Suy nghĩ về tính thật thà

suy-nghi-ve-tinh-that-tha.jpg

Suy nghĩ về tính thật thà.

  • Mở bài:

Không di sản nào quý giá bằng lòng trung thực. Trong xã hội hiện đại ngày nay, thành công sẽ là người đưa chúng ta lên vinh quang và niềm tự hào. Một trong những yếu tố quan trọng để chúng ta có thể đạt đến thành công chính là đức tính trung thực, thật thà.

  • Thân bài:

Thật thà là gì?

Thật thà là tự bộc lộ mình một cách tự nhiên, không giả dối, không giả tạo. Thật thà nghĩa là tôn trọng lẽ phải, tôn trọng sự thật, luôn nói ra sự thật dù có làm mất lòng ai.

Biểu hiện của đức tính thật thà.

Người thật thà không gian dối, không làm sai lệch sự thật, luôn ngay thẳng nhận lỗi, sống đàng hoàng, không tham của người khác và không phủi bỏ trách nhiệm của chính mình. Họ luôn nói ra sự thật, luôn tôn trọng các luật lệ, đạo đức, không xảo trá, mưu mô, luôn dũng cảm đối diện với sự thật và đón nhận nó theo một cách tích cực nhất.

Người thật thà biết chịu trách nhiệm với những sai lầm mình đã mắc phải. Ở những người trưởng thành đã đi làm, tính thật thà của họ sẽ được biểu hiện ra bên ngoài khi họ luôn hoà đồng với mọi người, không lừa gạt ai để mang lợi ích về cho bản thân, luôn biết giúp đỡ người khác. Theo lẽ đó mà những người trung thực, thật thà sẽ được mọi người tin tưởng và tín nhiệm.

Ở học sinh, sự thật thà được thể hiện qua không chỉ hành động mà còn ở lời nói. Không gian lận trong thi cử, làm đúng với sức mình và không biện minh cho những lỗi lầm của mình. Không đổ lỗi cho bạn bè để trốn trách nhiệm của bản thân. Thật thà và trung thực là đức tính để mọi người có thể tin tưởng mình và giao công việc.

Tại sao phải biết sống thật thà?

Thật thà là một phẩm đức tốt đẹp. Mỗi con người chúng ta đều phải trung thực, thật thà. Nó không chỉ khiến cho mình được mọi người tin tưởng mà còn được tôn trọng.Người trung thực, thật thà luôn được lòng người, được người khác tin tưởng. Nhìn một cách nông cạn, bề ngoài thì tưởng rằng người thật thà sẽ bị thiệt hại, bị cho là ngốc nghếch.

Nhưng thực tế đã cho thấy rằng thành công giữa một người trung thực và một người gian dối luôn có sự khác biệt, và người trung thực luôn được đánh giá cao hơn bởi vì họ đã làm bằng chính sức mình, không mưu mô, xảo trá. Họ thật thà, không sợ sệt gì cả, còn những người ngược lại thì lúc nào cũng lo sợ và phải che dấu toàn bộ sự thật.

Và khi bị phát hiện thì danh dự, nhân phẩm sẽ không cánh mà bay. Sự giả dối chỉ đem lợi ích lại cho chúng ta trong một thời điểm nhất định thôi. Cuối cùng sự thật vẫn không thể nào biến mất. Ông bà ta đã có câu: ”Cây kim trong bọc cũng có ngày lòi ra.” nhằm nói lên rằng dù che đậy, dấu kín tới đâu thì sự thật vẫn luôn là thứ sẽ chiến thắng.

