Suy nghĩ về sức mạnh của sự cảm thông, chia sẻ qua câu chuyện Thuốc chữa đau buồn

suy-nghi-ve-suc-manh-cua-su-cam-thong-chia-se-qua-cau-chuyen-thuoc-chua-dau-buon

Suy nghĩ về sức mạnh của sự cảm thông, chia sẻ qua câu chuyện “Thuốc chữa đau buồn”

Chuyện kể về một người phụ nữ vừa mất con trai. Trong nỗi đau thương tột cùng, bà tìm đến một nhà hiền triết. “Có lời cầu nguyện nào, câu thần chú nào mà ông biết có thể làm con trai tôi sống lại không?”- lời của người mẹ thật sự tuyệt vọng.

Thay vì từ chối hoặc khuyên bà mẹ hãy nguôi ngoai, nhà hiền triết đáp: “Hãy tìm về đây cho ta một hạt giống cây mù tạc từ gia đình nào chưa từng biết đến đau khổ. Nó có thể dùng để xua tan đi nỗi đau của bà”.
Người phụ nữ cảm tạ và lập tức lên đường tìm hạt giống cây thần kì. Đầu tiên, bà tìm đến một căn nhà lớn rất sang trọng, gõ cửa và hỏi: “Tôi đang tìm hạt giống cây mù tạc từ ngôi nhà không bao giờ biết đến đau khổ. Có phải nơi này không?” Họ trả lời rằng bà đã nhầm chỗ. Họ kể với bà những chuyện bi thảm đã đến với mình. Nghe chuyện, bà ngồi lại và an ủi họ.

Rồi bà lại tiếp tục cuộc tìm kiếm gia đình hạnh phúc nhất. Nhưng bất cứ nơi nào bà ghé vào, từ những căn nhà cao sang hay gác xép tồi tàn, bà đều được trả lời bằng những câu chuyện buồn. Bà trở nên quan tâm và muốn giúp đỡ, chia sẻ nỗi bất hạnh của người khác, đến nỗi sau cùng bà đã quên mất câu hỏi về hạt giống cây mù tạc kia. Mà tự bao giờ, hạt giống cây mù tạc thần kì đó cũng đã mang nỗi đau trước kia ra khỏi cuộc đời bà rồi”

(Theo “Thế giới trong ta”)

Suy nghĩ của anh chị sau khi đọc xong câu chuyện trên?


Hướng dẫn làm bài:

1. Giải thích, phân tích ý nghĩa câu chuyện:

– Câu chuyện kể về một người đàn bà đang đau buồn, tuyệt vọng vì mất con trai và bà tìm đế một nhà hiền triết để xin một câu thần chú làm con trai mình sống lại. Xin một điều không bao giờ có thể xảy ra, điều này vừa cho thấy nỗi khổ đau tột cùng, vừa cho thấy niềm khao khát được giải thoát khỏi nỗi đau của người mẹ.

– Nhà hiền triết mách cho người mẹ một phương thuốc thần kì có thể chữa đau buồn: hạt giống cây mù tạc ở một gia đình chưa từng biết đến đau khổ.

– Nhưng hành trình người mẹ đi tìm hạt giống thần kì ấy chính là hành trình nhận thức của người mẹ về một thực tế thật khắc nghiệt của đời sống: nỗi buồn đau hiện diện ở khắp nơi, từ những căn nhà cao sang hay những căn gác xép tồi tàn. Đó cũng là hành trình để bà xua tan nỗi đau khổ: bà quên đi câu hỏi về hạt giống thần kì mà chỉ còn sự quan tâm, mong muốn sẻ chia nỗi bất hạnh của người khác.

– Ý nghĩa câu chuyện: Chẳng có câu thần chú, phép màu nào có thể xua tan nỗi buồn đau. Liều thuốc chữa đau buồn tốt nhất là mở rộng lòng để sẻ chia nỗi buồn đau với những người xung quanh và ngược lại, đồng cảm, sẻ chia với nỗi buồn đau của họ. Truyện khẳng định sức mạnh của sự cảm thông, chia sẻ trong cuộc sống.

2. Bàn luận:

Vì sao sự cảm thông, chia sẻ có thể là liều thuốc chữa đau buồn?

– Khi ta mở rộng lòng chia sẻ nỗi buồn đau của mình với người khác, ta sẽ nhận được sự đồng cảm, nỗi buồn tự khắc vơi đi.

– Khi ta chia sẻ, đồng cảm với nỗi buồn đau của người khác, ta sẽ quên đi, vượt qua nỗi buồn đau của chính mình bởi nhận ra rằng buồn đau là một thuộc tính của cuộc đời này, chẳng có ai hoàn toàn hạnh phúc… Ta sẽ hiểu hơn về mất mát và trân trọng hơn sự sống của ta, những điều ta đang có…

– Câu chuyện đem đến bài học vô cùng sâu sắc về cách ứng xử với nỗi buồn đau trong cuộc sống, giúp ta hiểu hơn sức mạnh của tình yêu thương, sự đồng cảm, sẻ chia. Nỗi đau sẽ vơi đi rất nhiều nếu con người biết nắm lấy tay nhau…

3. Mở rộng và liên hệ.

– Tuy nhiên, sự sẻ chia, đồng cảm của người khác sẽ chỉ là vô nghĩa nếu ta không có ý chí, nghị lực để chấp nhận và vượt qua nỗi buồn đau của mình. Người khác không thể nâng ta dậy nếu ta không muốn đứng dậy.

– Sự đồng cảm, sẻ chia phải chân thành, xuất phát từ trái tim yêu thương nếu không sẽ hời hợt, giả dối và chỉ gây thêm tổn thương cho người khác.

– Sự đồng cảm, sẻ chia đang ngày một hiếm hoi trong xã hội hiện đại khi căn bệnh vô cảm đang trầm kha, lối sống thực dụng, ích kỉ lên ngôi.

4. Bài học nhận thức:

– Sự đồng cảm, sẻ chia chính là một trong những động lực sống của con người, làm cho mối quan hệ giữa người với người tốt đẹp, nhân văn hơn.

– Cần có những hành động sẻ chia thiết thực trong cuộc sống: với người thân, với bạn bè, với những con người bất hạnh, kém may mắn trong xã hội.

2 Trackbacks / Pingbacks

  1. Suy nghĩ về tác hại của lối sống nhỏ nhen, ích kỉ và thành kiến trong cuộc sống qua câu chuyện "Cái lạnh". - Theki.vn
  2. Bài học về học cách chấp nhận sai sót của người khác và chọn cách ủng hộ những khác biệt của họ qua câu chuyện: Miếng bánh mì cháy (theo Quà tặng cuộc sống). - Theki.vn

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.