Suy nghĩ: Thích một bài thơ, theo tôi nghĩ, trước hết là thích một cách nhìn, một cách nghĩ, một cách xúc cảm, một cách nói, nghĩa là trước hết là thích một con người

suy-nghi-thich-mot-bai-tho-theo-toi-nghi-truoc-het-la-thich-moot-cach-nhin-mot-cach-nghi-mot-cach-xuc-cam-mot-ca

Thích một bài thơ, theo tôi nghĩ, trước hết là thích một cách nhìn, một cách nghĩ, một cách xúc cảm, một cách nói, nghĩa là trước hết là thích một con người (Hoài Thanh).

“Thích một bài thơ, theo tôi nghĩ, trước hết là thích một cách nhìn, một cách nghĩ, một cách xúc cảm, một cách nói, nghĩa là trước hết là thích một con người”. (Tuyển tập Hoài Thanh, tập II, Nhà xuất bản Văn học, Hà Nội, 1982)

Anh (chị) suy nghĩ như thế nào về ý kiến trên?

1. Giải thích:

“Thích” (hay yêu thích): là trạng thái, sắc độ cảm xúc yêu mến, nghiêng về cảm tính, khoái cảm.

“Cách nhìn; cách nghĩ; cách cảm xúc”: cách nhìn nhận, suy nghĩ, đánh giá thể hiện cá tính đọc đáo.

“Thích một bài thơ” có nghĩa là tác phẩm ấy phải có sức hấp dẫn riêng. Có nhiều yếu tố để gợi ra đam mê nghệ thuật, trước hết là một cách nghĩ, một cách xúc cảm tức sức hấp dẫn về nội dung; một cách nói hay sức hấp dẫn từ hệ thống các phương tiện biểu đạt. Tựu trung lại là thích một con người. Con người ở đây không đơn thuần hay đồng nhất với con người ngoài đời mà đó là một cá tính văn chương, một gương mặt nghệ thuật riêng.

– Chữ “một” điệp lên như một nốt nhấn, làm nổi bật tính duy nhất, riêng có của tác phẩm nghệ thuật. Một con người thực chất là phong cách nghệ thuật.

Ý kiến của Hoài Thanh khẳng định: thích một bài thơ trước hết là thích một con người, thích phong cách của nhà thơ đó. Phong cách ấy phải thể hiện ở cả hai phương diện nội dung và hình thức. Phong cách ấy phải độc đáo (một cách), và chỉ khi đạt tới sự độc đáo về cả bốn phương diện (cách nhìn, cách nghĩ, cách cảm, cách nói) thì mới có khả năng tạo nên khoái cảm thẩm mĩ cho người đọc. Đồng thời ý kiến còn đề cập đến vấn đề tiếp nhận văn học (mối quan hệ giữa người đọc và tác phẩm, tác giả).

2. Bình luận.

a, Tại sao thích một bài thơ… trước hết là thích một con người, một phong cách?

– Xuất phát từ yêu cầu của sáng tạo nghệ thuật nói chung và thơ nói riêng: một bài thơ hay là bài thơ có cách nhìn, cách nghĩ, cách xúc cảm, cách nói mới mẻ, độc đáo. (Có thể liên hệ đến ý kiến của Xuân Diệu, Nguyễn Tuân, Nam Cao… để làm sáng tỏ điều này).

– Xuất phát từ đặc trưng của thơ ca: thơ là tiếng nói trữ tình. Mỗi bài thơ phải thể hiện một cách chân thực vẻ đẹp tâm hồn, cá tính của chủ thể sáng tạo. ý kiến của Hoài Thanh gần gũi với ý kiến của Buy-phông: “Phong cách chính là người”

b. Nhận định của Hoài Thanh nêu lên sự gặp gỡ tri âm giữa người sáng tác và người tiếp nhận văn học:

– Đây là một nhận định đúng đắn, sâu sắc. Một bài thơ hay phải là một giá trị độc đáo, một kết tinh của tình cảm thẩm mĩ. Một người yêu thích văn chương phải là người có tâm hồn nhạy cảm, biết rung động, biết khám phá giá trị độc đáo của tác phẩm, từ tác phẩm mà nhận ra phong cách của nhà văn.

– Ý kiến trên đây cho thấy nguyên tắc thẩm mĩ của Hoài Thanh: “lấy hồn tôi để hiểu hồn người‖. Hoài Thanh từng nói, với bài thơ hay ông thường ngâm đi ngâm loại, thường triền miên trong đó. Như vậy, người tiếp nhận phải có khả năng nhập thân và đồng sáng tạo cao độ.

