Suy nghĩ về lòng kính trọng thầy cô giáo

suy-nghi-ve-long-kinh-trong-thay-co-giao

Suy nghĩ về lòng kính trọng thầy cô giáo

  • Mở bài:

Tục ngữ có câu: “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư” nhằm nhắc nhở chúng ta phải luôn tôn sư trọng đạo, kính trọng thầy, cô giáo của mình. Bởi cho dù là học ít hay nhiều thì vẫn là thầy, cô của chúng ta. Và để hiểu rõ hơn về đạo lí tốt đẹp ấy chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu nhé!

  • Thân bài:

Lòng kính trọng là công nhận một người là bậc trên mình hoặc có giá trị nào đó về mặt đạo đức, tri thức, tài năng. . . khiến mình phải cư xử dè dặt, có lễ độ một cách tự nguyện. Còn thầy cô là những người làm công tác giáo dục, giảng dạy những kiến thức về cuộc sống, xã hội, văn hóa, đạo đức tới cho học sinh. Họ giúp cho học sinh hiểu rõ và áp dụng những kiến thức trong sách vở vào đời sống. Vì vậy, lòng kính trọng thầy, cô giáo là một đức tính tốt mà mỗi học sinh chúng ta cần hình thành.

Chúng ta phải luôn kính trọng thầy cô giáo vì đó là một truyền thống tốt đẹp từ bao đời nay của dân tộc ta. Lòng kính trọng thầy cô được thể hiện qua từng cử chỉ, hành động. Đôi khi chỉ là một hành động nhỏ nhặt của mỗi chúng ta thôi cũng đủ làm họ vui và cảm động rồi, không nhất thiết phải là một việc thật lớn hay cầu kì mới được.

Thật cảm động biết bao trước hành động thể hiện lòng kính trọng và biết ơn sâu nặng của ông Phạm Sư Mạnh, Lê Quát – những vị đại quan thời Trần đối với người thầy Chu Văn An. Dù là đại quan nức tiếng nhưng lúc về thăm thầy của mình họ vẫn khép nép, giữ gìn khuôn phép. Những hành động ấy đã nói lên lòng kính trọng và biết ơn sâu sắc của hai ông đối với người thầy Chu Văn An của mình.

“Tạ ơn thầy đã đưa con vào bầu trời tri thức
Cảm nghĩa cô đã dắt trò đến với biển yêu thương”

Bên cạnh đó, chúng ta cần kính trọng thầy cô giáo là bởi họ chính là những người truyền tải kiến thức tới cho chúng ta, giúp ta hình thành nhân cách, đạo đức. Những bài học, những uốn nắn của họ sẽ giúp ta nên người. Hơn nữa, kho kiến thức mà thầy cô truyền dạy là hành trang quý báu để ta bước vào đời với một tâm thế vững vàng, tự tin. Chỉ vậy thôi cũng đủ để ta phải luôn kính trọng những người thầy, người cô đang ngày đêm tận tụy dạy dỗ chúng ta.

Hơn nữa, thầy cô giáo chính là tấm gương đạo đức cho ta học tập, uốn nắn những thói hư, tật xấu để giúp ta nên người. Ngoài ra, khi ta biết kính trọng thầy cô thì chắc chắn họ sẽ dành cho chúng ta sự yêu mến, quan tâm. Còn gì hạnh phúc hơn khi được đón nhận tình yêu thương, ánh mắt trìu mến mà thầy cô dành cho ta.

Mỗi chúng ta cần phải kính trọng thầy cô giáo như kính trọng chính cha mẹ mình. Bởi nếu cha mẹ có công ơn sinh thành,nuôi nấng chúng ta nên người thì thầy cô là người truyền dạy cho ta sự hiểu biết về kiến thức. Họ là ngọn đèn soi sáng lối đi cho khi ta lạc lối và không biết phải làm gì. Hãy khắc sâu công ơn ấy và luôn tri cảm, giữ gìn đạo lí tôn sư trọng đạo của muôn đời.

