Suy nghĩ về vai trò và ý nghĩa của lời ăn tiếng nói trong đời sống ngày nay

suy-nghi-ve-vai-tro-va-y-nghia-cua-loi-an-tieng-noi

Suy nghĩ về vai trò và ý nghĩa của lời ăn tiếng nói trong đời sống ngày nay.

  • Mở bài:

Ngôn ngữ chính là phương tiện giúp con người thực hiện các hoạt giao tiếp. Không có ngôn ngữ, nhất định sẽ không có văn mình. Hoạt động giao tiếp bằng ngôn ngữ trong đời sống thường ngày gọi là lời ăn tiếng nói. Lời nói chính là tấm gương của tâm hồn, nó phản ánh tính cách và phẩm chất của con người.

  • Thân bài:

Lời ăn tiếng nói là gì?

Lời ăn tiếng nói là các hoạt động trao đổi thông tin, ý nghĩ, tình cảm,… bằng ngôn ngữ của con người trong đời sống hằng ngày đáp ứng nhu cầu của cuộc sống. Lời ăn tiếng nói còn thể hiện tư cách đạo đức, nhân cách, nhân phẩm và văn hóa của con người. Bởi thế, qua lời ăn tiếng nói của một người mà có thể khẳng định nhân cách tốt hay xấu của con người đó.

Rèn luyện lời ăn tiếng nói như thế nào cho đúng đắn?

“Kiếm có thể làm tổn hại thân thể; lời nói có thể làm tổn hại tâm hồn”. Bởi thế, trước khi nói ta phải suy nghĩ kỹ rồi hãy nói:

+ Trước hết, phải biết ăn nói nhã nhặn, lịch sự, tôn trọng đối tượng đang giao tiếp (lí giải và dẫn chứng).

+ Ăn nói đúng mực, phù hợp với đối tượng và hoàn cảnh giao tiếp (lí giải và dẫn chúng).

+ Biết chào hỏi mọi người, nói lời xin lỗi, cảm ơn đúng lúc (lí giải và dẫn chứng).

+ Không ăn nói thô lỗ, cộc cằn, không xúc phạm người khác (lí giải và dẫn chứng).

+ Không được nói leo, nói hót, cướp lời của người khác (lí giải và dẫn chứng)

Ý nghĩa của lời ăn tiếng nói lịch sự, nhã nhặn.

Khi chúng ta biết “nói lời dễ nghe“:

+ Tạo được thiện cảm ở người khác, những mối quan hệ tốt đẹp với mọi người xung quanh (lí giải và dẫn chứng).

+ Từ cách ăn nói thuyết phục, ta tạo dấu ấn cho người khác, có cơ hội đạt được thành công (lí giải và dẫn chứng).

+ Làm vơi nỗi đau buồn, mang đến sự ấm áp và niềm vui cho người khác (lí giải và dẫn chứng).

+ Chính từ cách ăn nói mà ta còn tiếp một sức mạnh, tạo nguồn động viên cho người khác đứng dậy sau thất bại, vấp ngã (lí giải và dẫn chứng).

+ Lời ăn tiếng nói giúp ta giải quyết bất hòa trong cuộc sống (một câu nhịn bằng chín câu lành) (lí giải và dẫn chứng).

+ Ăn nói lịch sự, nhã nhặn là biểu hiện của lối sống văn minh, tiến bộ (lí giải và dẫn chứng).

+ Lời ăn tiếng nói chính là thước đo nhân cách con người (lí giải và dẫn chứng).

Khi chúng ta không biết ăn nói lịch sự, nhã nhặn:

+ Chẳng bao giờ có được sự quý mến từ người khác, đánh mất mối quan hệ tốt đẹp với người khác.

+ Làm đau lòng hoặc gây tổn thương người khác.

+ Là nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn, xung đột và thù hận trong cuộc sống.

+ Đánh mất cơ hội đạt được sự thành công vì cách ăn nói.

Bài học nhận thức.

+ Phê phán những kẻ ăn nói thộ lỗ, cộc cằn, xem thường người khác.

+ Chất giọng mỗi người khi sinh ra đã có nhưng để biết cách ăn nói thì ta phải tự rèn luyện (Học ăn, học nóị, học gói, học mờ).

+ Lời nói rất quan trọng nhưng không nên nói nhiều để làm phiền người khác.

+ Hãy lắng nghe để biết cách giao tiếp. Hãy nói những lời tốt đẹp thay vì những lời khó nghe bởi: Lời nói chẳng mất tiền mua…”.


Tham khảo:

Vai trò và ý nghĩa của lời ăn tiếng nói trong đời sống ngày nay.

