Soạn bài: Rừng xà nu (Nguyễn Trung Thành)

soan-bai-rung-xa-nu-nguyen-trung-thanh

RỪNG XÀ NU

– Nguyễn Trung Thành –

I. TÌM HIỂU CHUNG:

1. Tác giả: Nguyễn Trung Thành

– Nguyễn Trung Thành (bút danh khác là Nguyên Ngọc) là nhà văn trưởng thành trong hai cuộc kháng chiến, gắn bó mật thiết với mảnh đất Tây Nguyên.

– Tác phẩm: Truyện ngắn Rừng xà nu được viết năm 1965; đăng trên tạp chí Văn nghệ Quân giải phóng Trung Trung bộ (số 2 – 1965), sau đó được in trong tập Trên quê hương những anh hùng Điện Ngọc.

2. Tác phẩm:

– Xuất xứ: Viết năm 1965 đăng trên tạp chí “Văn nghệ quân giải phóng Trung Trung Bộ”, sau đó được in trong tập “Trên quê hương những anh hùng Điện Ngọc”.

– Hoàn cảnh sáng tác:  Mĩ – ngụy ra sức phá hoại hiệp định Giơ-ne-vơ, lê máy chém đi khắp miền Nam. Cách mạng rơi vào thời kì đen tối. Đầu năm 1965, Mĩ đổ quân ồ ạt vào miền Nam và đánh phá ác liệt ra miền Bắc. Cả nước sục sôi không khí đánh Mĩ. Rừng xà nu được viết vào đúng thời điểm đó.

II. Đọc – hiểu văn bản.

1. Hình tượng cây xà nu:

– Đây là loại cây thân gỗ, họ thông, mọc thành rừng ở Tây Nguyên. Nhựa và gỗ rất quí.

– Cây xà nu là hình tượng trung tâm, xuyên suốt, góp phần thể hiện chủ đề tư tưởng của tác phẩm.

– Cây xà nu đã trở thành một phần máu thịt trong đời sống vật chất và tinh thần của người dân làng Xô man.

+ Trong sinh hoạt thường ngày: Đuốc xà nu Tnú soi cho Dít giần gạo, lửa xà nu cháy trong bếp, trong đống lửa ở nhà ưng. Khói xà nu lem luốc mặt những đứa trẻ. Khói xà nu xông bảng nứa để Tnú và Mai học chữ. Tnú được cụ Mết và Dít tiễn ra đến rừng xà nu cạnh con nước lớn…).

+ Trong những sự kiện trọng đại của buôn làng: Giặc đốt 2 bàn tay Tnú bằng giẻ tẩm nhựa xà nu, ngọn đuốc xà nu dẫn đường cho cụ Mết và dân làng vào rừng lấy vũ khí chuẩn bị nổi dậy, đuốc xà nu soi rõ xác kẻ thù trong đêm đồng khởi…

– Cây xà nu tượng trưng cho phẩm chất và số phận của nhân dân Tây Nguyên trong chiến tranh cách mạng. Vẻ đẹp, những thương tích mà rừng xà nu phải gánh chịu, những đặc tính của xà nu, …là hiện thân cho vẻ đẹp, sự mất mát, đau thương, sự khao khát tự do và sức sống bất diệt của dân làng Xô Man nói riêng, đồng bào Tây Nguyên nói chung.

+ Cây xà nu chịu thương tích chết chóc bởi quân thù tàn bạo Rừng xà nu nằm trong tầm đại bác của giặc”. “Hàng vạn cây không cây nào là không bị thương”. cũng như dân làng Xô Man bị chúng giết hại một cách dã man: (anh Xút, bà Nhan, mẹ con Mai…)

+ Cây xà nu ham ánh sáng, khí trời, có sức sống mãnh liệt không sức gì tàn phá nổi: Cạnh một cây ngã có bốn năm cây con mọc lên, ngọn xanh rờn hình nhọn mũi tên, lao thẳng lên bầu trời” “Ham ánh nắng mặt trời” “Đạn đại bác không thể giết nổi chúng”. Cũng như các thế hệ người Xô Man trung thành với cách mạng, dũng cảm kiên cường đứng dậy chiến đấu dành tự do: anh Quyết, bà Nhan, Mai, cụ Mết, Tnú, Dít, thằng bé Heng…

Trong quá trình miêu tả cây xà nu, rừng xà nu, nhà văn đã sử dụng phép nhân hóa như một phép tu từ chủ đạo. Ông luôn lấy nỗi đau và vẻ đẹp của con người làm chuẩn mực để nói về xà nu khiến cho xà nu trở thành một ẩn dụ cho con người, 1 biểu tượng của Tây Nguyên bất khuất, kiên cường.

