Suy nghĩ về câu tục ngữ Trăm hay không bằng tay quen

suy-nghi-ve-cau-tuc-ngu-tram-hay-khong-bang-tay-quen

Suy nghĩ về câu tục ngữ: Trăm hay không bằng tay quen.

  • Mở bài:

– Mối quan hệ giữa nhận thức và thực tiễn, lý thuyết và thực hành, học và hành được con người quan tâm, nghiên cứu từ trước đến nay.

– Nhân dân ta đã tổng kết kinh nghiệm vể mối quan hệ đó qua câu tục ngữ: Trăm hay không bằng tay quen.

  • Thân bài:

1. Giải thích:

“Trăm hay”: Lý thuyết thu nhận được đưa qua sách vở hoặc qua sự hướng dẫn của người khác →  biết nhiều kiến thức, hiểu biết thông thái.

– “Tay quen”: Tay làm nhiều nên quen, tự mình thực hành đến mức thành thạo, đúc rút nhiều kinh nghiệm → giỏi thực hành.

→ Ý nghĩa khái quát của câu tục ngữ:

+ Đúc rút kinh nghiệm trong nhận thức và thực tiễn lao động của nhân dân ta: đề cao vai trò của ứng dụng thực hành hơn hiểu biết lí thuyết.

+ Thể hiện tư tưởng nhân sinh của dân tộc vốn yêu lao động, cần cù chăm chỉ.

+ Thể hiện mặt hạn chế trong việc đánh giá mối quan hệ giữa lí thuyết và thực hành, nhận thức và thực tiễn.

2. Chứng minh:

a. Phân tích, khẳng định những mặt đúng, tích cực của câu tục ngữ:

– Vận dụng lý lẽ và dẫn chứng để xác định tầm quan trọng của việc thực hành:

+ Chỉ giỏi lý thuyết, có hiểu biết nhiều nhưng không biết áp dụng vào thực tiễn thì chỉ là nói suông, nói hay làm dở

+ Thực hành giỏi giúp con người vận dụng kiến thức, kĩ năng đã học để làm ra những sản phẩm có chất lượng cao phục vụ cuộc sống.

+ Chỉ có việc ứng dụng thành thạo mới mang lại hiệu quả thiết thực cho bản thân, cho xã hội.

– Ví dụ:

+ Một số tấm gương tự học, sớm tiếp xúc với thực tế của các nhà văn Macxim Gorki, Nguyên Hồng, Tô Hoài giúp đúc rút kinh nghiệm nghề nghiệp và vốn sống quí báu

+ Câu nói: Trường đời là trường đại học của tôi; Đi một ngày đàng học một sàng khôn…

b. Phân tích những khía cạnh hạn chế của câu tục ngữ:

– Vận dụng lý lẽ và dẫn chứng để chỉ ra tầm quan trọng và tác dụng của lý thuyết:

+ Lý thuyết vẫn có vai trò quan trọng hướng dẫn, chỉ đạo và nâng cao hiệu quả cho việc thực hành

+ Xem thường lý thuyết, chỉ tin vào sự quen tay sẽ dẫn đến kết quả phiến diện, hậu quả khôn lường.

– Ví dụ: Nhu cầu đổi mới và thực tiễn sản xuất hiện đại.

+ Ở Việt Nam, việc nuôi trồng thủy hải sản, sản xuất nông nghiệp không chỉ dựa vào kinh nghiệm truyền đời của đất nước có truyền thống nông nghiệp mà phải dựa trên ứng dụng khoa học công nghệ, kĩ thuật tiên tiến trên thế giới.

+ Những làng nghề truyền thống như rượu làng Vân, lụa Hà Đông, gốm Bát Trang…không thể nâng cao chất lượng sản phẩm nếu không ứng dụng kiến thức khoa học tiên tiến

c. Mở rộng bàn luận:

– Phê phán những quan niệm chỉ đề cao lí thuyết, xem nhẹ thực hành.

– Khẳng định mối quan hệ khăng khít biện chứng giữa lý thuyết và thực hành (thực hành bổ sung cho lý thuyết, lý thuyết hướng dẫn cho thực hành).

d. Bài học nhận thức và hành động:

– Xác định thái độ đúng đắn: giữa lí thuyết và thực hành có mối quan hệ tác động tương hỗ, không thể coi nhẹ hoặc đề cao quá mức mặt nào. Học phải đi đôi với hành.

– Thực hành dưới sự định hướng của lý thuyết, lý thuyết phải luôn luôn đi đôi với thực hành, lý thuyết được kiểm nghiệm qua thực hành. Thực hành bổ sung và nâng cao lý thuyết.

  • Kết bài:

– Khẳng định vấn đề: Kết hợp chặt chẽ giữa thực hành với lý thuyết mới làm nên thành công. Kế thừa tư tưởng của người xưa nhưng có phê phán, sáng tạo không rập khuôn, máy móc.

Bài văn tham khảo:

  • Mở bài:

Từ xưa đến nay, mỗi quan hệ giữa lí thuyết và thực hành trở thành quan tâm của mọi người. Xuất phát từ thực tế của một nền kinh tế chậm triển trước kia, ông cha ta nói “Trăm hay không bằng tay quen”. Câu tục ngữ trên nhằm đề cao vai trò của thực hành quan trọng hơn lý thuyết. Vậy nội dung ấy đúng hay sai? Ngày nay ta cần hiểu quan niệm như thế nào cho hợp lí?