  • Mở bài:

Người Việt Nam có nhiều điểm khá độc đáo trong tâm lý. Một trong những điều đó là rất chú trọng lời ăn, tiếng nói. Nhiều khi điều này được đặt lên hàng đầu, trờ thành quyết định cho thành công của nhiều công việc, nhất là ở phút đầu tiên, khi con người cần gây ấn tượng đối với người khác..

  • Thân bài:

Một ai đó có thể xuất hiện bằng một hình thực bên ngoài khá sang trọng, bắt mắt, kèm những chi tiết liên quan đến nhân thân: Học vị, nghề nghiệp, chỗ đứng xã hội, kinh tế vững vàng v.v… Nhưng nếu cất lời mà không dễ nghe thì mọi thứ nói trên sẽ trở nên vô nghĩa. Ngược lại, người chẳng có được ưu thế về mọi mặt như vừa nhắc tới mà nói năng dễ nghe thì sẽ nhanh chóng khiến đối tượng tiếp xúc có thiện cảm, làm cho người ta có thể quên mọi nhược điểm khác.

Không phải vô cớ, các cụ ta dạy: “Lời nói chẳng mất tiền mua. Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Không mất tiền mua, tức là rất sẵn, có rất nhiều, chẳng khó gì để có được. Vậy thì sao không lựa chọn những lời lẽ đẹp đề làm “vừa lòng nhau”?

Người xưa cũng từng khuyên rằng: “Ăn phải nhai, nói phải nghĩ”. Ăn mà không nhai, sẽ có hại, không tiêu hóa được thành các chất nuôi cơ thể. Giống như vậy, nói phải nghĩ. Nếu nói mà không suy nghĩ sẽ nói những điều dại dột, khiến người nghe phật ý, khó chịu, ghét khinh mình.

Nói năng mà từ tốn, dễ nghe thì dù có bị làm phiền, người ta cũng dễ đáp ứng lời yêu cầu, sự nhờ vả của mình. Chẳng hạn như người ta đang xem ti vi, mình gõ cửa muốn hỏi thăm đường đi, hay nhà ai đó, ắt là họ bị làm phiền. Nhưng mình có lời xin lỗi, rồi nói “Làm ơn, cho hỏi…”, sau đó lại cảm ơn, thể hiện thái độ khiêm nhường, từ tốn của người nhờ và thì người ta vui vẻ, sẵn sàng trả lời, có khi còn đưa sang tận nhà người mình định hỏi. Mình chỉ cần nhờ một, có khi người ta đáp ứng hai.

Ai đó mất rất nhiều công sức, thậm chí tổn kém tiền bạc giúp mình việc gì mà mình biết nói và thể hiện lòng biết ơn, coi trọng, đề cao giá trị việc họ giúp mình thì họ sẽ hả lòng, không đòi hỏi trả ơn, còn nói:  Không có gì, việc nhỏ thôi mà”. Nhưng ngược lại, việc họ giúp chỉ nhỏ mà mình bộc lộ sự coi thường, phủi công, vô ơn thi họ sẽ phật ý, bực mình, bỗng thấy việc giúp mình là to tát, phí công. Được lời tất sẽ cởi tấm lòng là như thế. Con người cần nhất là sự tôn trọng đề cao, biết đến cộng sức, tấm lòng, chứ không hẳn là phải đền đáp bằng tiền bạc, vật chất.

“Vàng thì thử lửa thử than / Chuông kêu thử tiếng, người ngoan thử lời“. Người Việt mình lại tinh tế ở chỗ: đủ phân biệt những lời chân thành, xuất phát từ trái tim nồng hậu, tấm lòng thiện chí với những lòi “có cánh”, giả dối, phát ra chỉ cốt để nịnh, lấy lòng, mong vụ lợi, thỏa mãn ý đồ ích kỉ. Lòng người Việt ta luôn rộng mở, sẵn sàng “cởi” với bất cứ ai có thiện chí, biết tôn trọng, nâng niu những giá trị tinh thần. Khi “được lời”, điều đó lại càng được bộc lộ, phát huy.

  • Kết bài:

Lời nói chẳng mát tiền mua / Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau. Xưa nay, con người thành công một phần do có năng lực, còn phần nhiều do biết ăn nói phải lời. Lời ăn tiếng nói thể hiện rõ nhất phẩm chất đọa đức và bản lĩnh sống của con người. bởi thế, hãy tận dụng sức mạnh của nó để tìm kiếm thành công và hạnh phúc trong cuộc sống này.


Tham khảo:

Vai trò và ý nghĩa của lời nói trong giao tiếp.

  • Mở bài:

Trong xã hội Việt Nam truyền thống với nền kinh tế chính là nông nghiệp, nên người dân sống phụ thuộc lẫn nhau và rất coi trọng việc giữ gìn các mối quan hệ. Người Việt muốn quan hệ tốt với các thành viên trong cộng đồng nên họ đặc biệt coi trọng và thích giao tiếp. Cũng vì thích giao tiếp, trở thành người quản giao và đã nảy sinh thêm các mối quan hệ: Dao năng mài năng sắc, Người năng chào năng quen. Giao tiếp cũng là một trong những tiêu chuẩn để đánh giá con người: Một thương tóc bỏ đuôi gà/ Hai thương ăn nói mặn mà có duyên.