2. Hình tượng nhân vật Tnú:

– Nhân vật được xây dựng qua lời kể của cụ Mết (kể khan), giúp cho tác phẩm mang đậm màu sắc sử thi.

– Nhân vật trung tâm, người anh hùng lí tưởng của cộng đồng, kết tinh vẻ đẹp và sức sống của con người Tây Nguyên.

– Mồ côi cha mẹ, được dân làng Xô Man nuôi dưỡng.

Vẻ đẹp của nhân vật Tnú:

*  Là chàng trai  gan góc, dũng cảm, mưu trí, trung thành với cách mạng.

+ Lúc còn nhỏ:  không sợ gian khổ, nguy hiểm đi làm liên lạc cho anh Quyết. Khi đi liên lạc đưa thư, để tránh sự phục kích của giặc, Tnú thường leo lên cây cao nhất để quan sát, băng rừng rậm, chọn những nơi thác dữ mà đi. Khi bị giặc bắt, Tnú nuốt luôn cái thư, không khai một lời nào dù bị địch tra tấn dã man (trên lưng Tnú ngang dọc vết dao chém). Khi bọn giặc kéo về làng, bắt Tnú khai cộng sản ở đâu anh đặt tay lên bụng dõng dạc nói “cộng sản ở đây này”.

+ Sau khi bị bắt, giam 3 năm rồi vượt ngục trở về làng, Tnú đã nhận lấy trách nhiệm thiêng liêng: cùng với cụ Mết lãnh đạo dân làng chuẩn bị vũ khí đánh giặc. Anh đi 3 ngày đường lên núi Ngọc Linh mang về một gùi đá mài để mài vũ khí.

(Tnú vượt ngục trở về làng đúng vào lúc kẻ thù khủng bố dữ dội hòng dập tắt cuộc đấu tranh giành tự do của dân làng Xô Man: anh Quyết đã hi sinh, dân làng nhiều người bị giặc giết hại).

+ Trong giờ phút đau thương nhất (vợ con bị giặc sát hại, bản thân cận kề cái chết,…), Tnú vẫn không mất niềm tin và ý chí chiến đấu. Trong đầu anh chỉ nghĩ đến nếu mình chết ai sẽ thay anh lãnh đạo dân làng đánh giặc? Cụ Mết thì đã già…

+  Lúc 10 đầu ngón tay bị thằng Dục đốt cháy: Tnú đau đớn đến cùng cực “anh nghe lửa cháy trong lồng ngực, cháy ở bụng…’’ nhưng quyết không kêu van mà cắn chặt môi…

+ Sau khi được giải cứu: Tnú không nhụt chí mà gia nhập lực lượng Giải phóng quân, lên đường đi chiến đấu, chiến thắng kẻ thù. Với đôi bàn tay mà mỗi ngón chỉ còn có 2 đốt, Tnú đã bóp chết tên chỉ huy đồn giặc.

* Gắn bó sâu nặng với quê hương, gia đình:

– Gắn bó với quê hương:

+ Ngay từ nhỏ đã sớm có ý thức trách nhiệm với buôn làng: cùng với buôn làng tìm cách tiêu diệt giặc. Đi nuôi cán bộ; lo học chữ mới làm được cán bộ và giúp dân làng đánh giặc.

+ Khi xa làng đi chiến đấu: Tnú nhớ da diết tiếng chày vang lên mỗi buổi chiều; nhớ từng gốc cây trên lối đi, từng khuôn mặt người già, hòa mình vào dòng suôí trong mát cho thỏa nỗi nhớ mong khi về thăm làng 1 ngày.

+ Xem làng Xô Man như gia đình của mình: mồ côi từ nhỏ, được dân làng nuôi lớn; khi quay trở về, dù không còn gia đình riêng nhưng anh không cảm thấy lẻ loi, đơn độc.

– Yêu thương vợ con:

+ Không đi Kon Tum mua vải được, Tnú xé đôi tấm giồ của mình ra làm tấm choàng cho Mai địu con.

+ Chứng kiến cảnh vợ con bị tra tấn, Tnú rất đau lòng và xông vào cứu, che chở cho vợ con.