– Tuy nhiên, thích và đồng sáng tạo không có nghĩa là bình tán, suy diễn tùy tiện, gượng ép mà phải trên cơ sở hiểu được bản chất, quy luật sáng tạo nghệ thuật, hiểu được mối quan hệ biện chứng giữa nội dung và hình thức của tác phẩm văn học.

3. Đánh giá.

– Qua nhận định của Hoài Thanh giúp bạn đọc thức nhận được điều làm nên vẻ đẹp, sức hấp dẫn của một thi phẩm có nhiều yếu tố như tính dân tộc, tính nhân loại… nhưng điều tiên quyết vẫn là gương mặt nghệ thuật riêng, Mỗi nhà thơ phải có một dạng vân chữ không trộn lẫn.

– Nhạn định gửi đến bài học sâu sắc cho người nghệ sĩ trong sáng tạo nghệ thuật và bài học tiếp nhận cho bạn đọc thơ.

Bài văn tham khảo:

  • Mở bài:

Âm điệu những vần thơ tự bao giờ đã ngân vang trong trái tim. Là giọng ru ngọt ngào của mẹ, là câu thơ dậy lên màu xanh mướt của ruộng đồng, là tiếng ca lảnh lót của niềm yêu đời… Mỗi bài thơ mở ra một hình sắc riêng, một cảm xúc riêng về thế giới. Nhận xét về sức quyến rũ của thi ca, nhà phê bình Hoài Thanh cho rằng: “Thích một bài thơ, theo tôi nghĩ, trước hết là thích một cách nhìn, một cách nghĩ, một cách xúc cảm, một cách nói, nghĩa là trước hết là thích một con người”.

  • Thân bài:

Cảm nhận thơ ca đòi hỏi một tâm hồn tinh tế, nhạy cảm. Một bài thơ là nguồn phát ra những tần sóng dao động phong phú, mà mỗi người đọc tuỳ sở trường, cách nghĩ riêng sẽ lấy tần số tâm hồn mình mà giao thoa. Thích một bài thơ, có ai giống ai đâu. Tuy nhiên, có thể tạm qui về những tiêu chuẩn nào đó.

Ý kiến của Hoài Thanh thật là có lí: “Thích một bài thơ… trước hết là thích một cách nhìn, một cách nghĩ, một cách xúc cảm, một cách nói, nghĩa là trước hết là thích một con người”. Thích là trạng thái, sắc độ cảm xúc yêu mến, nghiêng về cảm tính, khoái cảm. Đứng trước một bài thơ mà như bị nam châm hút, ấy là thích vậy. Nói thích một bài thơ có nghĩa là tác phẩm ấy phải có sức hấp dẫn riêng. Có nhiều yếu tố để gợi ra đam mê nghệ thuật, theo người viết, trước hết là một cách nghĩ, một cách xúc cảm tức sức hấp dẫn về nội dung; một cách nói hay sức hấp dẫn từ hệ thống các phương tiện biểu đạt.

Tựu trung lại là thích một con người. Con người ở đây không đơn thuần hay đồng nhất với con người ngoài đời mà đó là một cá tính văn chương, một gương mặt nghệ thuật riêng. Như vậy, bằng năng lực cảm nhận thơ tinh tế, nhà phê bình đã nói lên một khía cạnh trong vẻ đẹp thơ, đó là sự sáng tạo. Chữ một điệp lên như một nốt nhấn, làm nổi bật tính duy nhất, riêng có của tác phẩm nghệ thuật. một con người thực chất là phong cách nghệ thuật.

Trong xã hội có vô vàn những cá tính, hình hài riêng thì trong thơ cũng vậy, muôn hình muôn vẻ. Sẽ ra sao nếu bài thơ nào cũng nhác giống nhau? Văn chương sẽ đi về đâu nếu tác phẩm này là bản sao của tác phẩm kia? Khi ấy, liệu người đọc có còn say mê ngâm nga những dòng thơ. Cho nên, một bài thơ hay, có sức sống, theo Hoài Thanh, gồm nhiều yếu tố, nhưng trước hết phải mới mẻ, độc đáo, in dấu một phong cách riêng biệt. Mỗi tứ thơ phải như viên ngọc long lanh, lấp lánh toả ra thứ ánh sáng riêng. Nó cuốn người đọc vào tâm xoáy của cảm xúc, làm say mê bằng nhịp điệu, ngôn ngữ. Sáng tạo có thể xem là yếu tố đầu tiên của thơ hay vậy.