  • Thân bài:

Câu tục ngữ có hai vế: “Trăm hay” là cách nói mộc mạc, có nghĩa là biết hàng trăm điều tức là biết nhiều, lí thuyết giỏi. Còn “tay quen” có nghĩa là thaọ việc, làm thuần thục, nói cách khác là thực hành giỏi, thành thạo công việc. Như vậy, câu tục ngữ “Trăm hay không bằng tay quen” muốn khẳng định biết lí thuyết nhiều cũng không thể bằng thói quen thành thạo công việc.

Nếu lấy chất lượng, số lượng sản phẩm được làm ra để làm thước đo năng lực, để đánh giá người lao động thì ý nghĩa câu tục ngữ trên là đúng. Bởi thực hành mới trực tiếp sản xuất ra hàng hoá, mới làm ra của cài vật chất. Và tất nhiên phải quen tay mới thuần thục công việc cho nên người lao động, công nhân mới làm ra những sản phẩm có chất lượng và có số lựợng cao.

Trong thực tế, đã có biết bao người hiểu rộng, biết nhiều lí thuyết nhưng khi bắt tay vào thực hành lại lúng túng, dẫn đến thất bại. Ngược lại, có những người không được học hành, không được đào tạo ở một trường lớp nào cả, nhưng với những thực tế lao động, từ những kinh nghiệm trong quá trình rèn luyện được tích luỹ họ trở thành người có tay nghề giỏi. Đó là những người thợ máy lâu năm, những thợ thủ công lành nghề theo kiểu cha truyền con nối nên họ có tay nghề cao, làm việc có hiệu quả ít ai sánh được. Vì lẽ đó mà cha ông ta đã định vai trò quan trọng của thực hành trong đời sống hàng ngày. Đồng thời qua đó ông cha ta cũng có thái độ trân trọng, đề cao người lao động trực làm ra của cải vật chất cho xã hội tiêu dùng. Đối với một nước nông nghiệp lạc hậu thì nội dung câu tục ngữ trên có thế chấp nhận.

Tuy nhiên, bên cạnh điều chấp nhận đó, ta cũng thấy rõ mặt chưa đúng của câu tục ngữ. Bởi lẽ, thói quen kinh nghiệm, thành thạo công việc dù có quan trọng như thế nào cũng không phải là tất cả. Muốn tinh thông nghề nghiệp thì ngoài “quen tay” còn phải có “trăm hay” mới được. Nếu như chỉ “quen tay” thành thạo việc thì người thợ thủ công không thể chuyển công việc của sang sản xuất bằng máy móc để có năng suất cao được. Như vậy tư tưởng “trăm hay không bằng tay quen” không chỉ thể hiện qua việc coi thường học vấn coi thường khoa học mà còn thể hiện tư tưởng tự mãn với thói quen sẵn có của mình; đồng thời nó cũng biểu hiện một khuynh hướng bảo thủ. Bởi vì thành quả của “tay quen” ấy, con người không dễ gì chịu tiếp thu tư tưởng mới, kĩ thuật mới bao giờ. Đó là một trơ ngại cho sự tiến bộ, cho thời đại Khoa học kĩ thuật và kinh tế tri thức.

Ngày nay trong thời đại khoa học kĩ thuật đang phát triển mạnh thì sự hiểu tri thức, “trăm hay” của con người rất là cần thiết. Bởi có “thực hành” nào không cần đến “lí thuyết” đâu. Có nắm vững lí thuyết ta mới thực hành dễ và đạt kết quả cao. Lí thuyết chỉ đạo cho thực hành, và thực hành là để nghiệm lại, bổ sung và nâng cao hoàn thiện cho lí thuyết. Lí thuyết giỏi với thành thạo việc sẽ thúc đẩy sản xuất phát triển nhanh hơn, hiệu quả hơn. Vì vậy ta không nên xem nhẹ bất cứ một mặt nào mà phải kết hợp tác hai chiều giữa lí thuyết và thực hành. Ta cũng nên hiểu rằng có học mà người thực hành chỉ là lí thuyết suông. Thực hành mà không biết lí thuyết thì việc gì cũng gặp khó khăn. Do đó ta mới đánh giá đúng mức mỗi liên quan giữa lí thuyết và thực hành.

  • Kết bài:

Tóm lại, câu tục ngữ “Trăm hay không bằng tay quen” tuy có đề cao vai trò của kĩ năng thực hành, đề cao năng lực thành thạo công việc thì đó cũng là khía cạnh rất có ý nghĩa trong việc đào tạo người lao động mới. Và đế đáp ứng nhu cầu phát triển nhanh chóng của xã hội ngày nay, ta thấy phương châm “Học phải đi đôi với hành”, “trăm tay” đi liền với “tay quen” là đúng đắn và phù hợp nhất. Hiểu và thực hiện tốt được điều này không những ta góp phần đổi mới cuộc sống mà ta còn phát huy tính sáng tạo ngày càng cao để phục vụ đời sống con người, đưa đất nước tiến vào hội nhập và phát triển cùng thế giới.

Xem thêm: 

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.