Suy nghĩ về hiện tượng lười suy nghĩ, lạm dụng sách tham khảo của học sinh hiện nay

suy-nghi-ve-hien-tuong-luoi-suy-nghi-lam-dung-sach-tham-khao-cua-hoc-sinh-hien-nay

Hiện tượng lười suy nghĩ, lạm dụng sách tham khảo của học sinh hiện nay

  • Mở bài:

Có trí óc tốt vẫn chưa đủ, quan trọng là biết sử dụng nó. Học tập mà không suy nghĩ, không thực hành và sáng tạo thì cũng chẳng khác nào không học. Thế mà ngày nay, trước sự phát triển như vũ bão của sách và công nghệ truyền thông, học sinh trở nên lười suy nghĩ, việc học phần lớn phụ thuộc vào thầy cô và sách tham khảo. Cách học như thế thực sự đáng lo ngại, ẩn chứa nhiều nguy cơ trong quá trình phát triển của con người.

  • Thân bài:

Suy nghĩ (hay còn gọi là tư duy) là vận dụng sự hoạt động của trí óc để tìm hiểu và giải quyết vấn đề, từ một số phán đoán và ý nghĩ này đi đến những phán đoán và ý nghĩ khác có chứa tri thức mới. Chính nhờ hoạt động suy nghĩ, kiến thức mới được lặp lại, khắc sâu việc ghi nhớ và hoàn thiện tri thức trong đầu óc con người. Thông qua hoạt động suy nghĩ, các kiến thức rời rạc mới được kết nối với nhau, từ đó làm nảy sinh mối liên hệ mới, kiến thức mới. Đó chính là động lực của sáng tạo.

Sách tham khảo là một những tài liệu biên soạn sẵn các bài luyện tập, thực hành dựa trên nội dung dạy và học của giáo viên và học sinh. Sách tham khảo góp phần cung cấp thêm tư liệu, mở rộng kiến thức giúp cho việc học tốt hơn. Nếu trước đây, tài liệu tham khảo chỉ được xuất bản ở dạng sách in thì ngày nay còn được xuất bản ở dạng bản đọc điện tử. Điều đó, giúp cho người sử dụng nâng cao được khả năng trình bày, giúp học sinh diễn đạt ý tưởng của mình một cách khoa học và cụ thể.

Việc làm theo bài dạy của thầy cô hay tham khảo tài liệu hướng dẫn, bài giải là một việc làm tích cực. Tuy nhiên, nếu phụ thuộc vào nó thì lại là một cách học sai lầm. Có thể nói, sách thảo khảo có đóng góp rất quan trọng trong sự nghiệp giáo dục con người. Xét ở góc độ nào đó, các tài liệu hướng dẫn kiến thức rất cần thiết cho đối tượng học sinh.

Sách tham khảo phát huy vai trò tích cực trong việc bổ trợ kiến thức, củng cố, nâng cao nhận thức, tư duy học tập bộ môn cho học sinh biết sử dụng nhưng nguồn tài liệu phụ trợ hữu ích ấy. Vượt ra khỏi phạm vi trường lớp và những khuôn mẫu định sẵn của thầy cô, sách hướng dẫn làm bài mang đến những cách lí giải cởi mở, sáng tạo và đa dạng hơn, giúp học sinh mở rộng kiến thức tốt hơn. Có sách tham khảo, học sinh có thể tự học tích cực. Mặt khác, phụ huynh còn có thể dựa trên sách tham khảo để hướng dẫn con mình học tại nhà một cách hiệu quả.

Để tận dụng vai trò đó, chương trình mới, ngoài sách giáo khoa, mỗi bộ môn còn có thêm sách giải bài tập đi kèm, cũng do nhóm tác giả làm sách giáo khoa biên soạn. Dạng sách bài tập này vừa giải đáp các câu hỏi trong sách giáo khoa vừa có mở rộng kiến thức, bổ sung thêm một số dạng bài tập mới.

Thế nhưng, trong thực tế, cũng có không ít những học sinh lạm dụng quá mức sách tham khảo trong quá trình học tập của mình. Trước hết, cần nói về việc sử dụng sách tham khảo của học sinh. Rất nhiều học sinh lười suy nghĩ, đã sử dụng tài liệu tham khảo như một nguồn dữ liệu để sao chép, đối phó trong việc học. Cách bài luyện tập, thực hành do thầy cô yêu cầu nhằm mục đích tạo cơ hội giúp học sinh củng cố kiến thức và hoàn thiện năng lực tại nhà. Không chịu suy nghĩ, chỉ sao chép máy móc, không hiểu được cách thức và bản chất của kiến thức, lâu dần, học sung ngày càng lười biếng suy nghĩ.