Xuất phát từ suy nghĩ cá nhân, song dường như bằng sự trải nghiệm của một đời nghiên cứu, Hoài Thanh đã đồng cảm được những trăn trở của nhiều người đọc khi đến với một bài thơ hay. Ai từng băn khoăn trước một câu ca dao ngọt ngào, từng say đắm một vần thơ sẽ rất thấm thía điều này. Quy luật tiếp nhận cho thấy dường như có một vận động trái ngược. Những tác phẩm không có gì mới sẽ bị thời gian đào thải. Nhắc đi nhắc lại điều đã cũ, diễn lại một vài cách rất quen, cũng giống như con khướu, con vẹt bắt chước tiếng người; sớm muộn ngày một ngày hai sẽ phôi pha.

Lại có những tác phẩm mãi tồn tại như một dấu khắc trong trái tim muôn người, không thôi được luận bàn. Nó ẩn chìm bao tầng sâu ngữ nghĩa, bao lớp ngôn từ độc đáo mà mỗi người đọc bằng sự tìm tòi riêng sẽ thấy những tầng nghĩa lấp lánh. Không phải ngẫu nhiên mà Leptônxtôi từng tâm niệm: khi đứng trước một nhà văn, điều đầu tiên chúng ta bao giờ cũng hỏi liệu anh ta có đem đến một cái nhìn mới, một cách thể hiện mới hay không?

Hình ảnh đất nước quyện trong nỗi nhớ hương cốm mới, từng ngỡ ngàng vì sao một chút hương mong manh thế, thảng hư thế mà vương được hồn quê từng làm me hoặc biết bao tâm hồn. Cứ ngỡ đó là một đất nước đẹp nhất. Vậy mà đến với chương V, Mặt đường khát vọng của Nguyễn Khoa Điềm, đất nước một lần nữa sống dậy trong ta. Gần gũi mà thiêng liêng. Quá khứ trong hiện tại. Vô hình trong hữu hình. Đất nước đâu gì xa lạ mà ngay trong miếng trầu bây giờ bà ăn. Câu thơ nghiêng nghiêng cái nhìn của huyền thoại, của truyền thống văn hoá từ nghìn đời. Mới hay, mỗi bài thơ là một hình sắc riêng. Người đọc đến với tác phẩm là để tìm những suy nghĩ sâu sắc, thấm thía một cách nhìn, một cách nghĩ, một cách xúc cảm say mê trong khoái cảm thẩm mĩ mà một cách nói đem lại.

Ý kiến của nhà phê bình có lẽ cũng có nguyên cớ từ bản chất sáng tạo của lao động nghệ thuật. Con chim cất tiếng hót mong lưu lại giọng ca lảnh lót. Nghệ sĩ cầm bút ai chẳng nguyện đem đến một tiếng nói mới mẻ, độc đáo. Sáng tác nghệ thuật không phải là công việc sản xuất hàng loạt. Nó là sản phẩm cá thể, cá nhân thi sĩ làm. Tác phẩm càng không phải là sự cộng ghép giản đơn từ người này hay người khác.

Sẽ ra sao nếu tác phẩm này song sinh với tác phẩm kia. Lối đi của văn chương muôn đời không phải con đường thẳng duy nhất, nó là vô vàn ngã rẽ, là đại dương dạt dào hợp lưu từ muôn dòng chảy. Không sáng tạo, lặp lại người, lặp lại mình kể như là cái chết của nghệ thuật vậy. Làm sao để từ một nguồn vút lên những âm thanh, từ một cung đàn ngân bao cung bậc. Eptusencô có lí khi nói rằng: tự tử với đời nghệ sĩ không phải phát súng hay sợi dây thừng mà khi ngồi vào bàn viết, không đem đến một cái gì mới mẻ thì hoá ra anh đã tự tử từ lâu rồi.

Nhìn vào lịch sử văn chương có thể thấy diện mạo đa dạng, phong phú của các gương mặt nghệ thuật. Điều này lí giải vì sao thơ ca cho đến bây giờ vẫn là sự hấp dẫn vĩnh viễn, vẫn không ngừng sinh sắc. Cùng viết về tình yêu, trái tim nghệ sĩ Tagor muốn dành cho người yêu tất cả những gì đẹp nhất, có đôi mắt nào băn khoăn nhìn vào thăm thẳm trái tim người thương để suy tư, để trăn trở. Còn Puskin, một trái tim hồn hậu, vị tha, vừa bốc men say sưa vừa dịu lắng vào lí trí tỉnh táo lại tìm đến lẽ cao thượng: “Cầu em được người tình như tôi đã yêu em”.

