Sự tích hoa lay-ơn

su-tich-hoa-lay-on

Sự tích hoa lay-ơn

Hoa lay-ơn hay còn gọi là “kiếm lan” là một loài hoa có lá hình lưỡi kiếm sắc nhọn, hoa có màu đỏ như máu tươi. Vẻ đẹp của hoa lay-ơn gắn với một câu chuyện vô cùng bi thương.

Sau một trận tấn công tàn phá và chiếm thành Tơrevơ, viên tướng Becbagôla cho mang về thành Rôma nhiều tù binh và chiến lợi phẩm, trong đó có hai người tù binh trẻ tuổi.

Khỏe mạnh, đẹp trai và dũng cảm, đúng với kiểu mẫu lý tưởng của những La mã cổ đại, hai chàng tù binh, đến lượt mình, lại chiếm được tình yêu của hai cô con gái ngọc ngà của viên tướng chiến thăng. Tình cảm của hai cô gái ngày càng say đắm, cho đến khi không thể không lộ ra, đã lọt đến tai người cha độc đoán.

Cảm thấy đó là điều sỉ nhục không thể chấp nhận, Becbagôla quyêt định trừng phạt họ, hai chàng trai và cả con gái mình, bằng một hình phạt độc ác bắt hai chàng trai đấu kiếm với nhau cho đến khi một trong hai người phải chết. Như vậy, kẻ muốn sống phải là kẻ giết bạn mình.

Ngày xử tội đã đến. Sáng ấy, kinh thành Rôma đông nghịt người. Trên đấu trường trước mặt viên tướng và mọi người, tất nhiên có cả hai cô gái, hai tù binh trẻ được giao tận tay hai thanh kiếm sắc.

Hai chàng tù binh một lúc sau mới hiểu ra cái việc mà người ta bắt họ phải làm. Họ cúi nhìn lưỡi kiếm, khẽ ướm ngón tay trỏ lên mũi kiếm như để xem nó có thật bén hay không. Hình như họ đã hiểu ra âm mưu độc ác của viên tướng già thành Rôma. Gần như cùng một lúc, họ ngẩng nhìn nhau, và giữ tư thế ấy mãi đến hơn một phút, môi không mấp máy một lời.

Rồi cả hai người bước lui một bước, giơ cao thanh kiếm khiến chúng loáng lên màu trắng sáng. Theo đúng tục lệ thi đấu, hai người làm những động tác chào nhau.

Trên bậc thềm, viên tướng già mỉm cười nham hiểm.

Hai chàng tù binh cùng bước lên một bước, hoa thanh kiếm trên không rồi quả quyết lao tới, cánh tay hướng về phía trước…

Những người yếu bóng vía trong đám người xem vội vàng lấy tay che mắt. Những người tò mò thì cố căng mắt để theo dõi đường kiếm quyết liệt đầu tiên. Nhưng bất ngờ, cả hai đấu sĩ đều cúi xuống, cắm phập lưỡi kiếm xuống mảnh đất trước chân mình. Khi họ đứng lên, cả hai thanh kiếm cũng phập sâu xuống đất đến một phần ba, phần còn lại đang rung lên bần bật như cành hoa trước gió. Hai đấu sĩ nhìn thẳng vào mắt nhau như muôn nói điều gì, rồi bỗng lao vào nhau, ôm chặt nhau trong hai vòng tay.

Cả quảng trường bàng hoàng sửng sốt. Nhưng họ chưa kịp bình tĩnh lại thì không biết từ đâu, hai lưỡi kiếm đã hoa lên. Rất ít người kịp nhận ra hai cái đầu rớt xuống và sau đó hai thây người cũng đố vật, từ đó máu trào ra như suối.

Sáng hôm sau, dân thành Rôma trở dậy, đi qua quảng trường, họ hết sức kinh ngạc khi nhìn thấy một cây hoa lạ lùng; giữa những chiếc lá dài nhọn hoắt, xanh màu thép lạnh, là những cành hoa dài với những cánh hoa mỏng xếp chồng lên nhau thành chuỗi, rực rỡ màu đỏ thắm.

Nhiều năm sau, cây hoa từ quảng trường đẫm máu ấy của thành Rôma đã trở thành loài hoa quý trong các khu vườn của thành phố, người ta gọi đó là hoa lưỡi kiếm. Người Pháp theo cách đọc của người Rôma, gọi hoa ấy là hoa lay-ơn (Glaieul).

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.