+ Trở về thăm làng, từng kỉ niệm xưa như trỗi dậy. Anh nhớ từ lúc Mai còn là một cô bé hồn nhiên, nhanh nhẹn, tiếng nói lanh lảnh…đến khi cô là một thiếu nữ. Qua nơi gặp gỡ Mai ngày xưa, kỉ niệm cũ như cứa vào lòng anh…

+ Ngồi bên bếp lửa, nhìn thoáng qua khuôn mặt Dít, anh như ngỡ Mai còn sống…

⇒ Cuộc đời bi tráng và con đường đến với CM của Tnú điển hình cho con đường đến với CM của người dân Tây Nguyên, góp phần làm sáng tỏ chân lí của thời đại: phải dùng bạo lực CM để tiêu diệt bạo lực phản CM; đấu tranh vũ trang là con đường tất yếu để tự giải phóng.

 Hình tượng đôi bàn tay Tnú:

* Đôi bàn tay khi còn nguyên vẹn, lành lặn:

+ Cầm phấn viết chữ – bàn tay quyết tâm.

+ Cầm đá đập vào đầu – bàn tay tự trừng phạt và nêu cao quyết tâm.

+ Chỉ tay vào bụng để dõng dạc nói “CS ở đây” – bàn tay trung thành.

+ Sau khi vượt ngục, Tnú nắm tay Mai và xây dựng hạnh phúc với Mai – bàn tay yêu thương.

+ Trước sự tra tấn của kẻ thù với vợ con, tay Tnú bứt đứt hàng chục trái vả mà không hay – bàn tay căm thù.

+ Tnú xông ra, dang 2 cánh tay … ôm chặt lấy mẹ con Mai – bàn tay nghĩa tình.

* Đôi bàn tay khi bị hủy hoại:

+ Bị đốt 10 đầu ngón tay – Bàn tay đau đớn và tật nguyền.

+ 10 ngón tay thành 10 ngọn đuốc. Tnú “nghe lửa cháy trong lồng ngực … thét lên … nhiều tiếng thét dữ dội hơn … tiếng “Giết”…tiếng chân người đạp trên sàn nhà ưng ào ào…” – Bàn tay khơi dậy lòng căm thù và dũng khí giết giặc.

+ Tnú nhận nhiệm vụ giết giặc, dùng bàn tay cụt bóp cổ tên giặc – Bàn tay trừng phạt và quả báo.

3. Hình tượng cụ Mết, Dít, Heng

* Cụ Mết:

– Quắt thước, mắt sáng, ngực căng như một cây xà nu lớn, giọng nói dội vang trong lồng ngực.

– Trầm tĩnh, sáng suốt, quyết đoán.

– Là cầu nối giữa buôn làng và Đảng, lãnh đạo dân làng nổi dậy giết giặc.

– Kể lại câu chuyện của Tnú để lưu truyền trang sử bất khuất của dân tộc mình.

Cụ Mết là linh hồn trong cuộc kháng chiến của dân làng Xô Man. Cụ là hình ảnh cội nguồn của các dân tộc Tây Nguyên. Là người lưu giữ và truyền kể ngọn lửa truyền thống từ quá khứ đến hiện tại và tương lai.

* Dít: Gan góc, dũng cảm, là cán bộ cách mạng giàu lòng yêu nước. Tiêu biểu cho thế hệ cách mạng hiện tại.

* Heng:  Heng là hình ảnh của Tnú lúc nhỏ. Là lực lượng cách mạng của thế hệ tương lai.

4. Nghệ thuật.

– Không khí, màu sắc đậm chất Tây Nguyên thể hiện ở bức tranh thiên nhiên; ở ngôn ngữ, tâm lí, hành động của các nhân vật.

– Xây dựng thành công các NV vừa có những nét cá tính sống động vừa mang những phẩm chất có tính khái quát, tiêu biểu.

– Khắc họa thành công hình tượng cây xà nu – một sáng tạo nghệ thuật đặc sắc tạo nên màu sắc sử thi và lãng mạn bay bổng cho thiên truyện.

– Lời văn giàu hình ảnh, nhạc điệu, khi thâm trầm, khi tha thiết, trang nghiêm,….

5. Ý nghĩa văn bản

Ngợi ca tinh thần bất khuất, sức mạnh quật khởi của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên nói riêng, đất nước, con người Việt Nam nói chung trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và khẳng định chân lí của thời đại: để giữ gìn sự sống của đất nước và nhân dân, không có cách nào khác là phải cùng nhau đứng lên cầm vũ khí chống lại kẻ thù.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.