Không lặp lại người khác đã đành, sáng tạo nghệ thuật cũng không chấp nhận sự lặp lại của một cá nhân. Bởi đâu cùng viết về mùa thu đồng bằng Bắc bộ mà mỗi bài thơ trong chùm ba của Nguyễn Khuyến vẫn làm bao trái tim người rung động. Một thoáng thẹn, một chút bâng khuâng ngơ ngẩn trong Thu vịnh. Một chút man mác buồn của những câu thơ ngậm nỗi niềm thời thế trong Thu điếu. Một mình một chén mắt đỏ hoe trong Thu ẩm. Ấy là tâm hồn Yên Đổ, tài năng Yên Đổ. Trái tim nghệ sĩ như dây dăng giữa đất trời, chút gió thoảng qua, làm sao chẳng ngân rung một nhịp riêng. Thế nên một điệu tâm hồn mà vút lên nhiều cung bậc, ba bài thơ thu mà bài nào cũng thoát bay một ý vị riêng, một sức hấp dẫn riêng. Mới thấm thía muôn đời là sự đi về của sáng tạo.

Từ trái tim đến trái tim, thơ bắc nhịp cầu giao cảm bằng những nghĩ suy sâu sắc. Hấp dẫn người đọc, thơ trước hết phải có một cách nhìn, một cách nghĩ, một cách xúc cảm là như vậy. Song chẳng lẽ chỉ cảm xúc mãnh liệt là đủ thôi sao? Thơ cần có đôi cánh nghệ thuật để nâng đỡ sức mạnh trái tim. Sự hài hoà giữa nội dung và hình thức mãi là quy luật văn chương muôn đời vậy.

Thơ rất cần những ý tứ sâu sắc, những ý tứ ấy phải được chuyển tải trong một hệ thống các phương tiện biểu hiện độc đáo. Thế nên có nhà thơ từng tâm niệm: “Thơ hay là hay cả hồn lẫn xác” (Xuân Diệu). vàCâu thơ hay là câu thơ giàu sức gợi (Lưu trọng Lư). Một suy nghĩ rất sâu sắc nếu chuyển tải trong hình thức vụng về sẽ không đủ sức hấp dẫn. Lớp ngôn từ sắc sảo mà thiếu đi vẻ đẹp nội dung cũng phù phiếm như bông hoa làm bằng vỏ bào vậy. Đọc thơ Xuân Hương, người đọc như bị cuốn vào tâm xoáy của bão táp cảm xúc. Dẫu là tiếng thơ trào lộng hay lắng vào tâm tình sâu xa thì nổi lên vẫn là một cá tính ngang tàng. Ngôn ngữ thơ gai góc, gập ghềnh như cái đứt gãy tự bên trong trái tim nữ sĩ.

Nếu thơ Bà Huyện Thanh Quan cổ kính, trang nhã như một tòa thành, một lâu đài thì thơ Xuân Hương tươi sắc, phong phú như đồng ruộng, nước non. Một cá tính mạnh mẽ đâu thể dung hợp trong thi pháp tĩnh tại mà phải dồn trong thế giới thơ sống động. Người ta yêu thích thơ nữ sĩ họ Hồ có lẽ cũng bởi lần đầu tiên sự sống sinh sắc như thế trong thơ. Bông hoa làm say lòng người bởi hương thơm và màu sắc. Thơ giữ mãi ngọn lửa rực cháy qua bao thế hệ một phần bởi sức sáng tạo kì diệu của nó.

Đã bao lần đứng trước mùa thu, lắng nghe nhịp đến nhịp đi của mùa lòng không khỏi bâng khuâng, náo nức mà không sao nói lên lời. Chỉ khi đến với những vần thơ Nguyễn Khuyến, Xuân Diệu…mới thấy từng nhịp thổn thức đang lắng trong từng con chữ. Song không phải vì cùng một đề tài mà hai nhà thơ chỉ có nét giống nhau. Đọc Thu vịnh và Đây mùa thu tới, ta vẫn nhận ra những xao xuyến riêng. Thu của cụ Tam Nguyên là mùa thu ở nông thôn, đượm vẻ buồn đồng ruộng, còn thu của Xuân Diệu lại bâng khuâng cái cảm xúc thị thành. Một bên mùa thu đã hoàn tất còn một bên thu vừa mới chớm. Một bên trước thu mà gợi tình, một bên tìm cảm xúc vương mang trong nhịp bước của nàng thu. Một bên là đối khách còn bên này là kẻ đi tìm mình trong thu. Ngay cảnh vật thôi, cách miêu tả thật khác. Ám ảnh đến thế màu xanh vời vợi trong thơ cổ nhân:

“Trời thu xanh ngắt mấy tầng cao
Cần trúc lơ phơ gió hắt hiu”

Một màu xanh ngắt là cái cao rộng, không cùng của đất trời cũng là điểm xoáy đậm đặc của con mắt yêu say. Không gắn bó với quê hương, thi sĩ có lẩy ra được từ đất trời một màu xanh thăm thẳm đến thế. Người Việt Nam ai chẳng một lần rung động trước màu xanh ấy. Cũng là sắc thu nhưng cảm quan thi sĩ Thơ mới lại bắt được khoảnh khắc thu phôi phai trong sắc lá: “Với áo mơ phai dệt lá vàng”.

Mơ phai là màu gì? Không rõ. Câu thơ nhập nhòa giữa thực và hư. Đó là cái nhòe đi của cảm xúc hay cảnh vật đang sinh sắc trong thơ. Cũng là màu vàng từng in dấu qua bao tác phẩm thi ca cổ điển, nhưng bước vào thơ Xuân Diệu nó lại tái sinh một sắc mới. Ấy là màu của mùa thu hay là màu sắc trái tim nghệ sĩ. Nếu Thu vịnh đem đến một mùa thu gợi cảm, tinh tế bằng bút pháp cổ điển thì Đây mùa thu tới lại hấp dẫn bằng bút pháp tả thực. Người đọc chạm đến từng con chữ là chạm tới bước đi của mùa.

Cảnh đã khác, tình cũng đổi thay. Khoảnh khắc thu sang, thi sĩ họ Nguyễn chạnh một chút bâng khuâng, một cái thẹn vút lên nhân cách sáng ngời. Tiếng ngỗng giữa không trung rơi vào khoảng lặng vắng chơi vơi của trái tim người. Chút ngẩn ngơ, bâng khuâng ấy chẳng phải còn mãi ám ảnh người đọc hay sao. Với thi sĩ Thơ mới, cảm xúc không nghiêng về nỗi niềm ưu thời mẫn thế của cổ nhân mà man mác sầu buồn. Tâm trạng đi chênh vênh giữa náo nức và tủi sầu. Cái động thái tựa cửa nhìn xa nghĩ ngợi gì khép lại bài thơ mà vẫn để lại giữa không cùng một cái nhìn vô định, mông lung.

Thế đấy, mùa thu bao lần đi qua, mỗi khoảnh khắc trái tim thi sĩ lại rung lên một nhịp riêng. Giữa bao vần thơ thu, mãi đi về trong trái tim ta một Thu vịnh, một Đây mùa thu tới. Có phải những tác phẩm ấy đã hấp dẫn chúng ta, mãi sinh sắc, xanh tươi bởi mạch nguồn sáng tạo. Thế mới hay thích một bài thơ…trước hết là thích một con người. Một Nguyễn Khuyến lắng vào thâm trầm. Một Xuân Diệu băn khoăn gửi cái buồn vương vất vào hư không.

  • Kết bài:

Ý kiến của Hoài Thanh nhấn vào cái hấp dẫn trước hết của một bài thơ. Làm nên vẻ đẹp một bài thơ có nhiều yếu tố: tính dân tộc, tính nhân loại…nhưng cái tiên quyết vẫn là gương mặt nghệ thuật riêng. Có những bài thơ sáng tạo, hấp dẫn người đọc bằng chính sự chân thành. Thêm nữa, sáng tạo bao giờ cũng phải có gốc rễ sâu xa từ truyền thống. Cho nên, thích thú một bài thơ vì nó là mạch chảy bắt nguồn từ truyền thống vậy. Suy nghĩ của Hoài Thanh không chỉ hợp lí cho sự tiếp nhận thơ nói riêng mà với cả văn học nói chung. Càng thấm thía bài học với nghệ sĩ: muốn tạo ra những tác phẩm có giá trị, có sức sống phải sáng tạo. Vẫn âm vang mãi nhịp mùa thu trong những vần thơ ấy.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.