Giả sử như trong một xã hội, mọi người từ con nít tới người lớn, ai cũng đều ranh khôn, nói những lời nịnh bợ, lừa dối nhau nhằm mang lại lợi ích riêng, chỉ để làm giàu bản thân mình thì những điều như tình cảm chân thành, tình đồng đội, đoàn kết mà dân tộc ta đã giữ bấy lâu nay sẽ biến mất vĩnh viễn. Đó là những cái điều tuyệt đẹp nhất của con người Việt Nam, luôn có truyền thống ngay thẳng, đoàn kết, đùm bọc nhau  sẽ không còn tồn tại nữa. Vì giữa một tập thể mà ai cũng lừa dối nhau, thậm chí lừa dối cả bản thân mình thì làm sao những điều chân thành tốt đẹp như vậy có thể tồn tại.

Thật thà là một đức tính tốt đẹp thể hiện nhân cách sống của chính mình, bao giờ cũng đem lại cho người niềm vui vô hạn. Những lời nói thành thực là chất liệu của sự thật thà, chất phác không làm cho chúng ta tốn kém tiền bạc hay hao tổn sức lực. Nó đem lại nhiều ích lợi và làm cho người nghe được an ủi, khích lệ và làm cho tình thân giữa ta với người khác được thêm thắm thiết đậm đà.

Ngược lại, nếu như chúng ta có thể sống thật với bản thân, với mọi người xung quanh thì có là người lạ, nếu gặp khó khăn vẫn có thể nâng đỡ và vượt qua. Chỉ khi chúng ta trung thực, thật lòng với người khác, thì ta mới hiểu được tình đoàn kết và yêu thương nhau nó mạnh mẽ như thế nào. Nó không chỉ giúp chúng ta đạt đến thành công một cách chính trực mà còn làm cho chúng ta xít lại gần nhau hơn, thật thà với bản thân, thật thà với người khác sẽ là hai điều làm cho xã hội của chúng ta trở thành một xã hội mạnh nhất.

Rèn luyện đức tính thật thà như thế nào?

Thật thà là một đức tính tốt và cần có ở mỗi con người trong xã hội hiện đại nhưng thật thà với người như thế nào lại là một chuyện khác. Chúng ta thật lòng với một người tốt, họ đáp lại tấm lòng của chúng ta, cùng nhau đi qua khó khăn và tiến tới thành công. Nhưng khi chúng ta đã đối quá trung thực với một con người xảo trá thì họ sẽ lợi dụng lòng trung thực của chúng ta mà làm việc xấu.

Chính vì lẽ đó nên chúng ta hãy quan sát nhiều hơn để không bị vẻ ngoài tốt bụng giả tạo mà thật thà với người xấu, làm hại đồng đội. Đây không phải là không trung thực mà là phải biết mình nên làm cái gì để bảo vệ sự thật, thì mới gọi là thật thà. Chúng ta không được thật thà với người xấu bởi vì đó cũng có nghĩa là chúng ta đang tiếp tay cho những người xảo trá vậy.

Thật thà chính là bảo vệ sự thật, bảo vệ lý lẽ, hướng nó tới những điều tích cực nhất. Do vậy, đôi khi để thật thà, để bảo vệ cho lý lẽ chúng ta phải lấy lời nói dối làm vũ khí để chống lại người xấu. Đừng để người xấu lợi dụng sự thật để kiếm lợi riêng, chúng ta muốn làm một còn người trung thực thì phải bảo vệ lẽ phải, sự thật. Henri Frederic Amiel đã nói : “Sự thật không chỉ bị dối trá xâm hại, nó còn bị xúc phạm bởi sự câm lặng”. Vậy nên đừng im lặng, đừng thật thà với người xấu mà hãy lên tiếng để bảo vệ cho sự thật.

Vì vậy, trở thành một con người thật thà là một điều hết sức cần thiết. Để có đức tính thật thà, chúng ta hãy tập không nói dối, tập trở thành một con người có trách nhiệm và tập thông cảm cho người khác. Chỉ khi chúng ta có thể thông cảm cho người khác thì họ mới có thể thật lòng với chúng ta. Vậy mà trong xã hội hiện đại ngày nay lại có những con người vẫn đang dùng lời nói dối để biện minh cho sự thất bại của mình, biện minh cho những lỗi lầm mà mình đã gây ra. Nếu cứ tiếp tục như vậy, họ sẽ mãi không nhận được sự tin tưởng của người khác mà còn nhận lại sự khinh bỉ.

