Suy nghĩ về những tấm gương biết vượt lên số phận nghiệt ngã để sống thành công

vuot-qua-kho-khan-trong-cuoc-song (1).jpg

Suy nghĩ về những tấm gương biết vượt lên số phận nghiệt ngã để sống thành công

  • Mở bài

Trên bản đồ kinh tế thế giới, Việt Nam chỉ có một vị trí hết sức khiêm tốn. Thế nhưng trong các kỳ thi quốc tế, cái tên “Việt Nam” lại luôn được rạng danh trên bảng vàng. Việt Nam được thế giới biết đến như là quê hương của những người con ưu tú, biết vượt lên số phận để làm nên những điều kỳ diệu.

  • Thân bài

Hàng nghìn năm phong kiến, hàng trăm năm nô lệ, thuộc địa cùng với chiến tranh liên miên đã khiến đất nước Việt Nam trở nên nghèo nàn và lạc hậu. Những con người Việt Nam sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh đất nước “đói nghèo trong rơm rạ”. Nhưng những con người ấy lại có thể làm nên những điều tuyệt diệu. Những cái tên như Hoàng Lê Minh, Lê Bá Khánh Trình… đã làm rạng danh Việt Nam trong các kỳ thi quốc tế.

Ngay trong lần đầu tham dự cuộc thi Olympic Toán Quốc tế năm 1974, đoàn học sinh Việt Nam đã đoạt bốn Huy chương: một huy chương Vàng, một huy chương Bạc và hai huy chương Đồng. Có một sự trùng lặp kỳ lạ: hai nước cùng tham gia lần đầu trong kỳ thi này là Việt Nam và Mỹ, nhưng huy chương vàng lại thuộc về đoàn học sinh Việt Nam mà Mỹ không có. Thật khó tưởng tượng nổi, từ một đất nước bị chiến tranh tàn phá, từ những mái trường sơ tán, học tập bên cạnh những hầm chữ A, ban đêm dưới ánh đèn leo loét, ban ngày giữa những trận bom, thiếu thốn đủ thứ, học sinh Việt Nam lại có thể lập nên kỳ tích trong cuộc đua về trí tuệ tưởng chừng không cân sức này.

Tiếp nối thành tích ấy, học sinh Việt Nam tiếp tục đạt giải cao trong các kỳ thi tiếp theo, mà tiêu biểu nhất là chiếc huy chương Vàng của Lê Bá Khánh Trình trong cuộc thi Olympic toán quốc tế lần thứ 21 tại Vương Quốc Anh năm 1979.

Kỳ tích này đã gây tiếng vang lớn trên thế giới và hai tiếng “Việt Nam” đã được bạn bè năm châu biết đến thật ngọt ngào và đầy mến mộ. Trong các cuộc thi quốc tế về Vật lý, Ngoại ngữ… học sinh Việt Nam cũng đạt nhiều huy chương Vàng. Ngay cả trong những lĩnh vực hết sức mới mẻ như chế tạo robot và tự động hóa, học sinh Việt Nam cũng làm rạng danh cho đất nước. Những chú robot Việt Nam luôn đạt giải cao trong các cuộc thi Robocon Châu Á, và trong cuộc thi robocon 2004 vừa qua, nhóm FXR – Đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh lại qua mặt các “đàn anh” Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… đề mang về chiếc cúp vàng cho quê hương. Thành tích xuất sắc ấy một lần nữa đã khẳng định sức mạnh của ý chí, trí tuệ Việt Nam.

