Suy nghĩ về vấn đề lời nói trong giao tiếp của học sinh ngày nay

suy-nghi-ve-van-de-loi-noi-trong-giao-tiep-cua-hoc-sinh-ngay-nay

Suy nghĩ về vấn đề lời nói trong giao tiếp của học sinh ngày nay

  • Mở bài:

Chúng ta có thể nhận thấy rằng, cuộc sống xung quanh ta đang giàu lên về vật chất, nhưng lại rất nghèo về văn hoá. Điều này được thể hiện rất rõ trong nói năng, giao tiếp hàng ngày, nhất là những con người được giáo dục một cách bài bản như học sinh. Văn hóa giao tiếp của học sinh ngày nay đang suy thoái trầm trọng. Thực trạng đáng buồn ấy một phần do gia đình và xã hội, phần khác cũng chính do sự giáo dục chưa nghiêm khắc và đúng đắn của nhà trường.

  • Thân bài:

Giao tiếp là gì?

Giao tiếp là một quá trình hoạt động trao đổi thông tin giữa người nói và người nghe nhằm đạt được một mục đích nào đó. Chức năng chính của hoạt động giao tiếp là trao đổi thông tin, hoặc điều khiển hành động hoặc phối hợp thực hiện công việc hoặc dùng để động viên, khuyến khích người khác nhằm tạo mối quan hệ xã hội, cân bằng cảm xúc và phát triển nhân cách con người.

Thực trạng giao tiếp của học sinh ngày nay.

Một trong những vấn đề đáng báo động trong đời sống học đường đó là học sinh có cách nói năng, giao tiếp thiếu văn hoá, không theo chuẩn mực của Tiếng Việt. Nó không phải chỉ diễn ra ở một vài trường hợp cá biệt mà gần như trở thành lối giao tiếp quen thuộc của hầu hết học sinh ở các trường học hiện nay.

Học sinh ngày nay vô lễ hơn học sinh ngày trước. Nhiều học sinh ăn nói tục tằn, thô lỗ, pha tạp, lai căng hết sức phản cảm. Nhiều học sinh khác kiêu căng, hống hách, thậm chí tỏ thái độ coi thường tất cả. Cấu trúc lời nói của học sinh không rõ ràng, lắp ghép tùy tiện. Bởi thế, có nhiều kiểu nói hoặc thô thiển, hoặc khó hiểu, hoặc tối nghĩa.

Hậu quả của lối giao tiếp thiếu chuẩn mực và trong sáng.

Nói năng, giao tiếp có văn hoá sẽ là cơ sở hình thành nhân cách tốt cho mỗi con người.  Việc xem thường ngôn ngữ trong giao tiếp khiến cho văn hóa của học sinh đang trên đà suy thoái nghiêm trọng. Học sinh ngày nay thiếu lễ độ, không tôn trọng người khác, xem thương quy định và luật pháp. Nhiều học sinh vì thế mà dễ sa ngã vào tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật, nhận lấy những hậu quả nặng nề.

Lối giao tiếp thiếu lịch sự, vô văn hóa của học sinh không những làm mất đi sự trông sáng của tiếng Việt mà còn làm cho văn hóa giao tiếp cộng đồng trở nên lệch lạc, thiếu chuẩn mực. Từ một vài học sinh, lối giao tiếp ấy làm lây lan trong nhóm, tập thể nhiều học sinh khác bởi tính đua đòi, bắt chước, thấy lạ mà thích của tuổi trẻ.

Cần phải làm gì để rèn luyện lối giao tiếp chuẩn mực và trong sáng?

Muốn giao tiếp chuẩn mực, tế nhị, trong sáng và hiệu quả, không gì khác ngoài việc biết tuân thủ các nguyên tắc đã được quy định trong giao tiếp. Nguyên tắc giao tiếp là những tư tưởng chủ đạo, những tiêu chuẩn hành vi mà người thực hiện giao tiếp phải tuân thủ một cách triệt để.

Trước hết là có ý thức trong ứng xử và giao tiếp. Trong giao tiếp phải biết tôn trọng người khác, biết hợp tác để cùng giải quyết vấn đề. Cũng cần biết lắng nghe và trao đổi thẳng thắn, ngắn gọn rõ ràng, công bằng và dân chủ dưa trên cơ sở là sự hiểu biết lẫn nhau. Có thái độ chân thành khi đóng góp, xây dựng  đối với những người nói năng, giao tiếp thiếu tính văn hoá.

Phải có sự thông cảm, kiên nhẫn và chấp nhận trong giao tiếp. Mục đích của giao tiếp là giải quyết vấn đề giao tiếp một cách ổn thỏa nhằm đạt được lợi ích về vật chất hoặc tinh thần. Không phải lúc nào cuộc sống cũng công bằng, đúng sai rõ ràng. Cảm thông, chia sẻ, động viên khích lệ khi người khác gặp khó khăn là việc làm rất cần thiết.

Tự rèn luyện bản thân, nâng cao nhân cách, nhâm phẩm, đạo đức tốt đẹp, hướng đến nền văn hóa trong sáng, lành mạnh và tiến bộ. Lên án, phê phán những người ăn nói thô lỗ hoặc có hành vi giao tiếp thiếu chuẩn mực, không trong sáng làm ảnh hưởng hoặc xúc phạm người khác. Tích cực tuyên truyền và thực hiện lối giao tiếp cởi mở, có văn hóa trong cộng đồng.

  • Kết bài:

Một lời bất cẩn có thể nhóm lên xung đột. Một lời tàn nhẫn có thể phá hỏng một cuộc đời. Một lời đúng lúc có thể xua đi căng thẳng. Nhưng một lời yêu thương có thể chữa lành và chúc phúc. Nói như thế nào là do bản thân chúng ta lựa chọn. Mỗi hành động đều đem đến một kết quả nhất định. Vì thế, hãy rèn luyện lời nói của mình để có được một lối giao tiếp lành mạnh, trong sáng và hiệu quả trong cuộc sống.

3 Trackbacks / Pingbacks

  1. Nghị luận về sức mạnh của lời nói - Theki.vn
  2. Từ ý nghĩa câu Chim khôn kêu tiếng rảnh rang..., hãy suy nghĩ về vai trò của lối giao tiếp lịch sự, tế nhị - Theki.vn
  3. Ngôn phong là gì? Học sinh rèn luyện ngôn phong như thế nào? - Theki.vn

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.