  • Thân bài:

Do thích giao tiếp nên người Việt thường có nhu cầu thăm viếng, gặp gỡ nhau. Việc thăm viếng nhau không đơn thuần dừng lại ở nhu cầu của công việc mà chủ yếu xuất phát từ nhu cầu tình cảm, muốn thắt chặt thêm mối quan hệ giữa các bên. Thật vậy, trong văn hóa Việt Nam, khi thân thiết, người Việt sẽ đến nhà thăm nhau, cho dù họ gặp nhau ở một môi trường khác như công sở, nơi buôn bán… hằng ngày một cách thường xuyên hơn. Một mối quan hệ được xác định thân – sơ có một phần dựa vào việc đã biết và đến thăm nhà nhau hay chưa. Và khi khách đến nhà, dù thân – sơ, lạ – quen, người Việt đều thể hiện lòng hiếu khách, tiếp đón chu đáo để thể hiện thịnh tình của gia chủ: “Đói năm, không ai đói bữa; Khách đến nhà, không gà thì vịt…”

Như đã ăn sâu vào cốt cách, đa phần người Việt đều lấy tình cảm làm nguyên tắc ứng xử trong giao tiếp, để rồi luôn nhắc nhở nhau luôn trọng tình cảm hơn bất thứ điều gì trên đời. Người Việt vẫn biết rằng: Có tiền mua tiên cũng được, nhưng họ cũng biết rõ hơn rằng Có tình có nghĩa còn hơn cả tiền; hay Của tiền có có không không, Có tình có nghĩa còn mong hơn tiền…

Trong giao tiếp, người Việt vốn dĩ tế nhị và ý tứ nên có thói quen luôn cân đo đong đếm trước khi nói năng: “Ăn có nhai, nói có nghĩ”; “Lời nói không mất tiền mua, Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”; “Uốn lưỡi bảy lần trước khi nói”… Cho nên, bài học về nói năng được người Việt cho là quan trọng và học từ nhỏ cho đến suốt cuộc đời: Học ăn, học nói, học gói, học mở.

Đặc biệt, trong giao tiếp, người Việt rất chú ý đến tính trật tự, tôn ti, đúng quan hệ tuổi tác, thứ bậc trong họ hàng, ngoài xã hội. Nếu như trong tiếng Anh, đại từ nhân xưng là I và You, thì hệ thống xưng hô của người Việt thì rất phong phú, ngoài đại từ nhân xưng, còn sử dụng các từ chỉ quan hệ họ hàng (anh, chị, em, ông, bà, cô, bác, dì, con, cháu…); một số từ chỉ nghề nghiệp, chức vụ như: thầy, cô, bác sĩ…

Ông bà ta xưa cho rằng: “Trâu chết để da, người chết để tiếng”; “Đói cho sạch, rách cho thơm”; “Tốt danh hơn lành áo”… cho nên người Việt rất trọng danh dự. Chính lối sống trọng danh dự nên người Việt rất sợ tin đồn, sợ dư luận xã hội, sợ “mang tiếng” và sợ tai tiếng…

Muốn xây dựng lời ăn tiếng nói chuẩn mực, hướng đến giao tiếp hiệu quả, bản thân cần phải nỗ lực rèn luyện nhiều. Giao tiếp của người Việt vốn hàm chứa những nét đẹp như: trọng tình cảm, ý tứ, lễ giáo… song nó cũng hàm chứa một số đặc tính cần khắc phục. Chẳng hạn, dù thích giao tiếp và xởi lởi là vậy, nhưng điều đó chỉ bộc lộ trong phạm vi môi trường quen thuộc. Khi ra khỏi cộng đồng quen thuộc, ở một không gian khác, họ lại tỏ ra rụt rè, thiếu tự tin. Theo đó, một học sinh có thể thích giao tiếp trong phạm vi nhóm bạn của mình, trong lớp học của mình, hoặc trong gia đình của mình, nhưng ở một phạm vi rộng lớn hơn, môi trường khác như ở một gia đình khác, một ngôi trường khác… thường sẽ rụt rè hơn. Hoặc có trường hợp là “anh hùng bàn phím” trên không gian mạng nhưng kỹ năng giao tiếp bên ngoài lại kém, rụt rè, không dám nói trước đám đông.

Không giống như cuộc sống dưới lũy tre làng trước đây, trong xã hội tiến bộ với nhu cầu giao lưu rộng mở như ngày nay, khả năng trình bày vấn đề logic, khoa học, thuyết phục trước nhiều người là điều mà cần học hỏi, trau dồi ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Hiện có nhiều khóa học kỹ năng về giao tiếp, nói chuyện trước đám đông… để rèn luyện kỹ năng nói được các phụ huynh và giới trẻ quan tâm.