Suốt hơn bốn nghìn năm lịch sử dựng nước, dân tộc Việt Nam đã trải qua bao biến cố thăng trầm, nhưng dù trong hoàn cảnh nào, ý chí học tập, lòng ham hiểu biết vẫn sáng bừng trong tim mỗi người Việt Nam. Nguyễn Hiền – cậu bé mới mười ba tuổi nhưng đã xuất sắc vượt qua bao bậc cha anh để đoạt lấy ngôi Trạng nguyên và là vị Trạng nguyên trẻ nhất của Việt Nam. Mạc Đĩnh Chi – chú bé đen đứa nhà nghèo nhưng không cam chịu số phận quyết tâm đèn sách, đỗ đạt rồi trở thành bậc đại thần giúp vua trị nước. Từ ánh sáng của những con đom đóm trong vỏ trứng. Mạc Đĩnh Chi đã vươn lên giành ánh sáng tri thức và đem ánh sáng ấy giúp ích cho đời. Và còn Lương Thế Vinh, Lê Quý Đôn… tất cả đều là những tấm gương sáng cho học sinh Việt Nam noi theo.

Học sinh Việt Nam kế tiếp truyền thông ấy, biến nó thành sức mạnh tinh thần, thành nội lực để vươn lên. Nhưng để thành công, điều đó chưa đủ. Sống trong một đất nước bị chiến tranh tàn phá, nền kinh tế còn hạn chế, cơ sở vật chất chưa phát triển, phải chịu nhiều thiệt thòi so với học sinh các nước khác, nhưng học sinh Việt Nam không vì thế mà mặc cảm, tự ti, trái lại luôn nỗ lực phấn đâu hết mình, cần cù, say mê học tập.

Các bạn Trung Quốc, Nhật Bản, Anh, Mỹ… tất nhiên có năng lực trí tuệ không thua kém gì chúng ta, điều kiện học tập của họ lại thuận lợi hơn rất nhiều. Bởi vậy, nếu học sinh các nước khác cố gắng một thì học sinh Việt Nam phải cố gắng hai, ba… để bù đắp những thiếu hụt về kiến thức, những thiệt thòi về điều kiện, học sinh Việt Nam phải đọc, phải tìm tòi, phải sáng tạo nhiều hơn. Dường như chính sự lạc hậu, nghèo nàn của đất nước đã hun đúc ý chí vươn lên của học sinh Việt Nam.

Lòng yêu nước, nỗi khát khao đất nước được giàu mạnh, nhân dân được ấm nó chính là sức mạnh to lớn nhất giúp học sinh Việt Nam đạt tới những đỉnh cao tri thức, những chân trời khoa học. Và có được những thành công ấy, ngoài sự nỗ lực của cá nhân, còn có sự quan tâm, chăm sóc, dạy dỗ, tâm lòng tận tụy của các bậc ông bà, cha mẹ, của các thầy cô, của các nhà trường và nhất là sự quan tâm của Đảng và Nhà nước. Hiền tài là nguyên khí của quốc gia. Nhà nước ta đã rất mực quan tâm giáo dục thế hệ trẻ, phát hiện và bồi dưỡng tài năng cho đất nước.

Sự thành công của học sinh Việt Nam trong các kỳ thi quốc tế đó đem đến cho người Việt Nam lòng tin và niềm tự hào về trí tuệ Việt Nam. Với trí tuệ của mình, dân tộc Việt Nam nhất định sẽ thành công trên bước đường xây dựng một đất nước giàu mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh.

  • Kết bài

Tiếp nối truyền thông của các thế hệ đi trước, học sinh Việt Nam ngày nay đang miệt mài học tập, trau dồi tri thức với niềm tin vào tương lai tươi sáng, với quyết tâm đưa đất nước “bước tới đài vinh quang”, sánh cùng bạn bè thế giới “Học, học nữa, học mãi” (Lê-nin), vẫn luôn là khẩu hiệu của mỗi người dân Việt Nam, nhất là của tuổi trẻ, để làm rạng rỡ trí tuệ Việt Nam, rạng rỡ non sông Việt Nam.

Nghị luận: Nghịch cảnh không chỉ là một phép thử của tình cảm mà còn là thước đo của trí tuệ và bản lĩnh

1 Trackbacks / Pingbacks

  1. Sức mạnh của ý chí (Văn nghị luận) - Theki.vn

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.