Không cần làm gì to tát cả, chỉ cần nhìn thấy thầy cô chúng ta mỉm cười cúi đầu chào thôi cũng đủ để họ vui rồi. Khi thầy cô hỏi mình phải dạ thưa đàng hoàng,lễ phép để tỏ lòng kính trọng thầy cô. Và khi thầy cô trách phạt chúng ta hãy lắng nghe lời dạy dỗ của họ để sửa đổi đừng cãi hây chửi lại họ. Vì như vậy là bất kính lắm. Các bậc làm cha, làm mẹ hãy chú tâm hơn đến việc dạy dỗ và khơi gợi lòng kính yêu thầy cô cho con em ngay từ khi còn nhỏ.

Quý phụ huynh cũng không nên có những lời lẽ không hay về thầy, cô giáo trước mặt con cái. Bởi lời nói của mẹ cha dễ khiến cho học sinh bắt chước và làm theo. Điều ấy mà xảy ra thì cũng thật đáng buồn. Còn nhà trường, cần tăng cường các buổi hoạt động tuyên truyền, các buổi trò chuyện về tình nghĩa thầy trò hay có những vở kịch hay, ý nghĩa về lòng kính trọng thầy cô. Nếu có được những hoạt động ấy, chắc chắn các bạn học sinh sẽ khắc ghi sâu hơn đạo thầy trò. Và tôi tin các bạn sẽ kính trọng thầy cô của mình hơn rất nhiều.

Đáng buồn biết bao khi lòng kính trọng, biết ơn thầy, cô giáo của học sinh hiện nay đang dần phai mờ. Thậm chí có nhiều bạn không hề coi trọng giáo viên. Chỉ vì bị nhắc thiếu gọn gàng mà một học sinh ở trường THPT Ông Ích Khiêm – huyện Hòa Vang, Đà Nẵng đã tát thầy giáo. Hay như vụ nam sinh đánh cô giáo gãy mũi, bất tỉnh tại trường THPT Tôn Đức Thắng tại tỉnh Ninh Thuận,… Gần hơn là việc chửi, nói xấu thầy cô đến mức nhiều người không chịu nổi nữa phải xin nghỉ việc bỏ ngành giáo dục để chuyển sang làm nghề khác. Thật đáng chê trách cho những bạn ấy.

Nếu tình trạng này gia tăng mà không có biện pháp thì sẽ gây ra tình trạng thiếu giáo viên. Nếu không có họ thì chắc gì chúng ta đã thành công trong cuộc sống, chắc gì trở nên thành đạt kiếm được tiền hay giúp ích cho đất nước. Những hành động ấy tuy không phổ biến nhưng là thực trạng rất đáng buồn về sự “xuống cấp đạo đức” của học sinh. Thực trạng đáng buồn ấy rất đáng báo động và cần được cả xã hội quan tâm.

 Đừng bao giờ có thái độ bất kính với thầy cô. Đó là hành động không hề tốt đâu. Tỏ lòng kính trọng với thầy cô cũng là cách chúng ta bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc của mình dành cho họ. Và các bạn cũng đừng đánh mất đi truyền thống” Tôn sư trọng đạo” của dân tộc ta bao đời nay nhé!

“Muốn sang thì bắc cầu Kiều
Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy.”

  • Kết bài:

Lời dạy của người xưa thật thấm thía với mỗi chúng ta về lòng kính trọng thầy cô giáo. Đây là một đức tính tốt mà mỗi học sinh chúng ta cần có. Bản thân tôi sẽ luôn rèn luyện đức tính này qua từng hành vi, cử chỉ, lời nói của mình để thầy cô không buồn lòng về học trò của họ nữa.

1 Trackbacks / Pingbacks

  1. Suy nghĩ về tình mẫu tử trong xã hội hiện nay - Theki.vn

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.