Trở lại với đặc tính giao tiếp của người Việt, cũng vì quá quan tâm đến người khác nên muốn thể hiện sự quan tâm đó thì người Việt có nhu cầu tìm hiểu về hoàn cảnh gia đình, tình trạng hôn nhân/yêu đương, độ tuổi, địa vị công việc, thu nhập, sức khỏe… của đối tượng giao tiếp. Đặc tính này vốn xuất phát từ tính cộng đồng, làng xã mà ra, khiến chủ thể giao tiếp bị đánh giá là tò mò, thiếu tính lịch thiệp, khiến đối tượng giao tiếp cảm giác khó chịu khi bị tìm hiểu quá sâu về đời tư.

Bên cạnh đó, đi kèm với đặc điểm trọng danh dự là bệnh sĩ diện. Vì quá coi trọng danh dự nên người Việt cho rằng: “Một miếng giữa làng hơn một sàn xó bếp”;” Ở đời muôn sự tại chung/ Hơn nhau một tiếng anh hùng mà thôi”; “Một quan tiền công không bằng một đồng tiếng thưởng”

Học ăn học nói mỗi ngày. Vẫn biết rằng, những hiện tượng tiếng lóng và cách nói giản lược từ là những bước phát triển nội tại của bất kỳ một nền ngôn ngữ sống nào để có thể trở nên sinh động, tiện dụng và hợp thời hơn. Nhất là với giới trẻ, đôi khi họ thể hiện chính mình bằng những câu nói vui tai, từ ngữ thuộc dạng xu thế (top trend), thời thượng, mà chưa hiểu hết ý nghĩa, tác động của nó. Do đó, việc sử dụng ngôn ngữ thời thượng và đồng thời giữ gìn những giá trị cốt lõi, tốt đẹp của truyền thống như: sự lịch thiệp, lễ phép, lối ứng xử trọng nghĩa tình, phù hợp với từng đối tượng giao tiếp, không gian giao tiếp, cần được giữ gìn, chú trọng rèn giũa mỗi ngày, ngay trong từng gia đình, lớp học… Đặc biệt, mỗi người lớn cần làm gương tốt và nhắc nhở con em mình, loại bỏ ngay tình trạng nói tục, chửi thề, tránh để những từ ngữ này xuất hiện phổ biến, trở thành bình thường hóa trong giao tiếp hằng ngày.

Có một thực tế cần nhìn nhận rằng, ở một thời đại mà từ người cao tuổi đến trẻ em đều dễ dàng tiếp cận các thiết bị di động cầm tay có kết nối internet, thì phương thức giao tiếp của con người cũng có những thay đổi nhất định. Bên cạnh kênh giao tiếp truyền thống “mặt đối mặt” (face to face), con người hiện đại còn có kênh giao tiếp trên không gian mạng. Và dần dần, kênh giao tiếp mặt đối mặt, với những giao tiếp từ lời nói, cử chỉ, điệu bộ, ánh mắt (body language)… đã có phần bị mất dần tần suất xuất hiện, nhường chỗ cho kênh giao tiếp trên không gian mạng thông qua ký hiệu của ngôn ngữ, các biểu tượng (icon).

Một hình ảnh thường thấy trong gia đình, các thành viên sau một ngày bận rộn cho việc học, việc làm thì ở giờ sinh hoạt chung, giải trí bằng cách mỗi người một điện thoại, ít giao tiếp với nhau. Ngoài xã hội, những bạn trẻ kéo nhau ra quán nước thì mỗi người một điện thoại và trao đổi thông qua thiết bị di động.

Trước thực trạng này, các chuyên gia, nhà khoa học và giới báo chí đều có những nghiên cứu, các phản ánh, ghi nhận về ảnh hưởng của các thiết bị di động đối với đời sống con người cả những mặt tích cực lẫn tiêu cực. Vấn đề là còn lại ở mỗi người, mỗi gia đình, nhà trường cần chú trọng hơn trong việc gìn giữ nét đẹp trong lời ăn, tiếng nói và ở mức độ cao hơn là lối sống, lễ nghĩa của cả một thế hệ…

  • Kết bài:

Người xưa từng nói: “Người thành tiếng nói cũng thanh / Chuông thanh dâu đánh bên thành cũng thanh“. Biết nói lời dễ nghe, lịch sự tế nhị trong giao tiếp sẽ giúp chúng ta không những được người khác quý trọng, yêu thương mà còn gặt hái được nhiều thành công trong cuộc sống này.

Nghị luận: Lời nói dối thường ngọt ngào, lời nói thật thường khó nghe (Lão Tử)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.