Suy nghĩ về lòng đố kị
“Đừng để con rắn ghen tị luồn vào trong tim. Đó là một con rắn độc, nó gặm mòn khối óc và làm đồi bại trái tim”. (Edmondo de Amicis). Từ câu nói trên của nhà văn Edmondo de Amicis, em hãy nêu những suy nghĩ của mình về thói đố kị của con người.
- Mở bài:
Thói ghen ghét, tính đố kị là một trong những thói hư tật xấu, làm hạ thấp giá trị của con người, làm cho mối quan hệ giữa ta với người khác không được tốt đẹp. Lòng ghen ghét, đố kị không nhưng làm cho bản thân khổ sở mà còn gây cho người khác nhiều khó khăn, trở ngại. Bởi thế, nhà văn Edmondo de Amicis đã từng nhắc nhở: “Đừng để con rắn ghen tị luồn vào trong tim. Đó là một con rắn độc, nó gặm mòn khối óc và làm đồi bại trái tim”.
- Thân bài:
Đố kị là ghen ghét với thành công của người khác, không muốn người khác hơn mình. Bằng hình ảnh so sánh độc đáo, nhà văn Edmondo de Amicis đã chỉ ra rằng thói ghen ghét, đố kị trước những thành công, tương lai, địa vị và những điều tốt đẹp mà người khác đang có chẳng khác nào như một con rắn độc từng bước đầu độc trái tim và khối óc, làm tha hóa tâm hồn, nhân cách, đạo đức của con người.
Thói ghen ghét, đố kị làm cho con người trở nên ti tiện, nhỏ nhen, tầm thường, ích kỉ, tự hạ thấp giá trị bản thân mình. Phải biết rằng những thành công mà người khác có được đâu phải tự nhiên mà có. Nó được đánh đổi từ mồ hôi, nước mắt, công sức lao động khó nhọc mà ra. Nếu ta chăm chỉ làm lụng, chịu khó học hành, trau dồi tài năng trí tuệ của bản thân mình thì ắt hẳn một ngày nào đó ta cũng sẽ thành tựu, có được những gì mình mong muốn. Thế nên, không nên đố kị, ghen tị người khác.
Mỗi một người đều có những sở trường, sở đoản, mặt mạnh, mặt yếu khác nhau. Có thể họ tài giỏi ở một lĩnh vực nào đó và ta cũng vậy. Đừng ghen tị so đo mà tự chuốc lấy phiền não, rồi tỏ ra cau có, bực dọc đối với người khác làm cho mối quan hệ giữa ta với họ trở nên không còn tốt đẹp như trước. Những người như thế thật đáng bị chê trách.
Một số người vì ghen tị với tài năng của người khác mà tìm đủ cách hãm hại, trù dập, không cho người đó cơ hội thăng tiến, phát triển tài năng, kìm hãm sự phát triển của đất nước.
Phải phân biệt giữa thói ghen tị và thi đua. Thói đố kị, ganh ghét và tinh thần thi đua, cầu tiến giống nhau ở chỗ từ thành công của người khác khiến cho ta không hài lòng và vui vẻ. Nếu là người có lòng đố kị, ganh đua họ thường sẽ mỉa mai, gièm pha, khiêu khích. Nếu là người có tinh thần thi đua, họ sẽ lấy đó làm bài học mà phấn đấu vươn lên và vượt qua.
Quyết tâm loại bỏ thói ghen tị, luôn vui mừng trước những thành tựu của người khác, không ngừng học hỏi, trao dồi, hoàn thiện nhân cách, tài năng của chính mình.
- Kết bài:
Lòng đố kị là nguyên nhân dẫn đến sự dối trá. Sự dối trá lại mang đến tai họa cho bản thân. Bởi thế, hãy làm đúng như Edmondo de Amicis khuyên bảo: “Đừng để con rắn ghen tị luồn vào trong tim. Đó là một con rắn độc, nó gặm mòn khối óc và làm đồi bại trái tim”.
Bài văn tham khảo:
Trong đời sống, ta thường thấy một hiện tượng xấu là lòng đố kị. Thấy ai có chút thành tích, kẻ đố kị cảm thấy khó chịu, đau khổ như mình bị mất mát điều gì, tiếp đó nảy sinh những phản ứng bệnh hoạn.
