn gợi lên hình ảnh một ngư phủ lành nghề kiên cường: Chỉ bằng con mắt từng trải và cảm giác đau đớn nơi bàn tay, ông lão ước lượng được khoảng cách ngày càng gần tới đích qua vòng lượn từ rộng tới hẹp, từ xa tới gần của con cá.

– Vòng lượn vẽ lên những cố gắng cuối cùng nhưng cũng rất mãnh liệt của con cá:

+ Nó cố gắng thoát khỏi sự níu kéo, bủa vây của người ngư phủ.

+ Nó cũng dũng cảm, kiên cường không kém gì đối thủ.

– Vòng lượn cũng biểu hiện cảm nhận của ông lão về con cá, tập trung vào hai giác quan là thị giác và xúc giác.

2. Cảm nhận của ông lão về con cá kiếm.

* Cảm nhận về con cá kiếm tập trung vào những giác quan của ông lão bằng thị giác, xúc giác. Cảm nhận qua xúc giác vẫn có phần gián tiếp (qua sợi dây, qua mũi lao) nhưng rất mãnh liệt và ngày càng đau đớn.

* Cảm nhận về con cá kiếm gợi lên một sự tiếp nhận từ xa đến gần, từ bộ phận đến toàn thể:

+ “Một cái bóng đen vượt dài qua dưới con thuyền, đến mức lão không thể tin nổi độ dài của nó”.
+ “Cái đuôi lớn hơn cả chiếc lưỡi hái lớn, màu tím hồng dựng trên mặt đại dương xanh thẫm”.
+ “Cánh vi trên lưng xếp lại, còn bộ vây to sụ bên sườn xòe rộng”.
+ Ông lão: “vận hết sức bình sinh… phóng xuống sườn con cá ngay sau cái vây ngực đồ sộ”.
+ Con cá “phóng vút lên khỏi mặt nước phô hết tầm vóc khổng lồ, vẻ đẹp và sức lực”.
+ “Nằm ngửa phơi cái bụng ánh bạc của nó lên trời”.

3. Hình ảnh con cá kiếm trước và sau khi ông lão chiếm được nó.

– Khi chưa bị chế ngự: Nó có vẻ đẹp kì vĩ, kiêu hùng → Biểu tượng cho ước mơ, lí tưởng mà mỗi người thường theo đuổi trong cuộc đời.

– Khi bị chế ngự: Nó mất đi vẻ đẹp mơ hồ, lung linh, trở nên cụ thể hiện thực → Biểu tượng cho ước mơ trở thành hiện thực, không còn khó nắm bắt hoặc xa vời.

⇒ Qua biểu tượng con cá kiếm gợi cho chúng ta bài học cần phải theo đuổi ước mơ và biến ước mơ thành hiện thực.

4. Ý nghĩa văn bản:

Cuộc hành trình đơn độc, nhọc nhằn của con người vì một khát vọng lớn lao là minh chứng cho chân lí: “Con người có thể bị huỷ diệt những không thể bị đánh bại”.

III. Luyện tập.


Dàn bài: Phân tích “Ông già và biển cả”

I. Mở bài:

– Giới thiệu về tác giả Hê-minh-uê (tiểu sử, các sáng tác chính, đặc điểm sáng tác,…)

– Giới thiệu về tác phẩm Ông già và biển cả (hoàn cảnh ra đời, khái quát giá trị nội dung và nghệ thuật…)

II. Thân bài:

1. Hình tượng con cá kiếm:

– Đó là một con cá lớn:

+ Một cái bóng đen vượt dài
+ Cái đuôi lớn hơn cả chiếc lưới hái lớn
+ Thân hình đồ sộ
+ Cánh vi, bộ vây to sụ bên sườn xòe rộng
+ Mỗi con dài cả thước

– Đầy sức mạnh:

+ Những vòng lượn lớn.
+ Ông lão thấy hoa cả mắt suốt cả tiếng đồng hồ (…) và điều ấy khiến lão sợ

– Kiêu hùng trong cái chết: khi ấy, con cá mang cái chết trong mình, sực tỉnh, phóng vút lên khỏi mặt nước phô hết tầm vóc khổng lồ, vẻ đẹp và sức lực,…

⇒ Tác giả tập trung miêu tả hình ảnh con cá kiếm để từ đó làm cho chiến thắng của ông lão đối với con cá trở nên vẻ vang và vĩ đại hơn.

⇒ Hình ảnh con cá kiếm vừa là một hình ảnh thực, vừa là hình ảnh mang ý nghĩa biểu tượng:

+ Góc độ thiên nhiên: con cá là hình ảnh biểu tượng cho vẻ đẹp hùng vĩ, mĩ lệ của thiên nhiên
+ Góc độ cuộc sống: con cá là hình ảnh biểu tượng cho những khó khăn, thử thách
+ Góc độ nghệ thuật: con cá là khát vọng nghệ thuật chân chính, lớn lao, cao đẹp

2. Hình tượng ông lão Xan-ti-a-gô.

– Hình tượng ông lão được khắc họa qua những lời độc thoại và độc thoại nội tâm

– Sự chiến thắng của ông lão đối với con cá:

+ Niềm tin, sự tin tưởng vào bản thân, vào khẳ năng của bản thân có thể chiến thắng được con cá
+ Ý chí, nghị lực phi thường: dù có những lúc ông lão cảm thấy mệt nhưng ông vẫn cố gắng chiến đấu với con cá kiếm khổng lồ
+ Lòng khát khao chiến thắng.
+ Khi chiến đấu với con cá khổng lồ, ông đã thắng nó, ông là một lão đánh cá lành nghề: Chỉ cần nhìn độ nghiêng, độ chếch của sợi dây ông có thể biết con cá đang bơi vòng tròn hay liên tục ngoi lên trong lúc bơi, Dựa trên sự căng chùng của sợi dây có thể đoán được con cá đang làm gì,…

⇒ Qua hình tượng ông lão Xan-ti-a-gô, tác giả Hê-minh-uê muốn: ca ngợi vẻ đẹp của con người. Đồng thời, qua đó, ông thể hiện niềm tin của mình vào chiến thắng của con người trong cuộc đấu tranh với những khó khăn, thử thách, khắc nghiệt của thiên nhiên

III. Kết bài

– Khái quát giá trị nội dung và nghệ thuật của đoạn trích và nguyên lí “tảng băng trôi” của tác giả được thể hiện qua đoạn trích

– Bài học cho bản thân: bài học về niềm tin, ý chí, nghị lực và những khát khao trong cuộc sống

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.