Nhiều bạn chọn và mua sách tràn lan, không chú ý đến tác giả, nhà sản xuất và chất lượng sách. Không những vậy, “bưng” nguyên phần giải đáp mà không chịu tư duy, suy nghĩ trên cái hay, cái bổ ích từ sách tham khảo để chống đối khi thầy cô kiểm tra bài. Và đặc biệt hơn nữa, là dùng nó làm tài liệu trong giờ kiểm tra trên lớp, trong kì thi chung ở trường.

Hậu quả việc lạm dụng quá mức sách tham khảo của nhiều bạn học sinh thật nguy hại. Lạm dụng quá mức sách tham khảo khiến học sinh lười suy nghĩ, thiếu tinh thần ham muốn học hỏi, tạo ra thói lười nhác, ỷ lại. Nhiều bạn học sinh coi những quyển sách tham khảo như vật bảo bối để chống đối thầy cô giáo trong giờ kiểm tra, thi cử trở thành người thiếu trung thực. Dễ bị lệ thuộc quá vào sách tham khảo, tư duy, suy nghĩ độc lập,sáng tạo của học sinh dần bị xói mọn, vơi cạn. Đồng thời, cũng gây tốn kém cho kinh tế của gia đình, bố mẹ.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc học sinh lười biếng suy nghĩ, lạm dụng sách tham khảo như ngày nay. Trước hết, lượng sách tham khảo ngày nay vô cùng phong phú, dễ tìm kiếm và đáp ứng nhu cầu tham khảo, nghiên cứu, tự học của học sinh.

Do đời sống vật chất phát triển, học sinh ngày càng lười biếng học tập, say mê các trang mạng điện tử, sống ảo, nghiện game, facebook, mất hết ý chí học tập. Việc sử dụng bài tập giải sẵn chỉ để đối phó với bài luyện tập ở nhà. Mặt khác, do tâm lý chạy đua thành tích học tập của một số học sinh khiến cho việc lạm dụng sách tham khảo ngày càng trầm trọng hơn. Thành tích tuy cao nhưng chất lượng lại rất kém.

Do chương trình học tập quá nặng nề, dồn ép, lượng bài tập nhà trường giao về nhà khá lớn khiến học sinh phải tìm đến sách tham khảo như một giải pháp tức thời. sau dần quen và mất đi khả năng tự lập, tự giải quyết vấn đề.

Sự giả dối trong quá trình dạy và học luôn tồn tại trong nền giáo dục của chúng ta. Giáo viên dạy lơ là, học sinh học đối phó, sự không ăn nhập giữa hoạt động dạy và hoạt động học làm nảy sinh những tiêu cực đáng buồn như hiện nay.

Phụ huynh không đồng hành cùng con trong quá trình học tập. Sử dụng sách giáo khoa hỗ trợ cho việc học là rất tốt nếu mỗi phụ huynh nỗ lực hướng dẫn con học tập mỗi ngày tại nhà. Lúc dó, sách tham khảo chính là một bửu bối thần kì giúp nâng cao tri thức, gắn kết tình than bền chặt.

Rõ ràng, tình trạng lạm dụng sách tham khảo của học sinh ngày nay cần phải bài trừ và loại bỏ. Học sinh cần phải ý thức được việc tham khảo rất có ích trong học tập, chứ không lạm dụng nó. Sử dụng một cách có mức độ để đạt được hiệu quả là tùy thuộc đặc điểm mỗi cá nhân. Đồng thời, các nhà quản lý nên để sách tham khảo phát huy đúng vai trò của nó, tức là hướng dẫn, gợi mở phương pháp, nếu cần thì thêm phần đáp số (với môn Toán, Lý, Hóa), dàn ý (với môn Văn) chứ không nên biên soạn dưới dạng bài giải chi tiết như hiện nay.

  • Kết bài:

Không đọc sách là khờ dại; quá phụ thuộc vào sách là ngu si. Xem thường sách tham khảo nghĩa là bạn đánh mất cơ hội để tiến bộ. Quá lạm dụng sách tham khảo nghĩa là bạn đã đánh mất chính mình. Bởi thế, hãy sử dụng sách tham khảo như một phương tiện hỗ trợ học tập chứ đừng lấy nó làm phương tiện đối phó trong học tập. Càng lạm dụng nó bạn càng yếu kém, cho đến một ngày nào đó, bạn hoàn toàn bất lực trước tri thức, bỏ dở công việc học hành của mình.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.