Trong lớp, một học sinh có thành tích học tập giỏi, người có tính đố kị sẽ nói bóng gió là bạn ấy khéo làm thân với các thầy, các cô. Thấy bạn có bộ đồ mới hợp thời trang, người đố kị tìm cách dìm, bảo: “Báu gì, hành thùng ấy mà!”. Thấy một đôi vợ chồng đẹp đôi, hạnh phúc, kẻ đố kị liền nói độc miệng: “Rồi xem, được bao lâu!”.
Hiện tượng đố kị trong cuộc sống đã có từ xưa. Thời Tam Quốc có danh tướng Đông Ngô là Chu Du, nổi tiếng thao lược nhưng lại có tính đố kị. Thấy Gia Cát Lượng tài ba, Du đã nhiều lần tìm cách chứng tỏ mình là người tài “đệ nhất thiên hạ”, nhưng lần nào cũng bị thua. Lòng đố kị còn khiến Chu Du tìm kế sách hãm hại Gia Cát Lượng, nhưng lần nào Lượng cũng đoán biết và thoát hiểm. Khi nhận ra tài trí của mình không bằng Gia Cát Lượng, Du đã ngửa mặt lên trời mà than: “Trời đã sinh Du, sao còn sinh Lượng!”. Câu nói đó đã bộc lộ chân tướng của người đố kị: không chấp nhận thực tế người khác hơn mình.
Lòng đố kị có thể gắn với sự hiếu thắng, một tâm lí muốn chứng tỏ mình không thua chúng kém bạn, thậm chí hơn người. Tính hiếu thắng có thể có tác dụng kích thích người ta phấn đấu, cạnh tranh vượt lên người khác, có ý nghĩa tiến bộ nhất định. Tâm lí đố kị ngược lại, chỉ là sự biến dạng của lòng hiếu thắng. Đố kị là tâm lí của kẻ thất bại. Động cơ kích thích phấn đấu giảm sút, mà ý muốn hạ thấp, hãm hại người khác để thỏa lòng ích kỉ tăng lên.
Nói về lòng đố kị, nhà triết học Hi Lạp cổ đại A-ri-xtốt đã nói: “Người đố kị sở dĩ cảm thấy dằn vặt đau đớn không chỉ vì cảm thấy mình thua kém mà còn vì phải nhìn thấy người khác thành công”. Nhà triết học đã chỉ ra thực chất kẻ đố kị là kẻ không muốn nhìn thấy người khác thành công.
Trên thực tế, không một lòng đố kị nào có thể ngăn cản được người khác thành công, cho nên lòng đố kị chỉ có hại cho bản thân kẻ đố kị. Nó vừa làm cho kẻ đố kị không được sống thanh thản, luôn dằn vặt khổ đau vì những lí do không chính đáng, lại vừa có thể dẫn họ đến những mưu đồ xấu xa, thậm chí phạm tội ác. Kẻ đố kị không hiểu rằng “ngoài trời còn có trời” (cao hơn), “ngoài núi còn có núi” (cao hơn), mình tài còn có người tài hơn.
Lòng đố kị là một tính xấu cần khắc phục. Con người cần phải có lòng cao thượng, rộng rãi, biết vui với thành công của người khác. Tình cảm cao thượng không chỉ giúp con người sống thanh thản, mà còn có tác dụng thúc đẩy xã hội và đồng loại tiến bộ.
Bài văn tham khảo:
Lòng đố kị
Lòng đố kỵ như ngọn sóng âm ỷ trong lòng, nếu không chế ngự kịp thời sẽ bùng phát thành con sóng lớn, gây tác hại khó lường. Một câu chuyện ngụ ngôn kể rằng có người đàn ông rất may mắn, ước gì được nấy. Tuy nhiên, đi kèm với sự may mắn đó là điều kiện: Bất cứ điều gì ông ta ước, người hàng xóm sẽ có gấp đôi.