Điều gì mình không muốn thì cũng đừng làm đối với người khác”. Lừa lọc và dối trá không cho chúng ta điều gì tốt đẹp cả, nó chỉ làm xấu danh dự, nhân phẩm của một con người. Khi bạn lừa người khác thành công không phải vì bạn thông minh hay lém lĩnh gì cả, mà chỉ là do người ta đã tin tưởng bạn quá nhiều. Lòng tin tưởng cũng giống như một tờ giấy trắng vậy, một khi đã vò nát tờ giấy thì nó mãi mãi sẽ không bao giờ có thể thẳng lại như ban đầu. Người xấu không đáng sợ. Đáng sợ nhất là người luôn cho mình tốt và không chịu sửa đổi, đánh mất cơ hội hoàn thiện, rời xa hạnh phúc đáng lẽ đã có trong tầm tay

Chúng ta phải rèn luyện đức tính thật thà từ khi còn là học sinh bởi nếu như trong việc học mà ta còn gian lận thì sau này ra xã hội, làm sao ta có thể sống đúng đắn, có thể chấp nhận sự thật được. Bởi vì lẽ đó, ta phải tập, rèn luyện lối sống trung thực, tính thật thà trong cuộc sống. Chính nó sẽ giúp chúng ta dễ dàng chấp nhận được sự thật và vượt qua cho dù có khắc nghiệt như thế nào.

Thành tín, thật thà là đạo đức tốt đẹp của con người. Trong xã hội hiện đại, con người ta đôi khi vì để chiếm được lợi ích, vì thiệt hơn, vì được mất mà lừa dối người khác, thậm chí làm hại người khác. Nhưng cuối cùng, sau khi trải qua rồi quay đầu nhìn lại, không ít người đã hiểu ra rằng, thứ mà mình đánh mất là vô giá.

Phê phán:

Trong cuộc sống, vẫn còn có nhiều người sống thiếu thật thà. Vì lợi ích của bản thân, vì nỗi sợ hãi, họ sẵn sàng lừa dối người khác để có phần nhiều hơn hoặc an toàn hơn. những người như thế thật đáng chê trách.

Bài học nhận thức:

Là học sinh, phải luôn trung thực trong thi cử, tự tiến lên bằng chính sự hiểu biết và sức học của mình. Trong học tập, tính thật thà, trung thực là hai điều thiết yếu nhất để tiếp thu kiến thức một cách tốt nhất. Vì chỉ khi chúng ta làm bằng chính sức mình thì chúng ta mới biết được rằng mình sai ở chỗ nào, cần phải sửa những gì rồi rút ra bài học mới.

  • Kết bài:

Dối trá và lừa lọc là hành động của kẻ ngu xuẩn không có đủ trí óc để trung thực. Bởi thế, phải biết sống thật thà, hãy luôn là chính mình và đối diện với sự thật vì điều đó sẽ đưa chúng ta tới thành công. Một con người mà sống trong sự giả dối thì sẽ không bao giờ nhận được sự tin tưởng của người khác để mà tiến về phía trước giống như câu nói của Albert Einstein: “Người không coi trọng sự thật trong những vấn đề tiểu tiết cũng không tin cậy được trong việc lớn”.

Nghị luận về đức tính trung thực

4 Trackbacks / Pingbacks

  1. Khiêm tốn là gì? Tại sao cần phải rèn luyện tính khiêm tốn - Thế Kỉ
  2. Viết đoạn văn 200 chữ nghị luận về lòng vị tha - Theki.vn
  3. Suy nghĩ về tính tiết kiệm - Theki.vn
  4. Nghị luận về đức tính trung thực - Theki.vn

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.