Thế là khi ông ta sở hữu ngôi nhà đẹp, người hàng xóm liền có một dinh thự lộng lẫy. Ông ta ước mình giàu có, người hàng xóm có hẳn một mỏ vàng…Không chịu được sự “bất công” đó, người đàn ông may mắn liền ước mình bị mù một mắt để người hàng xóm bị mù cả hai!
Chính lòng đố kỵ đã tạo nên sự nhỏ nhen, biến thành cảm giác hận thù và suy nghĩ mù quáng cho ông ta: thà kém may mắn hơn một chút để người khác đau khổ hơn mình thay vì chọn điều ngược lại.
Trong cuộc sống hàng ngày cũng vậy, biết dẫu đằng sau lời khen, cái bắt tay chúc mừng chiến thắng chính là những ánh mắt ghen ghét, bực tức. Sự đố kỵ tạo nên cảm giác bực bội, khó chịu khi người khác giỏi hơn, đẹp hơn, hạnh phúc hơn mình… nó có thể xảy ra với tất cả mọi người.
Vậy làm thế nào để xóa bỏ những cảm giác, suy nghĩ tiêu cực và biến chúng thành điều tốt đẹp? Trước hết, hãy thành thật với bản thân. Bạn cần phải luôn tự vấn xem điều gì làm bạn ganh ghét người khác. Thực ra, khi đố kỵ với ai đó cũng đồng nghĩa với việc bạn đang thua kém họ. Hãy nhớ, khi không thích ai chính là lúc bạn đang thể hiện sự yếu kém của mình.
Hãy cố gắng nhận ra và thật sự hiểu nó. Một trong những cách hữu hiệu để đối phó với lòng đố kỵ là nhìn nhận và hiểu nó. Có nhiều người không nhận ra rằng cảm giác tức giận khi mình thua thiệt ai đó chính là lòng đố kỵ. Những lúc như vậy, bạn sẽ khó điều chỉnh hành vi của bản thân. Nếu bạn không thể hiểu được vấn đề dang diễn ra, hãy tìm một ai đó để trò chuyện: Tất nhiên, đây phải là người có kinh nghiệm giải quyết vấn đề. Họ sẽ cho bạn những lời khuyên xác đáng để thay đổi tình hình.
Đừng bào giờ so sánh mình với người khác. Thói quen này hoàn toàn không tốt, nó sẽ làm bạn cảm thấy mệt mỏi và bị thua thiệt về mọi thứ. Tốt nhất, hãy sống thoải mái và hài lòng với những gì mình có. Hãy biến sự đố kị thành động lực để cố gắng phấn đấu. Hãy phân tích xem tại sao mình kém hơn người khác. Sau đó, hãy biến sự thua sút đó thành động lực để nỗ lực hơn.
Cần có suy nghĩ tích cực trong mọi hoàn cảnh. Bạn đừng chỉ nhìn vào chiến thắng của người khác mà đem lòng ghen tức. Thực ra, ai cũng có những vấn đề, khó khăn riêng của mình. Nghĩ kỹ xem, chắc chắn họ cũng có những điểm yếu đấy.
Hãy dành thời gian nhiều hơn cho những niềm vui, đó có thể bữa ăn cùng gia đình, bạn bè; hẹn hò với người yêu đi xem bộ phim yêu thích… Nói chung, hãy làm bất cứ điều gì khiến bạn thoải mái, niềm vui sẽ giúp bạn quên đi những suy nghĩ nhỏ nhen của mình.
Hạn chế lòng đố kị bằng cách suy nghĩ và làm việc nhiều hơn. Đầu tiên, hãy nghĩ về thành công của mình và nhận thấy rằng thật may mắn khi “sở hữu” chúng. Tiếp theo, nghĩ về niềm hạnh phúc của người thân, cảm thấy vui vì họ xứng đáng được như vậy. Sau đó, nghĩ tương tự như thế về một người quen và sau cùng là nghĩ về một người bạn đang đố kỵ. Bằng cách này, khi nghĩ đến “người đáng ghét” đó, những cảm giác tiêu cực trong bạn hầu như không còn.
Nghị luận: Chẳng thà thất bại một cách vinh dự còn hơn thành công bằng sự gian xảo (Sophocle)